Nguyễn Ngọc Thiện - nửa thế kỷ gắn bó với lý luận phê bình văn chương hiện đại Việt Nam

Thứ năm - 29/03/2012 06:02 4.572 0

Nguyễn Ngọc Thiện - nửa thế kỷ gắn bó với lý luận phê bình văn chương hiện đại Việt Nam

Sau nửa thế kỷ quen biết nhau, với tư cách một đồng nghiệp, đồng khoa, một người bạn không chỉ trong chuyên môn mà cả trong đời thường, tôi vui mừng được nhìn nhận ở Nguyễn Ngọc Thiện một nhà lý luận văn học chững chạc, một gương mặt đáng chú ý trong giới lý luận - phê bình văn chương hiện nay, đồng thời một người bạn cởi mở, chân thành.

Với những công trình đã công bố của mình, bao gồm các tác phẩm in riêng (5 cuốn), chủ biên (20 bộ), có thể nói, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã góp phần quan trọng vào việc khắc họa một cách toàn diện về diện mạo của lý luận - phê bình văn học Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đó là cống hiến lớn nhất của anh trong sự nghiệp văn chương - một sự nghiệp có thâm niên gần nửa thế kỷ nay, được thực hiện với một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, với một tâm hồn rộng mở, đã trưởng thành rõ rệt qua từng trang viết, qua từng chủ đề nghiên cứu, qua tác phong khoa học, tôn trọng khách quan, với một bút lực dồi dào, chuẩn mực, lý giải các vấn đề một cách thuyết phục, chặt chẽ, dễ đồng thuận.

Đọc từng trang sách, từng công trình của Nguyễn Ngọc Thiện, tôi được hiểu biết thêm nhiều điều, đồng thời không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu quen biết nhau ở khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi còn sơ tán ở chân núi Đại Từ (Thái Nguyên). Tôi được biết, anh là một trong những học sinh giỏi văn của miền Bắc, đến từ thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), có gương mặt tròn trĩnh, đầy vẻ thư sinh. Dường như anh rất kín đáo, ít nói đến những dự định trong tương lai, nhưng qua những cuốn sách anh mượn ở thư viện khoa và qua kết quả học tập của anh, đặc biệt thể hiện ở khóa luận và luận văn tốt nghiệp, tôi thầm nghĩ: chàng trai này sẽ làm nên nhiều điều hữu ích cho văn học nước nhà.

Là một sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Thiện được bố trí làm việc ở Viện Văn học - một địa chỉ mà khá nhiều người trong chúng tôi mong ước. Ở đấy, ngay từ buổi đầu, anh được tập sự công việc dưới sự hướng dẫn và khích lệ của những nhà nghiên cứu ưu tú mà hơn một lần anh gọi là các vị đồng nghiệp bậc thầy, đàn anh như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức… Nhớ lại những ngày ấy, anh có lần tâm sự: trong hoàn cảnh và môi trường ấy, anh “không khỏi rụt rè, ngỡ ngàng”. Anh luôn dặn mình “phải nhũn nhặn, chịu khó, học tập tấm gương lao động khoa học cần mẫn, sự dùi mài bút lực của các bậc trưởng thượng, đàn anh trong cơ quan…”. Trong những bậc trưởng thượng ấy, có lẽ nhà văn Hoài Thanh là người thầy để lại nơi anh những bài học sâu sắc nhất. Anh nhớ như in: vào một buổi tối mùa hè, trời nóng nực nơi sơ tán của Viện, dưới ánh đèn le lói, Hoài Thanh đã ôn tồn căn dặn anh: tuổi trẻ là quý lắm, phải tận dụng thời gian, hết lòng làm việc cho cái chuyên môn mà mình sở trường và theo đuổi, để khi sức tàn, lực kiệt, có thể mãn nguyện là mình đã có chút gì có ích cho cuộc đời chung. Đi vào công việc cụ thể, ông khuyên người đồng nghiệp trẻ tuổi: “Nghiên cứu văn chương thì phải chịu khó tự mình tìm đọc văn bản tác phẩm, đọc đi đọc lại không ngại, cốt để thẩm thấu được cái hồn, cái thần của nó. Khi đọc phải tĩnh tâm, thành thực với mình, với người, an nhiên tự tại. Phê bình cần có tài năng thiên bẩm, tấm lòng rộng mở và cảm hứng dồi dào đã đành, nhưng trước hết phải lao động trên từng câu chữ của người ta, nghiên cứu kỹ lưỡng tác phẩm, từng dòng, từng kiểu cách diễn đạt khác lạ, kể cả những chỗ tác giả để trống, tức là những khoảng lặng, tích tụ sự bùng nổ tư tưởng, cảm xúc. Phải gắng tìm cho ra những điều sâu xa, ẩn chứa mà tác giả tâm huyết gửi gắm trong mọi nơi thuộc tác phẩm sáng tác hoặc phê bình”.

Quả là những lời khuyên bảo tâm huyết và bổ ích đối với tất cả những ai có xu hướng đi vào nghiên cứu văn học. Tiếp nhận lời khuyên bảo ấy từ hơn 40 năm trước, Nguyễn Ngọc Thiện đã làm việc theo tinh thần mà người thày lớn đã dạy và hôm nay, nếu nhà phê bình văn học xuất sắc Hoài Thanh sống lại, ông sẽ hài lòng khi nhìn thấy những công trình đã và đang lần lượt ra đời của Nguyễn Ngọc Thiện. Người học trò nhỏ năm xưa - như tôi đã nói - đã góp phần quan trọng vào việc khắc họa diện mạo của lý luận - phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay. Diện mạo ấy được nhìn nhận và đánh giá qua các cuộc tranh luận, các khuynh hướng phê bình, các giai đoạn phát triển từ đầu thế kỷ trước, đặc biệt là từ 1930 đến 1945, 1945 đến 1954, từ 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay. Nguyễn Ngọc Thiện giúp chúng ta thấy rõ đặc trưng của từng giai đoạn phát triển ấy, nhờ thái độ đánh giá khách quan, khoa học, tinh thần tôn trọng các thành tựu của các thế hệ đi trước, trân trọng nền văn học - nghệ thuật của dân tộc, không né tránh những vấn đề phức tạp, nổi cộm. Để có tất cả những ưu điểm ấy, Nguyễn Ngọc Thiện đã tìm hiểu và thấm nhuần đường lối văn nghệ của Đảng ta, qua các văn kiện nói chung và qua các ý kiến chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười… Đề cập những huấn thị sáng suốt của các vị lãnh tụ, Nguyễn Ngọc Thiện giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và toàn diện trước các sự kiện văn học - nghệ thuật của nước nhà. Anh cũng nhiệt tình nhắc lại những ý kiến sắc bén và xác đáng của các cán bộ văn hóa ưu tú như Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường… Qua các công trình của mình, Nguyễn Ngọc Thiện tôn vinh hàng loạt nhân vật có công lớn trong hoạt động lý luận, phê bình văn học, từ Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh, Hoàng Trinh… đến Đỗ Đức Hiểu, Trương Chính, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Sử… Cũng với tâm hồn rộng mở, anh trân trọng lược khảo những tác giả cùng thế hệ anh, qua đó người đọc nhìn nhận một cách hệ thống đội ngũ những nhà lý luận - phê bình văn học từ trước tới nay.

Càng về sau, Nguyễn Ngọc Thiện càng dành thời gian nhiều hơn cho công tác phê bình, bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, chủ biên, giới thiệu. Là một nhà lý luận chững chạc, chuẩn mực, anh cũng tỏ ra là một nhà phê bình cởi mở, biết “vui mừng và trân trọng” mảng văn xuôi hiện đại dân tộc và miền núi hơn nửa thế kỷ qua; “thấp thỏm, hồi hộp” khi đọc bản thảo cuốn hồi ký - tự truyện mới của Ma Văn Kháng; “sung sướng, bàng hoàng” trước thành công của tiểu thuyết Quyên… hệt như trước đây, anh “hào hứng, say mê” đến mức “bị cuốn hút” khi đọc các bài phê bình và tiểu luận của Hoài Thanh. Một số bài viết về sau có pha trộn chất ký, tạo không khí thân tình với người đọc, khi anh đề cập các mối quan hệ với Hà Minh Đức, Phương Lựu, Phong Lê, Nguyễn Phúc…

Tháng 3 năm nay, Nguyễn Ngọc Thiện tròn 65 tuổi. Với công tác lý luận - phê bình, đó là cái tuổi đi vào độ chín, nhiều kinh nghiệm. Chắc chắn anh sẽ tiếp tục cho ra đời những công trình mới, góp phần làm cho đời sống văn học của nước nhà trong thời kỳ đổi mới càng phong phú, sinh động. Mong anh, trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương, làm cho “diễn đàn” của giới văn nghệ ngày một chững chạc, bề thế, thực sự là nơi các văn nghệ sĩ có thể dân chủ trao đổi, bàn bạc về nhiều vấn đề học thuật đang đặt ra trong đời sống văn nghệ của chúng ta.

Tác giả: Trần Đương

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây