Nhà văn Trần Kim Trắc: Sống thật và cảm xúc thật

Thứ sáu - 26/03/2010 22:36 2.339 0

Vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc - Ảnh: H.Đ.N

Vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc - Ảnh: H.Đ.N
Nhà văn Trần Kim Trắc đã bước vào tuổi 82 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, tinh anh và vẫn... viết! Những truyện ngắn của ông với một giọng văn hóm hỉnh đọc qua một lần là không quên.

* Nghe nói trước đây cuộc đời của ông “bầm dập” lắm, thế sao ông vẫn giữ được một giọng văn hồn hậu, thấm đẫm tình nhân ái mà không là những lời oán trách, phê phán?

- Tôi sinh năm 1929 tại Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo (Tiền Giang). Tôi cầm tinh con rắn nhưng là loại rắn nước, không có... độc. Ba tôi đặt tên Trắc ý chỉ cây trắc bá diệp thường trồng làm cảnh và làm thuốc, còn Kim là vàng. Ai ngờ má tôi mất sớm, ba tôi tục huyền rồi xảy ra chuyện mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ con chồng. Ba tôi hối hận, bảo tại ông đặt tên con là Trắc nên đời con mới... trắc trở! Tôi học trường Tây được nửa chừng thì bị Tây bắt giam 3 tháng vì tham gia tranh đấu. Ra tù, tôi theo kháng chiến, ở Tiểu đoàn 307 nổi tiếng. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ quân đội. Sau này, tôi phiêu bạt giang hồ, làm đủ nghề để kiếm sống như: thợ sơn tràng (khai thác gỗ), phu bốc vác, làm ruộng, chế biến thực phẩm và cuối cùng là nuôi ong lấy mật. Cuộc sống trầy trật nhưng tôi tự dặn lòng là chỉ tại mình và từ những trải nghiệm của cuộc sống đã cho tôi những vốn liếng cần thiết để viết văn.

“Theo tôi, sáng tác chỉ đơn giản thế này: sống thật và cảm xúc thật! Tôi đã viết được khoảng 200 truyện ngắn và truyện vừa (không có truyện dài). Sau 30.4.1975 là thời gian tôi viết sung sức nhất, đến nay vẫn còn viết và vẫn trung thành với đề tài tình thương” - nhà văn Trần Kim Trắc

Thấy cái gì hay hay... thì viết

* Ông đã từng làm đủ nghề nhưng tại sao lại chọn “nghề” viết văn?

- Tôi viết văn do thôi thúc từ những cảm xúc về thực tế cuộc sống. Thấy cái gì hay hay về tình đời - tình người thì viết về những hiện thực đó. Tôi vốn là người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc điểm của vùng này là sống chung với lũ. Đã là lũ thì trong cái hại vẫn có cái lợi (nước lũ đem phù sa về bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ, cây trái xum xuê). Tính tình người dân Nam Bộ là thích vun xới cho người khác, nhất là vun xới cho hạnh phúc của họ. Các bà mẹ miền Tây thương anh bộ đội xa nhà, ngoài chăm lo cái ăn, cái mặc thì vẫn luôn hỏi nhỏ: “Con có vợ chưa? Bên kia bờ kênh có con nhỏ này xinh lắm, nếu con có ý thì để má gầy dựng cho!”. Cho nên, tôi thấy nếu đi vào góc độ thương yêu thì có rất nhiều đề tài dễ thấm vào lòng người. Những xúc cảm thực tế trước mắt và cả từ ký ức, tất tật những cái đó chính là văn học...

* Xin đơn cử một truyện ngắn viết bằng cảm xúc thực tế của ông.

- Tác phẩm đầu tay của tôi là Truyện cái lu. Có anh bộ đội đi xách nước đổ vào lu sành cho dân dùng. Hồi chiến tranh rất thiếu thốn mà cái lu lại rất cần thiết để chứa nước dùng trong mùa nắng. Dạo đó chưa có xô nhựa như bây giờ mà phải dùng cái tỉn (vốn để đựng nước mắm) để múc nước. Khi trút nước vào lu, anh lỡ tuột tay - cái tỉn va vỡ cái lu, chủ nhà không phiền trách gì. Nhưng... Hôm ấy đi qua cái rẫy, thấy anh bộ đội đang cuốc đất lên luống trồng khoai, tôi hỏi: “Anh làm gì đó?”. Anh bảo: “Làm bể lu của dân nên phải đi làm thuê lấy tiền mua lu bồi thường”. Thấy anh nhễ nhại mồ hôi, tôi thương anh ấy quá, về viết lại sự kiện này thành một truyện ngắn đăng trên tờ Thông tin Văn nghệ của tiểu đoàn, không ngờ truyện ngắn ấy được bộ đội và nhân dân thích, gặp tôi họ cứ gọi là “Cái lu”. Cho nên văn học cần cái xúc cảm thật, nhất là tình cảm yêu thương dễ đi vào lòng công chúng.

“Tôi biết yêu sớm lắm”

* 82 tuổi nhưng ngoại hình của ông vẫn còn rất phong độ, chắc ngày xưa ông có nhiều người yêu? Chuyện tình duyên của ông ra sao?

- (Cười). Tôi biết yêu sớm lắm, hồi 13 tuổi tôi để ý một cô bé hàng xóm. Tôi còn nhớ một đêm trên đường đi xem hát về, chỉ có tôi và... nó. Tôi đến gần, nói: “Sau này tụi mình thành vợ chồng nhé!”. Bất ngờ cô bé hét lên: “Méc má cho mà coi!”. Tôi hoảng, co giò phóng mất dạng... Mới chừng ấy tuổi mà đã “đa tình” rồi thì đến tuổi thanh niên, trung niên chắc chắn là “quậy” dữ lắm. Bởi vậy tôi rất khâm phục những người đàn ông suốt đời chỉ theo đuổi duy nhất một người đàn bà. Sau hai lần dang dở, tôi mới gặp bà nhà hiện nay vào năm 1963 nhưng mãi 12 năm sau (1975) chúng tôi mới chính thức sống chung. Bà ấy cũng là học trò trường Tây nên chúng tôi có nhiều điểm tương đồng: mê văn chương Pháp, thơ ca, cổ tích, truyền thuyết dân gian... Trước đây, chúng tôi nuôi ong bán mật bây giờ thì nghỉ rồi, chỉ cho thuê mặt bằng để có điều kiện sống vui tuổi già. Rảnh thì viết...

* Với những người viết văn trẻ, ông sẽ nhắn nhủ điều gì?

- Có 3 giai đoạn. Thời trẻ là lúc tập tành viết lách. Thời trung niên là lúc cảm thấy mình đã đầy đủ lắm rồi về học vấn, vốn sống... theo độ chín của thời gian, nhưng trước những biến chuyển của xã hội thì phải đến lúc về già để tổng kết lại mới thấy mình học quá ít, sống cũng ít quá. Cho nên đối với các bạn trẻ mới vào đời hoặc mới tham gia viết văn thì đừng bao giờ cho mình là đủ mà luôn luôn phải học, bồi dưỡng học vấn và tham gia vào thực tế cuộc sống, nếu không sẽ hối tiếc lúc về già “mình không biết viết cái gì nữa!”.

Tác giả: Hà Đình Nguyên

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây