Đinh Thị Như Thúy: 'Tây Nguyên cho tôi sự cô đơn cần thiết'

Thứ ba - 17/04/2012 05:35 4.562 0

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.
Hơn 20 năm gắn bó miền đất hoang sơ của huyện xa xôi ở tỉnh Đăk Lăk, nữ thi sĩ nhân đầy tình yêu của mình với vùng quê này. Chị cho biết, Tây Nguyên cho chị năng lượng, tâm trạng và cả sự cô đơn cần thiết để đến với thơ ca.

“Ngày linh hương nở sáng”, tập thơ của nữ tác giả Đinh Thị Như Thúy được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Việc một cô giáo làm thơ tại một huyện xa xôi của tỉnh Đăk Lăk được vinh danh ở giải thưởng uy tín cho thấy, văn chương đích thực không có khoảng cách, và mỗi người viết đều có một cơ hội như nhau.

Vì một tình yêu, Đinh Thị Như Thúy đã đến và gắn bó với Krông Pắc, và có lẽ cũng từ tình yêu với vùng đất đỏ hai mùa mưa nắng, nơi thiên nhiên biến chuyển linh hoạt và quyến rũ, nơi có những con người chân chất hiền lành đã nuôi mạch nguồn sáng tạo trong chị.

Chị có cuộc trò chuyện với eVan về công việc sáng tác của mình. 

Chị từng nói “thơ ca thường mang đến những hệ lụy không ngờ”, vậy những giải thưởng chị đoạt được vừa qua mang đến cho chị điều gì?

- Khi nói "Một người làm thơ trước tiên phải có lòng can đảm, bởi thơ ca thường mang đến những hệ luỵ không ngờ”, là tôi nghĩ đến những đau buồn trong tâm trạng mỗi người, mà chúng ta phải nhẫn nại chịu đựng để đi qua, và để đến được những câu thơ của mình.

Tôi cũng nghĩ đến những bất trắc, khi người làm thơ không thoát được trạng huống đơn độc đau buốt kia, để trở về với cuộc sống đời thường, vốn rất cần bình ổn thăng bằng.

Còn giải thưởng, tôi nghĩ không mang đến hệ lụy mà là ánh sáng dành cho thơ.

Rất ít người xung quanh nơi chị sống và dạy học tại Krông Pắc biết chị làm thơ. Việc chị đoạt nhiều giải thưởng ảnh hưởng đến điều này như thế nào?

- Tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Những người viết có thể quan tâm nhiều hơn tới giải thưởng. Còn những người nông dân, những học sinh, và những thầy cô giáo nơi tôi công tác thật sự chẳng mấy quan tâm đến những sự kiện này.

Với họ, sự kiện đó chỉ là một thông tin thoáng qua và có thể là không hề đọng lại. Họ có nhiều lo toan thiết thực hơn. Thầy cô và học sinh thì đang quan tâm đến các môn thi tốt nghiệp và việc kết thúc năm học sắp đến. Những người nông dân thì quan tâm đến thời tiết. Đã cuối mùa khô, họ đang mong chờ những cơn mưa đầu mùa đến sớm. Một cơn mưa rơi sớm mang đủ nước đến cho các rẫy ruộng sẽ làm họ đỡ đi một đợt tưới. Sẽ làm lợi cho họ hàng chục triệu tiền dầu chạy máy nổ. Rồi những lo toan về giá cả phân bón và sâu bệnh nữa.

Vì thế, việc đoạt giải của tôi, trong chừng mực nào đó, vẫn chỉ là niềm vui của riêng tôi mà thôi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, Đinh Thị Như Thúy (cùng với Mai Văn Phấn và Trần Tiến Dũng) đã tạo ra một thế giới thi ca mà có những điều anh ấy không làm được. Chị nghĩ sao trước ý kiến này?

- Tôi nghĩ đó là cách nói mang tinh thần trân trọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những người viết mà ông có đọc. Tôi tin ông đã đọc tôi và nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Trần Tiến Dũng bằng thái độ nghiêm cẩn, và có cái nhìn nghiêm cẩn vào không gian sống, không gian thơ ít nhiều riêng biệt trong những gì chúng tôi viết ra.

Với riêng tôi, câu nói đó đã làm tôi muốn đọc lại thơ của mình.

- Ý tưởng về những vần thơ thường đến với chị những lúc nào?

- Tôi thật sự không biết. Tôi không thể sắp xếp thời gian cụ thể để đến với những câu thơ của mình. Nhưng tôi biết, nếu quá tỉnh táo, nếu luôn thăng bằng, nếu không choáng ngợp, không nặng nề, không đơn độc, nếu không bị thôi thúc, quyến rũ, mê hoặc bởi một ai, hay một điều gì đó, có lẽ tôi sẽ không sao viết được.

- Là người đi nhiều, vậy vùng đất nào lưu dấu nhiều kỷ niệm và có sự ảnh hưởng đến chị nhất?

- Tôi nghĩ mỗi nơi chốn chúng ta đã đi qua, đã, đang sống đều góp phần làm nên con người chúng ta. Huế cho tôi tâm hồn. Đà Nẵng cho tôi tính cách. Đà Lạt cho tôi cảm xúc. Còn Đăk Lăk là số phận. Tôi đã sống ở Đăk Lăk từ năm 1988, đã đi qua những ngày tháng thật vất vả, đã nếm trải niềm vui, hạnh phúc, và rất nhiều cực nhọc, khổ đau. Nhưng tôi nghĩ mọi tồn tại đều có ý nghĩa riêng và không gì là vô ích. Bởi nếu không có những ngày tháng đó, những vui buồn đó thì chúng ta sẽ gửi gắm những gì trong thơ của chúng ta?

Như Thúy hiện là giáo viên THPT tại Krông Pắc, Đăk Lăk.

- Nguyên cớ gì đã dẫn một cô gái sinh ra ở Huế, học đại học tại Đà Lạt như chị đến dạy học tại một huyện xa xôi của Tây Nguyên như Krông Pắc?

- Đó là chuyện rất riêng tư nhưng cũng rất giản dị. Hồi nhỏ tôi sống ở Đà Nẵng, một thành phố hiện đại ven biển, nhưng không hiểu sao tôi lại rất mê núi đồi và thảo nguyên, có lẽ vì ảnh hưởng của những truyện sách mà tôi đã đọc. Tôi chọn học đại học ở Đà Lạt chính vì lẽ đó.

Ở đại học Đà Lạt tôi gặp Phương. Phương đậu đại học năm 1978, nhưng năm đó chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt, Phương vào lính và chiến đấu ở chiến trường Campuchia suốt 6 năm, để năm 1984 phục viên về Đà Lạt học cùng khóa với tôi.

Tôi học văn, Phương học toán. Điều thú vị là Phương không chỉ rất giỏi toán mà còn rất yêu thích văn chương. Quê Phương ở Quảng Ngãi nhưng gia đình anh đi kinh tế mới ở Đăk Lăk. Phương có đến 12 người em. Học xong đại học Phương muốn về Đăk Lăk với gia đình để lo cho các em. Tôi yêu Phương nên muốn về đó với anh. Trước quyết định của tôi, ba mẹ tôi ban đầu phản đối dữ dội lắm. Bởi năm 1988, Đăk Lăk, trong ý nghĩ của những người ở Đà Nẵng, là một vùng rừng thiêng nước độc, sốt rét, xa xôi, hoang vu và heo hút. Mà quả đúng là như vậy….

Gắn bó hơn hai mươi năm với Krông Pắc, vùng đất đỏ xa xôi ấy đã cho chị điều gì?

- Tôi có gia đình, học sinh, những người bạn. Có cả một thiên nhiên kỳ vĩ thay đổi theo mùa. Và bao con người vất vả mà lương thiện sống quanh tôi. Hơn hết, tôi có thơ ca. Tôi vẫn thường nghĩ nếu không gắn bó với mảnh đất này có lẽ tôi đã không viết. Tây Nguyên cho tôi năng lượng, cho tôi tâm trạng, cho tôi sự cô đơn cần thiết để tôi có thể sáng tạo (theo cách nói của nhà thơ Inrasara).

Chị thấy không khí văn chương tại địa phương mình đang sống như thế nào?

- Tôi thấy vui. Ở Đăk Lăk, tôi có một nhóm bạn văn chương rất dễ thương. Mỗi người một tính nết nhưng tất cả đều nồng nhiệt và đam mê viết. Tuy nhiên, vì tôi ở huyện còn hầu hết các bạn đều ở thành phố nên thi thoảng mới có dịp gặp nhau.

Vừa qua có rất nhiều chuyện lình xình tại các Hội Văn học nghệ thuật địa phương mà phần lớn là những chuyện… ngoài văn chương. Ở góc nhìn riêng, chị lý giải điều này thế nào?

- Trong câu hỏi của anh dường như đã có câu trả lời. Chính vì quan tâm quá nhiều đến những chuyện ngoài văn chương nên mới có nhiều chuyện lình xình đến thế. Nếu những người làm công tác văn học nghệ thuật ở bất cứ đâu đam mê và đặt chuyện sáng tạo lên trên những chuyện khác thì có lẽ sẽ bớt đi những lình xình. Là tôi chủ quan nghĩ thế.

- Chị nghĩ sao nếu một ngày chị sẽ rời xa bục giảng để chuyên tâm với văn chương?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi thích công việc dạy học tôi đang làm, và thích nơi chốn lặng lẽ tôi đang sống. Nhưng tôi cũng không quá e ngại nếu phải thay đổi. Khi cần thiết có thể tôi sẽ suy nghĩ về chuyện này.

Đinh Thị Như Thúy sinh năm 1965 tại Huế. Lớn lên tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt. Hiện là giáo viên THPT tại Krông Pắc, Đăk Lăk. Đã in: Cùng đi qua mùa hạ (2005), Phía bên kia cây cầu(2007), Ngày linh hương nở sáng (2011).

Ngoài giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011, chị còn đoạt giải nhất Thơ Làng Chùa lần hai, năm 2012, với chủ đề "Thơ ca và nguồn cội" (cuộc thi tổ chức 3 năm một lần trên phạm vi toàn quốc) với tác phẩmNơi ngày đông gió thổi. Đầu năm 2012, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Dương Tử Thành thực hiện
Nguồn: eVan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây