>> Tác phẩm của Trần Minh Hợp trên thotre.com
Không nên làm mới một cách gượng gạo và vội vàng
- Dù là một cái tên còn rất mới trong dàn viết văn trẻ hiện nay, nhưng Trần Minh Hợp đã nhanh chóng tạo được sự chú ý với bạn viết và bạn đọc. Năm 2011, bạn đã nhận được giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội nhà văn TPHCM cho tập truyện ngắn “Cô gái bán ô màu đỏ” . Bạn có thể nói gì về tập truyện ngắn này, cũng như giải thưởng dành cho nó?
* Tập truyện là những truyện ngắn tôi viết trong kí túc xá đại học, thời rất… mộng mơ của tôi. Tôi đã quyện tình yêu văn chương và địa lý của mình vào đấy. Bạn đọc tập truyện như bạn sẽ được đi… du lịch. Tập truyện do NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành.
Còn về Giải thưởng Nhà Văn Trẻ thật sự là một cột mốc đẹp trong hành trình sáng tác của tôi. Giải thưởng này dành cho tác giả dưới 30 tuổi có tác phẩm tốt nhất trên địa bàn TP.HCM trong năm. Nhờ đó tôi được biết đến nhiều hơn sau giải thưởng, được nhiều người tin tưởng hơn.
Trần Minh Hợp sinh ngày 02.01.1988 ở Bình Thuận. Tốt nghiệp Trường đại học An ninh nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. Hiện công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011.
Tác phẩm đã xuất bản: |
- Mỗi tập sách có thể coi như sự ghi dấu về một hành trình viết. Sau “Cô gái bán ô mầu đỏ”, hành trình viết của bạn có gì thay đổi? Yêu cầu về việc “phải khác” , hay “phải đổi mới” có thường xuyên đặt ra và tạo áp lực cho bạn?
* Sau “Cô gái bán ô màu đỏ” tôi viết rất chậm mặc dù rất thèm viết nhanh. Khác và đổi mới thì luôn được bất kỳ một tác giả nào cũng đặt ra cho mình khi đặt bút sáng tác, tôi cũng vậy thôi, nhưng áp lực thì hầu như không có. Tôi nghĩ cứ viết khi lượng thay đổi thì chất sẽ thay đổi, không nên làm mới một cách gượng gạo và vội vàng.
- Điều tâm niệm lớn nhất của bạn khi viết, là gì?
* Được các biên tập văn học chấp nhận. Một tác phẩm không tốt, mô típ, đề tài cũ kĩ thì không ai chấp nhận cả.
- Như vậy các biên tập viên là thử thách đầu tiên bạn phải vượt qua?
* Cho đến lúc này là như vậy. Mỗi sáng tác khi hoàn thành tôi đều gửi đến các biên tập viên… để có cơ hội lên báo, in sách. Với tôi, đây cũng là con đường đưa tác phẩm đến độc giả một cách tốt nhất. “Vượt qua thử thách” với các biên tập viên cũng là một tiền đề đo hiệu quả hoạt động văn chương, nhất là đối với những tác giả còn trẻ như tôi.
- Nhưng cũng có những trường hợp cái mới không hẳn đã dễ được mọi biên tập viên văn học đón nhận…
* Tôi nghĩ văn học (và các anh chị biên tập cũng nhắc tôi) rất cần cái mới, và sự bứt phá của người viết. Họ không hề muốn một tác giả cộng tác cứ dậm chân tại chỗ. Nhưng cũng có những trường hợp tác phẩm không được biên tập viên chấp nhận có thể do: một là không hợp gu báo, nhà xuất bản, hai là cái mới chưa chín tới… Mà cái thứ hai thường nhiều hơn. Tôi nghĩ biên tập viên không phải là một độc giả dễ dãi, nên viết để họ chấp nhận thì cũng là một việc làm có lợi cho những người mới viết.
- Khi viết bạn sợ nhất điều gì?
* Sợ nhất là tác phẩm của mình… là tác phẩm vô dụng. Viết ra những thứ vô ích thì làm cho bản thân dễ ức chế và chán nản. Nên mỗi khi viết tôi khá đắn đo và viết rất chậm.
- Bạn từng chia sẻ rằng mình được đào tạo trong một môi trường tách biệt với văn chương nên đến với văn chương nhẹ nhõm hơn người khác. Giờ đây, khi đã “dấn thân” với việc sáng tác, văn chương có là một công việc nhẹ nhõm với bạn nữa không?
* Tôi nói nhẹ nhõm ở đây là không đặt áp lực quá nhiều cho mình trong sáng tác, khỏe thì đi lâu, đuối thì nghỉ, chứ ý của tôi không phải là làm văn chương một cách dễ dàng. Càng ngày, tôi thấy viết một truyện ngắn thật là công việc … vĩ đại. Vì tôi mất khá nhiều thời gian, tư duy ngôn ngữ ngày càng chậm chạp nhưng khi hoàn thành được chúng tôi vui cả ngày.
Thực tế cho tôi thấy nên viết gì
- Bạn từng tâm sự rằng: “Đề tài mà tôi đang theo đuổi là những đề tài không thuộc về tình yêu, vì văn chương trẻ và ngay chính tôi cũng đã “bội thực” đề tài này rồi”...
* Bởi lẽ đề tài tình yêu bị khai thác quá nhiều nên các sáng tác thường có mô tip na ná nhau. Nhưng khi sáng tác, vòng một hồi tôi cũng dính vào đề tài tình yêu, chắc đây là đề tài dễ làm cho người viết trẻ như tôi rung động. Viết về tình yêu như đang kể về mình nên viết rất… nhập vai và thấy sáng tác của mình rất suông đuột.
Cô gái bán ô màu đỏ (NXB Văn Hoá Văn Nghệ 2011)
Tác phẩm đã nhận giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội nhà văn TPHCM 2011
- Quả là văn chương trẻ có quá nhiều tác phẩm về tình yêu. Nhiều hay ít không quan trọng bằng chúng có hay hay không. Theo bạn, tình yêu trong văn chương trẻ, chúng có thuyết phục bạn không?
* Có chứ, rất thú vị nhưng có một điều tôi thấy là các bạn thường viết về tình yêu của những người ...giàu và lãng mạn kiểu Tây. Những bối cảnh tình yêu như nhà hàng, rạp phim, quán cà phê, chung cư, resort, cuộc sống tiện nghi… xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác trẻ, đôi khi cũng gây ra nhược điểm về định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ khi đọc truyện..
- Nếu không bị thuyết phục, tại sao bạn không bắt tay viết ra những câu chuyện của mình?
* Thỉnh thoảng tôi có viết về tình yêu của những người… không giàu, chẳng hạn như “Mùa săn cá nục”, “Bức tranh tiếp theo của Q.”, “Cô gái hớt tóc ở thị trấn mưa”… viết về những người không giàu yêu nhau ở những bối cảnh nghèo nàn.
- Trong những đề tài bạn trăn trở, đề tài nào khiến bạn có lúc cảm thấy bất lực?
* Đề tài về nông thôn. Nông thôn chỉ xuất hiện nhiều trong bối cảnh truyện thiếu nhi và một vài tạp bút của thôi, còn truyện ngắn thì tôi ít viết được.
- Sự bất lực này là do thiếu thực tế hay…?
* Tôi là người nông thôn, thỉnh thoảng cũng làm nông, cảm nhận miền quê khá sâu đậm nên thiếu thực tế không phải nguyên nhân chính mà do việc dựng lên những câu chuyện ở nông thôn còn khá gượng và ít tính văn học nên tôi khó hoàn thành được. Trong số truyện tôi viết, tôi cũng thích nhất truyện “Người đàn bà đợi tàu” vì lý do cũng khá đơn giản: nó nông thôn nhất.
- Thực tế đời sống có ý nghĩa như thế nào với các trang viết của bạn?
* Thực tế cuộc sống làm tôi bật lên những ý tưởng sáng tác, cung cấp chi tiết trong truyện của tôi và làm cho sáng tác của tôi không quá “vị nghệ thuật”. Thực tế cũng cho tôi thấy rằng nên viết gì, không nên viết gì và tạo ra một định mức tưởng tượng phù hợp.
Về những tác phẩm “na ná văn học”
- Theo bạn, vì sao các tác giả trẻ hiện nay không có nhiều người viết được những trang viết thật sự kĩ càng nhuần nhuyễn trong câu chữ, và gây được sự xúc động thật sự với độc giả?
* Vì mọi người không có nhiều thời gian và nóng vội với việc đăng báo.
- Bạn có sợ rằng với nhịp sống gấp gáp hiện nay, văn chương sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có của mình?
* Một sản phẩm làm vội vàng thì bao giờ cũng mắc lỗi, thậm chí là một sản phẩm tồi. Điều này khá nguy hiểm, đôi khi cũng làm cho người viết hối hận. Và nhất là tác phẩm chẳng được mấy ai thừa nhận. Điều quan trọng là để giữ được vẻ đẹp vốn có thì văn chương phải thích nghi với cái đẹp của thời đại.
- Bạn từng nói: “Tác phẩm của người viết cũng phải phản ánh được đời sống đương đại và phải có người mua, đọc”. Nhưng có một thực tế, những sách bán chạy lại thường là những cuốn mang tính thị trường và ít tính văn học. Rõ ràng ở đây có sự không đồng thuận giữa việc “phản ánh đời sống đương đại” và “phải có người mua, đọc”. Bạn nghĩ sao về điều này?
* Phản ánh đời sống đương đại theo tôi là những vấn đề bình thường đang diễn ra, không nhất thiết phải là những điều lớn lao, mang tính khái quát xã hội, thậm chí là những chuẩn mực.Và những tác phẩm bán chạy hiện nay là do viết được cái bình thường, đại chúng đó mặc dù rất nhiều trong số đó chỉ là những tác phẩm na ná văn học. Chúng ta phải thừa nhận điều đó diễn ra trong đời sống văn học.
- Theo bạn sự lấn lướt ngày một gia tăng của các tác phẩm mà bạn gọi là “na ná văn học” liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học chính thống?
* Tôi nghĩ là có đó, ít nhất cũng làm lung lay lập trường và đam mê của những người theo dòng chính thống. Nhưng cũng có những sản phẩm văn chương chất lượng dưới góc độ chuyên môn và cả ở góc độ “tiêu dùng” nên chúng ta không nên quá bi quan về tình hình phát triển văn chương hiện nay. Mà ở đây người viết phải biết chắt lọc những cái tích cực của dòng tác phẩm “na na văn chương” để làm mới mình, bắt kịp xu hướng phát triển của văn chương chứ không nên ngồi đó mà chê bai những tác phẩm “na ná văn chương”.
- Một tác phẩm văn học xuất hiện giờ đây, không thể thiếu sự PR. Bạn nghĩ gì về chuyện PR hiện nay?
* Rất, rất cần thiết. Tôi rất quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm vì đó là cầu nối nhanh và hiệu quả của tác giả với người đọc. Nhờ PR mà văn chương bán được và độc giả hứng thú hơn với việc đọc. PR tốt sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động văn chương của tác giả cũng như góp phần vào sự phát triển của đời sống văn chương. Tôi luôn tìm mọi cách để PR cho những quyển sách của mình.
- Đóng góp lớn nhất của các tác giả trẻ vào bức tranh văn học nước nhà là gì, theo bạn?
* Đó là tạo nên một diện mạo văn chương trẻ. Những người viết trẻ là một nhịp cầu nối giữa những người viết lớn tuổi với những người viết sắp trẻ, làm cho nền văn học nước nhà thông suốt, không bị đứt gãy.
- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện
Thy Ngọc thực hiện
Nguồn: Văn nghệ trẻ
Ý kiến bạn đọc