Nhà văn trẻ Trung Quốc đang đứng trước những thách thức gì?

Thứ hai - 14/06/2010 15:47 1.810 0
Có một hiện tượng khiến nhiều người chú ý, đó là nhà văn Trung Quốc đang phải đối mặt với "hoàn cảnh khốn đốn ở tuổi trung niên". Kể từ văn học hiện đại, tác phẩm chủ chốt của nhà văn chủ chốt đều được viết khi họ trẻ.

Khi đã đứng tuổi, một số người không viết nữa, một số người tuy vẫn viết nhưng tác phẩm không còn ý nghĩa tiêu chí trong lịch sử sáng tác cá nhân. Từ góc độ này mà nói, văn học của nhà văn trẻ trên thực tế thay mặt cho văn học đương đại, hoặc có thể nói đó là bộ phận  quan trọng nhất của văn học Trung Quốc kể từ thời hiện đại đến nay.

 Trong ba mươi năm đổi mới, văn học đương đại Trung Quốc mỗi một lần biến đổi hầu như đều do nhà văn trẻ phát động và hoàn thành. Ngay từ khi bước vào sáng tác, họ luôn có khát vọng biến cách, giải phóng. Chính nhờ sự biến cách của các thế hệ nhà văn trẻ mà văn học có được phương hướng mới và khả năng mới khi xử lý đề tài.

Ðầu thời kỳ đổi mới, nhà thơ "mông lung" mà tiêu biểu là Thư Ðình, Cố Thành, Giang Hà, Bắc Ðảo trỗi dậy đã làm thay đổi mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Sau đó văn học "tiên phong" mà tác giả tiêu biểu là Tàn Tuyết, Tô Ðồng, Tôn Cam Lộ, Diệp Triệu Ngôn ra đời, một loạt nhà văn mới khoảng 20 tuổi, thậm chí còn trẻ hơn lứa "sau 80" hiện nay đã làm thay đổi mối quan hệ giữa văn học và ngôn ngữ. Rồi đến các nhà tiểu thuyết "tân tả thực" như Trì Lợi, Phương Phương, Lưu Hằng, Lưu Chấn Vân đã làm thay đổi phương thức văn học xử lý kinh nghiệm như thế nào.Tiếp theo, lớp nhà văn sinh những năm 70 xử lý phương thức thể hiện dục vọng và thân thể trong bối cảnh văn học bước vào thị trường, được chú ý có Chu Văn, Hà Ðốn, Khưu Hoa Ðống, Trương Hân. Ðến lứa  "sau 80" thì cảm giác đứt đoạn càng có biến đổi bản chất hơn và lớn hơn.

Từ mấy nét khái quát trên đây có thể thấy, ba mươi năm qua, sáng tác của nhà văn trẻ luôn xoay quanh một chủ đề là từ "viết gì" đến "viết thế nào". Thơ "mông lung" ngay khi mới bắt đầu đã có biến đổi về cách viết; mặt khác cũng biến đổi về "viết gì". Cây cối, hoa lá trong thơ họ chẳng những là sự biến hóa của phù hiệu mà còn bao hàm sự biến hóa về quan niệm văn học. Sau câu hỏi "viết gì" thì vấn đề "viết thế nào" lại một lần nữa được nêu ra, nhưng trong những năm gần đây, nhà văn "sau 80" nổi lên đã đảo lộn về căn bản rất nhiều quan niệm văn học nói trên.

 Nhà văn trước đây về cơ bản hiện diện nhờ tạp chí, nhà phê bình và văn học sử, nhưng bây giờ lứa nhà văn trẻ nhất, không một ai bước lên văn đàn nhờ tạp chí. Họ không quan tâm nhà phê bình nói thế nào về họ, đồng thời cũng không quan tâm rồi đây văn học sử viết về họ như thế nào. Họ chẳng để ý xem các tạp chí văn học có nghiên cứu tác phẩm của mình hay không mà chỉ rất chú ý xem các nhà báo, các phương tiện thông tin như mạng in-tơ-nét, truyền hình... đã giới thiệu, lăng-xê họ như thế nào. Trong tầm mắt của họ, nhà xuất bản, gặp mặt bạn đọc, họp báo và phương tiện truyền thông là hoàn cảnh sinh tồn tam vị nhất thể của họ.

 Hiện nay, hứng thú sáng tác và đọc cũng biến đổi rất lớn. Một nhà xuất bản đã thử làm  cuộc điều tra thì thấy người đọc, người mua sách hiện nay về cơ bản là lứa trẻ. Mấy đặc trưng của văn hóa hậu hiện đại như đọc nông, đọc cóc nhảy, đọc theo cảm giác mà không đọc sâu đều thấy rất rõ ở người viết trẻ và bạn đọc trẻ. Người nghiên cứu đều ngờ và lo ngại không biết quan niệm văn học kinh điển và phương thức truyền bá văn học kinh điển mà lâu nay vẫn được tuân thủ có còn khả năng ảnh hưởng tới thế hệ nhà văn trẻ hơn nữa hiện nay hay không?

Thế hệ nhà văn trẻ nhất hiện nay có một lớp bạn đọc rất đông đảo. Họ có phương thức lời thoại và đặc điểm sáng tác riêng của mình, nhưng văn học có thể không truyền cho đời sau bằng phương thức đó được. Theo nhà nghiên cứu Tạ Hữu Thuận, họ vẫn có những vấn đề cần phải đối mặt:

Một là, nội dung sáng tác của họ phổ biến tập trung ở cuộc sống thời thượng tại đô thị, đó là giới hạn và lĩnh vực kinh nghiệm sáng tác của họ. Nhưng sáng tác ấy thực ra tồn tại nguy cơ, đó là có càng nhiều hơn mảng sống vô danh, ẩn danh không xuất hiện dưới bút của họ. Họ hầu hết đều viết về một loại cuộc sống thời thượng ở đô thị, do đó có thể một thời gian sau không tìm thấy tung tích cuộc sống nông thôn trong sáng tác ấy nữa. Sau 50 năm nữa, khi bạn đọc và người nghiên cứu đương thời đọc tác phẩm hôm nay, một ảo giác sẽ xuất hiện, đó là cảm thấy thế hệ nhà văn này đều uống cà-phê, ăn hăm-bơ-gơ, du lịch thế giới và mặc hàng hiệu. Thế hệ sáng tác trẻ hơn nữa cần cảnh giác với việc một loại kinh nghiệm này tiêu diệt một loại kinh nghiệm khác. Từ góc độ này mà nói, một số nhà nghiên cứu thiên về coi trọng những sáng tác cung cấp tiếng nói của một cuốc sống khác ngoài cuộc sống ăn sung mặc sướng, như thơ của Trịnh Tiểu Quỳnh, tuy rằng tiếng nói này hiện nay còn khá yếu ớt.

Hai là, về cơ bản nhà văn trẻ đang thiếu hụt những gì ấm áp, thiếu hụt cái nhìn công bằng hơn đối với cuộc sống đương đại.

Ba là, phương thức lời thoại của họ rất có cá tính nhưng hiện nay cái gọi là phương thức lời thoại khôi hài, gây cười đã chiếm vị trí chủ lưu. Về hiện thực  xã hội Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, nếu nhà văn trẻ cứ dùng phương thức hài hước, chọc cười để miêu tả hiện thực thời đại này thì có thể quá phiến diện. Văn học nếu chỉ gây cười thì sẽ thiếu đi sức mạnh trang trọng. AQ chính truyện của Lỗ Tấn tuy cũng dùng phương thức lời thoại khôi hài nhưng người đọc vẫn thấy được cốt lõi trang nghiêm trong đó. Về phương diện này, nhà văn trẻ còn thiếu hụt nhiều.

Còn theo nhà nghiên cứu Giang Băng, ba cột mốc mà nhà văn trẻ cần phải vượt qua gồm:

Thanh xuân là tài nguyên sáng tác quan trọng và duy nhất, là thế mạnh và đặc điểm của văn học trẻ. Những từng trải, tâm lý, kinh nghiệm của họ quả thật có sự khu biệt mang tính đứt đoạn với nhà văn thế hệ trước, đó là lý do và nguyên nhân chủ yếu để văn học của lứa "sau 80" được tồn tại và nhanh chóng tự thành một cách cục riêng. Mặt khác, khi thanh xuân trở thành tài nguyên sáng tác duy nhất của họ thì tầm nhìn của họ vì thế cũng bị hạn chế. Vì thế họ cần phải thực hiện việc chuyển hoán tài nguyên thanh xuân ấy sao cho thành công, đó là điều kiện quyết định để họ có mặt trong văn học sử với thành tựu tác phẩm văn học chứ không phải chỉ là một hiện tượng - tiền đề của văn học.

Nhà văn "sau 80" rõ ràng có ưu thế trời cho để hoàn toàn dấn thân vào thành phố hiện đại. Tuy nhiên, có chuyển hoán được kinh nghiệm cá nhân về đời sống thành phố hiện đại thành thể nghiệm văn học sâu sắc có tính điển hình, tính phổ biến hay không chính là thách thức mà họ cần phải vượt qua.

Nhà văn "sau 80" với mong mỏi được gia nhập dòng chủ lưu của văn đàn thì rõ ràng họ cần cẩn thận đối với ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng in-tơ-nét đối với văn học. Nhà nghiên cứu cảnh báo, văn học "sau 80" trong khi được người cùng thời đại thừa nhận và được thị trường "báo đáp" thì đồng thời cũng có thể khiến mình "trụy lạc" thành sáng tác loại hình có tính tiêu dùng.

Tác giả: PGS PHẠM TÚ CHÂU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây