Đọc sách từ phía biển

Thứ năm - 26/05/2011 03:49 2.765 0

Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc

Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc
(Tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3)

“Đọc sách, không chỉ tôi bồi dưỡng kiến thức, nhặt nhạnh từ ngữ cho mình mà còn đang góp phần giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt và văn hóa Việt. Cây rừng có thể trồng lại, còn văn hoá mất là mất luôn…”

Quanh năm lênh đênh trên biển, mỗi khi tàu sắp được cập cảng, tôi lại thấy nôn nao. Cái cảm giác thèm được đi dạo trên mặt đất, được gặp gỡ, trò chuyện, được cụng ly với bạn bè khó có thể tả được. Và cứ thế, mỗi lần đi bờ, dù bận nhiều việc đến đâu tôi cũng vào nhà sách tha về mấy cuốn. Có khi chưa đọc hết vẫn mua sách mới vì không biết lần sau có được đi nhà sách  nữa không.

Vội vàng, mua may rủi nên có cuốn hay nhiều, cuốn hay ít. Ban đầu đọc cho vui, đọc cho dễ ngủ và rồi bỗng ghiền hồi nào không hay. Cứ thế trang này sang trang khác, quyển này sang quyển khác như loài chuột gặm nhấm cho mòn bớt răng cửa để rồi thành thói quen gặp thứ gì cũng cắn. Thứ gì tôi cũng đọc, quyển nào hay đọc chầm chậm từng chữ như thức ăn ngon phải ăn dè từng chút một.

Tôi đọc những gì mình thích, bất kể của tác giả ấy ở miền Nam hay miền Bắc, bút trẻ hay bút già. Ở đâu tôi cũng nhặt nhạnh được không nhiều thì ít những điều hay và mới lạ. Những cây bút trẻ luôn được tôi quan tâm hơn bởi đọc văn họ tôi thấy được ít nhiều tâm tư tình cảm, những vấn đề mà giới trẻ quan tâm, tôi như đi giữa hội trại vậy.

Không quan trọng lắm về đề tài của tác phẩm, miễn sao cuốn sách ấy đọc được. Càng dễ đọc, lôi cuốn thì tôi đọc mau xong. Có khi đoạn đầu đọc không trôi nhưng dần dần bị cuốn hút bởi đoạn sau. Bây giờ giữa cuộc sống bao lo toan vất vả, việc kiếm sống đã tốn khá nhiều thời gian thì việc cho ra đời một cuốn sách cũng không phải là dễ dàng. Văn chương như là món giải trí cao cấp của những người biết chữ nghĩa. Biết thế nên tôi đọc sách mà không đòi hỏi tác giả phải thế nọ thế kia. Có khi mua nhằm cuốn sách không hay về vứt đó cũng cười mỉm rồi tự nhủ rằng khi nào không còn gì để đọc nữa thì sẽ đến lượt nó.

Chín người mười ý, khen chê dở hay đâu lấy gì làm tiêu chuẩn. Văn chương là nghệ thuật. Hay dở do cách cảm từng người. Tiểu thuyết vốn được xem là những sáng tác “ra tấm ra miếng” tốn nhiều thời gian và sức lực. Khi có ít thời gian thì đọc truyện ngắn, tản văn còn lúc rãnh rỗi mới đọc tiểu thuyết cho mạch truyện không bị ngắt quãng. Với những cây bút trẻ của TP.HCM, tôi thường đọc những tác phẩm của họ để mình không bị lạc hậu. Có những cuốn sách mãi để lại nhiều điều thú vị dù rằng tôi đã đọc nó khá lâu rồi. Hình như những lúc kẹt xe bức bối, nước ngập hay những cơn phong ba bão tố trên đại dương vẫn không xoá đi những gì tôi đọc được trong sách ấy.

 Sự trở lại của những vết xước của Trần Nhã Thuỵ: “Cơ thể chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”, nhân vật càng ngày càng lờ đờ và phản kháng yếu ớt. Giữa cuộc sống bề bộn trắng đen lẫn lộn, dần có nhiều những con người phải thích nghi, buột anh phải biết chấp nhận sự không thật để sống, nó nghiễm nhiên lâu ngày trở thành thói quen rồi vô cảm. Tác giả dự báo nhưng không giải quyết rốt ráo. Đọc mà tức, đọc rồi buồn, càng thêm hiểu văn tài Nam Cao là thế nhưng nhà văn vẫn không để Chí Phèo cầm súng và giương cờ mà chỉ rạch mặt ăn vạ. Vết xước chỉ là vết xước nên ta không mấy để ý, nó có thể lở loét khi vi trùng xâm nhập vào và có thể tự lành. Nếu là vết thương thì đã khác.

Những nhân vật, chi tiết tưởng chừng vụn vặt gần gũi với đời thường lại tạo nên sự hấp dẫn của truyện. Ta như gặp những chuyện ấy/ những nhân vật ấy ở đâu đó một vài lần rồi. Những chi tiết hầu như rất nhỏ được tác giả phát hiện và thể hiện rất tài tình. Một người giữ xe lâu ngày có thói quen nằm ngủ trên tấm ván đặt ở yên xe… Chuyện mấy anh đi mát xa, chuyện người bỗng dưng bị bắt bị đánh vô cớ… Khi đi đường bắt gặp những đôi tất màu xanh dương tôi chợt giật mình nhớ về “sự trở lại của những vết xước”…

   Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam không đặt tên cho nhân vật của mình, với những “ông, anh, cô” mà ta có thể gặp ở bất kỳ đâu đó nhưng vẫn có cuộc sống, tình cảm rất riêng. Nhân vật anh của Nguyễn Danh Lam đi vào bế tắc. Không chốn dung thân cho những người già, những con người tuổi không lớn nhưng già cả trong cách nghĩ cách làm, người tự tách rời mình khỏi đường ray, khỏi xã hội với cuộc sống sôi động từng ngày. Anh sẽ thất nghiệp không phải công ty sa thải anh mà do công việc đào thải anh. Công việc đào thải anh không phải anh không có trình độ mà do cách suy nghĩ của anh. “Cô gái học Anh văn” vừa đáng thương vừa đáng giận; sự vươn lên, sự tha hoá như một hiện tượng xã hội, ấy cũng vì nhân vật mong muốn có được cuộc sống sung sướng hơn.

Nhân vật “ông anh rể” được tả sơ qua nhưng sắc nét. Sắc nét ở những việc làm, qua từng câu nói chất phát của anh ta. Những câu chuyện rất thực, rất hài hước nhưng cũng có lúc cười ra nước mắt của những người bây giờ chỉ là gốc Việt, ra đi trở về họ có đầu óc thực tế, biết quý trọng thời gian; cả những người sống ở đây nhưng vẫn mong một tương lai tươi sáng ở thế giới bên kia để rồi cứ phải sống mòn.

Một cuốn tiểu thuyết dễ đọc và lôi cuốn. Câu chữ không rắc rối, những hình ảnh cứ như một bài thơ. Với Oxford thương yêu, Dương Thuỵ cho ta cái nhìn, những suy nghĩ, trăn trở của một du học sinh nơi đất khách xa lơ xa lắc. Sự học tập không chỉ cho ta kiến thức khoa học mà cả về cách sống, cách nghĩ và nền văn hóa. Sự giao thoa về văn hoá khi những tâm hồn trong sáng đồng điệu nhau. Tình cảm không phân biệt quốc tịch mà đến với nhau bằng sự mách bảo của trái tim. Một đoạn truyện về nhân vật Kim sang Lisbon và những đánh giá của cô cũng như sự tôn trọng con cái của cha mẹ cô trong thời hiện đại ra sao để con cái không hư hỏng. Chỉ nửa trang sách thôi nhưng chứa đựng bao điều đáng tìm hiểu đáng nhớ. Qua đôi mắt của du học sinh và thực trạng giáo dục nước nhà, ta càng xót khi tiền đô la vốn dĩ khó mua và chất xám vì sao cứ bị chảy máu…

   Bờ Xám, tiểu thuyết của Vũ Đình Giang, vừa mới xuất bản. Lại một lần nữa Vũ Đình Giang múa bút với những con chữ của mình. Anh như một tiền đạo khéo léo trong vòng cấm địa khi các hậu vệ đối phương đang bao vây. Ta như ám ảnh bởi những con chữ múa may, lúc bị kéo ra rồi vò lại, bóp nát, tung lên không trung cho mảnh vụn rơi xuống. Nhân vật cảm thấy cô đơn khi xa lánh thế giới xung quanh, chui vào vỏ ốc và tự huỷ hoại đời mình. Đó là những hành trình tìm kiếm chính bản thân mình. Cũng như hai bàn tay, ta nhìn thấy nó hàng ngày nhưng khó ai biết rõ và vẽ lại được khi không nhìn lại chúng. Bởi vậy Bờ Xám cũng giống Song Song không dễ đọc một chút nào nhưng không ít bạn đọc tìm đến.

   Còn nhiều sách hay nhưng tôi không thể liệt kê hết, nhiều cây bút nữ TP.HCM viết già dặn như Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thiên Ngân, Yến Linh... Đi biển tôi thường có tâm trạng trống trải, lẻ loi giữa đại dương mênh mông, khi đêm về một mình nằm trong căn phòng vắng lạnh, tiếng máy nổ rền đều đều và tiếng sóng thốc vào mạn tàu từng hồi lạnh buốt. Chong đèn đọc tiểu thuyết, tôi đi tìm các nhân vật không có thực trong đời thường, để làm bạn với họ, hiểu được phần nào tâm tư tình cảm của họ cũng như những điều tác tác giả muốn gởi gắm vào những trang sách. Trong 4 tiểu thuyết vừa nêu, trừ Oxford thương yêu, tôi đều thấy nhân vật lẻ loi cô đơn giữa phố thị phồn hoa. Có phải con người, nhất là giới trẻ càng ngày càng khó tìm được bạn tâm giao, họ dần đi vào những bế tắc khó tìm được con đường rộng phía trước. Phải chăng tiểu thuyết luôn đi tìm sự cô đơn trong đời sống, hay là cô đơn thì các nhà văn mới có thời gian và sáng tác được văn hay?

Thời nay công việc, đi lại, đã ngốn hết hầu hết quỹ thời gian. Rất ít nhà văn có thể sống được bằng nghề, văn chương chỉ là niềm đam mê. Việc gặp gỡ giao lưu là động năng cho tình yêu văn chương và các tác phẩm mới ra đời. Nhà văn ai chẳng muốn có tác phẩm hay để đời nhưng có một tác phẩm giá trị là không dễ khi văn hóa càng ngày không được xem trọng và bị đồng tiền lấn át. Như nhà văn Trần Văn Tuấn “để có tác phẩm văn học chất lượng thì nỗ lực tự thân của tác giả là 80 phần trăm”. Còn với Trần Nhã Thuỵ “viết một cuốn sách là chặt một cái cây”. Một cuốn sách không hay sẽ chặt cây thảm hại nhất. Đọc sách không hay, tôi cũng đã gián tiếp chặt phá cây rừng…

Đọc sách, không chỉ tôi bồi dưỡng kiến thức, nhặt nhạnh từ ngữ cho mình mà còn đang góp phần giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt và văn hóa Việt. Cây rừng có thể trồng lại, còn văn hoá mất là mất luôn…

Trương Anh Quốc
Theo Website Hội Nhà văn TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây