Uông Triều - Tôi thuộc loại bẩm sinh "hoài cổ"

Thứ ba - 25/01/2011 06:01 2.706 0

Uông Triều - Tôi thuộc loại bẩm sinh "hoài cổ"

Tác giả của tập truyện dã sử tạo được tiếng vang “Đôi mắt Đông Hoàng” thổ lộ: “Thực ra tôi viết khảo cứu văn hóa từ khi 27 tuổi, tôi gần như viết thường xuyên cho mục "Đất Quảng Ninh, người Quảng Ninh" trên báo Quảng Ninh trong nhiều năm. Nếu tinh ý người đọc có thể thấy rằng cả tập tiểu luận "Những pho tượng đá ở Yên Tử" là những bài báo khảo cứu hoặc giới thiệu khái quát về văn hóa. Nhiều người chưa gặp tôi đoán rằng tôi chắc đã là một ông già lụ khụ. Chẳng có ranh giới nào quy định người trẻ hoặc người già không thể làm gì hoặc viết gì. Tôi nghĩ mình bắt đầu như thế còn hơi muộn so với số một người khác. Tôi say mê văn hóa truyền thống. Còn về chất lượng các bài khảo cứu, tôi vẫn chưa bị ai ném đá vào nhà bao giờ. Chỉ hơi tiếc một điều do hạn định về số chữ của khuôn báo tôi khó đi được sâu hơn, kĩ hơn. Khi tập hợp lại thành sách, cũng muốn gia cố thêm nhưng có vẻ cảm xúc không còn tinh khôi như ban đầu nên thôi”

PV: Xin chào nhà văn trẻ Uông Triều! Câu hỏi đầu tiên: xin hỏi về tên bút danh nghe “lạ lạ” của anh?

Uông Triều là ghép từ hai địa danh Uông Bí và Đông Triều quê tôi. Ban đầu khi mới viết lách tôi cũng không định lấy bút danh, bút diếc gì đâu nhưng những bài báo ban đầu của tôi chuyên viết về những hiện tượng tiêu cực mắt thấy tai nghe hàng ngày nên tôi không muốn người khác sẽ lôi tên “cúng cơm” của mình ra mà rủa.

PV: Có người từng nhận xét :“Uông Triều là một cây viết trẻ, mới mẻ, sáng tạo và đầy nội lực”. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

Tôi nghĩ mình đang cố gắng làm cho tốt, mang nhiệt tình hoài bão của tuổi trẻ và  bằng những kiến thức tích lũy từ sách vở, nhà trường, cuộc sống, học hỏi kinh nghiệm của những bậc đàn anh đi trước và bằng năng lực bản thân, tôi muốn viết được một cái gì đó ra hồn. Không một thành công nào dễ dàng cả. Tôi đã ném khá nhiều bản thảo vào sọt rác, trong đó có hai bản thảo tiểu thuyết. Tác phẩm của tôi có người khen nhưng cũng không ít người chê.

PV: Anh đã xuất bản một số tác phẩm, trong đó có tập tiểu luận và khảo cứu “Những pho tượng đá ở Yên Tử” được đánh giá “có thể xem là cuốn cẩm nang cho những ai muốn khám phá nét độc đáo, vẻ đẹp trầm tích văn hóa của vùng đất địa đầu Tổ quốc”, nhưng cũng có ý kiến rằng, anh “quá trẻ để có thể hiểu và đánh giá chính xác hay tạo được niềm tin nơi người đọc về những thông tin anh viết trong sách, bởi khi hoàn thành tập tiểu luận anh mới có 33 tuổi”. Anh nghĩ như thế nào?

Thực ra tôi viết khảo cứu văn hóa từ khi 27 tuổi, tôi gần như viết thường xuyên cho mục Đất Quảng Ninh, người Quảng Ninh trên báo Quảng Ninh trong nhiều năm. Nếu tinh ý người đọc có thể thấy rằng cả tập tiểu luận là những bài báo khảo cứu hoặc giới thiệu khái quát về văn hóa. Nhiều người chưa gặp tôi đoán rằng tôi chắc đã là một ông già lụ khụ. Chẳng có ranh giới nào quy định người trẻ hoặc người già không thể làm gì hoặc viết gì. Tôi nghĩ mình bắt đầu như thế còn hơi muộn so với số một người khác. Tôi say mê văn hóa truyền thống. Còn về chất lượng các bài khảo cứu, tôi vẫn chưa bị ai ném đá vào nhà bao giờ. Chỉ hơi tiếc một điều do hạn định về số chữ của khuôn báo tôi khó đi được sâu hơn, kĩ hơn. Khi tập hợp lại thành sách, cũng muốn gia cố thêm nhưng có vẻ cảm xúc không còn tinh khôi như ban đầu nên thôi. Cũng có một vài bậc lão thành có góp ý cho tôi, tôi trân trọng các góp ý và sửa chữa theo hướng tích cực. Khi một nhà văn viết ra một cái gì đó, tác phẩm không còn của riêng anh ta nữa, nếu anh ta viết điều sằng bậy, độc giả và xã hội sẽ không tha cho anh ta. Tôi sãn sàng đón nhận sự phê bình tác phẩm của mình.

PV: Nói đến nhà văn trẻ Uông Triều, người đọc nghĩ ngay đến “Nước mắt sông Cầm”, truyện ngắn  viết về lịch sử nhưng không hề khô khan, người đọc không căm ghét mà còn dấy lên trong lòng sự xót thương về nhân vật phản diện Phạm Nhan. Anh lấy cảm xúc và ý tưởng từ đâu để có thể viết được như vậy và cả những truyện lịch sử khác nữa, điều gì ở đề tài này đã cuốn hút anh?

Nước mắt Sông Cầm được gợi ý từ một câu chuyện tôi được nghe từ khi còn tấm bé. Bà nội tôi kể cho tôi nghe truyền thuyết về nhân vật Phạm Nhan và sự tích con đỉa. Khi đó tôi thấy Phạm Nhan thật gian ác và loài đỉa thì thật ghê sợ. Nhưng khi lớn lên tôi có thêm một cách nghĩ khác, chúng ta đã quá khen hoặc quá chê một ai đó, một sự kiện gì đó trong quá khứ, trong lịch sử. Tôi muốn nhìn nhận con người, kể cả người ác từ nhiều góc độ hơn, khoan dung hơn. Khi viết một số truyện về phật hoàng Trần Nhân Tông tôi đã đến tận am Ngọa Vân nơi viên tịch của ngài, thắp hương cầu mong ngài đại xá nếu con cháu hậu sinh có điều gì chưa hiểu đúng ý của ngài hoặc có suy nghĩ khác với chính sử. Tôi say mê lịch sử và văn hóa truyền thống, tôi cũng không giải thích được vì sao, có lẽ tôi thuộc loại bẩm sinh “hoài cổ”.

PV: Đọc văn Uông Triều, có thể thấy một phong thái riêng, không quá khó để đọc nhưng cũng không dễ dàng. Trong cuộc sống mà văn chương giải trí và mang tính thị trường chiềm ưu thế như hiện nay, anh có bao giờ từng nghĩ tác phẩm của mình sẽ khó tiếp cận giới trẻ?

Tôi đã từng tự hỏi mình như vậy. Cũng có lúc tôi nghĩ mình nên viết theo một dòng giải trí nhẹ nhàng để sách bán chạy hơn và thu hút được nhiều độc giả, nhất là những người trẻ, đối tượng chủ yếu mua sách văn học hiện nay. Tôi nghĩ nhà văn cần dung hòa yếu tố nghệ thuật và giải trí. Nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, nghệ thuật đích thực vẫn có chỗ sống, dù không dễ dàng chút nào. Sách của tôi có thể kén độc giả nhưng tôi nghĩ rằng mình vẫn có độc giả riêng của mình.

PV: Ví dụ như  truyện ngắn“ Đêm Q.M”, người đọc khó có thể nắm bắt được anh định nói cái gì, khó hiểu được bước chân vô định của người họa sĩ kia, khó hình dung được bức tranh thị trấn về đêm chắp vá bởi vài mảng hình, vài con người nhỏ nhoi. Phải chăng Uông Triều nên viết “dễ” đi một chút?

Đêm Q.M là một thử nghiệm mới của tôi, nhiều người bảo không hiểu tác giả định nói gì, đọc truyện xong thấy váng cả đầu, nhưng cũng có người khen rằng đó là truyện tốt nhất của tôi, hơn cả những truyện tôi đạt giải. Công chúng là thế, mỗi người có một gu thẩm mĩ khác nhau. Vấn đề không phải “dễ” hay “khó” mà được. Tôi cũng không có ý định viết dễ hay khó, tôi sẽ viết một cách nào đấy như tôi thấy là cần thiết và phù hợp với tác phẩm.

PV: Có thể thấy, đề tài về cuộc sống thường nhật ngày nay chưa phải là một thế mạnh của anh ví như “Đi xem chuông”, “Vô thức” chưa được nhiều ủng hộ từ người đọc. Độc giả yêu thích và bị lôi cuốn hơn với lối viết của anh về đề tài lịch sử. Anh sẽ đầu tư vào đề tài trên hơn chứ?

Tôi có vẻ “lụ khụ” so với tuổi của mình. Những truyện về lịch sử dường như có duyên hơn mặc dù tôi vẫn chưa đến tuổi “băm” nhưng sắp tới tôi sẽ xuất bản một tiểu thuyết hoàn toàn mang tính đương đại,  một tiểu thuyết gây sock với chính tôi. Tôi đã đưa vài người đọc thử, phản hồi tốt.

PV: Đọc truyện Uông Triều, có thể thấy phảng phất hình dáng của một người con gái tên Nhiên không chỉ trong một truyện. Anh có thể chia sẻ?

Nhiên không phải là một nhân vật hoàn toàn hư cấu, nhưng về điều này tôi xin được giữ bí mật.

PV: Hiện tại với công việc là một nhà giáo - nhà văn, còn tương lai chúng ta sẽ thấy Uông Triều với chân dung như thế nào? Dự định sắp tới của anh là gì?

Tôi sắp mất dạy rồi, nghĩa là tôi sẽ không dạy học nữa. Sắp tới tôi sẽ chuyển sang một môi trường văn chương chuyên nghiệp. Còn về sáng tác tôi sẽ ưu tiên tiểu thuyết vì ở đó tôi nghĩ mình có đất rộng hơn để vẫy vùng, tôi cũng cần đầu tư để làm tốt công việc của mình ở vị trí mới.

PV:  Xin cảm ơn anh!

Thanh Hiền (Thực hiện)
Nguồn: Hội Nhà văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây