Có mặt tại miếu Bà Chúa xứ Bào Mướp vào ngày cuối tuần, mới thấy hết không khí nhộn nhịp nơi đây. Hàng ngàn lượt khách hành hương đến thăm, viếng và cầu an. Ông Trần Văn Bền, Trưởng ban Hội miếu Bà Chúa xứ Bào Mướp cho biết, năm 1851, miếu do ông Đoàn Minh Huyên dựng lên để người dân xã Thới Sơn và thị trấn Nhà Bàn thờ phụng. Hồi ấy, vùng đất này còn hoang sơ, ít người ở. Phía trước ngôi miếu là dãy đất trống có cái hồ lớn, xung quanh mọc toàn mướp rừng nên người dân đặt cho cái tên miếu Bà Chúa xứ Bào Mướp. Trải qua chiến tranh, miếu Bà Chúa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Nhiều lần chính quyền địa phương cùng người dân góp tiền của, vật lực trùng tu, tôn tạo. Dần dà, du khách phương xa biết tiếng nên lượng du khách đến hành hương tăng dần qua các năm. Cuối năm 2008, Ban hội miếu Bà Chúa cùng nhân dân chung tay đóng góp xây dựng lại với nhiều hạng mục, tổng kinh phí lên đến 3,5 tỷ đồng.
Hằng năm, vào các ngày 19, 20, 21/4 âm lịch, Ban hội miếu tổ chức lễ hội miếu Bà Chúa xứ Bào Mướp theo nghi lễ cổ truyền như: nghinh bà, hát bộ biểu diễn, lễ chánh tế, múa lân, hát chầu. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian cho thanh niên và người dân trong, ngoài huyện tham gia. Những ngày lễ hội, miếu Bà Chúa thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Chị Nguyễn Thị Huệ, du khách ở Bình Dương cho biết, năm nào chị cũng tới đây để được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thanh tịnh. Nơi đây níu chân du khách còn bởi người dân rất mến khách, họ phục vụ nhiệt tình, an ninh trật tự được đảm bảo, không có hiện tượng chèo kéo khách.
Đến miếu Bà Chúa xứ Bào Mướp ngoài việc hành hương, du khách còn có thể mặc sức mua đường thốt nốt, các loại mắm đặc sản Châu Đốc để làm quà. Khu chợ được UBND thị trấn Nhà Bàn xây dựng cuối năm 2009 khá khang trang. Năm 2010, Ban hội miếu tiếp tục sửa chữa bến bãi đậu xe, nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Theo thống kê, trong năm 2009, miếu Bà thu hút gần 1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Thời gian tới, Ban hội miếu kiến nghị Bảo tàng An Giang tiếp tục xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, rồi trình lên cấp trên đề nghị công nhận di tích lịch sử - văn hóa. ông Bền cho biết, cái khó hiện nay là hương lộ vào miếu đang xuống cấp, chiều ngang hẹp nên việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Nếu được nâng cấp, nơi đây sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách, đồng thời tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn tin: KTNT
Ý kiến bạn đọc