Đây là vụ mùa chính trong năm của đồng bào Xơ Đăng. Vào vụ mùa, từ người già đến trẻ em, bất kể trai hay gái đều đổ ra ruộng cuốc, xới, cày, cấy, ngoại trừ những người quá già, hay trẻ còn bú sữa, mới ở nhà.
Xã Măng Ri là nơi có nhiều ruộng lúa nước vào loại bậc nhất ở huyện Tu Mơ Rông. Từ trên cao nhìn xuống thấy những thửa ruộng bậc thang trải dài hun hút, mới hiểu được bao đời qua, nhiều gia đình đồng bào Xơ Đăng ở đây đã cần mẫn, đổ biết bao công sức để cải tạo, đắp bờ, giữ nước và gieo trồng... Những cánh ruộng bậc thang ở đây tuyệt đẹp, nằm vắt vẻo trên những quả đồi, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Ngọc Linh quanh năm mây trắng phủ. Theo người dân ở thôn Đắk Dơn, xã Măng Ri, nguồn nước tưới cho ruộng lúa chủ yếu được dẫn từ đỉnh núi Ngọc Linh có độ cao 1.800 m về. Những chiếc ống dẫn nước to chạy vòng vèo từ trên núi cao, vắt qua các ngôi nhà vừa để sử dụng cho sinh hoạt, vừa đổ ra ruộng. Nước dẫn từ núi Ngọc Linh về thường trong xanh ngăn ngắt. Từ trung tâm xã Măng Ri đến khu vực trồng và bảo tồn giống sâm Ngọc Linh quý hiếm chưa đầy 7 km.
Gia đình A Nhiều, ở thôn Đắk Dơn có vài thửa ruộng nhỏ nằm sát nhà. Tranh thủ trời ngừng mưa, anh huy động cả nhà ra đồng. A Nhiều bảo: "Mấy đứa nhỏ nghỉ hè, nên tao cho chúng ra ruộng làm quen, chứ để ở nhà nó mềm người, hư lắm". Những đứa con của A Nhiều mới học lớp 3, lớp 4, nhưng khá thành thạo khi giúp bố cuốc đất, dọn cỏ, chuẩn bị để cấy lúa.
Sống ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, những bản làng của đồng bào Xơ Đăng nằm ven núi Ngọc Linh sừng sững yên bình đến lạ. Ngoài làm ruộng, bà con ở đây cũng lên nương tỉa bắp, trồng sắn. Lúc rảnh rỗi thì săn bắn, vào rừng tìm củ sâm dây - hay còn gọi là đẳng sâm để bán.
Tác giả: Hữu Trà
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc