Bùi Thị Tuyết Mai đến với phố phường thi ca bằng vị chanh non

Thứ ba - 25/01/2011 05:26 3.100 0

Bùi Thị Tuyết Mai đến với phố phường thi ca bằng vị chanh non

Những vần thơ của một nhà thơ nữ người Mường - Bùi Thị Tuyết Mai. Thơ chị khiến những ai đọc dù chỉ một lần đều cảm thấy ấn tượng. Đó là cái duyên của một người phụ nữ đa cảm, tinh tế và nhiều mơ mộng.

Ta hát gọi em cỏ non đất Mường nồng nàn đêm ngủ
Ta là kẻ chăn bò khao khát em 
Những chú bê non cạp lưỡi hồng hồng mềm mềm hôn đám cỏ
Rặng núi xanh xanh
Dặt dìu điệu khèn uốn mình quanh suối nhỏ…

Chị nói về mình giản dị, ấy là đến với “phố phường bằng vị chanh non”, cái nguyên sơ, trong trẻo của bản làng chưa bị cái văn minh đô thị cuốn đi:

Con đến phố phường bằng vị chanh non
Mang giấc mơ hương cốm ra khơi xa
Nếm ngọt mía vào thu, rượu môi sang rét
Và mỉm cười với những vệt chân chim.

Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú, có các thể loại thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ; bên cạnh đó là những bài hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố… Trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai người đọc thấy bóng dáng, hơi thở của văn hóa dân gian, của cuộc sống bình dị nơi mường động. Với Bùi Thị Tuyết Mai, chị như người kể chuyện nhẹ nhàng có rất nhiều những câu chuyện muốn nói, bằng một giọng kể rất duyên về những tập tục, đời sống… Cái độc đáo nhất của thơ Bùi Thị Tuyết Mai có lẽ là giọng điệu dung dị, dễ thương. Thực ra những đề tài trong thơ chị khá dễ nắm bắt, nhưng đọc lên vẫn thấy hay, điều đó chính là do cái chất giọng, cái tạng hồn nhiên, mê đắm dễ làm người đọc bị cuốn theo. Cái đáng nói nhất của thơ Bùi Tuyết Mai chính là ở đó.

Tập làm việc mường cho quen tiếng bén hơi
Cho gà vịt theo em như theo ngô lúa
Cho mùa tiếp mùa yêu nhau như khăn áo quấn lấy người…

Mùa em
Mùa bay lẻ
Nhớ vòng quay con nước
Vì em như con nai nhỏ hay ra bờ suối... 

Giọng kể của chị hồn nhiên, thành thực, nhưng nó cứ thơ, cứ ngân nga, bay bổng. Hình ảnh đẹp nhất và cũng độc đáo nhất chị tạo dựng được trong thơ của mình ấy là hình ảnh người phụ nữ Mường dịu dàng, nữ tính, giàu tình thương yêu. Thơ chị khiến người đọc hình dung thật rõ nét, sinh động về phụ nữ Mườngvới những công việc dệt vải, ươm tơ… nhưng hơn hết là những tình cảm sáng trong, nồng nàn đối với mọi sự vật xung quanh. Thơ Bùi Thị Tuyết Mai trong trẻo, hồn nhiên, đấy tiếng lòng của một người phụ nữ có cái nhìn trong trẻo trước cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện một cách dứt khoát tính cách mạnh mẽ tự tin, dám đam mê và dâng hiến. Chị viết về tuổi mình, về người đàn bà với những hình ảnh lạ lẫm mà nhiều ẩn ý: Những người đàn bà như những con ong/ Ru con ạ ời/ Nựng chồng lả lơi/ Yếm thắm nồng bầu rượu ngọt/ Và thời gian như con gấu choàng lên vầng trăng đỏ/ Trộm từng hớp mật…

Thơ trở về với tiếng nói trữ tình cá nhân là tìm về với bản chất của trữ tình. Những vần thơ của chị viết về niềm vui, nỗi buồn của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường hôm nay. Nó hấp dẫn và khiến người đọc nhận ra nét riêng của Bùi Thị Tuyết Mai trong rất nhiều những gương mặt thơ nữ đương đại. Sự dịu dàng, quyến rũ chính là sức mạnh riêng của các cây bút nữ. Thơ của Bùi Thị Tuyết Mai đã phần nào nói được điều mà như một nhà văn đã nói: “sự thông minh của trái tim”.

Bùi Thị Tuyết Mai thường thành công ở những vần thơ mang đậm chất trữ tình. Những vần thơ triết lí một cách nhẹ nhàng của chị thường để lại ấn tượng sâu sắc hơn là đôi chỗ có sự cố ý thể hiện sự trải đời, chiêm nghiệm. Qua đó cũng phần nào thấy được bút pháp tượng trưng, khả năng khái quát tương đối cao của thơ chị.

- Bình rượu
Người đàn bà đắng cay mặn ngọt
Lẩn vào trong

Rượu 
Gọi người đàn ông
Như ong gọi hoa
Bong ra khỏi bình.

Thân phận người đàn bà phải chịu “đắng cay mặn ngọt” xuất hiện nhiều trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai, nhưng thái độ của chị luôn là sự gửi gắm những tâm sự, không than vãn, không cầu kì, chỉ có sự yên lòng với thực tại, yên lòng làm một bến đỗ cho người đàn ông. Mai hay triết lí về những điều giản dị quanh mình, như là tiếng nói của một người đàn bà đa cảm đầy yêu thương.

Một chủ đề rất dễ nhận thấy trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai là những vần thơ dành cho gia đình. Chiếc nôi đầu tiên nâng đỡ ấy được trở đi trở lại trong thơ chị, khi thì chị tâm sự với mẹ về một tình yêu mới chớm, khi thì thương cha tuổi ngày một nhiều:

Mỗi tết
Cha tặng cho tôi một phong bao…
Và có một lần
Chiếc phong bao buồn rầu kể cho tôi
Về những sợi tóc mới vừa bạc trên đầu cha
Mảnh gương lâu nay vẫn trong veo cửa sổ mẹ
Bỗng hiện lên nhiều nếp nhăn…

Với mẹ:

Con gái mẹ có lần đi thật khẽ
Đến đằng sau ôm vai mẹ nói thầm
Bí mật lắm đừng có ai hỏi nhé
Chỉ được riêng mình mẹ biết thôi.

Người Cha là nơi gửi gắm những suy ngẫm về cuộc sống, về số phận con người. Người Mẹ là hiện thân cho thời thiếu nữ, là nơi sẻ chia những được mất với người con gái. Và nhiều nhất là những rung động, những cảm xúc đầu tiên trong trẻo như suối nguồn của một người thiếu nữ.

Tâm lí học nữ giới cho rằng nữ tính bộc lộ những đặc điểm trên các mặt: lòng tự tin, đồng cảm, sự xã giao, tính thụ động… về năng lực ngôn ngữ, suy lí, động cơ hành động… của nữ giới cũng tỏ ra khác nam giới. Nữ giới rất nhạy cảm trước những gì liên quan đến nhân phẩm và sự tôn nghiêm của mình. Cảm hứng chủ đạo, đồng thời là chất liệu viết những vần thơ đằm thắm, tinh tế bắt nguồn từ chính những công việc nhỏ bé hàng ngày. Bằng sự mẫn cảm của giới tính, thơ nữ có những nét sắc sảo mà ở một nhà thơ nam khó lòng nắm bắt được. Thơ Bùi Thị Tuyết Mai hấp dẫn người đọc bởi những cảm xúc nguyên sơ. Cái đó có được phần nhiều là do cái chất nữ tính của con người chị. Mỗi lần đọc lại là độc giả thực sự được sống lại với cảm xúc ấy, lại hoà điệu cùng tác giả. Dù vấn đề nhỏ, giản dị nhưng toát lên chất thơ rất rõ. Có lúc ta hình dung trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai một người con gái với trái tim nhỏ bé, yếu đuối cần một bàn tay nâng đỡ nhưng cũng có khi người phụ nữ ấy lại mạnh mẽ, có thể chở che cho người khác bằng tình yêu nhân hậu và đức hi sinh.

Cách làm thơ của Bùi Thị Tuyết Mai khiến cho người đọc có thể dễ dàng đi từ câu thơ đầu tiên tới câu kết thúc một cách nhẹ nhàng, tuy không tạo nhiều cái bất ngờ để tác động mạnh vào giác quan, dòng liên tưởng của người đọc nhưng cái ám ảnh của cách viết, của hình ảnh vẫn rất rõ. Một ưu điểm mà đôi khi cũng là hạn chế của thơ Bùi Thị Tuyết Mai chính là ở đó. Có những câu thơ, đoạn thơ khiến độc giả bị cuốn vào dòng cảm xúc: Người gieo/ Rồi người không gặt/ Bỏ lại tôi thương nhớ cồn cào/ Âm âm gió/ Âm ấm mây/ Bước chân người gieo hạt / Thêm một mùa gom nỗi nhớ mang đi, hoặc: Sự bình yên của ngôi nhà/ Giữa trời và đất/ Em từ đó bước ra// Sự bình yên của chúng ta/ Như giọt mưa từ mái nhà tranh rơi xuống/ Ngôi nhà/ Trời và đất/ Bình yên từ đó bước ra.

Trong thơ ca, hình ảnh là một trong những yếu tố quan trọng, là sự khách thể hoá những rung cảm nội tại để cái tôi nhìn nhận chính mình. Những hình ảnh trong dân gian đã nối thơ Bùi Thị Tuyết Mai trở về với mạch nguồn văn hoá dân tộc Mường. Những cách cảm nhận tinh tế và mới mẻ khiến những vần thơ của chị vừa mang sắc thái hiện đại mà vẫn không mất đi cái dạt dào của cảm xúc. Bùi Thị Tuyết Mai hay sử dụng nhiều từ láy, nhiều màu sắc: Tiếng ve sầu lạo xạo/ Như hòn cuội tròn xoe đỏ rợp trời hoa phượng/ Em hả hê bay túa lên trời; Nỗi nhớ nở hoa vàng hoa tím hoa xanh/ Đêm mơ thấy anh bông mai nở đỏ/ Bộn bề hơi thở còn trinh/ Đừng nói thầm anh nói thầm núi lở… Thơ chị thường xuất hiện những hình ảnh của thiên nhiên, nó thể hiện rõ và trực tiếp tâm trạng của con người. Có xuất hiện những nỗi buồn, hờn ghen, nhưng là sự thoảng qua, mơ hồ và lặng lẽ.

Hình như nỗi buồn
Được nhặt lên từ những mùa lá rụng
Những mùa trăng đom đóm
Tóc sao Hôm lặng lẽ sáng đầy vườn…

Chất liệu của văn học là ngôn từ, không phải là bản thân vật chất mà chỉ là ký hiệu của nó. Ở đây không phải là ngôn từ logic chỉ tác động chủ yếu vào lý trí như trong triết học, chính trị… mà là ngôn ngữ giàu hình ảnh và tình cảm tác động chủ yếu vào tâm hồn tình cảm con người. Tiếng nói của dân tộc Mường cũng như những dân tộc thuộc cùng nhóm ngôn ngữ đã phát triển khá cao, hệ thống từ vựng của nó rất phong phú, đủ sức phản ánh nhiều nội dung, truyền tải tình cảm với mọi cung bậc. Đồng thời với sử dụng một thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc là cách tạo nhịp điệu cho thơ. Thơ Bùi Thị Tuyết Mai chủ yếu là thơ tự do, không bị giới hạn bởi số câu số chữ, nhịp nhỏ nhưng không gợi ra sự gấp gáp, mà chủ yếu là âm điệu nhẹ nhàng, du dương. Một cách viết rất ấn tượng của chị:

Lao xao
Lao xao
Thương nhau
Thương nhau
Đừng như cái áo
Đừng như cái áo…
… Yêu nhau
Rồi quên nhau
Rồi xa nhau
… đợi lâu
Chợ tình đợi lâu
Nhìn nhau
Nhìn rất lâu
Nhớ nhau mỗi năm mỗi sâu
Chợ vắng người đợi đã lâu.
Một mình…
Lắm thương nhớ đau.

Lời thơ không nhiều ẩn ý, nhưng người đọc thấy được cái tình cảm con người cứ nhạt dần, “đừng như cái áo”, rồi chợ tình đơn lẻ, rồi xa nhau, rồi chỉ còn là “lắm thương nhớ đau”. Nhiều bài thơ tự do của Bùi Thị Tuyết Mai mang âm hưởng du dương, khiến người đọc như gặp lại cái dìu dặt của thể thơ lục bát truyền thống: Lao xao/ Rì rào/ Người con gái nào đang yêu mà không trăn trở/ Những nụ hoa trong vườn mơ ngủ…

Mỗi nhà thơ là một cõi, Bùi Thị Tuyết Mai không dè dặt, không quá kín đáo mà đầy đam mê, hồn hậu. Chị nồng nàn cả trong cách bộc lộ quan niệm của mình. Với chị, làm thơ như một nhu cầu tự thân không thể nào thay thế, hệt như tình yêu của con người trong cuộc sống, nó mang lại niềm vui: Tất cả những gì bàn chân tôi lướt đi/ Ôi niềm vui sáng tác/ Là hơi thở óng vàng/ đắm say kết hạt/ Sức nóng của một con tằm đang rút ruột làm tơ.

“Thơ của Bùi Thị Tuyết Mai có ba phẩm chất nổi trội và quan trọng. Đó là sự thảng thốt, Tính ý tưởng và Trí tưởng tượng, và một phẩm chất đương nhiên mà dù chị không cố tình phô bày, nó vẫn cứ nằm trong nhiều câu thơ, đôi khi chi phối toàn bộ bài thơ. Đó là cách cảm, cách nghĩ và thổ ngữ của dân tộc Mường của chị”(*). Thơ chị ăm ắp sự sống của người vùng cao, nhưng không thô mộc mà lại nên thơ, tươi tắn; bởi thế nó đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên. Ấn tượng về thơ chị không đến từ cái âm hưởng của sự táo bạo, quyết liệt như một số nhà thơ nữ trước và cùng thời kì như Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh… mà đến từ cái “vị chanh non” thơm mát, từ cái duyên dáng của con nai nhỏ nơi núi rừng Hòa Bình quê chị.

Thu Huyền
Theo: VHQN

---------------------
(*) Lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho tập Mưa trong nhà, NXB. Văn hoá dân tộc, 1998, tr.6.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây