Do dự mãi đến hơn một năm sau tôi mới dám đạp xe đến Nhà xuất bản Trẻ để lân la tập làm quen với các tiền bối và gửi bài cộng tác cho các tờ Áo Trắng, Tuổi Hồng… Đôi lần tôi thấy một người đàn ông mặc quần jeans bạc, áo thun, tóc “bum bê” chạy chiếc xe DD màu đỏ vút vào để trao đổi gì đó rồi vội vã chạy đi ngay. Nhà thơ Phạm Thanh Chương, thường trực Áo Trắng, bỏ nhỏ với tôi "nhà văn Đoàn Thạch Biền đó"! A, thì ra tôi vừa vinh dự "thoáng bóng" ông chủ bút tập san thời thượng nhất đối với những cây bút trẻ và các bạn đọc sinh viên học sinh trên cả nước bấy giờ.
Nhưng rồi tôi cứ ngại phận mình "bé mọn" nên không dám trực tiếp gặp anh mà chỉ âm thầm gửi bài rồi thấp thỏm... chờ đăng. Nhà văn Đoàn Thạch Biền lúc đó chắc cũng "chả thèm" biết tôi là ai nên muốn chiếu cố bài để in cũng không được(!). Như kẻ mong mưa trong mùa nắng hạn. Bài gửi đi vẫn bặt vô âm tín. Lòng tôi buồn xao xác trong một thời gian dài. Nản Áo Trắng tôi cộng tác với Mực Tím. Lúc đó một bài thơ được đăng nhuận bút đến 60 ngàn đồng, bằng một nửa số tiền học bổng. Bài gửi, đăng ngay, lòng tôi vui như hội. Tôi tự an ủi, chắc tại nhà văn Đoàn Thạch Biền không nhận ra... văn tài của tôi thôi, chứ tôi viết đâu có tệ!
Ra trường, tôi xin việc làm ở Công ty văn hóa Phương Nam. Nhu cầu công việc bắt buộc phải đi tìm nguồn bản thảo mới. Tôi lân la khắp các tòa soạn để kiếm tìm nguồn truyện ngắn. Rồi tất nhiên chạm mặt “cố nhân” Đoàn Thạch Biền ở Áo Trắng… để tiếp tục công việc. Lúc này, tôi không còn sợ “ông Biền” nữa vì trở thành một đối tác “sòng phẳng” trong nghề nghiệp. Tôi đi gặp đối tác, hợp đồng chuyển nhượng bản thảo làm sách. Nhưng vẫn say mê làm thơ và thường gửi đăng trên những tờ báo “đối trọng” với tờ Áo Trắng, niềm "kiêu hãnh cay đắng" một thời của tôi!
Nhưng hiểu về Đoàn Thạch Biền như vậy là cạn. Sau này tôi nhận ra điều đó. Từ sau hai tập sách Ai như Hiền áo trắng làm với nhà văn, tôi nhận ra anh không phải là người trịch thượng, mà ngược lại, là người rất thương anh em viết văn trẻ mới vào nghề. Một lứa viết văn làm thơ chúng tôi lúc đó như Nguyễn Danh Lam, Phạm Thanh Thảo, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy… ít nhiều đều do anh phát hiện và tạo sân chơi để thi thố tài năng. Càng lúc tôi càng trọng anh và cảm thấy mình có lỗi.
Nhắc đến Đoàn Thạch Biền, khó có thể quên các tác phẩm đã đi vào lòng người đọc trẻ tuổi như Ví dụ ta yêu nhau, Bất ngờ phía trái tim, Đừng đốt cháy bông hồng, Phượng yêu, Tôi thương mà em đâu có hay, Mây bay trong đầu, Mùa hè khắc nghiệt, Tình nhỏ làm sao quên, Những ngày tươi đẹp… Anh viết nhiều và là một tác giả đã nhận được sự yêu mến rộng lớn của bạn trẻ. Ít người biết bút hiệu của anh cũng cảm hứng từ tên một cô gái mà anh yêu thời trai trẻ. Còn tên thật anh là Phạm Đức Thịnh và trước đây anh còn đề là Nguyễn Thanh Trịnh. Chàng Biền có một "nguồn gốc xuất xứ" nghe ngồ ngộ. Anh tuổi Đinh Hợi, sinh tại Nam Định, học tiểu học ở Hội An, trung học ở Đà Nẵng, đại học ở Sài Gòn, dạy học ở Bình Thuận, làm nông dân ở Bảo Lộc và... công nhân tại TP.HCM. Và hiện nay anh vẫn đang làm báo tại đây. Có thể nói, quá khứ của anh là một tuổi trẻ trôi dạt, nhiều trải nghiệm, khám phá và chính điều này khiến anh có nhiều chất liệu để viết.
Điểm khác biệt trong văn của Đoàn Thạch Biền là cách xưng hô dành cho nhân vật. Từ phát hiện đó, anh trở thành người viết văn “độc quyền” về cách “gọi em, xưng tôi" và "gọi ông xưng em” trong nhiều tác phẩm của mình. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu về cách gọi này mà tôi còn nhớ, đó là truyện Đừng mơ là thác đổ anh chọn bối cảnh viết tại thác Đambri, Bảo Lộc quê tôi.
Với anh em bạn bè thân thiết, đôi khi Biền cũng gọi người ta bằng… ông, nhưng lại xưng… tao (!). Nghe vũ phu và hầm hố! Nhưng thực ra anh rất... hiền! Có chuyện gì không hài lòng, anh chỉ cười, nhếch môi một chút và đặc biệt ít thích hơn thua, tranh luận. Nhậu say anh nằm ngủ một giấc dài ngon lành, mặc chung quanh mọi người uống bia nói năng ồn ào vì say chuyện. Càng ngày, Biền càng trầm ngâm.
Tác giả: Bùi Thanh Tuấn
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc