Bùi Giáng - một chân dung huyền thoại

Thứ tư - 28/03/2012 23:08 5.338 0

Bùi Giáng - một chân dung huyền thoại

Trịnh Công Sơn từng có câu: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi… - “Để gió cuốn đi” hình như là một cái gì ám ảnh và đúng với nhiều thân phận cuộc đời con người mà Bùi Giáng là một trong đó.

Bùi Giáng - một huyền thoại!

Văn học Việt Nam có rất nhiều nhà văn lớn với những tác phẩm giá trị nghệ thuật nhưng điều đó không đồng nghĩa họ đều trở thành huyền thoại trong lòng công chúng. Riêng Bùi Giáng, dù còn nhiều tranh cãi về sự công nhận giá trị nghệ thuật thì ông lại được coi là một huyền thoại. Một định danh không phải ai cũng được gọi cho đến bây giờ, ngoài Bùi thi sĩ và Trịnh Công Sơn.

Đương thời, Bùi Giáng có nhiều bút danh như: Vân Mồng, Trung Niên thi sĩ, Đười ươi thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Báng Giùi… Những bút danh này dường như không nhất quán dưới mỗi tác phẩm, nó tuỳ thuộc vào sự ngẫu hứng của thi sĩ. Có thể vì điều này mà cho đến nay không ai biết chính xác Bùi Giáng có bao nhiêu tác phẩm và vô số dị bản. Có người bảo ông có khoảng 50 đầu sách, nhưng cũng có người khẳng định 70 đầu sách. Tuy nhiên, hiện giờ di cảo của Bùi Giáng chưa được công bố vẫn còn. Số di cảo xuất bản thành sách phải lên đến 10 tập nhưng mỗi năm gia đình nhà thơ chỉ chủ trương xuất bản một tập. Thậm chí, một số tin đồn cho hay, số lượng di cảo còn đầy vali - nhà báo Yên Ba; người sưu tầm tác phẩm của Bùi Giáng cho hay. Ngay cả nhiều người yêu mến và thích thơ Bùi Giáng khi nhìn vào số sách sưu tầm của Yên Ba - dù chưa đầy đủ hết cũng vô cùng ngạc nhiên vì số lượng những tác phẩm đã được in thành sách của Bùi Giáng lại nhiều đến vậy, có những cuốn mà họ chưa bao giờ được nhìn thấy, được biết đến.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là chưa khi nào người ta thấy Bùi Giáng sáng tác nhưng lại có số lượng tác phẩm đáng kể đến vậy. Ông vừa làm thơ, vừa dịch tiểu thuyết, tiểu luận, khảo cứu triết học… Ông có thể đọc thơ, làm thơ mình mà không cần giấy bút, hoàn toàn bị động và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để dẫn chứng cho nhận định trên, Yên Ba kể lại câu chuyện nhà văn Mai Thảo từng bắt cóc Bùi Giáng vào toà soạn của mình với lý do cần một số bài thơ cho số báo tới. Kết quả là Bùi Giáng đã để lại cho toà soạn hơn 20 bài thơ của mình.

Trong cuốn Đười ươi chân kinh của Bùi Giáng vừa được ra mắt gần đây có nhắc đến công việc gạn bỏ, chọn lọc của ban biên tập khi tiếp cận thơ của ông. Thơ Bùi Giáng, theo nhà thơ Trần Ninh Hồ thì “có những câu thơ hay nhất kiếp người, như: “Hỏi tên rằng bể dâu xanh/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa/ Ta về rũ áo mù sa/ Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay” (Còn có dị bản khác Hỏi tên rằng bể dâu xanh/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa/ Gọi tên? Rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm). Còn người khác thì cho câu: “Còn hai con mắt khóc người một con” là câu thơ giàu liên tưởng, triết lý. Hay câu: “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không/ Ta đi còn giữ đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù”… Độc giả có thể biết vô số câu thơ như thể được viết ra trong lúc Bùi Giáng ở trạng thái xuất thần, lên đồng từ cõi vô thức, vô thường. Thế nhưng cũng có nhiều câu, nhiều bài lại rất vô thưởng vô phạt, kiểu như: “Mình ơi! tôi gọi bằng Nhà/ Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi”… Nếu gạt bỏ biết bao câu thơ xuất thần của Bùi Giáng, quả thật khi đọc những câu thơ này khó ai nghĩ đó là thơ chứ chưa nói là thơ của một thi sĩ huyền thoại.

 

Khi nào có thể lý giải được huyền thoại Bùi Giáng

Trong buổi toạ đàm thơ Bùi Giáng, giảng viên Trần Ngọc Hiếu của Đại học Sư phạm Hà Nội có đặt ra một câu hỏi: Cơ chế nào để Bùi Giáng trở thành huyền thoại? Câu hỏi này cho đến nay thực sự không mới nhưng để đi tìm lời giải thì không biết đến bao giờ. Bởi vì toàn bộ cuộc đời của Bùi Giáng cũng là một tác phẩm lớn với nhiều giá trị kèm theo những tranh cãi, hư thực đan xen. Ranh giới của tất cả những giá trị đó chưa bao giờ phân định. Mỗi khi một giả thiết, một nhận định được đưa ra thì ngay lập tức nó vấp phải sự phản biện, sự chứng minh ngược lại hoặc bị phủ nhận trong cái gọi là “dị bản”, “đồn đại”.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ cắt nghĩa một phần “cái điên” trong con người Bùi Giáng, rằng đó là” Điên nửa thực nửa tỉnh và có cái thảng thốt của đời người”.

Còn nhà văn Phạm Toàn cắt nghĩa con người Bùi Giáng trên phương diện nghệ thuật: “Nghệ thuật là làm ra cái đẹp chứ không phải bình luận cái đẹp”.

Còn hoạ sĩ Ba Tỉnh - người đã từng gặp Bùi Giáng để vẽ chân dung ông theo trí nhớ, thì Bùi Giáng có cái điên khác thường “Cảm giác như Đôngkisốt của ViệtNam. Ông mặc theo ý ông, rất kiểu cách chứ không phải một người điên. Ông điên kì lạ, điên của người tài năng chứ không phải điên thông thường”.

Sự bất thường trong cái vô thường của một con người đã khiến Bùi Giáng trở thành một con người “nhoà” trong tất cả những gì lẽ ra phải cụ thể nhất ở một sinh thể. Ai cũng muốn góp bình luận, góp những gì mắt thấy tai nghe (bị/ được thêm bớt) để cố công tạo nên một chỉnh thể rõ ràng, nhưng càng làm càng thất bại và càng đi xa với hình mẫu chủ đích ban đầu. Vì thế, xung quanh cuộc đời ông, sự nghiệp ông còn rất nhiều câu chuyện thật giả lẫn lộn được kể và đánh vào sự tò mò của độc giả. Đó là lý do vì sao ông trở thành huyền thoại và chưa biết đến bao giờ câu chuyện huyền thoại này chấm dứt.

Cũng giống như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng sẽ mãi là một hiện tượng mà chúng ta cứ mải mê đi tìm ngọn nguồn, biết là mất công, vô ích nhưng cứ dấn thân.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây