Nhà văn Mỹ Mark Twain: Văn hay tính khó

Thứ ba - 18/05/2010 23:43 2.080 0

Nhà văn Mỹ Mark Twain: Văn hay tính khó

Năm nay, Trường Đại học Berkeley (California), nơi đang nắm quyền lưu giữ kho tư liệu của nhà văn Mỹ Mark Twain, lần đầu tiên sẽ công bố cuốn tự truyện dài ba tập mà tác giả "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" đã di chúc lại lệnh cấm in trước khi trôi qua 100 năm kể từ ngày ông mất. Ngày 21/4 này sẽ là dịp kỷ niệm một thế kỷ ngày qua đời của Mark Twain (tên thật là Samuel Langhorne Clemens). Ông sinh ngày 30/11/1835 và mất ngày 21/4/1910.

"Hồ sơ để tống tiền"

Trong tập tự truyện dày gần 5.000 trang của Mark Twain sẽ kèm theo cả những tài liệu vẫn được nghe nói tới dưới cái tên "hồ sơ để tống tiền" (blackmail dossier). Trong những tài liệu này, nhà văn kể về chuyện cô thư ký Isabel Lyon đã quyến rũ ông như thế nào. Các chuyên gia nghiên cứu về Mark Twain cho rằng, chính cô con gái thứ ba Clara Clemens của nhà văn đã bắt buộc cha mình, lúc đó không còn trẻ tuổi nữa, phải viết những tài liệu trên vì cho rằng cô thư ký không có tư cách để đòi hỏi tình yêu và quyền được thừa kế di sản của Mark Twain. 

Clara đã làm cho Mark Twain tin rằng, chính Lyon đã đánh cắp của ông 2 nghìn USD khi được giao quản lý ngôi nhà của họ ở Connecticut (sự thật thế nào thì không thể ai xác minh được). Bởi thế nên nhà văn đã sa thải cô thư ký và tước lại của cô trang trại mà ông đã tặng cô nhân dịp lễ Giáng sinh. Và ông còn đưa cho Lyon xem bộ hồ sơ dày tới 429 trang và đe rằng, nếu cô tiếp tục đòi hỏi ông hoặc gia đình ông phải chi ra tiền bạc thì ông sẽ cho công bố bộ hồ sơ này.

Nhà nghiên cứu Laura Trombley, tác giả cuốn sách "Người phụ nữ khác của Mark Twain" (Mark Twain's Other Woman), cho rằng, trước khi xảy ra cuộc chia tay tai tiếng và ầm ỹ đó, cặp tình nhân Mark Twain - Isabel Lyon hoàn toàn có thể coi là hạnh phúc. Năm 1902, vợ của nhà văn, bà Olivia, đã nhận người phụ nữ thượng lưu nhưng bị phá sản Isabel Lyon làm giúp việc. Hai năm sau, bà Oiliva qua đời và người giúp việc này đã được gia đình Mark Twain giao cho  cả nhiệm vụ trông nom cô con gái út Jean, vốn bị mắc bệnh động kinh… Rồi Isabel Lyon trở thành thư ký cho nhà văn đứng tuổi góa bụa.

Và thế là lửa gần rơm, chẳng bao lâu sau nhà văn góa vợ tuổi gần thất thập và cô thư ký nhan sắc vẫn còn khá mặn mòi đã trở nên gần gụi với nhau. Isabel Lyon rất sùng bái nhà văn, đến mức gọi ông là The King (Đức vua). Còn ông thì hiển nhiên là gặp cô như nắng hạn gặp mưa rào và âu yếm gọi cô là "Lioness" (cô sư tử cái bé bỏng). Thậm chí có lúc ông còn tán tụng cô có vóc dáng như thanh nữ 17 tuổi!.. Và có lẽ họ đã tổ chức đám cưới với nhau rồi nếu không có sự can thiệp khá thô bạo từ phía cô con gái thứ ba của Mark Twain. Clara đã luôn cho rằng cô không được cha mình yêu quý đủ độ.

Năm 1896, người con thứ hai của nhà văn, Susi, đã bị chết vì bệnh viêm màng não. Mark Twain vô cùng đau đớn và nói để Clara hiểu rằng, đó chính là người con gái mà ông yêu quý nhất. Thế là Clara luôn mặc cảm rằng cô chỉ là đứa con gái bị cha hắt hủi và sợ rằng nếu cha cô tục huyền với Isabel Lyon thì có thể  ông sẽ không còn quan tâm tới cô nữa và không trợ cấp tài chính cho cô. Và Clara đã bày đủ trò để Isabel sập bẫy, và tập tài liệu về vụ quyến rũ nhà văn xuất hiện.

Dưới ảnh hưởng của con gái, nhà văn bỗng nhiên đổi ngược quan điểm về Isabel Lyon và gọi cô bằng đủ từ mang tính thóa mạ: "Dối trá, lừa đảo, gian tà, dâm đãng…". Thậm chí ông còn cho rằng, để quyến rũ ông, Isabel Lyon đã "thường xuyên nằm dài trên những chiếc sofa như một con ma cà rồng"...

Một số nghiên cứu cho rằng, có lẽ Mark Twain đã không hề lên giường cùng với Isabel Lyon vì ông quá yêu người vợ của mình, ngay cả khi bà đã mất. Mối quan hệ giữa nhà văn với cô thư ký ngay cả ở giai đoạn đậm đà tình cảm nhất có lẽ cũng chỉ mang tính giao lưu tinh thần…

Sau vụ dứt bỏ Isabel Lyon ít lâu, năm 1910, Mark Twain đã qua đời… Trước đó, cô con gái út Jean cũng đã bị chết vào năm 1909…

Những nhà nghiên cứu từng có dịp đọc tập hồ sơ này nhận xét rằng, trong đó đầy rẫy những lời buộc tội bất công đối với Isabel Lyon. Nhà viết tiểu sử của Mark Twain, bà Karen Lystra, tác giả cuốn sách "Những mối quan hệ tình cảm nguy hiểm" (Dangerous Intimacy), cho rằng, "hồ sơ để tống tiền" là tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn trong những năm cuối đời nhưng lại là tác phẩm mang tính vu cáo nhất và cũng chưa được đánh giá thỏa đáng nhất. Clara Clemens đã không phút nào dừng "thánh chiến" chống lại Isabel Lyon cho tới khi bà này chết vào năm 1958…

Con người đầy mâu thuẫn

Mark Twain là một nhà văn lớn. Trưởng thành từ nghề báo, ông đã kiên trì rèn bút để vươn lên tới những đỉnh cao văn học và viết nên nhiều tác phẩm để đời. Tuy nhiên, trong cuộc sống của Mark Twain đã có những trang oái oăm, thậm chí đen tối. Rất lụy thời, ông đã tìm cách viết làm sao để cho các tác phẩm của mình dễ được những người cùng sống chấp nhận nhất. Ông đã không cho đăng một số tác phẩm mang tính văn học mà ông yêu quý nhất  của mình. Các cuốn sách được xuất bản lúc sinh thời đã mang lại cho ông những khoản tiền hậu hĩnh, cũng như những khoản "nhuận khẩu" mà ông thu được khi đi diễn thuyết khắp nơi. Tuy nhiên, của thiên trả địa, Mark Twain rất hay bị thất thoát tiền của do những quyết định đầu tư lầm lẫn vì nói cho cùng, hiếm có một nhà văn lớn nào cùng một lúc lại là một doanh nhân thành đạt.

Trong đời tư, phải nói rằng, Mark Twain đã gặp may cùng người vợ Olivia. Trước khi gặp bà, ông cũng đã có những người tình hay ho nhưng ông đã là trai tân khi lần đầu gặp và cưới bà ở tuổi 35 (năm 1870). Ông đã phải lòng bà ngay từ lần đầu tiên được anh trai của bà cho xem tấm ảnh em gái. Bà Olivia xuất thân từ một gia đình danh giá và giàu có. Mark Twain đã phải tốn khá nhiều công sức mới thuyết phục được gia đình ý trung nhân đồng ý cho bà lấy ông. Bà Olivia đã đối xử với chồng như với một đứa con "to đầu mà đỏng đảnh" và bà luôn gọi chồng là "cậu bé". Thậm chí bà đã khá thành công trong việc biến cải đức ông chồng trở thành típ người mà bà dễ điều khiển.

Mark Twain đã có lần nói với bạn bè về vợ mình: "Sau khi lập gia đình, bà ấy đã biên tập tất cả những gì mà tôi viết. Hơn thế nữa, bà ấy không chỉ biên tập các tác phẩm của tôi mà cả bản thân tôi nữa"… Rồi ông còn nói thêm: "Có lẽ tôi sẽ không đi tất nếu vợ tôi nói rằng đi tất là vô đạo đức…". Mark Twain thực sự tin rằng, vợ ông "là đấng hoàn hảo". Ông không bao giờ trách cứ bà trong bất cứ việc gì. Làm việc gì ông cũng nhất nhất tuân theo lời vợ, dẫu đôi khi cũng thích trêu chọc bà. Ngay từ thời trẻ, bà Olivia đã bị tàn tật do một lần ngã trên băng. Mark Twain luôn luôn chăm sóc vợ và giúp đỡ vợ trong mọi việc. Ông yêu vợ đến mê muội, cho tới khi bà qua đời vào năm 1904. Cái chết của bà Olivia đã gây cho Mark Twain một nỗi đau vô cùng tận và nỗi đau ấy đã đeo đẳng đến cuối cuộc đời ông. Đã có lúc ông nghĩ tới chuyện tự vẫn vì cảm thấy mình không thể sống thiếu bà được.

Theo một số nhà nghiên cứu, tới tuổi 50, trong thực tế, Mark Twain đã là một người đàn ông liệt dương. Trong các truyện ngắn vui nhưng không được phổ cập rộng rãi của mình, ông đã không chỉ một lần tiết lộ chuyện này. Ông không bao giờ đề cập tới "thảm họa" đó một cách công khai vì ông không chỉ một lần tuyên bố rằng, ông có thể nói bất cứ sự thật nào về cá nhân mình ngoại trừ nói sự thật về đời sống sinh hoạt tình cảm, vì trước ông đã có một danh nhân là Rousseau làm như thế rồi…

Có một điều lạ là, dù chung thủy với vợ như thế nhưng Mark Twain lại rất thích viết những tiểu luận và thơ mà trong đó có không ít những ý tưởng "phàm phu". Những tác phẩm này Mark Twai hoặc là đã không công bố khi ông còn sống, hoặc là chỉ in với một số lượng rất ít ỏi. Có lần ông than thở: "Phép lịch sự tẻ nhạt và giả dối đã đánh cắp của văn học hai thể loại hay ho nhất thuộc về nó: những câu chuyện cổ tích và tiếu lâm thường được kể giữa thân thích bạn bè và những câu chuyện tục".

Một trong những tác phẩm lừng danh nhất của Mark Twain trong thể loại này là tiểu luận "Năm 1601: những cuộc trò chuyện bên lò sưởi". Các nhân vật chính trong tác phẩm này là nữ hoàng Anh và các cận thần, với các câu chuyện "phong tình cổ lục" kể cho nhau nghe bên lò sưởi…

Có lẽ vì không thể có khả năng yêu đương nam nữ trong thực tế nên Mark Twain hay bộc lộ khát vọng của mình trong các tác phẩm văn học. Càng già, ông càng hay "sản xuất" những tác phẩm như thế.

Tác giả: Huy Phong

Nguồn tin: ANTG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây