Nguyễn Đình Tú - gã trai phố vác rìu

Thứ sáu - 02/04/2010 12:54 2.320 0

Nguyễn Đình Tú - gã trai phố vác rìu

Khi sức nóng của tiểu thuyết “Nháp” còn chưa dịu bớt thì Nguyễn Đình Tú tiếp tục trình làng “Phiên bản”, ngay sau đó lại bắt tay vào tiểu thuyết tiếp theo với cái tên cũng khá lạ - “Kín”.

Nhiều người chợt giật mình vì đây là lần thứ tư trong vòng dăm năm, Tú trình làng ở thể loại này. Và dường như, thành quả lao động của gã tiều phu hồn nhiên chăm chỉ đang ngày càng toả sáng qua những nhát rìu...

Hồn nhiên nhất Hà Nội

Nguyễn Đình Tú vẫn được một số bạn bè thân thiết mệnh danh là người… hồn nhiên nhất Hà Nội. Còn tôi thì lại cho rằng, nếu như một ngày nghe tin gã bị vạ miệng trước một vụ lình xình nào đó trong giới văn chương thì cũng chẳng có gì là lạ. Bởi cái cách nói vỗ vào mặt người ta của Tú khiến người mới tiếp xúc rất khó chịu. Còn những người hiểu gã sở dĩ không khó chịu có lẽ là bởi cái sự hồn nhiên của gã. Gã nói nghịch nhĩ một cách rất hồn nhiên, mà với người hồn nhiên thế thì có giận cũng… bằng thừa.

Cái sự hồn nhiên của Tú đó là hồn nhiên khoác tay bạn văn này, ngồi xán lại một bạn văn khác, chẳng phải là “bắt quàng bắt xiên” để lấy sang gì nhưng nhìn vẫn cứ thấy… hồn nhiên làm sao ấy. Cho dù đó là một cuộc toạ đàm, hội thảo thay hội nghị thì cũng chả có gì là quan trọng, gã cứ xán lại tong tớn mà chuyện như pháo ran, mà chuyện lâu thì phạm vi đề tài phải rộng, bàn luận phải sâu, thế là thôi rồi, hầm bà làng… Thế nên có lần tôi đã nói vui rằng, nếu có “bí mật” nào đó cần phổ biến thì cách tốt nhất và đơn giản nhất là chỉ cần “nói nhỏ” với Nguyễn Đình Tú, đảm bảo ngày mai cả thiên hạ sẽ biết. Nói vậy không phải gán cho gã cái tội “buôn dưa lê bán dưa chuột”, mà ấy là tính gã vốn chả giữ được điều gì trong mình quá năm phút, kể cả chuyện của mình chứ chả phải mỗi chuyện của… thiên hạ. Có niềm vui nào đó mà không có ai để khoe thì với gã đó là một cực hình. Tôi chỉ lo rằng, một ngày nào đó, gã nhận được một tin vui động trời nhưng lại vào lúc… nửa đêm thì rất có thể gã sẽ dựng cả bạn bè dậy mà thông báo! Danh xưng “người hồn nhiên nhất Hà Nội” là của nhà văn Đỗ Tiến Thụy tặng cho Tú. Khi nghe tin mình được tặng danh hiệu này, tưởng rằng gã sẽ nhảy dựng lên mà điều tra xem ai là tác giả, nhưng không, gã lại cười vẻ rất hồn nhiên pha lẫn… tự hào. Cũng bởi vậy, đẳng cấp hồn nhiên của gã càng với được khẳng định.

Hồn nhiên nói, hồn nhiên cười, hồn nhiên ăn uống, hồn nhiên đi lại. Nhưng mà đừng tưởng dễ bắt nạt gã nhé. Thật dại dột cho kẻ nào trót gây sự hoặc bị đẩy đến nước phải tranh luận với gã, chắc chắn sau đó “nạn nhân” sẽ bị dồn đến tận chân tường. Đôi lúc tôi vẫn cứ tự hỏi rằng, nếu như Tú học một ngành khác không phải Luật thì liệu rằng cái năng lực bảo vệ và phản biện ở gã có ít đi chút xíu nào không?

Tú chỉ hết hồn nhiên khi đăng đàn, nói trước hội nghị, khi trả lời phỏng vấn truyền hình, và khi nêu và bảo vệ quan điểm của mình. Gã không xuất hiện quá nhiều nhưng dường như là đủ các lĩnh vực, từ bình thơ cách mạng trên truyền hình, trả lời phỏng vấn về vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Bác Hồ, cho đến bàn luận về các vấn đề rất hot của văn học… Nói chung là “nhạc nào cũng nhảy”.

Ham vui nhưng phải... có thưởng!

Ai thân thiết với Tú thì còn biết thêm một trong “tứ chứng nan y” nữa của gã, đó là bệnh ham vui.

Những người hồn nhiên thường béo tốt. Tú là người béo tốt. Mà cũng chỉ nên dừng ở ngưỡng béo tốt, chứ quá chút nữa thành béo phì thì rất không nên. Chắc cũng bởi lo lắng một ngày nào đó tự dưng… hết hồn nhiên, tấm thân của gã sẽ chuyển từ béo tốt sang… béo phì nên gã có vẻ nghĩ đến việc tìm giải pháp đối phó từ khá sớm. Mà tính gã vốn nghĩ là làm, thế nên chẳng có chuyện lo suông. Dạo còn chưa lấy vợ, có bữa Tú lễ mễ bê về phòng ở số 4 Lý Nam Đế một máy Perfect để tập cơ bụng. Thế rồi chiều chiều gã bò xoài ra sàn nhà đẩy Perfect. Ai cũng phải lè lưỡi phục cho cái tinh thần thể thao của gã. Nhưng cái tính cả thèm chóng chán lại luôn đồng hành cùng gã. Thế là chả được mấy hôm, Perfect lại nằm cô đơn một góc phòng phủ bụi. Còn chủ nhân của nó khi có mặt trong phòng nếu không cặm cụi biên tập thì cũng ngồi gõ xoành xoạch, hoặc là ngủ lăn quay, gã gần như quên hẳn chiếc Perfect mới tậu về mặc cho cái bụng ngày một tròn ung ủng.

Thế rồi một dạo lại thấy Tú đi học… khiêu vũ. Cũng tụ tập hội nhóm, cũng đi vũ trường, thế rồi về nhà cũng uốn éo trong mười mấy mét vuông căn phòng tiến lùi, đi hình quả trám, tập điệu cha cha, điệu mambo… Chả hiểu “lên chân” được đến đâu nhưng được độ một tháng thì không thấy gã nhắc gì đến chuyện “lên sàn” nữa. Không lên sàn nữa không có nghĩa là không kiếm chác được gì từ vụ đi học khiêu vũ. Kết thúc vụ “nhảy” thấy gã in truyện ngắn Điệu mambo hư ảo, truyện ngắn này sau đó đoạt giải nhì cuộc thi của một tờ báo. Lúc đi ăn khao giải thưởng, bạn bè có người gọi đùa là “Điệu măm măm hư ảo”. Cuộc vui nào của gã dường như cũng đều... có thưởng cả!

Nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ảnh nhân vật cung cấp.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ảnh nhân vật cung cấp.

Với những thú chơi qua đường, Tú luôn biết đến độ. Nhiều thú vui tưởng chừng như vô bổ mà gã xí xớn tham gia kỳ thực chẳng mất đi đâu tí nào. Thấp thoáng hoặc đậm nét đây đó trong các tác phẩm của gã là những gì thu nạp từ chuyện “chơi” được nhào nặn thành văn. Tú là người kỹ nghề, ngoài nội công thâm hậu thì phải kể đến sự dấn thân, người ta khó có thể quên những trang tả sâu về các thế võ, đường quyền, những lý luận của một nhân vật võ sư hay những kinh kệ, triết lý của một nhà sư trong các tác phẩm dù là truyện ngắn hay một trường đoạn trong tiểu thuyết của gã. Ngoài việc tra cứu, đọc tài liệu thì còn lại là bằng cách quăng mình vào mọi xó xỉnh bụi bặm trần ai. Gã chưa bao giờ ngồi vào chiếu bạc (ít nhất là ở một sòng đai đẳng) thế nhưng người ta vẫn phải thán phục những mánh lời cờ bạc, những cửa trêncửa dưới, những sập những chến của trò xập xám trong Phiên bản. Đến đó không còn là sự ham vui mang ít nhiều màu mè phù phiếm nữa mà chỉ còn là sức lao động đến vắt kiệt mình của một kẻ cạo phím nghiêm túc đến khổ hạnh.

Cái tính ham vui của gã còn được khối việc khác. Không chỉ ham vui cho mình, gã còn lôi kéo nhiều anh em bạn bè khác vui lây. Mỗi lần bên Hội bàn tổ chức sân thơ trẻ cho ngày thơ Việt Nam là gã hào hứng lên trông thấy (gã có chân trong Ban công tác nhà văn trẻ của Hội Nhà văn), lại lôi kéo, hỏi han người này người kia để tìm nhân sự ứng viên cho sân thơ trẻ. Và khi được ai đó giới thiệu người A, kẻ B nào đó gã liền hỏi luôn, “nhưng mà có… máu không, phải máu thì mới nhiệt tình, mới được việc”. Ham vui thế nên trại viết nào mà không có gã sẽ rất tẻ, rất buồn. Đêm bế mạc thế nào gã cũng lại song ca với em này, múa lăm vông với em kia rất duyên dáng, như một liều doping kích thích, lôi kéo những người khác ra sân.

Sau chép miệng là… tiểu thuyết

Ngồi tán chuyện viết lách với gã, ai không thực sự hiểu bút lực của Tú thì cứ nghĩ gã… nói đùa. Thế nhưng khi đã bắt vào mạch viết thì gã như bị nhập đồng. Mà chả phải là "như" nữa, gã bị nhập đồng thực sự. Trong những ngày cao điểm, khi đã tìm ra hướng triển khai tiểu thuyết là gã lia phím roàn roạt, có tối đi bay đến năm trang. Viết xong một trường đoạn ưng ý hay giải quyết được một “bế tắc nhỏ” nào đó là gã lên mạng khoe toáng lên với bất kỳ bạn viết nào đó còn online. Nín nhịn lắm thì đến sáng hôm sau đến cơ quan thế nào gã cũng khoe với người đầu tiên gã gặp. Nhưng trong đó thế nào cũng có vài kẻ thân tình được gã ưu tiên cập nhật thường xuyên. Khi thì là số trang viết được, “Hai lăm trang rồi nhé… Ba mươi trang rồi nhé… Bốn lăm trang rồi nhé…" Khi thì khoe đã giải quyết xong một khiếm khuyết được góp ý, “Cái “xen” sau khi thằng kia chết ấy, đã có một màn tâm lý nặng cho con bé ấy rồi nhé”. Lúc lại là một câu tự đắc để tự động viên mình, "Màn say rượu cũng được đấy chứ nhỉ...". Cứ liên tằng tằng từng ngày khiến người nghe cũng phải nóng ruột. Thế là cái từ trường toả ra từ sức làm việc hừng hực của gã lan sang khối đồng nghiệp, ai cũng thấy ngứa chân ngứa tay, thấy sốt ruột muốn viết một cái gì đó. Nhưng quả tình, để theo được gã thì gần như là điều… không tưởng.

Anh em trong giới nhiều người phải ngán sức làm việc của Tú. Ngán nữa là nghe gã nói cứ khơi khơi, cảm giác như… nói phét. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn kỷ lục thì lời nói đó đã được chứng minh, sản phẩm đã ra lù lù, cảm giác như gã có phép thần thông biến hoá. Khi bàn về việc ra Phiên bản với nhà văn Trần Thanh Hà (Nhà xuất bản Công an Nhân dân), thấy gã nói xơi xơi một lèo, rằng không nên ra sách vào cuối năm, sức hút kém, truyền thông không chú ý, mọi người đều bận rộn, thế là “chốt lịch” chậm nhất là tháng mười, thế là lên lịch tháng chín phải có bản thảo, thế là thoả thuận tiến độ của tác giả và tiến độ của Nhà xuất bản. Chỉ còn hơn một tháng nữa phải nộp bản thảo mà lúc đó gã mới viết được… một phần tư của bốn trăm trang.

Trước đây, khi còn mặn mà với thể loại truyện ngắn, trong một cuộc nhậu đã có một lời thách đố gã viết một truyện trên cơ sở nhân vật là một người bạn. Tưởng là đùa cho vui, ai dè vài tuần sau mọi người sững sờ khi thấy “lời thách” in lù lù trên tờ Tiền Phong. Cũng vì cái sự “nhanh tắp lự” ấy mà đã gây cho gã ít nhiều phiền toái. Từ đó không thấy ai thách đố gì gã nữa.

Còn bây giờ thì gã đã gần như chuyển hẳn sang “giai đoạn tiểu thuyết”. Cứ pằng pằng phát một, ngoảnh đi ngoảnh lại gã đã có bốn đầu tiểu thuyết và đang ấp ủ đầu thứ năm được bật mí một cái tên rất lạ không kém tiểu thuyết Nháp, đó là… Kín. Dường như gã còn khá nhiều âm mưu với thể loại văn học này.

Tú là người hay chép miệng. Trong khi trò chuyện gã rất hay chép miệng, nhất là trước khi cao giọng về một điều gì đó. Có lần gã chép miệng ta thán, “truyện ngắn nhiều quá, viết nhiều viết mãi độc giả cũng chẳng nhớ, thế thì chẳng thà làm chục cuốn tiểu thuyết, người ta không nhớ cuốn này thì nhớ cuốn kia”. Khi đó gã đã in 2 tiểu thuyết. Tưởng là nói đùa té ra gã… nói thật. Lại tưởng gã nói thế cho vui chứ cũng còn lâu mới có cuốn thứ ba, ai dè gã bắt tay làm luôn. Khi mà vèo một cái, ở thời điểm Nháp vẫn đang tung hoành trên các diễn đàn văn học, bạn đọc vẫn điện đàm, nhắn nhe về thì gã chẳng những không bị say men chiến thắng mà còn biến men chiến thắng thành thứ men kích thích chơi tiếp cuốn thứ tư dày 400 trang xong trong vòng… hơn một tháng. Và trong khi Công ty truyền thông Phương Đông vào cuộc phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên tái bản Nháp lần hai thì Phiên bản mới cong cũng đã nằm nghễu nghện trên các quầy sách trong Nam ngoài Bắc. Một vài nhà sách khác ngỏ nghê thăm hỏi, gã chẳng mặn mà ngay nhưng lúc bàn trà với bạn hữu thì kể lại rồi chép miệng, “muốn thì nuôi cuốn thứ năm đi”. Nói xong gã lại nâng chén trà tợp một ngụm và chép miệng đánh chẹp. Nhìn cử chỉ ấy, người “hiểu chuyện” biết rằng, hãy coi chừng cái chép miệng của gã, rất có thể ngay sau đó sẽ lại có một tiểu thuyết nữa ra đời.

Gã trai phố vác rìu

Viết về tiểu thuyết mới nhất của gã, lão nhà văn Ma Văn Kháng phải hạ bút: “Tôi đã hơn một lần rất có cảm tình và thật sự là khâm phục năng lực hiểu biết thấu đáo cái lĩnh vực đời sống, cái đối tượng nghệ thuật mà cây bút Nguyễn Đình Tú, một triển vọng hứa hẹn của văn xuôi hôm nay, đã cày xới trong tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù và mới đây, trong cuốn sách có cái tên rất lạ tai là Nháp của anh… Cái sự sống trực tiếp nhằm khám phá kỹ lưỡng vào chiều sâu bên trong cái thế giới kỳ quái này của nhà văn vẫn là một nét nổi trội, nó khiến người đọc rơi vào trạng thái say mê với một niềm tin cậy chắc chắn là đã không bị lừa!”.

Cái sự “không bị lừa” của bạn đọc thì gã cảm nhận và ý thức rõ hơn ai hết. Bằng những thư từ, những email, điện thoại, tin nhắn gửi về, gã biết được rất nhiều phản hồi của bạn đọc cho những gì gã viết. Có độc giả trung thành theo dõi gã từ ngày “tác phẩm tuổi xanh”, có độc giả mới, có độc giả trẻ, có độc giả nhiều tuổi… Khác với những tô tô, những tràng liên thanh pằng pằng, gã chùng giọng xuống, nhã nhặn mà bảo, “mình biết mình cũng có bạn đọc, có công chúng riêng của mình chứ”. Ôi, cái phút lắng đọng hiếm hoi của gã mới rưng rưng làm sao!

Cũng trong lời bạt cho Phiên bản, cuốn tiểu thuyết mới nhất của gã, nhà văn Ma Văn Kháng đã dẫn lời của tiểu thuyết gia Tây Ban Nha Ooctêga Y Gassét đại ý rằng, chiếc rìu của một tiều phu giỏi chẳng có nghĩa lý gì trên một sa mạc không có cây cối, muốn viết được một cái gì đó cho ra hồn nhà văn phải có chất liệu. Và bạn đọc sẽ thấy cái chất liệu dồi dào căng ứ trong mỗi tác phẩm của Tú, đó là một thứ tài sản mà gã dày công cần mẫn vun đắp mê mải cho mình.

Nguyễn Đình Tú là trai phố, chẳng nên ví gã với một gã tiều phu và gã cũng chẳng thích được gọi là tiều phu, thế nhưng nếu “lỡ” phải ví như thế thì tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh một gã tiều phu miệt mài vung rìu giữa khu rừng có tên gọi cuộc sống. Còn gã tiều phu ấy có tên gọi: nhà văn!

Tác giả: Dương Tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây