Đoàn Lê - “Mỹ nhân một thời” - vẫn viết văn

Thứ sáu - 12/03/2010 20:13 2.397 0

"Tiền định", tiểu thuyết của Đoàn Lê, Bách Việt và NXB Hội Nhà văn - 2010.

"Tiền định", tiểu thuyết của Đoàn Lê, Bách Việt và NXB Hội Nhà văn - 2010.
Đoàn Lê là người đất cảng Hải Phòng. Hình như cái ngổn ngang bến bãi và mạnh bạo sóng gió có in dấu vào cuộc đời của nữ văn sĩ này?
Sinh ra trong một gia đình rất nhiều chị em gái, ở Đoàn Lê lại có cái quyết đoán của đàn ông. Chưa tròn mười bảy tuổi, chị trốn nhà lên Hà Nội theo học lớp diễn viên điện ảnh Việt Nam khóa 1. Đấy là khóa diễn viên sau này có rất nhiều người thành danh: Trà Giang, Tuệ Minh, Lâm Tới, Thụy Vân, Minh Đức, Ngọc Lan, Thúy Vinh, Kim Chi, Kim Thanh, Thanh Thủy...

Giữa một giàn mỹ nhân từng thống lĩnh màn bạc, cô nào cũng đẹp, cô nào cũng cao ráo, Đoàn Lê mảnh mai, trắng bóc và đa tài, đủ màu cầm kỳ thi họa. Nhưng rồi, cuộc đời gian truân bắt đầu từ khi cô diễn viên sa vào cảnh “lấy chồng sớm làm gì” và cũng ly hôn sớm. Cô bị kỷ luật, không được làm diễn viên, mà chuyển sang bộ phận thiết kế mỹ thuật.

Đó là những năm chiến tranh gian truân, cùng lúc phải chịu đựng bom đạn và nhiều thành kiến. Rồi, Đoàn Lê chuyển sang viết kịch bản phim, làm đạo diễn. Từng có thơ in báo từ rất sớm, chị thỉnh thoảng viết văn như một thú vui riêng. Dần dần, văn chương thành nghiệp từ lúc nào và có lẽ, văn chương mới là nơi bộc lộ rõ nhất tài năng của chị.

Tỉ mỉ một chút với lý lịch trích ngang của Đoàn Lê để thấy rằng "Tiền định"(*) là cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện. Người đọc sẽ gặp một nhân vật nữ như mới kể ở trên, giống đấy, mà cũng có cái khác. Một câu chuyện thật được gia giảm bằng những chi tiết, những tình huống hư cấu thú vị. Mấy dòng tiểu sử ở bìa sách làm cho người đọc tin rằng đây là chuyện thật của Đoàn Lê, nhưng những chi tiết tâm linh khiến người ta ngờ ngợ, rồi yếu tố huyền ảo đưa vào khiến người ta bất ngờ.

Nhà văn Đoàn Lê 

Ở cuối sách, khi nhân vật chính “trong một chớp mắt như sét nổ, nàng bàng hoàng thấy mình bay bổng ngồi vắt vẻo trên cành cây lớn bên đường” và nhìn xuống thiên hạ ở bên dưới, thì chi tiết này xua tan ấn tượng là Đoàn Lê đang kể chuyện đời mình. Chi tiết cũng bộc lộ sự hóm hỉnh tinh nghịch cố hữu, trong khi tác giả vẫn duy trì một giọng văn nền nã. Đoàn Lê cũng đôi lúc thích làm cho không khí hiện thực trở nên đa diện và hấp dẫn hơn bằng cách sử dụng yếu tố huyền ảo.

Coi đây là tiểu thuyết tự truyện, người đọc muốn Đoàn Lê kể lại và lý giải thêm những điều khác nữa, chẳng hạn tình bạn của chị với những nghệ sĩ điện ảnh cùng khóa... Nhưng yếu tố hư cấu đã làm phai không khí tự truyện khiến người đọc có thể mỉm cười thú vị và cũng tạm thấy bằng lòng với những gì mà Đoàn Lê chưa nói trong cuốn sách này.

Lối viết của Đoàn Lê như một người đi ở trung đạo, giữa một bên là văn chương theo kiểu truyền thống và một bên là văn chương cách tân. Có thể vì vậy mà tác phẩm của Đoàn Lê khó rơi vào sự lỗi mốt, cũng không thời thượng, mà khá dễ thưởng thức với độc giả các lứa tuổi.

Con người năng động quả quyết ấy bây giờ đã lắng lại. Không còn bận rộn với những chuyến đi làm phim, Đoàn Lê hằng ngày ngồi viết văn và vẽ tranh trong căn nhà bên chân một hòn núi nhỏ. Đến bãi biển Đồ Sơn, loanh quanh gần khu vực bưu điện và thị trấn trên phố Lý Thánh Tông, rất có thể ta sẽ gặp “mỹ nhân một thời” ấy nữ văn sĩ Đoàn Lê.

Tác giả: Hồ Anh Thái

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây