Văn học trong nước sắp qua nhịp nghỉ dài?

Thứ hai - 31/05/2010 17:03 1.903 0

Độc giả vẫn dành cho văn học trong nước sự quan tâm riêng. Trong ảnh: nhà văn Dạ Ngân và Nguyễn Danh Lam ký tặng sách tại Hội sách TP.HCM lần 6.

Độc giả vẫn dành cho văn học trong nước sự quan tâm riêng. Trong ảnh: nhà văn Dạ Ngân và Nguyễn Danh Lam ký tặng sách tại Hội sách TP.HCM lần 6.
Sau chừng năm năm sách dịch áp đảo trên các kệ sách thì gần đây, nhiều công ty, nhà xuất bản bắt đầu quan tâm trở lại với mảng văn học trong nước như kiếm tìm một sự dung hoà hợp lý. Với khí hậu văn học như hiện nay, có lẽ quãng nghỉ ba – năm năm được xem là chu kỳ để mong chờ chớp bắt được một chuyển động nào đó, khám phá một lớp tên tuổi hay tác phẩm mới mẻ.

Tín hiệu cho cuộc trở lại này là cuộc thi Văn (tiểu thuyết) của công ty sách Bách Việt tính đến tháng 5.2010 đã nhận được 82 bản thảo, trong đó ban tổ chức đã chọn được ba cuốn để in vào chung khảo. Với một công ty sách thường dễ dàng chấp nhận in nhiều bản thảo đầu tay của các cây bút mới viết, thì đây là cuộc thi tạo ra sức hút nguồn bản thảo trong nước để có thể lên những kế hoạch xuất bản dài hơi sau cuộc thi. Ngoài ra, lập giải thưởng tư nhân, nếu tạo được niềm tin, thì chắc chắn cũng là cách đánh bóng thương hiệu tốt giữa lúc những giải “quốc doanh” đang dần dần đánh mất chỗ đứng trong lòng người đọc.

Trong khi đó, Phương Nam Books thời gian gần đây lại chọn một phương cách riêng để thu hút bản thảo trong nước: sẵn sàng hợp đồng in số lượng “trên thông thường” (trên 1.000 bản) và với một mức thỏa thuận về nhuận bút khá tốt cho những tác giả: Dạ Ngân, Nguyễn Danh Lam, Hồ Anh Thái,…

Tủ sách Văn Mới của Đông A cách đây 4 năm đã cho ra nhiều tác phẩm văn học trong nước thì gần đây thận trọng hơn, ít cho xuất hiện những tác phẩm mới như thời gian đầu (theo giám đốc công ty này là bán rất chậm) để dồn mối quan tâm cho sách ảnh thiếu nhi. Nhưng nếu theo dõi kỹ, người đọc sẽ nhận ra các tuyển tập hàng năm, 5 năm của Văn Mới vẫn được in như một cách duy trì sức sống của logo và giữa gìn mối quan hệ với những nhà văn trong nước. Thận trọng hơn có lẽ là Nhã Nam, công ty đã tạo được chỗ đứng thương hiệu trong lòng độc giả về sách văn học dịch, thì thời gian gần đây đang có xu hướng in lại một số bộ tuyển tập quan trọng của các nhà văn trong nước: Trần Dần, Lưu Quang Vũ. Theo một nguồn tin riêng, trong thời gian tới công ty này cũng sẽ đầu tư vào một số tác giả đương đại trong nước.

Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội nhà văn TP.HCM qua mỗi đợt tổ chức, thường khai thác được khá nhiều bản thảo mới, khám phá ra một lớp những cây bút mới. Một tin vui từ ban tổ chức, trong đợt phát động này (thời gian từ 3.2009 đến 5.2010), ban tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4 cho biết, số bản thảo gởi về đã lên đến con số 197 trong khi thời hạn nhận tác phẩm còn kéo dài đến hết tháng 6 tới. Có nhiều cơ sở để có thể hy vọng vào cuộc xét giải lần này sẽ phát hiện nhiều bản thảo xứng đáng.

Thời gian qua, nhìn vào giá sách văn học trong nước, bên cạnh sự bền bỉ đường dài của những tác giả tên tuổi trước đây thì người đọc chứng kiến sự xuất hiện sự chắc tay, mạnh mẽ của những cây bút thế hệ sinh những năm 70, 80. Nhiều nhà văn tuổi 30-40 đã thể hiện dấu ấn với loại hình tiểu thuyết: Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Phan Hồn Nhiên,… Người đọc cũng cảm nhận được nội lực và quyết tâm đổi mới cách nhìn, cách viết, dấu ấn riêng nơi những cây bút: Nguyễn Ngọc Tư, Nhã Thuyên, Phan Việt, Đỗ Hoàng Diệu… Và lớp nhà văn mới, bên cạnh những “lùm xùm” thời sự văn học blog, cũng đã xuất hiện vài nhân tố mới.

Từ tác phẩm Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) khoảng 2005-2006 đến nay, có lẽ là một nhịp nghỉ dài đối với đời sống tác phẩm văn học trong nước nhìn từ góc độ hiện tượng xuất bản. Nhưng với những dữ liệu đang có, với sự quay trở lại kiên nhẫn lùng tìm tác phẩm mới từ các nhà xuất bản, công ty kinh doanh sách, có thể tin rằng, trong thời gian ngắn tới, những độc giả kiên nhẫn với văn học trong nước sẽ có nhiều cái mới để đọc.

Tác giả: Nguyễn Vinh

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây