Nguyễn Văn Song “ngồi xếp những nâu trầm mà thương”
Thứ ba - 31/05/2022 04:382.1050
Nhà thơ Nguyễn Văn Song Nguyễn Văn Song năm 1974 tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội, hiện sống và viết tại Hưng Yên. Giải Trăng vàng cuộc thi thơ lục bát Tổ quốc và đạo pháp (2018). Giải Khuyến khích thơ Haiku Nhật - Việt (2019). Giải B(không có giải A) cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 2019-2020. Giải nhất cuộc thi thơ lục bát của Tạp chí Áo trắng 2021 và nhiều giải thưởng khác. Đã xuất bản 02 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen, Nxb Hội Nhà văn 2022 Có thơ đăng trên báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều báo của trung ương và địa phương từ năm 2017.
Thotre.com xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của anh
Một đời áo nâu
Một đời mẹ mặc áo nâu Bao nhiêu tấm cũng một màu đất đai Rách lành kể những hôm mai Áo hay đời mẹ sờn phai mỗi ngày? Áo nâu bạc! Áo nâu gầy! Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa Lắng nghe sợi vải ngày xưa Thấy trong chát mặn đã thừa mồ hôi Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi Áo nâu gói cả những lời xót xa Mẹ như sông phía quê nhà Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm Mẹ đi về phía trăm năm Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương Thôi đành nhờ cả khói sương Áo nâu ơi hãy theo đường mẹ đi...
Về ngồi bậc đá bờ ao
Về ngồi bậc đá bờ ao Tìm chuồn chuồn ớt thuở nào níu đôi Ao đêm đặc tiếng quẫy đuôi Cá rô đớp bóng sao trời đung đưa Nghe trong bậc đá ngày xưa Tuổi thơ thức giấc như vừa hôm qua Đục trong ta tắm ao ta Gái trai từ vũng ao nhà lớn lên Tìm người giặt áo trong đêm Bàn tay em khỏa dịu mềm sóng loang Sao em làm bóng trăng tan Để tôi ngồi vớt bọt vàng ngẩn ngơ Mẹ ngồi đãi thóc tinh mơ Xoáy tròn miệng rá cho phơ tóc chiều Sạn sành gạn được bao nhiêu Mà sao hạt thóc chắt chiu vẫn gầy Trưa hè gió mỏng, nắng dày Đá xanh mấy bậc đong đầy chuyện quê Trẻ già một giọng nồng khê Nói cười quên cả bộn bề xưa sau Vui buồn một thuở đằm sâu Giờ về đâu giữa úa nhàu thời gian Nhà xây chiếm nửa ao làng Lặng im bậc đá xanh tràn màu rêu.
Thời gian
Thời gian đi qua ngõ Vòm cây trùm mái quê Phiến đá xanh rượi mát Bàn chân quen lối về
Thời gian đi trên tóc Phơ phất miền hoa lau Ngỡ chiều qua chầm chậm Mây trời trôi trắng phau
Thời gian đi trong mắt Hồ nước màu sang thu Sóng qua mùa giông bão Lắng tận cùng lãng du
Thời gian đi trong ngực Đã êm dần nhịp rung Nỗi đau như đá cuội Lặn sâu trong đáy lòng
Sớm nay tia nắng ấm Soi sáng bừng tiếng chim Nghe thời gian dừng lại Bên nhành mai trước thềm.
Gốc rạ ơi!
Gốc rạ là gốc rạ ơi! Mẹ sinh ta một chuyến rơi giữa đồng Chiều đông lửa rạ thơm nồng Hiền khô ổ rạ mở lòng ôm ta
Gốc rạ là gốc rạ à Thuở nào trải lợp mái nhà tranh xiêu Bếp quê nhen khói lam chiều Rạ rơm mẹ nhóm những điều nồng cay
Gốc rạ là gốc rạ gầy Đất cằn cây lúa chở đầy bấp bênh Lép bông vỏ trấu lênh đênh Rạ trơ gốc tủi phận mình xác xơ
Gốc rạ là gốc rạ khô Tuổi thơ thấm vị khoai ngô ngọt bùi Đồng làng than lửa ủ vùi Hồn thơm khói rạ nên người nhà quê
Người đi muôn nẻo trở về Bàn chân đứng lặng triền đê đầu làng Đồng trơ cuống rạ mênh mang Nghe chiều ngả bóng rạ sang bóng mình.
Về tìm chiếc nón
Tôi về tìm nón lá non Gặp em cô gái còn son ngõ ngoài Mảnh khăn che mặt thành quai Thẳm đen đôi mắt nhìn ai qua nhà
Tôi về tìm nón lá già Chị tôi tát nước đồng xa một mình Anh đi bằn bặt chiến chinh Bao năm vành nón chùng chình nghiêng che
Tôi về tìm lại nón mê Gặp người hành khất triền đê đầu làng Tay run ngửa chiếc nón tàng Gom về muôn nỗi bẽ bàng thế nhân
Tìm trong nắng dãi mưa dầm Bù nhìn giữ lúa âm thầm mùa chiêm Phận rơm tao tác ngày đêm Gia tài chiếc nón rách thêm nỗi đời
Tôi tìm thấy ở quanh tôi Bao nhiêu chiếc nón đầy vơi nổi chìm Về hiên nhà đứng lặng im Tôi tìm lại nón hay tìm lại tôi?
Đốt mã cho cha Con ngồi đốt mã cho cha Lắng nghe ngọn gió ngoài xa chập chờn Lửa nhen tre, giấy nhập hồn Trăm nghìn bỏng rát cháy dồn lòng đau Vàng thoi, bạc nén rực màu Cha ơi hãy nhận qua cầu sang sông Nại Hà ván mỏng, quỷ đông Bao nhiêu cho đủ qua vòng tai ương? Đời cha ít nắng, nhiều sương Bốn mùa áo bạc, tiền suông một đời Lửa bùng bén cả que cời Con xin gửi lại cho người giàu sang Ngựa xe, của nả xếp hàng Gửi cha còn sót tro tàn ngập sân Than hoa đốt mã nguội dần Mà lòng con vẫn mấy lần lửa thiêu.