Nguyễn Du không chỉ “đau” vì phận nàng Kiều...

Thứ năm - 27/05/2010 15:37 2.423 0

Tác giả Nguyễn Thế Quang - Ảnh: N.K.P.

Tác giả Nguyễn Thế Quang - Ảnh: N.K.P.
Lần đầu tiên, đại thi hào Nguyễn Du trở thành nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết khá dày dặn và đặc biệt tác giả là một cây bút “mới toanh” - một thầy giáo dạy văn tại TP Vinh đã nghỉ hưu (ông sinh năm 1943).

Đó là tiểu thuyết Nguyễn Du (NXB Hội Nhà Văn và Công ty sách Phương Nam) của Nguyễn Thế Quang.

* Là tác phẩm đầu tay mà dám viết về Nguyễn Du, cả vua Gia Long nữa, đều là những nhân vật khác thường, mang chiều kích lớn, kể cũng là sự liều. Ông có “điểm tựa” nào đặc biệt không?

- Bạn bè cũng bảo tôi liều. Tôi chỉ là nhà giáo mê văn chương và kính trọng cụ Nguyễn Du, muốn viết về cụ để trước hết chia sẻ cùng đồng nghiệp và các em học sinh, đồng thời muốn ký thác vào đó những suy ngẫm của mình trước những thăng trầm, dâu bể của cuộc đời, của lịch sử đất nước.

Ngoài ra, tôi cũng rất tự hào về mảnh đất núi Hồng sông Lam đã sản sinh một con người có cốt cách và tài năng bậc ấy...

* Dù vậy, để thành một tiểu thuyết Nguyễn Du như hôm nay, theo tôi là một cuốn sách rất đáng đọc, hẳn là ông đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều?

- Sau bao năm nghiền ngẫm, tìm đọc mọi sách vở tài liệu liên quan, đi hết Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế - những nơi Nguyễn Du từng sống, tôi bắt đầu khởi thảo vào năm 2004, đã mấy lần tính bỏ cuộc, nhưng Nguyễn Du vẫn ám ảnh, giày vò tôi.

Rồi tôi cảm thấy tự tin hơn khi dần thấy rõ hơn “sợi chỉ đỏ” có thể gắn kết các nhân vật và cũng là vấn đề lớn của mọi thời đại: mối quan hệ giữa trí thức đối với quyền lực.

Một người xuất thân từ gia đình đại quý tộc, chứng kiến sự thăng trầm của các triều đại Lê - Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn - Gia Long... làm sao không đau đớn, trăn trở trước bao bi kịch của kẻ sĩ. Thân thiết nhất là anh trai Nguyễn Nễ, một con người tài hoa, mấy triều đại đều tận tụy việc nước mà cuối cùng lại phải thắt cổ vì oan ức.

Gần gũi nữa là đại công thần Nguyễn Văn Thành phò Gia Long từ khi chưa có một tấc đất, lại bị chính Gia Long khép vào tội chết do sự xúi bẩy, vu oan của lũ nịnh thần vô học...

* Cảnh vua Gia Long đối thoại với Nguyễn Du khá hấp dẫn, có sức nặng tư tưởng và có thể nói có tính thời sự nữa. Độc giả nể phục mà cũng ghê sợ sự chuyên quyền độc đoán của Gia Long. Nhưng phần Sóng gió cung đình dài vậy liệu hình tượng Nguyễn Du có bị chìm?

- Điều đó xin tùy sự phán xét của độc giả. Riêng tôi nghĩ tất cả mọi sự đều được miêu tả dưới cái nhìn của Nguyễn Du nên đọc kỹ sẽ thấy mạch tác phẩm không lạc và Nguyễn Du lại càng nổi lên đúng như con người ông mà Chính biên liệt truyện đã nhận xét: bề ngoài chỉ “ậm ậm ừ ừ” nhưng bên trong “kiêu ngạo, tự phụ” thể hiện sự cứng cỏi của một cái tôi đầy bản lĩnh.

Điều quan trọng hơn là tác giả muốn sáng tạo một Nguyễn Du với khát vọng viết tiếp một Đoạn trường tân thanh nữa về bi kịch của người trí thức trước cường quyền thời đó mà không thể viết được. Nguyễn đã độc thoại một cách cay đắng: “Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được?...”.

 

Ảnh: Gia Tiến

Tiểu thuyết Nguyễn Du tái hiện cuộc đời Nguyễn Du chủ yếu từ lúc ông chịu ra làm quan thời vua Gia Long (1802) cho đến lúc ông qua đời (1820).

Nguyễn Du quen thuộc với mọi người VN mà vẫn “mới” trong tiểu thuyết này. Bởi thi nhân không chỉ “đau” vì thân phận nàng Kiều mà còn mang nỗi đau lớn hơn trước thời cuộc khi phải chứng kiến những bi kịch giữa hoàng đế và kẻ sĩ, giữa quyền lực và trí thức.

Từ cách lựa chọn đó, vua Gia Long cũng là một nhân vật chính trong tiểu thuyết, được tác giả “chăm sóc” cẩn thận với cách nhìn khá mạnh bạo...

NGUYỄN KHẮC PHÊ thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây