@ Mẹ Điên là truyện ngắn "đẫm nước mắt" và có giá trị sâu sắc về chữ hiếu, chữ nghĩa của người con. Một truyện ngắn có sức ám ảnh lớn nhưng có một điều khiến tôi hoài nghi, dường như con đường đi của Mẹ Điên dù dựng thành kịch nhưng với sách, nó vẫn "kén" người đọc?
Trang Hạ: Mỗi loại hình văn hóa văn nghệ đều có khán giả riêng. Khó có thể nói sức lan tỏa của trang sách sẽ lớn hơn, hay vở kịch bộ phim chuyển thể từ tác phẩm ấy sẽ được xem và nghe rộng rãi hơn, không ai thống kê được. Riêng tác phẩm Mẹ Điên, cho dù được dựng thành kịch nói tại Trung Quốc thì vẫn được biết tới rộng rãi nhất dưới hình thức một truyện ngắn văn học mạng. Tại Việt Nam, số người đọc nó trên mạng qua bản dịch của Trang Hạ đã lên tới hàng chục triệu, vậy rõ ràng nó không kén người đọc, mà người đọc đã kén tác phẩm, lên mạng họ chỉ đọc tác phẩm hay, và vì thế, Mẹ Điên trở nên “hot” đến thế. Song nếu đơn giản chỉ tính theo số lượng sách xuất bản, thì “Mẹ Điên” lại thua kém mọi cuốn sách rẻ tiền cướp giết hiếp kiểu như “người điên gây án” bày bán đầy sạp báo ngoài đường.
@ Đọc "Mẹ Điên" chỉ có những khát khao, những yêu thương dồn nén, tích tụ và chỉ cần một ngọn lửa có thể thiêu cháy tất cả, cuốn đi tất cả những dồn nén ấy: Người vợ bị mẹ chồng hiểu lầm, vì nôn ọe do mang thai trong bữa ăn mẹ chồng nấu (Bài bút ký đầy nước mắt, truyện ngắn trong tập Mẹ Điên), đứa con vì hổ thẹn mẹ Điên bẩn thỉu xấu xí đã phũ phàng với mẹ đẻ của mình (Mẹ Điên) vv...Phải chăng thông điệp của "Mẹ Điên" mà chị gửi gắm tới, yếu tố nhân văn lớn hơn yếu tố câu khách, nên Mẹ Điên tung hoành được trên mạng nhưng lại khó khăn đến với công chúng hơn?
Trang Hạ: Ai cũng từng làm con, ai cũng từng có mẹ, bởi vậy đọc tên sách “Mẹ điên” không ít người đã chỉ trích tôi, thậm chí tỏ thái độ coi thường dịch giả trong khi bản thân họ chưa đọc một chữ nào. Có bạn đọc còn than với tôi rằng, em ấy đang đọc “Mẹ điên” trên máy tính thì mẹ em bất ngờ vào phòng dọn dẹp, liếc thấy chữ “Mẹ điên” to đùng trên màn hình đã mắng em tới tấp, bởi học hành thì không chịu học, giờ lại giở thói đua đòi bọn mất dạy trên mạng bảo mẹ là mẹ điên!
Có giảng viên đại học còn lớn tiếng chỉ trích tôi câu khách, nhảm nhí rẻ tiền, văn chương gì mà hết đĩ điếm lại đến mẹ điên bố khùng, và thời buổi ngày nay văn hóa đã xuống cấp hết sức, để cho các nhà xuất bản cũng đồng ý cho ra mắt những cuốn sách mang những tên sách phản cảm, thiếu văn hóa.
Những cảm nhận của người bình thường cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cảm nhận của những người biên tập, làm xuất bản, mà sách tôi lại là thứ sách để bán cho những người bình thường nhất. Tôi không dựng lên bức rào mặc cảm hoặc e dè, hiếu kỳ nào với người đọc, nhưng người đọc lại thường nghĩ đến những rào chắn về nhận thức khi mới cầm một cuốn sách bất kỳ nào đó lên tay. Tuy nhiên, lượng phát hành của “Mẹ Điên” trên thị trường cũng không thua kém những cuốn sách văn học nước ngoài khác.
@ Có nhà văn cho rằng sở dĩ "Mẹ Điên" hay như vậy nhưng khi được Trang Hạ dịch thành sách và bán trên thị trường, cuốn sách dường như không được bán chạy như những cuốn sách trước của chị vì cái tội "nó không có những yếu tố giật gân, câu khách, thậm chí cái tên sách cũng hiền hơn rất nhiều so với cuốn: "Xin lỗi em chỉ là con đĩ". Chị có tiếc không khi cố công "bới rác" để tìm cho công chúng một tác phẩm đích thực?
Trang Hạ: “Mẹ Điên” ra mắt vào đúng thời điểm vô cùng nhạy cảm và khó khăn của cá nhân tôi, vào lúc đó hầu như mọi cánh cửa đều đóng sập trước mắt và tôi bị chặn đứng mọi con đường kiếm sống, đồng nghiệp xa lánh dè chừng, mọi hợp đồng công việc đều bị chấm dứt tức thì, mọi bài phỏng vấn trên báo chí và các talkshow đã lên lịch trên truyền hình bị cắt bỏ. Không có bất cứ một dòng tin hoặc bài điểm sách nào nhắc tới “Mẹ Điên” của Trang Hạ. Ở Việt Nam ra sách như vậy là thất bại rồi.
May tôi còn một nhóm độc giả trung thành, họ thương tôi, họ biết Trang Hạ có “Mẹ Điên”, họ đi mua. Phải hơn một năm rưỡi sau khi “Mẹ Điên” được phát hành, bài giới thiệu điểm sách “Mẹ Điên” đầu tiên mới xuất hiện trên báo, có lẽ đó là một ngoại lệ hiếm hoi trên thị trường sách hiện nay, khi mà một đầu sách văn học dù được quảng bá nhiều cũng chỉ bán chạy trong vài tháng đầu tiên.
@ Điều khiến tôi hoài nghi chính là sức làm việc của chị, liều "doping" nào mà dịch giả Trang Hạ có thể cho ra mắt từng ấy tác phẩm trong một thời gian ngắn? Sự ra mắt nhiều tác phẩm dịch cùng một lúc có phải lí do khiến công chúng yêu văn chương gặp khó khăn khi chọn lựa tác phẩm nào của chị thật ưng ý để đọc?
Trang Hạ: Tôi dành không nhiều thời gian để dịch sách, nhưng tốc độ dịch khá nhanh, một tối có thể dịch liên tục vài chục trang. Các tác phẩm tôi đã dịch đều có gì đó xứng đáng để độc giả tìm đọc, thậm chí đọc lại vài đôi lần. Bởi vậy tác phẩm văn học tôi đã dịch chỉ chừng hai nghìn trang, song nhiều độc giả trẻ rất chịu khó tìm đọc và phát tán nó tới bạn bè họ. Có điều, tôi dịch và đăng trên nhiều báo khác nhau nên độc giả nếu muốn theo dõi được toàn bộ những gì Trang Hạ dịch và viết, trong một tháng họ phải mua khá nhiều báo và tạp chí khác nhau, sẽ phải tốn một số tiền... cũng khá khá.
@ Đồng hành với vai trò dịch giả, Trang Hạ cũng mới sinh thêm em bé và khá đắt sô với nhiều vai trò khác. Điều ấy có chi phối nhiều hiệu quả công việc của chị? Chẳng hạn như với mấy tập truyện ngắn gần đây của chị, thấy chị lười biếng xuất hiện với truyền thông hơn?
Trang Hạ: Từ đầu năm 2010 đến nay, tôi dồn sức nhiều hơn cho công việc sáng tạo nên không có thời gian để dịch các tác phẩm văn học. Cụ thể, đầu năm 2010 tôi có vở kịch nói đầu tay “Xin lỗi, em chỉ là…” được công diễn tại Nhà hát Hòa Bình – TPHCM với mỗi suất diễn đều có hơn nghìn khán giả. Tôi vừa ra mắt hai cuốn sách mới, bao gồm cuốn tiểu thuyết đầu tay “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường” và cuốn tản văn “Đàn bà ba mươi” đang rất được các độc giả nữ đón nhận. Từ đầu năm đến giờ tôi viết gần một trăm bài tản văn, tạp bút, bài báo đăng trên các báo và tạp chí từ trong nam ra ngoài Bắc, đồng thời từ 1/7/2010 tôi cũng đứng tên chủ trì nhiều chuyên mục dài kỳ trên tạp chí Lửa Ấm của báo Tiền Phong, bao gồm cả các lĩnh vực từ phong cách, nhan sắc, quan điểm, phụ nữ độc lập, cho tới quản lý tài chính trong gia đình v.v… Những công việc tôi làm đều đỏi hỏi năng lượng sáng tạo lớn và thời gian đầu tư không nhỏ. Đồng thời trong năm 2010 tôi cũng đón đứa con thứ ba chào đời. Như thế, phải nói rằng dạo này tôi bỏ rơi các tác phẩm dịch để sáng tạo được nhiều hơn cả trong văn lẫn ngoài đời mới đúng.
@ Dự định của Trang Hạ trong tương lai gần: Loạt truyện ngắn của chị sẽ mang thông điệp gì? Chị có chọn làm người "bới rác" hay sẽ chọn một tác phẩm chỉ cần "câu khách" là đủ?
Trang Hạ: Tôi vừa đặt bút ký một “hợp đồng khung” xuất bản với một đơn vị nên chắc chắn số lượng trang sách ra mắt trong năm 2011 sẽ buộc phải… nhiều bằng ba năm qua cộng lại. Cụ thể, cuốn “Yêu nữ quầy Bar” (tên gốc Cho em xin một điếu thuốc) do tôi tổ chức bản thảo (dịch giả Lê Đỗ Nga Linh, Cty sách Văn Việt phát hành) sẽ ra mắt trong tháng 1/2011.
THỦY ANNA (thực hiện)
Tác giả: Thủy Anna
Nguồn tin: Pháp luật xã hội
Ý kiến bạn đọc