Đằng sau sự gây sốt gây sốc ảo của văn chương trên mạng

Thứ năm - 26/05/2011 03:58 2.938 0

Nhà văn Nguyễn Thu Phương

Nhà văn Nguyễn Thu Phương
(Tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3)

Buổi sáng, khi đăng nhập vào facebook - một trong những mạng xã hội nổi tiếng nhất hiện nay, tràn ngập trên trang chủ là thông tin về một tác phẩm đang nóng, thậm chí có thể còn chưa được phép xuất bản. Dù có ơ thờ hay “ngoại đạo” với văn chương đến mấy, chắc chắn bạn sẽ phải dành thời gian đọc thử xem sao, nếu không muốn mình là người lạc hậu, kém update.

Gần đây, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh – cũng là một bạn trongfriend list ở trang facebook của tôi, đã cho đăng (nhiều kỳ) và “bán” tác phẩm mới của bạn ấy trên facebook với giá 50.000 đồng cho tất cả các lần đọc. Và khởi điểm với mức người đăng ký là 100 – tổng thu nhập ban đầu đã là 5.000.000 đồng cho một cuốn-sách-chưa-cần-in-ra, lượng độc giả tuy “ảo” (trên mạng) nhưng rất thực đó vẫn đang tiếp tục tăng lên trong quá trình tác phẩm dần dần thành hình. Nếu các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ… dùng trang trên mạng xã hội của mình chủ yếu để cập nhật thông tin và hình ảnh hoạt động biểu diễn thì nhà văn, nhà thơ đa số dùng để post lên các tác phẩm, bày tỏ quan điểm hay chia sẻ các thông tin thời sự, suy nghĩ, tâm tư tình cảm… tận dụng tối đa khả năng viết để tiếp cận với bạn bè, độc giả, cả quen lẫn lạ. Trần Thị Hồng Hạnh có thể được xem là nhà văn trẻ Việt Nam đầu tiên bán văn của mình trên facebook. Và bạn ấy, với giải nhất văn học tuổi 20, với nghề báo khiến luôn phải tiếp cận với hàng loạt các thông tin mới mỗi ngày, đã không hề tỏ ra ngần ngại khi tiếp thị tác phẩm của mình đến độc giả.

Thực tế trong những năm gần đây, các trang văn học mạng đã làm rất tốt công việc của những thư viện mini cho một lượng độc giả phong phú và đa dạng, không biên giới. Bạn không thể không đọc khi mọi thứ quá dễ dàng tìm thấy chỉ sau vài cú click chuột, cả những trang văn còn tươi rói, mới mẻ, vừa viết ra chưa in thành sách, lẫn những ấn bản đã có bề dày chinh phục người đọc với nhiều hình thức. Bạn không thể không quan tâm khi ở nhà sách, có không ít tác phẩm văn học trẻ chiếm chỗ ở vị trí dễ thấy nhất, ngang hàng cùng những tác phẩm best-seller nội, ngoại nhập khác. Những tác phẩm chuyển thể từ văn học trẻ qua các thể loại phim ảnh, sân khấu, truyền hình… liên tục gây nên những event đình đám, đã làm cho nhiều độc giả khó tính, vốn rất thờ ơ với văn học trong nước nói chung và văn học trẻ nói riêng, nay cũng phải sốt sắng “chạy theo”. Không chỉ nghệ sĩ, ca sĩ hay diễn viên mới có thể nổi tiếng và… tai tiếng mà những người làm nghề viết hoàn toàn cũng có thể tìm danhvà thu lợivới chữ nghĩa. Cho nên mới có chuyện nhiều người “ngoại đạo” bỗng hào hứng chuyển qua làm… nhà văn, và ít nhiều cũng thành công theo những kiểu khác nhau, tùy theo mục đích khi làm nghề. Bỏ qua tuổi tác, người trong giới thường dành cụm từ “cây bút trẻ” cho người mới tham gia nghề viết, và nếu bạn thành danh hay đi đường dài được với văn chương thì đường biên nghề tay trái với nghề tay phải sẽ dần dần bị xóa mờ, danh xưng nhà văn đối với bạn sẽ trở thành chính hơn cả cái nghề chính mà bạn đang có, đang dùng để kiếm sống. Sớm ý thức việc tạo dựng tên tuổi sẽ giúp bạn… bán chạy tác phẩm, niềm vui được có sách tái bản nhiều lần xem ra sẽ thắng thế hơn niềm vui của những thể nghiệm ít được biết đến, giá trị của thành công rõ ràng đã thay đổi thước đo bằng việc đến với công chúng lan rộng và… ồn ào nhất – hơn là chuyện viết hay hay viết dở.

Vì vậy nên mới có những câu nói đùa trong và ngoài giới theo kiểu: sách càng bị cấm càng được chú ý, văn càng “có vấn đề”, người viết càng cóscandal thì độc giả càng thắc mắc, càng quan tâm nhiều. Trong dòng chảy của thị trường, nhà văn trẻ xem ra chẳng ngại biến mình thành “những người bán hàng”, và văn chương xét cho cùng đã chỉ còn là “hàng hóa” (cho dù là hàng hóa tinh thần). Với quan niệm này, tất cả những chiêu thức cần có của nghề kinh doanh đều có thể đem áp dụng, từ việc tự “rao” văn mình rất kêu đến tặng kèm, khuyến mãi, chơi nổi, gây sốc và… hạ giá, chỉ miễn sao bán được nhiều nhất, xôm tụ nhất.

Bạn tìm gì trong những trang viết của người trẻ bây giờ, đó không còn là chuyện của chính bạn, mà còn là chuyện của nhà văn cộng với nhà làm sách. Hướng đến những lợi ích cụ thể thông qua con đường văn chương, thực tế đã sản sinh ra cả một thế hệ viết lách tập trung đưa yếu tố ăn khách lên hàng đầu trong việc sáng tác. “Lạm phát” sex, đồng tính nam, đồng tính nữ, hoang tưởng, kinh dị… tất cả những gì vốn cấm kỵ và “nhạy cảm”, nói chung chỉ cần đánh trúng tâm lý giải trí, nhu cầu đọc theo kiểu bình dân hay hiếu kỳ đơn thuần của số đông là được. Nếu như trước đây, nhà văn rất e dè trong những phát ngôn về lợi ích kinh tế của nghề viết và chủ động tìm các công việc khác để kiếm sống thì nay, nhà văn thẳng thừng đề cập đến những được-thua trong chuyện mua vàbán văn, rồi hãnh diện hơn bao giờ hết khi có sách phát hành từ 5000, 6000 bản trở lên. Ngộ nhận về sự nổi tiếng đã khiến không ít cây bút mới chỉ lo chăm chút cho những thứ hoàn toàn phi văn học để “khuyến mãi” kèm theo ấn phẩm thay vì tập trung tâm huyết để viết lách. Nên mới có những ứng xử nông nổi theo kiểu chụp ảnh sex của chính mình đăng kèm trong cuốn sách vừa phát hành đã bị thu hồi.

Tôi nhớ lại cái thời tò mò đặt mua một cuốn sách của nhà văn nữ Lý Lan theo cách giao hàng tận nhà, cỡ khoảng hơn mười năm trước. Lúc đó, người em gái của chị Lý Lan chạy xe đạp giao đến cho tôi, giá sách của thời điểm đó là 17.000đồng/cuốn, không thu thêm phí. Chị nói thẳng khi phát biểu trên báo chí, làm như vậy là tự đi tìm độc giả cho… vui thôi, chứ đoan chắc giỏi lắm thì mới không bị lỗ vốn. Nay khi một cuốn sách ra, bạn chỉ cần gõ trên Google thì sẽ có cả loạt nhà sách bán hàng trên mạng sẵn sàng giao nó đến cho bạn, nhưng khuyến khích mua ít nhất 100.000đồng/lượt giao. Và tôi dám chắc nếu bạn đã bỏ tiền mua văn học Việt, lại còn là văn học trẻ thì nhất thiết cuốn sách đó hay tác giả đó phải quen tên, phải nổi đình đám, phải hot trên đủ các loại diễn đàn.

Cá nhân tôi cũng dần dần quen, không còn “dị ứng” nữa với những trò showbản thân hay show tác phẩm, gây sốtvà gây sốccủa những người viết mới hay bắt đầu sợ mình sắp cũ. Suy nghĩ sâu hơn về bối cảnh của thời kinh tế thị trường, thực tế hay thực dụng, cụ thể hay trần trụi, rõ ràng hay lộ liễu… hơn một thập niên khởi đi từ cái mốc năm 2000, khi con người quá mang nặng tính biểu diễn, thích những gì ồn ã, hào nhoáng bên ngoài, thật sự sẽ không lấy gì làm lạ nếu văn chương và người viết cũng thích hữu lợi, hữu danh như bao nhiêu ngành nghề khác. Như vậy, câu hỏi đặt ra chỉ còn là, tiếp theo sau đó sẽ là gì? Đừng để người ta chỉ nhớ đến bạn bằng những chuyện um sùm, nhốn nháo ngoài văn chương, thay vì nhớ bằng những cái tên tác phẩm đọng lại rất sâu và rất lâu trong lòng độc giả. Bạn hãy trải nghiệm, hãy sống và hãy viết để là một nhà văn đúng nghĩa, trước khi là “nhà” mua bán văn chương.

TP.HCM, ngày 17.5.2011
Nguyễn Thu Phương
Theo Website Hội Nhà văn TP.HCM

Nguyễn Thu Phương

Bắt đầu viết văn và viết báo từ tháng 11.1995, viết kịch bản sân khấu từ 1996, viết kịch bản phim truyền hình từ 2002; đã có nhiều truyện ngắn và một số bài báo đăng trên các báo và tạp chí và các website văn học trong, ngoài nước.

Các tập truyện ngắn, vừa và dài đã xuất bản:

+  Cười trong mơ  (Tủ sách Áo trắng, NXB Trẻ – năm 2000)

+  Cây lẻ bạn (NXB Trẻ – 2001)

+  Những mảnh đời không khớp (NXB Trẻ – 2001)

+  Mắt thủy tinh(NXB Kim Đồng – 2002)

+  Ngồi tựa mạn thuyền (NXB Trẻ – 2003, tái bản lần 1 năm 2004)

+  Song ngư (NXB Kim Đồng – 2003)

Môi Hồng Đào (4 tập – NXB Kim Đồng – 2004)

Mười ba trong một (NXB Trẻ – 2004)

Luân sinh (NXB Thanh Niên – 2005)

Phiêu linh trắng (NXB Thanh Niên – 2006)

Ngoài ra, còn có 2 tập kịch bản: Cây lẻ bạnvà Lối nhỏ vào đời (NXB Sân khấu – 2002 và 2003)

Nhiều kịch bản sân khấu được dàn dựng, biểu diễn hoặc phát sóng tại nhiều Nhà hát, Đoàn nghệ thuật, các Đài truyền hình trên cả 3 miền: Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát cải lương Việt Nam, Đoàn Dân ca Kịch Quảng Nam, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (5B – Võ Văn Tần), Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, SK Kịch Sài Gòn, SK Kịch Phú Nhuận, Đoàn CL Cao Văn Lầu (Cà Mau), Đoàn CL Kiên Giang, Nhà hát Chèo Việt Nam, vv...

Một số kịch bản tiêu biểu như Thời con gái đã xa, Cây lẻ bạn, Một nửa thiên đường, Con yêu, Chuyện tình năm 2XXX, Màn kịch vụng về, Ở trọ, Giấc mơ vui, Trăm năm bia đá, Cây dùi vàng, Lối nhỏ vào đời, Chỗ đứng, Nhà có ba chị em, Nhà có năm anh em (Xuân tím), Không có hoa hồng, Vết khắc trái tim....

Nguyễn Thu Phương đoạt nhiều giải thưởng Sân khấu của: Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Sở VHTT TP.HCM, Bộ VHTT và Quỹ Ford, tặng thưởng của UBND TP.HCM, Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Mùa thu (1998)... Huy chương vàng, bạc Liên hoan Sân khấu Truyền hình toàn quốc (2000, 2010), giải thưởng Kịch bản Sân khấu nhiều năm liên tiếp, vv...

- Kịch bản phim truyền hình Ngoại tình (Hãng phim truyền hình TP.HCM TFS), phát sóng trong chương trình Tạp chí văn nghệ – Đài truyền hình TP.HCM (HTV) tháng 3.2004.

- Kịch bản phim Công ty Thời trang (Hãng phim TFS), sản xuất 2004. Phát sóng từ 03/2005 trên HTV9.

- Kịch bản phim Thám tử tư (TFS) - (chuyển thể từ loạt phóng sự cùng tên của báo Tuổi Trẻ – TP.HCM).

- Kịch bản phim truyền hình Nhà có ba chị em (Hãng phim VFC) – Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2009, Cánh diều vàng 2009.

- Kịch bản phim truyền hình Phiên chợ số (TFS), phát sóng trên HTV.

- Kịch bản phim Sự thật vô hình (VietCom Film), viết chung, phát sóng trên VL1.

- Kịch bản phim Người hoàn hảo, viết chung Ngô Hoàng Giang (TFS), phát sóng tết Nguyên Đán 2010.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây