Trong danh sách các tác giả được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VH-NT lần này, không có tên tác giả của “Thời xa vắng” - nhà văn Lê Lựu, khiến nhiều người tiếc nuối. Bởi nói đến ông, là người ta nhớ đến “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”, “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa” v.v… với một phong cách văn chương chân chất, giản dị đặc trưng Lê Lựu. Ngay sau khi danh sách các công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh do Bộ VH,TT&DL công bố, chúng tôi đã trao đổi với nhà văn Lê Lựu và được ông chia sẻ:
PV:Rất nhiều người tiếc nuối khi một cây bút lớn của nền văn học Việt Nam đã không có tên trong danh sách 7 nhà văn được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này. Nhà văn Lê Lựu có thể chia sẻ tâm trạng của ông với bạn đọc được không?
Nhà văn Lê Lựu: Đã có rất nhiều người gọi điện cho tôi những ngày này. Nhưng thực tế ai cũng biết, với những người cầm bút, việc sáng tác không nệ vào giải thưởng. Bởi với nhà văn, điều quan trọng nhất là tác phẩm của mình phải để lại dấu ấn gì cho bạn đọc, khiến người ta không thể quên.
Giải thưởng mang ý nghĩa là sự cao quý, dành để tặng cho người xứng đáng, để trở thành động lực, khuyến khích người cầm bút. Vì thế, giải thưởng phải đảm bảo sự chính xác, đúng đắn. Với một giải thưởng lớn, cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, càng đòi hỏi sự công minh, công bằng và chính xác. Được trao giải cũng quý, nhưng không được giải cũng không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp viết lách của tôi.
PV:Đúng giải thưởng không phải là điều quan trọng và nhà văn sẽ vẫn tiếp tục sáng tác để có những tác phẩm giá trị. Thời gian tới, ông sẽ có tiếp tục làm hồ sơ để được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Nhà văn Lê Lựu: Lần này, do tôi ốm đau nên nhà văn Nguyễn Trí Huân đã làm hồ sơ cho tôi, chứ cũng không phải tôi tự làm.
Sáng tác văn chương mang tính đặc trưng, không phải tác phẩm nào viết sau cũng hay hơn tác phẩm trước, mà xuất phát từ tình cảm, nhu cầu cá nhân, rồi cả sự may mắn nữa chứ. Dù có một tác phẩm được dư luận ca ngợi thì cũng không thể ngừng viết, vì đó là sự thôi thúc nội tâm, là nhu cầu, là cuộc trò chuyện bất tận với chính mình và với độc giả. Vì thế, cho dù không được giải, tôi vẫn sáng tác.
Nhà văn Lê Lựu (người ngồi giữa) tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII. |
Vì các nhà văn trước đây có ai được giải thưởng gì đâu, nhưng họ vẫn sáng tác và các tác phẩm của họ vẫn đọng lại với thời gian, với bạn đọc. Đó mới là giá trị đích thực của người cầm bút. Bởi công chúng mới là người thẩm định công bằng nhất, chứ còn cứ tâng bốc nhau theo kiểu đánh trống thổi kèn thì giá trị thực tác phẩm đâu có thể nâng lên được.
PV:Xin cảm ơn và chúc nhà văn Lê Lựu nhiều sức khỏe và bút lực
Thanh Hằng (thực hiện)
Nguồn: CAND
Ý kiến bạn đọc