Trần Dần - một cuộc đời quyết liệt với thơ

Thứ sáu - 05/03/2010 20:18 2.436 0

Nhà thơ Trần Dần. Ảnh tư liệu.

Nhà thơ Trần Dần. Ảnh tư liệu.
Sinh nghề tử nghệp, cả cuộc đời sáng tác của mình, Trần Dần không ít lần bị vạ chữ. Nhưng vị thủ lĩnh thơ ấy, dường như không bao giờ dừng bút trên con đường cách tân thi ca Việt Nam.
Ngày 1/3, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm về con người và sự nghiệp của Trần Dần, với sự tham gia của các nhà phê bình, nghiên cứu Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, Hữu Việt, Hà Thị Hạnh.

Năm 2007, Nhã Nam xuất bản Trần Dần - Thơ, tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong gần nửa thế kỷ âm thầm sáng tác của Trần Dần. Nhưng những gì được ra mắt cũng mới đem lại cho người đọc "một phần di cảo đã bị vùi sâu dưới sự che phủ của thời gian, giai thoại và những ngộ nhận ngoài thơ". Chính vì vậy, trong bài phát biểu của mình, nhà thơ Dương Tường cho biết: "Phần lớn tác phẩm của Trần Dần vẫn còn ở trong bóng tối. Đó là thiệt thòi lớn, không chỉ cho tác giả mà cho cả nền văn học Việt Nam". Dương Tường gọi phần đó của thơ ca Trần Dần là "phía nhật thực". Và với tư cách là người được tiếp xúc với khá đầy đủ trước tác của Trần Dần, Dương Tường khẳng định: "Ông là nhà cách tân thơ số một của Việt Nam".

Ba diễn giả tại buổi tọa đàm: Phạm Xuân Nguyên, Dương 
Tường, Hữu Việt (từ trái qua).
Ba diễn giả tại buổi tọa đàm: Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường, Hữu Việt (từ trái qua).

"Suốt một thời gian dài, thơ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Thơ Mới. Người đầu tiên tạo nên một vết cắt, đưa thơ Việt Nam ra khỏi quỹ đạo đó là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng Nguyễn Đình Thi không đi hết con đường của mình. Còn Dương Tường, từ những ảnh hưởng của Maiakovski, ông chuyển sang viết Jờ Joạcx, Mùa sạch... với những cuộc tìm kiếm không ngừng đến cái mới. Thơ Trần Dần đầy chuyển động, không bao giờ lặp lại chính mình, nhưng vẫn giữ nguyên cái cốt cách Trần Dần", Dương Tường giải thích nguyên cớ ông coi Trần Dần là nhà cách tân số một của thơ ca Việt Nam.

Cùng với các tác giả tài năng lúc bấy giờ, Trần Dần từng kêu gọi "Phải chôn Thơ Mới" - một thời kỳ thơ hoàng kim nhưng đã đến lúc cần thoát khỏi ảnh hưởng của nó trong nền thơ dân tộc. Lối nói quyết liệt ấy là sự biểu hiện mạnh mẽ của một mong muốn mãnh liệt: "phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến"... như sau này ông từng giải thích. Hơn ai hết, Trần Dần đặt ra những đòi hỏi rất cao cho người viết văn làm thơ, phải tạo được chữ ký riêng, độc đáo cho mình. Đến nay, thơ Trần Dần vẫn là sáng tác của một nhà thơ có chữ ký rất lạ, mà không chỉ độc giả bình thường, cả bạn bè của ông cũng không giải mã hết được.

Thạc sĩ Hà Thị Hạnh cho rằng: "Để tìm hiểu thơ ca Việt Nam hiện đại, cần tìm hiểu thơ Trần Dần".

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng nhớ lại những quãng đời khốn khó vì thơ của Trần Dần - người từng tổng kết rằng, cả đời mình, ông có một cái được - "được cái hoạn nạn". Nhà thơ Hoàng Minh Châu gọi đó là "bi kịch nghề nghiệp". Dương Tường nhận xét: "Trần Dần là một ca đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt về cả tài năng, trí tuệ và số phận". Còn nhà thơ Hữu Việt cho rằng: "Hoạn nạn đối với người bình thường có thể là một tai họa; nhưng đối với một thiên tài thì đó cũng có thể là một món quà cho sáng tác". Và Trần Dần đã biết rõ giá trị món quà đó để chưa bao giờ phung phí nó.

Những vấn đề văn bản xung quanh thơ Trần Dần cũng tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các diễn giả và cử tọa. Sau khi nghe Phạm Xuân Nguyên đọc hai câu thơ của Trần Dần: "Tôi yêu đất nước này có cỏ cây làm chứng / Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi", thạc sĩ Lê Thị Ngọ đã dẫn ra một văn bản khác: "Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng / Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi". Sự khác biệt giữa hai dị bản này được nhà thơ Dương Tường giải thích: "Văn bản chị Ngọ dẫn ra được Trần Dần viết trước. Sau này, chính ông sửa trong một lần xuất bản tập thơ của mình".

Sau hàng chục năm miệt mài sáng tác, say mê cách tân, thời gian nay đã từng bước trả lại cho Trần Dần những giá trị đích thực của thơ ông. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Năm 2008, tập Trần Dần - Thơ được giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng diễn giả và cử tọa tại buổi tọa đàm vẫn mong muốn, những thành tựu cách tân của Trần Dần cần được giới thiệu rộng rãi hơn nữa.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây