Lược điểm văn học trẻ Tây Nguyên

Thứ tư - 13/07/2011 05:25 3.188 0

Nhà thơ trẻ Ngô Thị Thanh Vân ở Gia Lai

Nhà thơ trẻ Ngô Thị Thanh Vân ở Gia Lai
Nếu lấy theo tiêu chí chọn đại biểu tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc (không quá 35 tuổi) thì khu vực Tây Nguyên cũng có những cây bút đang được kỳ vọng (cùng với lớp vừa quá tuổi 35). Dù công luận cũng chưa thống nhất cao về khái niệm “trẻ”. Người quan niệm “trẻ” là những người mới bắt đầu viết; người cho rằng “trẻ” là ở phong cách mới, thi pháp mới… Nhưng đa số thiên về “trẻ” là còn ít tuổi đời.

Ở Đăk Lắk, sau lớp đàn anh đàn chị đã vừa quá “tuổi Hội nghị” như Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy… là một Niê Thanh Mai với văn phong tung tẩy mà sắc sảo, trẻ trung mà chững chạc qua 2 tập truyện ngắn đã in. Đây là cây bút nữ trẻ người dân tộc Ê-đê đang thời kỳ sung mãn, hứa hẹn một mùa bội thu truyện ngắn, truyện dài. Một H’trem Knul cũng dân tộc Ê-đê, còn rất trẻ, xuất hiện như một… “hiện tượng”! Mặc dù thơ H’trem Knulmới ở lúc ban đầu, hãy còn rất… “hồn nhiên chủ nghĩa”(!) nhưng hứa hẹn sẽ là một bổ sung ở tương lai cho đội ngũ các cây bút dân tộc thiểu số vốn dĩ rất ít ỏi ở Tây Nguyên. Một Nguyễn Thiên Ngân thành công lúc còn là học sinh cấp 3 với cuốn truyện viết cho thiếu nhi được chọn in ở Nhà xuất bản Kim Đồng, vừa rồi cũng ẵm được giải thưởng văn học trẻ. Một Nguyễn Văn Thiện với một số truyện ngắn đang xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn trên các trang báo chí văn học, được đánh giá tốt…

Gia Lai với một Hoàng Thanh Hương dân tộc Mường xông xáo, tự tin, có ý thức nghề nghiệp, luôn trăn trở phấn đấu vượt qua chính mình trên cả 2 lĩnh vực thơ và văn xuôi dù mới “khiêm tốn” in 2 tập thơ “Tự cảm” và “Lời cầu hôn của rừng”. Tập thứ hai đoạt giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nghe đâu đang chuẩn bị ra mắt tiếp tập truyện ngắn đầu tay. Một Ngô Thị Thanh Vân, tác giả của nhiều truyện ngắn in rải rác đó đây, cũng tác giả một tập thơ đầu tay “Qua miền nhớ” nhỏ nhẻ lặng thầm, nhưng biểu hiện một bút lực, một tiềm năng đang độ dạt dào cảm xúc và nhiều ý tưởng sáng tạo. Một Trương Lệ Hằng, một Vũ Thu Huế quá “cầu toàn” trong sáng tác nên còn nhiều tìm tòi trăn trở để vươn lên xa hơn cho ngòi bút của mình. Ở đây còn có vài cây bút nữ trẻ khác như Lê Vi Thủy, Miên Di… tuy mới xuất hiện vài năm nay nhưng đã gây được chú ý tốt.

Kon Tum, tỉnh cực Bắc Tây Nguyên, so với 2 tỉnh bạn kể trên trong khu vực thì lực lượng viết trẻ còn hơi bị… “khiêm tốn”! Đây là điều đáng quan tâm cho phong trào sáng tác văn học địa phương. Các cây bút trẻ ở đây vừa thiếu lại vừa yếu. Cũng như Đăk Lăk, ở đây sau các đàn anh như Nguyễn Toàn, Đỗ Tiến Thụy… đã từng “phó hội” những Hội nghị viết văn trẻ trước, nay có thể kể một Đặng Minh Sáng vừa xuất hiện đã đoạt liền mấy giải thưởng ở địa phương cũng như ở những cuộc thi truyện ngắn của các tạp chí Văn nghệ Quân đội, tuần báo Văn nghệ… gây ngay niềm kỳ vọng của văn xuôi trongkhu vực và cả nước. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân trân trọng tài năng này đã đề nghị ấn hành cho một tập truyện, nhưng với bản tính cẩn trọng, Đặng Minh Sáng còn để dành thời gian “xem xét” cho kỹ lưỡng thêm! Một Nguyễn Phúc Đoan thơ có nhiều tìm tòi đổi mới, nhưng bản tính e dè, ít gửi tham gia thi thố hoặc in đăng các nơi, khiến “thiệt thòi” cho chính bản thân và cho địa phương! Một Đinh Su Giang người dân tộc Xê-đăng đang cố gắng vượt qua trở ngại ngôn ngữ khi tham gia viết văn bằng tiếng phổ thông, đang dần dà chắc tay trong bút pháp và phong cách của nghệ thuật văn xuôi, là niềm kỳ vọng cho hàng ngũ các cây bút dân tộc thiểu số vốn rất hiếm hoi ở đây. Một Hồng Thủy Tiên đang gây được chú ý tốt trong văn giới với tập thơ đầu tay “Đoản khúc riêng mình” được giải ở Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Một Y Việt Sa dân tộc Bana Rơngao hãy còn rất trẻ, mới viết được ít nhiều, “gia tài” hãy còn khiêm tốn, nhưng cũng là niềm kỳ vọng bổ sung cho danh sách các cây bút dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Một Hoàng Thị Ngọc Mai với tập thơ đầu tay “Bỡ ngỡ giao mùa” hãy còn nhiều… bỡ ngỡ, nhưng cũng đã phần nào chứng tỏ cho bạn đọc tin vào những bước đi tiếp theo của mình...

Đăk Nông là tỉnh “sinh sau đẻ muộn” nhất trong khu vực, Hội Văn học nghệ thuật mới được thành lập, những người có trách nhiệm đã và đang rất tích cực tập hợp, tổ chức phong trào để “xây dựng lực lượng” cho một Hội địa phương còn quá non trẻ. Những cây bút trẻ ở tỉnh cực Nam Tây Nguyên này hãy còn là một… “ẩn số” cho những ai quan tâm đến tình hình sáng tác văn học ở đây. Có thể điểm qua vài bút danh như Tống Kiều Oanh, Phạm Thị Viết, Bá Canh, Phan Xuân Lan, Đỗ Thị Việt Hà…

Riêng Lâm Đồng thì theo “quy hoạch” của Hội Nhà văn Việt Nam sinh hoạt ở Chi hội miền Đông Nam Bộ nên bài lượt điểm nho nhỏ này không đưa vào tình hình văn học trẻ Tây Nguyên, mặc dù ở “xứ hoa miền sơn cước” này cũng có một số cây bút trẻ đáng chú ý như Trần Hoàng Vũ Nguyên, Ngọc Vinh, Lê Khắc Nghiên...

Nhắc qua một số cây bút trẻ đang “bám trụ” ở khu vực Tây Nguyên, điều dễ nhận thấy nhất rằng đây là một dấu hiệu vui. Không vui sao được khi so với các thànhphố lớn, các tỉnh thành khác có điều kiện địa lý, kinh tế thuận lợi hơn nên tập trung nhiều hơn những người trẻ tụ về học tập và làm việc, thì với đặc thù khu vực Tây Nguyên cách trở, còn nhiều tồn tại khó khăn về mặt xã hội mà có được một lực lượng như thế kể cũng đã là… hùng hậu! Hy vọng các cây bút trẻ Tây Nguyên sẽ góp phần đưa nền văn học Việt Nam phát triển như nhiều người mong đợi.

Một thực tế đáng quan tâm ở đây là sự thừa kế, tiếp diễn của các thế hệ trong văn học! Hầu hết những người đang sáng tác đều ở tuổi trên dưới 40, còn từ 30 tuổi trở xuống là quá ít, nên cũng chưa thể nói mạnh rằng đã có một tín hiệu khả quan như mong mỏi cho những người quan tâm.

Với điều kiện địa lý đặc biệt của Tây Nguyên, những cây bút trẻ còn gặp nhiều khó khăn, thua thiệt trong cuộc sống và cả trong sáng tác. Điều kiện để tiếp xúc, giao lưu học hỏi đã ít mà bề nổi hoạt động văn học, những kênh thông tin, thời sự văn học nghệ thuật trong nước cũng như trên thế giới ít có dịp tác động mạnh đến đây để đủ sức tạo nên những âm ba, những dư chấn đủ độ có thể làm xáo động, bứt phá không khí sáng tác vốn trầm lắng, khu biệt vùng miền. Từ đó dễ tạo nên tâm lý sáng tác một cách tùy hứng ngẫu nhiên, thiếu chất lửa tâm huyết và tính chuyên nghiệp trong lực lượng viết trẻ ở đây.

Tác giả: Tạ Văn Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây