Ngôn ngữ hiện đại, tại sao trong văn chương thì không?

Thứ năm - 29/03/2012 05:10 3.235 0

Nhà thơ Inrasara

Nhà thơ Inrasara
Thời gian gần đây có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên tồn tại một loại ngôn ngữ hiện đại đang rất phổ biến trong đời sống hàng ngày và đã le lói xuất hiện trong một số sáng tác văn học. Bàn thêm về vấn đề ngôn ngữ hiện đại có cần thiết hay không với nhà văn, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn với nhà thơ Inrasara.

PV: Nếu gạt bỏ những bức tranh minh hoạ và việc thu hồi cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” mà chỉ tiếp cận những câu thành ngữ sành điệu của giới trẻ ở dạng chữ thông thường, hoặc lời nói trực tiếp của giới trẻ thì cảm giác đầu tiên của ông với tư cách một độc giả như thế nào?

Nhà thơ Inrasara: Đây là món quà bất ngờ thú vị. Tôi đã đọc đi đọc lại ba lần, mỗi lần là một khám phá mới.

PV: Còn với tư cách nhà lý luận phê bình thì có gì khác?

Nhà thơ Inrasara: Cũng không khác. Đây là một tác phẩm thú vị rất đáng đọc. Nó cung cấp cho ta cách nghĩ mới, cách nói mới, và nhất là cả khối ngôn từ mới. Chớ nghĩ kho tàng thành ngữ "cổ điển" của ViệtNam đã ổn định ngay khi nó ra đời, chúng liên tục thay đổi để hợp thời. Ca dao hay tục ngữ cũng vậy. Nó được sửa chữa qua nhiều thế hệ mới đạt "chuẩn" như chúng ta biết và học.

Điều mà các bạn trẻ "sáng tạo" hôm nay, qua quá trình chỉnh lí và sửa chữa, chắt lọc, chúng sẽ tồn tại để làm nên truyền thống của ngày mai.

PV: Ông đánh giá thế nào nếu có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện những thành ngữ đó dường như là tất yếu trong bối cảnh hiện nay, dù có bị thu hồi thì nó vẫn tồn tại trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta.

Nhà thơ Inrasara: Đúng, nó là tất yếu. Không làm được như thế mới là điều lạ. Thời đại mới, cần có loại ngôn ngữ mới để diễn tả cách nghĩ và cách nói mới. Ngôn ngữ sinh thành và chết đi qua mỗi thế hệ, mỗi năm, thậm chí - mỗi ngày. Như vậy mới là sinh ngữ. Chúng đang được sử dụng khắp nới trong cuộc sống hàng ngày, trong trường học, trong việc kinh doanh làm ăn buôn bán, nơi công sở hay cả trong trao đổi thường nhật của giới trí thức, tại sao trong văn chương thì không?

PV: Theo ông, một người bình thường và một nhà văn thì việc ứng xử với sự xuất hiện lối nói hiện đại này nên thế nào?

Nhà thơ Inrasara: Tiếp nhận và học hỏi. Dĩ nhiên có gạn đục khơi trong, nhưng - không cần thiết phải sợ hay dị ứng với chúng. Cá nhân tôi học được rất nhiều từ khối ngôn từ này, và cả lối nghĩ rất độc đáo của thế hệ làm ra chúng nữa. Rất nhiều lối nói khác với lối nói quen thuộc của tôi, lối nghĩ chống lại lối nghĩ đầy quán tính của tôi, ngôn từ "phá hoại" ngữ pháp tiếng Việt thông dụng mà tôi biết. Nhưng tôi thích chúng, và vui vẻ tiếp thu chúng. Chính chúng sẽ làm phong phú vốn từ vựng của tôi.

PV: Ông có cho rằng việc ra đời những cuốn sách có những cách nói, kiểu nói hiện đại (như cuốn sách vừa bị thu hồi) sẽ tác động đến thị hiếu hay cách tiếp cận các tác phẩm văn học không?

Nhà thơ Inrasara: Thời đại thay đổi, văn học nghệ thuật thay đổi, ngôn ngữ cũng phải thay đổi. Việc thu hồi tác phẩm có những cách nói, kiểu nói hiện đại có thể làm chậm trễ sự tiếp nhận của công chúng chứ không thể thay đổi dòng chảy của đời sông được. Nghĩa là không ai có thể buộc thế hệ hôm nay nói, nghĩ, dùng ngôn từ của thế hệ trước đó. Như vậy là bóp nghẹt sáng tạo rồi còn gì!

PV: Trong tác phẩm văn học hiện nay chúng ta đã nhìn thấy dấu ấn của ngôn ngữ hiện đại chưa?

Nhà thơ Inrasara: Nhiều, rất nhiều nữa là khác. Nhất là bộ phận kẻ sáng tạo có ý thức cách tân, làm mới văn chương họ, từ đó làm mới ngôn từ họ. Từ thứ ngôn ngữ đầy ước lệ với nhiều ẩn dụ của thời cổ điển (Bà Huyện Thanh Quan chẳng hạn) sang lối dùng ngôn từ đẹp đầy tính văn chương thời Thơ Mới qua đến ngôn từ đời thường thời văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa là cả một nỗ lực vươn vượt. Ta đã từng thấy Phạm Tiến Duật sáng tạo ngôn ngữ thư qua "Tiểu đội xe không kính" như thế nào rồi:

Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ mất tồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng

Nhưng ngay lối dùng câu chữ đó cũng bị coi là đã "xưa". Thế hệ hậu hiện đại sử dụng cả lối nói "ngọng" để làm thơ nữa:

Không jì có thể đoạt tôi khỏi những bàn tay
cái nhìn không tương xứng lăm ngón
Jữa con mắt fải và chái
không fải cái mũi thò nò xanh
thế jới lày không thể bóp tôi
những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới
thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước
không muốn hắt xì với đám đông
tôi nà cái thai chong bụng người con gái tôi yêu

               (Bùi Chát, "Hiện chạng", Xáo chộn chong ngày, 2003).

PV: Văn học có nhiệm vụ phản ánh đời sống, vậy các nhà văn “nên” hay “cần” sử dụng ngôn ngữ hiện đại trong tác phẩm văn học hiện nay?

Nhà thơ Inrasara: Dù quan niệm văn học "phản ánh" hay không phản ánh đời sống, nhưng dẫu sao đi nữa, thời đại mới, ý tưởng mới đòi hỏi nhà văn sáng tạo hay tiếp nhận ngôn từ mới - là thứ ngôn từ đang sinh sôi hàng ngày trong cuộc sống sôi động ngoài kia, chứ không phải ngôn từ chết, ngôn ngữ của sách vở và đang được lưu kho.

Thời đại hôm nay đã khác rồi. Chúng ta không thể và không được quyền tiếp tục quay lưng sống lùi để mà dùng lại chất liệu ngôn ngữ của thế hệ trước, trong một thời đại thơ xa lơ xa lắc, dẫu nó có lớn hay mang vẻ “vĩnh cửu” đến đâu. Trống Tràng Thành với núi Thái Sơn, vó ngựa biên thùy hoặc thậm chí cả nón lá nghiêng che, những cánh cò, tà huy, vô thường… cũng thế. Chúng xa lạ và đang rất lạc lõng với dòng sống sôi động hôm nay nên, khó có thể chuyên chở nổi tẻo teo cảm xúc của đại chúng rộng lớn. Do đó, chúng ở phía sau tầm mong đợi horizon of expectations của người đọc thời hiện đại. Trong lúc một đường bóng của Ronaldo, cái chết của Bin Laden hay Gadhafi, sự trỗi dậy của Taliban, khủng hoảng tài chính thế giới, nguy cơ xung đột Biển Đông… mới chính là cái làm chao đảo thế giới chúng ta đang sống, tác động lên tâm hồn chúng ta, trực tiếp hay gián tiếp, quy định lối nghĩ của đại bộ phận nhân loại. Chúng xứng đáng/và chắc chắn sẽ là những “điển cố” mới, tạo nên ước lệ mới cho thi ca hôm nay.

PV: Có nhà văn nói rằng, nếu sử dụng ngôn ngữ hiện đại trong tác phẩm chỉ là cái vỏ và mang dấu ấn thời đại hơn là tính nghệ thuật, ông thấy quan điểm đó thế nào?

Nhà thơ Inrasara: Ngôn ngữ không là cái vỏ mà chính là nội dung của một tác phẩm nghệ thuật. "Ngôn ngữ tạo ra thế giới, những giới hạn ngôn ngữ của tôi nghĩa là những giới hạn của thế giới của tôi” (L. Wittgenstein, 1921). Một thi sĩ lớn chỉ làm chủ vài chục hạn từ, lặp đi lặp lại để làm nên giọng điệu của ông/ bà ta. Nhà thơ không sở hữu [hay sáng tạo] một số ngôn từ của mình và cho mình, thì không thể là nhà thơ đúng nghĩa cao tuyệt của nó.

* Cảm ơn ông!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây