Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Viết là lắng nghe lòng mình

Thứ tư - 18/04/2012 12:20 4.069 0

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương
Sinh năm 1977, có 4 tập sách và hiện đang là Phó tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, ngoài đời Đỗ Doãn Phương lặng lẽ bao nhiêu thì trong thơ, anh "dậy sóng" bấy nhiêu. Nhân dịp anh đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2010-2011), Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

- Xin chúc mừng tập thơ "Hoan ca" của anh vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Rõ ràng đây là năm được mùa của những tác giả trẻ. Anh có suy nghĩ gì về sự thay đổi này với tư cách là người trong cuộc?

- Tôi rất bất ngờ khi "Hoan ca" được giải của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó là giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam. Các nhà văn cây đa cây đề trong Hội đồng Thơ và trong BCH Hội Nhà văn chắc hẳn đã có những đánh giá và cân nhắc trong việc trao giải cho tôi (sinh năm 1977), hay như nhà văn Nguyễn Danh Lam (1972)... Tôi tin rằng, Hội cũng có sự ưu ái và kỳ vọng nhất định vào các tác giả trẻ. Còn đương nhiên trong đánh giá chất lượng tác phẩm thì sự công tâm và khách quan sẽ phải được đặt lên hàng đầu.

Nhìn vào đời sống văn học năm qua, tôi cũng nhận thấy những người viết trẻ đã và đang rất được quan tâm. Có thể kể đến sân thơ trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 vừa qua, các giải thưởng cho tác giả trẻ (nhỏ nhất là 10 tuổi) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam...

- Thông điệp của anh qua "Hoan ca" là gì?

- Tập thơ gồm 100 bài, nói về tất cả những gì diễn ra trong đời sống của tôi, quanh tôi, đó là tình yêu, gia đình, những suy nghĩ về sự bất tử… Những điều đó, nỗi vui sướng tột cùng hoặc sự sợ hãi tột độ, lặng lẽ đi vào đời sống tinh thần, để rồi lắng nghe những phản ứng của chính tâm hồn tôi. Điều đó có vẻ hơi siêu hình nhỉ (cười). Một ví dụ thế này: Khoảng một tuần sau thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, đêm đó, rất nhiều người Việt Nam nín thở khi hay tin những đám mây phóng xạ đang đe dọa xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta. Thú thực là lúc đó tôi không hình dung được tai họa sẽ thế nào nếu đó là một đám mây hủy diệt tất cả. Sau khi liên tục cập nhật tin tức, tôi trở về phòng, đóng kín các cửa sổ lại và ngồi canh vợ con đang ngủ. Tôi có thể làm gì vào lúc này? Thế là bài thơ "Mang đi" ra đời, thể hiện một chứng nghiệm đơn giản rằng, khi phải đối mặt với tai họa kinh hoàng thì điều mà chúng ta có thể mang theo, cũng như cần làm để trấn áp nỗi sợ hãi của mình là những ký ức đẹp đẽ nhất.

- Anh có chú tâm về việc đổi mới nghệ thuật trong thơ mình?

- Cốt lõi bài thơ là ý tưởng và tôi coi trọng cái phần lõi hơn. Cái phần lõi ấy ngay khi hình thành đã thăng hoa, dù mình có viết ra thành thơ hay không thì nó vẫn cứ cháy sáng để soi rọi cho cuộc sống của mình. Phần vỏ thì cố gắng sao càng giản dị càng tốt. Tôi không dùng mỹ từ, không thích tính từ, mà trọng các động từ và các từ bình thường nhất trong cuộc sống.

- Anh có dự định viết gì trong thời gian tới?

- Tôi vẫn làm việc như một công chức bình thường, rồi sẽ tiếp tục lắng nghe lòng mình để tìm kiếm những giá trị thật sự khuất lấp trong cái rườm rà, lặp lại của cuộc sống hằng ngày. Nhân đây, tôi nghĩ đến Walt Whitman, tác giả tập thơ "Lá cỏ", có một câu viết về ánh nắng, đại ý: Người chỉ cưỡng đoạt được bề mặt/Ta cưỡng đoạt cả bề mặt lẫn bề sâu.

- Xin cảm ơn anh!

Thùy Chi thực hiện
Nguồn: Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây