Tản mạn về Hội nghị những người viết văn trẻ

Thứ tư - 03/08/2011 07:07 3.172 0

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú
Suốt từ mấy tháng nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã “rạo rực” về Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, dự định diễn ra vào cuối quý 3 năm 2011.

Đây là một hoạt động quan trọng, có hẳn một Ban chỉ đạo, một Ban tổ chức và cả một guồng máy lớn của Hội nhà văn Việt Nam đứng ra lo cho những người viết trẻ. Không ít người lầm tưởng rằng Hội nghị chỉ là hoạt động thuần túy của Ban nhà văn trẻ, trong khi 9 thành viên của Ban nhà văn trẻ khóa 8 chỉ có 3 người tham gia Ban tổ chức. Ban nhà văn trẻ cũng như các ban và các Hội đồng khác của Hội nhà văn được Ban tổ chức giao cho một số phần việc liên quan đến nhân sự và nội dung của Hội nghị. Chỉ thế thôi, Ban nhà văn trẻ không quan trọng đến mức quyết định mọi vấn đề của Hội nghị, cũng không hoàn toàn có thể thay mặt được cho hàng trăm đại biểu từ khắp mọi miền đất nước phát ngôn tất cả vấn đề của Hội nghị. Nói như vậy để khẳng định thêm một điều rằng, Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 8 này, cũng như 7 hội nghị trước đây, là hoạt động của Hội nhà văn Việt Nam và chịu sự chỉ đạo trực tiếp, mọi mặt của Ban chấp hành Hội mà cụ thể là Ban thường vụ do Chủ tịch Hữu Thỉnh đứng đầu.

Thế nào là người viết trẻ? Có nhiều cách hiểu khác nhau, có thể là trẻ về tuổi đời, có thể là trẻ về tuổi nghề (viết), lại cũng có thể là trẻ về sự mới lạ, cách tân trong cách viết… Nhưng tựu trung lại trẻ về tuổi đời vẫn là cách hiểu phổ biến và gần với thực tế hơn cả. Vấn đề tuổi luôn được đặt ra trong tiêu chí chọn đại biểu mỗi khi đến kỳ Hội nghị. Khi là dưới 40, lúc lại là dưới 35, rồi đặt ra thêm cái gọi là “đặc cách”, rồi “ưu tiên”, rồi “ngoại lệ”… Hội nghị lần 8 này, vấn đề tuổi được Ban tổ chức đặt ra ngay trong phiên họp đầu tiên, đó là 35 tuổi trở lại. Nếu nhìn nhận các cây bút trẻ là 35 tuổi đổ lại thì có thể nói Hội nghị 5 (1998) là một “mùa vàng” bởi đa số những cây bút trẻ ở Hội nghị 5 tiếp tục đủ độ tuổi để dự Hội nghị 6 rồi Hội nghị 7, đến nỗi, ở Hội nghị 7 có người đã thốt lên: “Toàn gặp các gương mặt cũ”. Cho đến Hội nghị 8 này thì đa số những người dự Hội nghị 5 đã quá tuổi, người có thể dự đến 4 Hội nghị liền mà vẫn dưới 35 nghe chừng chỉ còn có Vi Thùy Linh và Lê Thiếu Nhơn.

Vi Thùy Linh - cây bút từng nhiều lần dự Hội nghị những người viết văn trẻ.

Nói như thế để thấy rằng, sau gần 15 năm, nhìn vào một Hội nghị viết văn trẻ, mới lại có thể thấy một “mùa vàng” mới. Và như thế, Hội nghị 8 sẽ là Hội nghị của một lứa đại biểu mới, lạ và ít nổi tiếng hơn nhưng lại là lực lượng có thể làm nên nhiều điều bất ngờ cho văn học hơn ở giai đoạn hậu Hội nghị. Còn nhớ ở Hội nghị 5, những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn đều chưa nổi tiếng như bây giờ. Rất nhiều gương mặt đại biểu trẻ của Hội nghị 8 này, không thể khác được, sẽ là những cây bút nổi tiếng trong tương lai và chúng ta có quyền tin tưởng vào sự bứt phá của văn học nước nhà ở những cái tên có phần lạ hoắc khi đến với Hội nghị lần này.

Trung bình thời gian giữa hai kỳ Hội nghị thường kéo dài 5 năm. (Trừ trường hợp Hội nghị 6 chỉ diễn ra sau Hội nghị 5 có 3 năm vì… phấn khởi chào thiên niên kỷ mới!). Sáu Hội nghị đầu tiên hầu như chỉ diễn ra ở Hà Nội, đến Hội nghị thứ 7 mới “ra khỏi Hà Nội” tổ chức ở Hội An (Quảng Nam). Địa điểm tổ chức Hội nghị cũng là vấn đề thường được đưa ra bàn thảo. Nhiều người thích ở Hà Nội vì đó là dịp để các đại biểu được “một lần đến thủ đô”. Tổ chức ở Hà Nội thì rõ là tiện cho công tác tổ chức nhưng làm nhiều thì cũng nhàm. Đưa ra các tỉnh thì công tác tổ chức sẽ “mệt” hơn nhưng có sức hấp dẫn đối với nhiều người. Lần trước tổ chức ở giữa đất nước, các đại biểu từ hai đầu đất nước đổ về miền Trung, có sự tao ngộ giữa phố cổ Hội An nhưng chưa thỏa mãn một chuyến đi dọc tổ quốc. Lần này tổ chức ở Tuyên Quang, các đại biểu “đắc lợi”, vừa được đặt chân đến thủ đô, lại vừa được đi một loạt tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc xưa. Cũng không ít ý kiến cho rằng sao không tổ chức ở miền Nam hay cao nguyên, ở đâu cũng có cái hay, cái lạ nhưng làm được điều này chắc phải chờ đến các Ban chấp hành khóa sau của Hội nhà văn Việt Nam.

Nội dung Hội nghị cũng luôn là vấn đề được trao đi đổi lại sau mỗi kỳ gặp gỡ của những người viết trẻ. Khai mạc, bế mạc, tọa đàm, thảo luận nhiều quá thì kêu là mệt, là nghe rao giảng, là dạy dỗ nhau làm thơ viết văn. Tổ chức đi tham quan các tòa soạn báo, các danh lam thắng cảnh, các trọng điểm kinh tế thì kêu là 3 ngày hội nghị thở không ra hơi, chết mệt vì mùi xăng xe. Bày ra tắm biển, đọc thơ trên phố cổ, giao lưu trên du thuyền thì bảo mấy ông bà trẻ mải vui chơi, thiếu nghiêm túc, không quan tâm đến văn chương cần phải viết ra sao để có được “đỉnh cao”. Ôi chao, ý kiến nào cũng đáng yêu, cũng hồn nhiên, cũng tâm huyết và ngay thẳng, nhưng cũng chỉ phản ánh một góc nhìn, một tâm thế, một “cái tôi”. Hàng trăm đại biểu là hàng trăm cái tôi, Ban tổ chức phải nghe cả, tiếp thu cả, phục vụ cả, thỏa mãn cả trong chừng mực có thể, vui đấy nhưng mà cũng mệt đấy, phấn khởi đấy nhưng mà cũng tủi thân đấy, chờ đợi, hy vọng đấy nhưng mà cũng buồn và thất vọng lắm lắm…

Lần này Hội nghị sẽ có những nội dung gì? Tất nhiên không thể thiếu phần nghi lễ khánh tiết. Phải có khai mạc và bế mạc. Rồi vấn đề gì của văn chương cần phải mang ra mà “xới xáo” đây? Vậy là phải có tọa đàm. Đấy là phần “Nghị”. Còn phần “Hội” thì sao? Có dâng hương Đền Hùng, có tham quan khu di tích Thủ đô gió ngàn, có đốt lửa trại. Nghị thì nghị bao nhiêu cho vừa? Và hội thì hội bao nhiêu cho đủ? Tất cả chỉ có 3 ngày. Ba ngày ấy là hiện hữu. Còn những tháng ngày đằng đẵng sau này dành cho văn chương mới là miên man nhọc nhằn, mới là triền miên dốc đèo, mới là muôn sông ngàn núi cần phải vượt qua. Và rồi ai sẽ tiếp tục và ai sẽ bỏ cuộc? Người bỏ cuộc có đáng trách không? Tất nhiên là không. Văn chương là công việc tự nguyện kia mà. Theo được đến đâu thì theo, không theo được thì thôi, tội lỗi gì đâu mà trách với móc. Theo hoài mà vẫn không tới đâu cả thì có đáng trách không? Cũng không. Vì tài có vậy. Ai chả muốn có những tác phẩm rúng động tâm can người đời. Ai chả muốn chạm tay đến cõi bất tử. Ai chả muốn những điều mình viết là châu ngọc. Nhưng không thể thì đành chịu. Có trách thì trách ông trời không ban phát cho dân Việt nhiều tài năng kinh động thế gian, chứ trách làm gì những người miệt mài với chữ nghĩa mà chữ nghĩa cứ ngoảnh mặt đi? Vậy thì ba ngày ở Hội nghị có ý nghĩa như thế nào trong đời văn mỗi người? Có thể là thêm bạn bè, có thể là biết thêm một vùng đất mới, có thể là gặp được thần tượng văn chương của mình, có thể là sưu tầm chữ ký kỷ niệm, có thể là ngộ ra một hay nhiều điều gì đó về cái gọi là trường văn trận bút, có thể và có thể. Hoặc cũng có thể chả có ý nghĩa gì. Nếu thế thì cách tốt nhất là hãy an nhiên với cuộc đời, hãy cứ viết, cứ sống, cứ đi dự Hội nghị và tự tìm thấy điều gì cần tìm, không tìm thấy gì thì thôi, chả chết ai và cũng chả chết mình. Cũng chả nên quá ham hố để “được đi” hoặc quá buồn chán khi “không được đi”. Đi rồi không hẳn trở về sẽ thành nhà văn nổi tiếng, mà không đi thì cũng vẫn có thể thành nhà văn đích thực kia mà.

Nhưng có một thực tế rằng, rất nhiều người viết trẻ rồi sẽ thành người viết già, rồi sẽ thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, rồi sẽ nổi tiếng hơn và đến lúc nào đó, qua sự sàng lọc nghiệt ngã, trở thành cây đa cây đề, trở thành “nhà văn nhớn”, trở thành nguyên khí quốc gia. Hầu hết hội viên Hội nhà văn hiện nay đều đã ít nhất một lần tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ. Có nghĩa rằng Hội nghị này chính là một cuộc điểm binh lực lượng hậu bị của Hội nhà văn. Nhìn sang các Hội khác, như âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu… không thấy Hội nào chuẩn bị đội hậu bị của mình bằng Hội nghị trẻ cả. Vậy thì Hội nghị trẻ của giới văn chương có thể được nhìn nhận là văn chương được coi trọng hơn, được ưu ái hơn và cũng được kỳ vọng hơn. Có người đã nói văn học là cái gốc của mọi loại hình nghệ thuật. Vì thế chăm lo cho cái gốc này cần phải có nhiều cách, trong đó có việc tổ chức những Hội nghị viết văn trẻ chăng? Mục đích của nó là quy tụ, bồi dưỡng, tạo nguồn, định hướng cho các thế hệ nhà văn trong tương lai. Quy tụ thì rõ rồi, hầu như không sót một gương mặt tài năng trẻ nào trên cả nước mà không tham dự. Bồi dưỡng và định hướng thì cũng rõ rồi, không ai đi dự Hội nghị mà không biết mình đang viết văn cho dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình. Tạo nguồn thì cứ chờ thời gian trả lời. Nhưng nhìn chung Hội viên tương lai của Hội nhà văn không từ số những người viết trẻ này thì từ đâu mà ra? Chỉ nhìn từ Hội nghị trước đến Hội nghị này, hàng loạt cây bút trẻ của ngày hôm qua đã trở thành Hội viên chính thức của Hội nhà văn ngày hôm nay, như Phạm Duy Nghĩa, Lê Thanh My, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Phùng Văn Khai, Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Trần Huyền Sâm, Bùi Tuyết Mai, Trần Thu Hằng, Phạm Nguyên Tường, Di Li… Nhiều tác giả đã trưởng thành cả về tác phẩm lẫn năng lực tổ chức quản lý, trở thành nguồn cán bộ cho Hội nhà văn. Ban nhà văn trẻ gồm 9 thành viên, ngoài trưởng ban là nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà thơ Hữu Việt thuộc lớp 6x, các thành viên còn lại đều thuộc thế hệ 7x và đều có dấu ấn sáng tác tốt trong dăm năm qua. Đây cũng có thể sẽ là nguồn cán bộ bổ sung cho Ban chấp hành Hội trong những khóa tới.

Lại bàn về thành phần dự Hội nghị. Số lượng đại biểu văn và thơ bao giờ cũng nhiều và sẵn. Còn nhớ ở Hội nghị 5 chỉ có 3 đại biểu phê bình. Hội nghị 6 và Hội nghị 7 số lượng đại biểu viết phê bình cũng không nhích lên được bao nhiêu. Đã có thời điểm nhiều diễn đàn lên tiếng về việc thiếu hụt lực lượng phê bình trẻ. Đến Hội nghị 8 lần này, chỉ lướt qua các đề cử đã thấy số đại biểu viết phê bình bỗng tăng đột biến, có tới hơn chục người. Các đại biểu dịch thuật ở những Hội nghị trước hầu như không có, lần này cũng có khá nhiều đề cử. Vậy ra đang hình thành lớp tác giả phê bình và dịch thuật mới, rất trẻ trung, rất hào hứng khởi sự. Họ sẽ đồng hành cùng lớp viết trẻ mới đang xuất hiện như một “mùa vàng” kể từ 15 năm qua. Đội ngũ dịch thuật rất cần cho văn học nước nhà. Họ đã và đang làm rất tốt công việc dịch xuôi (tức là dịch tác phẩm của nước ngoài vào Việt Nam). Tới đây, nếu họ làm tốt công việc dịch ngược (tức là dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài nữa) thì tuyệt vời biết bao. Thời hội nhập là thời của “bước một bước là ra với thế giới”, không trông chờ vào đội ngũ dịch thuật giỏi thì đừng hòng hy vọng văn chương Việt Nam có thể “xuất khẩu” ra bên ngoài tổ quốc.

Lại nói một chút về những đại biểu quân đội. Ở những Hội nghị 1, 2 số đại biểu mặc áo lính khá nhiều, thậm chí áp đảo đại biểu dân sự. Điều ấy dễ hiểu vì đất nước ta là đất nước của chiến tranh. Các cây bút trẻ tiêu biểu nhất của đất nước thời kỳ đó cũng hầu như từ mặt trận trở về. Đến Hội nghị 3 trở đi thì vắng dần những cây bút trẻ mặc áo lính. Từ Hội nghị 3 đến Hội nghị 7 chưa có Hội nghị nào số đại biểu mặc áo lính đạt tới con số 10 người. Tới Hội nghị 8 này, trong quá trình chuẩn bị nhân sự, trong khi nhận thấy có một lứa viết trẻ mới xuất hiện trên toàn quốc thì các đại biểu quân đội được đề cử lại gồm những gương mặt khá cũ và vẫn có những trường hợp quá tuổi, phải đặc cách vì “ưu tiên công tác tại biên giới, hải đảo xa xôi”. Chưa kể trong số những đại biểu quân đội này có tới ba người ở bên ngoài dân sự mới đầu quân về Văn nghệ Quân đội. Có thể điều này cho thấy sự bình thường ở một giai đoạn đất nước bước vào thời bình. Nhưng cũng có thể là sự không bình thường mà những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật toàn quân phải chú ý để có sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ văn học cho những năm sắp tới.

Bản thân người viết bài này đã 3 lần dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc và sắp sửa đi dự Hội nghị lần thư 4. Từ “góc độ” của một đại biểu trẻ lần đầu đi dự Hội nghị đến “điểm nhìn” của một Phó ban nhà văn trẻ, trực tiếp tham gia ban tổ chức, hẳn sẽ có rất nhiều điều để nói về hoạt động lớn của văn học trẻ cả nước này. Nhưng đôi khi ở góc nhìn này lại thấy những điều khác biệt so với góc nhìn kia. Nhận thức là một quá trình và sự trải nghiệm cá nhân của mỗi người mỗi khác. Đành nêu lên những điều tản mạn, để qua đó cung cấp thêm những góc nhìn cho những ai quan tâm đến Hội nghị viết văn trẻ nói chung và Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 sắp tới, nói riêng.

Tác giả: Nguyễn Đình Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây