Kế hoạch ban đầu, hội nghị sẽ mở rộng cho đại biểu các tỉnh, thành lân cận TP.HCM tham gia, nhưng đến phút chót kế hoạch này “phá sản” - chỉ còn lại những người viết trẻ TP.HCM “chơi với nhau”.
Nhân dịp này, tuyển tập Thơ văn trẻ TP.HCM (2006 - 2011) do Hội Nhà văn TP.HCM thực hiện, vừa được NXB Trẻ tài trợ ấn hành sẽ ra mắt vào hôm nay 26/5. Tuyển tập có sự góp mặt của 67 tác giả trẻ, sách dày hơn 300 trang.
Nhà thơ Phan Hoàng - Trưởng ban Nhà văn trẻ TP.HCM, thường trực BTC hội nghị đã có cuộc trao đổi với chúng tôi:
* Những người viết trẻ gặp nhau trong dịp hiếm có này xem như là một “cuộc hội”. Tuy nhiên, sau phần hội là phần “nghị”. Xin ông cho biết, sẽ “nghị” những vấn đề văn học gì?
- Có những ý kiến cho rằng không nên gọi là hội nghị mà chỉ nên gọi là cuộc gặp mặt các cây bút trẻ. Tại sao lại phải thế? Đã là hội nghị thì cứ gọi là hội nghị, vấn đề quan trọng là cách tổ chức như thế nào, các bạn văn trẻ sẽ dự phần ra sao trong hội nghị đó.
Tất nhiên, như bao cuộc hội nghị khác, trong phần “hội” đều có phần “nghị”. Cái “nghị” trước tiên, theo tôi, đó là các bạn văn trẻ tự tìm đến nhau, giao lưu chia sẻ những vấn đề mà họ cùng quan tâm. Phần “nghị” thứ hai là về phía BTC, sẽ mời một số bạn văn trẻ trình bày tham luận. Buổi chiều ngày 27/5 ở Bến Nhà Rồng, do thời gian có hạn nên chắc chắn phần thảo luận sẽ ít, còn tại cuộc Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường ở Cần Giờ vào ngày 29/5, chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian để các bạn cùng thảo luận. Hiện nay, BTC đã nhận được nhiều tham luận tâm huyết, đó chính là tiền đề cho phần “nghị” hứa hẹn sẽ sinh động.
* Danh sách đại biểu và khách mời có 70 người. Với số người như vậy đã đánh giá đầy đủ lực lượng viết trẻ TP.HCM hay chưa? Có thông tin rằng, vì kinh phí quá eo hẹp nên danh sách người viết trẻ không thể dài thêm?
- Về cơ bản, BTC đã cố gắng mời được những gương mặt văn trẻ tiêu biểu nhất của thành phố. Đáng tiếc nhất là một số nhà văn trẻ được mời, nhưng vì những lý do khác nhau mà không tham dự được, như: Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Nguyễn Thiên Ngân, Ngô Liêm Khoan...
Đúng là lúc đầu vấn đề kinh phí eo hẹp, dự kiến chỉ mời từ 30 - 35 nhà văn trẻ thôi. Nhưng nhờ sự vận động của Ban Nhà văn trẻ, BTC đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí của các cá nhân, đơn vị và nâng số lượng đại biểu lên hơn gấp đôi. Đó là sự cố gắng không nhỏ của BTC vì các bạn văn trẻ. Do sự vắng mặt của một số nhà văn trẻ như đã nói ở trên, nên có thể nói hội nghị này mới hội tụ khoảng hơn 90% những gương mặt trẻ mà theo tôi là tiêu biểu nhất, đang viết rất sung sức.
* Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị sẽ mở rộng cho khoảng 10 người viết trẻ ở các tỉnh, thành lân cận TP.HCM. Được tin này, nhiều nhà văn trẻ ở TP.HCM và các tỉnh rất vui mừng, vì điều đó thể hiện được tầm vóc “thủ phủ” văn học nghệ thuật của TP.HCM với cả miền Nam. Tuy nhiên, kế hoạch này đã “phá sản”, vì sao vậy thưa ông?
Ông Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho biết: “Do phần tổ chức chưa được chu đáo lắm nên chúng tôi không dám mở rộng cho các đại biểu khách mời ở các tỉnh, thành lân cận TP.HCM về tham dự hội nghị lần này. Thêm nữa, tháng 8 tới đây, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc sẽ khai mạc, tôi mong rằng các đại biểu trẻ ở Nam bộ sẽ gặp nhau đầy đủ hơn tại đây”. |
- Điều này anh có thể hỏi trực tiếp Ban thường vụ Hội Nhà văn TP.HCM, mà người có trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch Hội Lê Quang Trang - đồng thời là Trưởng BTC hội nghị này.
Về mặt cá nhân, tôi được biết ban tổ chức lo lắng sợ không chu toàn nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại cho các bạn văn trẻ ở xa... Thực sự tôi rất muốn mời các bạn văn trẻ đại diện các tỉnh thành ở Nam bộ và cả một vài nơi khác về tham gia như kế hoạch ban đầu. Vì sự có mặt của họ sẽ tăng thêm sinh khí tươi vui cho hội nghị, nhưng cuối cùng tôi phải chấp hành quyết định của Ban Thường vụ Hội.
* Như “truyền khẩu” trước giờ G, một số cá nhân, đơn vị đã ủng hộ kinh phí cho hội nghị lần này. Đây có thể được xem như một tiền lệ tốt đẹp cho những lần hội nghị sau?
- Kinh phí chủ yếu vẫn do chính quyền TP.HCM cấp cho Hội Nhà văn TP.HCM, còn sự ủng hộ của các đơn vị và cá nhân mang tính “xã hội hóa” góp phần làm cho hội nghị thêm bề thế, quy mô hơn. Có phải là “tiền lệ tốt đẹp” hay không tôi không thể dự báo được.
Thanh Kiều (thực hiện)
Nguồn: TT&VH
Ý kiến bạn đọc