(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968, tình hình vô cùng khó khăn. Tại Vĩnh Long, sau khi chấn chỉnh lại lực lượng và nhận thêm viện trợ ồ ạt từ Mỹ, địch tập trung toàn lực để bình định cấp tốc.
Địch đã huy động toàn bộ lực lượng quân chủ lực hùng hậu như trung đoàn 15,16 ( sư đoàn 9), lữ đoàn 2 Mỹ, liên đoàn 4 biệt động quân (gồm bốn tiểu đoàn), trung đoàn thiết giáp cùng với hai mươi mốt nghìn quân địa phương; có đủ loại máy bay, tàu chiến, đại bác, xe tăng hỗ trợ; ngày đêm chà đi xát lại đến từng ngọn cỏ tưởng như cũng không còn.
Chúng đóng đồn bót dày đặc, tung đủ loại thám báo, biệt kích, bình định, chỉ điểm; song song đó là các thủ đoạn mua chuộc, chiến tranh tâm lý... Lực lượng kháng chiến bị tổn thất nặng nề. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị giết, bị tù đày. Địa bàn hoạt động ngày càng thu hẹp.
Trong tình hình căng thẳng ấy, được chỉ đạo của trên, các lực lượng vũ trang của tỉnh vẫn kiên lòng, bền chí tiếp tục bám dân, bám đất, từng bước tiêu diệt địch. Nhờ phối hợp chặt chẽ các thứ quân và sự hậu thuẫn tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng cách mạng dần khôi phục và từng bước phản công. Địa phương quân tỉnh, huyện, khi phân tán, khi tập trung linh hoạt, cùng du kích bám địch mà đánh.
Sang năm 1971, các đơn vị vũ trang, du kích, các Ban đảng…đã tạm thời được thở lấy sức sau giai đoạn bình định ác liệt của địch. Từng lõm, từng vùng đất được giải phóng, các đơn vị có chỗ trú chân. Dường như địa bàn xã nào cũng có vùng giải phóng.
Ban Tuyên huấn huyện Vũng Liêm lúc bấy giờ đóng tại ấp 5, xã Trung Ngãi. Nhiệm vụ của Ban là công tác thông tin, tuyên truyền, huấn học…Công tác thông tin, tư tưởng đã góp phần vào những thắng lợi của huyện nhà trong những năm 1970, 1971 đầy gian nan thử thách ấy. Ban Tuyên huấn huyện đã in các loại tài liệu phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, hướng dẫn chiến đấu, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, thực hiện ba bám “ đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch”…
Năm đó, anh Hứa Văn Chiến ( hiện nay là Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, tác giả nhiều bia, tượng truyền thống lịch sử trong tỉnh) vừa mới mười bốn tuổi, tham gia công tác tại Ban Tuyên huấn huyện. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Chiến không nề hà việc gì; các cậu, các anh trong đơn vị sai đâu làm đó, đủ chuyện lặt vặt tại cơ quan. Nhưng tham gia thường xuyên là vẽ khẩu hiệu và in ấn truyền đơn, tài liệu…; lúc rảnh thì học vẽ.
Chiến kể lại: “Nghề in lúc đó khó khăn và công phu dữ lắm. Càng thô sơ, càng xưa thì công phu càng nhiều, nhất là trong kháng chiến thiếu thốn mọi bề.”
Tổ đánh máy và in truyền đơn có bốn người, gồm chú Năm Tài là tổ trưởng, chú Tám Thành, Chiến và một nữ là chị Lê Thị Lượm. Trong tổ, Chiến là người nhỏ nhất, gọi ai cũng bằng cậu, bằng dì. Trước khi in, chú Năm Tài phải cắm cúi ngồi đánh máy chữ lên tờ giấy sáp tím rịm. Nhiều lúc phải đánh dưới ánh đèn dầu tù mù. Khi in phải cần đến hai người, thường là Chiến cầm miếng gạc để kéo mực. Lúc kéo phải đều và khéo tay, nhẹ quá thì mực không ăn, nặng tay thì rách giấy hoặc chữ bị lem luốc. Chú Năm Tài thì canh giấy cho ngay khuôn mực. Nhiều khi chuyện quá cấp bách, phải làm sáng đêm. Có những lần đang in phải chui tọt xuống hầm để tránh pháo, tránh máy bay; có những lần gay go hơn, phải chôn dấu phương tiện, nhét tài liệu vào ba lô rồi chuyển quân cấp tốc.
Phương tiện in, nếu không mua được thì tự chế. Khung cây để in thì tự đóng, gạc kéo mực thì làm từ sống lá dừa nước bình dị của quê hương. Nhưng mực, giấy… thì phải mua. Mua cho được các nguyên vật liệu đó không dễ chút nào. Giữ liền mạch thông tin để góp phần vào thắng lợi chung nhiều khi phải đánh đổi bằng xương máu.
Có những chuyến đi mua hàng thật gian nan, tưởng chừng như không về được nơi xuất phát. Tôi tìm hiểu và ghi lại một vài chuyến đi mua giấy mực trong thời kỳ khó khăn, ác liệt ấy.
Lần đó, cơ quan không còn giấy, mực; chị Lê Thị Lượm được chú Châu Công Tính, tên thường gọi Bảy Báu, phó Ban Tuyên huấn huyện Vũng Liêm phân công đi chợ Vĩnh Long mua. Năm đó, chị Lượm vừa tròn mười tám tuổi, tham gia công tác được khoảng một năm. Cái tuổi mới lớn ở quê còn đầy nét ngây thơ, khờ dại. Một cô gái chân chất, hiền lành, từ nhỏ đến lớn chỉ sống ở miền quê, lần đầu nhận nhiệm vụ quan trọng nên không khỏi băn khoăn, lo lắng. Trước nay, thỉnh thoảng được mẹ dẫn đi chợ Vĩnh Long nên chị cũng biết đường đi nước bước. Lượm đang hoạt động hợp pháp, lại là nữ, có nhiều thuận lợi hơn khi đi chợ, nên cơ quan quyết định phân công đi một chuyến. Còn Chiến ở nhà làm việc khác.
Chị Lượm đón xe đò đến chợ Vĩnh Long, mua vật dụng tại tiệm Khai Trí, gồm mực in ống dài, giấy pô - luya, tập học sinh, pin con ó…Việc mua giấy mực rất quan trọng đối với chị, nhưng cũng rất đổi bình thường đối với việc mua bán rộn rịp ở khu vực chợ đông người. Mua xong các thứ, chị khệ nệ khuân từng chồng, chuẩn bị mang ra bến xe. Vừa lúc đó, có một người đàn ông mặc thường phục xuất hiện, hỏi:
- Ê, nhỏ kia, mua gì nhiều vậy?
Chị Lượm giật thót người, nhưng đã được các chú chỉ dẫn nên cố bình tĩnh nói:
- Con mua tập, giấy.
- Mua làm gì mà nhiều vậy?
- Dạ, mua về bán.
Gã đàn ông lật lật, vạch ra các món:
- Còn mực này, bán cho ai, mua về in truyền đơn cho Việt Cộng phải không?
Lượm thót tim, trống ngực đánh thình thịch nhưng cố trấn tĩnh:
- Con bán cho trường học.
- Trường học gì. Khai thật tao tha, nếu không tao bắt nhốt.
- Dạ, con mua cho trường học thật mà.
Gã đàn ông không nói thêm tiếng nào, ra hiệu, một tên khác xuất hiện. Hắn bảo:
- Tịch thu hết cho tao.
Lượm mếu máo năn nỉ, nhưng họ vẫn kêu xe chở giấy mực đi. Gã đàn ông chỉ ngay mặt Lượm:
- Lần này tao tha, lần sau thì đường hòng.
Rồi thản nhiên bỏ đi. Lượm đứng chết lặng một hồi lâu, mồ hôi vả ra như tắm. Sau đó đón xe về cơ quan.
Nghe chị kể lại, cơ quan nhận định, có lẽ có điệp báo, địch theo dõi nên biết, nhưng chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ nghi ngờ. Nếu không, chúng đã bắt chị luôn rồi. Kể ra thì đi hợp pháp cũng khá nguy hiểm. Suýt chút nữa mất người.
Chuyến mua hàng thất bại. Tài liệu khẩn đang chờ lên bàn in. Tận dụng giấy tập học trò cũng in được, nhưng mực tìm đâu ra. Vậy là phải chế ra mực in trong tình hình khẩn cấp, không vì thiếu mực mà để công tác thông tin tuyên truyền bị gián đoạn. Chú Năm Tài đành tự chế mực để in. Chiến cùng tham gia, lấy mở bò, dầu piantin loại xức tóc, nhồi với lọ nồi, lọ chảo để làm mực. Không đủ lọ nồi, chú Tám Thành phải đốt đèn dầu, hơ lên miếng thiếc để lấy thêm khói đèn. Tay người nào cũng đen nhẻm vì lọ nồi. Pha chế kiểu này chưa phải là lần đầu, lúc kẹt thì làm. Mực được chế như vậy, in cũng được, nhưng không sắc nét, dễ bị lem, tờ nào lem, phải bỏ ra. In xong tờ nào, phải để riêng tờ đó phơi gió, không xếp chồng lên ngay được. Vừa tốn công, tốn giấy, vừa chậm việc.
Chú Bảy Báu thấy không thể đi chợ Vĩnh Long được nữa, bàn tính chuyện mua giấy, mực tại chợ Càng Long ( tỉnh Trà Vinh). Chú phân công Chiến đi với Lượm để hỗ trợ. Chị Lượm mới công tác được một năm, suýt bị bắt tại chợ Vĩnh Long, nên hãy còn sợ, cứ trù trừ chưa dám nhận. Nhưng nhiệm vụ cách mạng giao, công tác thông tin tuyên truyền phải đi trước một bước Một tờ truyền đơn, một tài liệu học tập…kịp gửi đi có tác dụng như một làn tên mũi đạn. Cuối cùng chị nhận lệnh. Hai người được giao cho chiếc xuồng tam bản nhỏ và hai chiếc mái dầm. Phương tiện chỉ có vậy, quá đơn sơ và mong manh so với các loại xe hiện đại, tàu tối tân của địch đang bày binh bố trận khắp nơi.
Trước ngày đi, Chiến và Lượm đi bắt ốc len ven sông để sẵn dịp đi chợ bán lấy tiền mua đồ ăn. Hai người tranh thủ để cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Những con ốc no tròn, mập ú lần lượt được cho vào bao.
Nửa đêm, hai bóng người bơi xuồng lên đường. Chiến ngồi trước bơi mũi, chị Lượm ngồi sau bơi lái. Từ ấp 5 xã Trung Ngãi đến chợ Càng Long phải theo dòng sông Nhị Long thơ mộng. Nếu đất nước thanh bình, đi xuồng trên sông vào những đêm đầy trăng lóng lánh thì đẹp biết bao. Ven bờ, tiếng côn trùng ri rỉ khúc nhạc đêm muôn thuở làm nao lòng khách đi đêm. Nhưng tiếng súng, tiếng pháo cứ ầm oàng gần xa kéo khách lữ hành về thực tại.
Đầu năm 1971, các lực lượng vũ trang của ta đánh nhiều trận oanh liệt, bức rút nhiều đồn bót của địch; nhờ vậy, cặp theo sông có những vùng được giải phóng, đan xen với vùng địch tạm chiếm. Từ đây đến chợ Càng Long, căng nhất là phải đi ngang qua bót Gò Cà, xã Nhị Long. Bót này cất theo kiểu đồn Mã Lai, hình tam giác. Ba góc là ba lô cốt với các lỗ châu mai lúc nào cũng chực nhả đạn. Chung quanh và bên trong đều có chiến hào, chính giữa là “chuồng cu” khá cao để quan sát. Xung quang bót hàng trăm mét, địch cho phát hoang trụi cả cây cối. Càng gần đến bót, Chiến, Lượm càng hồi họp. Hai người như không dám thở mạnh, mong cho bọn lính gác không thấy để xuồng qua êm.
Bót Gò Cà lừng lững hiện ra trong bóng đêm, có vẻ gì thật đáng sợ. Xuồng lững lờ trôi ngang bót, bổng một tiếng la lớn:
- Dừng lại, sao chạy ngang bót không ghé vô.
Tiếp theo là tiếng súng chỉ thiên chát chúa xé rách màn đêm. Chị Lượm lật đật nại xuồng cho mũi hướng vô bờ.
Tiếng một tên lính chưởi thề: “Đi đêm sao không đốt đèn.”
Nghe tên lính nói, hai người mới biết luật của bót là đi đêm qua đây phải đốt đèn cốc nhỏ. Chuyện quan trọng như vậy mà các cậu không nói trước nên căng quá. Lở rồi, tìm cách đối phó sau. Xuồng tấp vô bờ. Lúc này cũng có mấy chiếc ghe đi đêm bị bắt lại. Không ai được đi tiếp, đành buộc xuồng chờ. Thỉnh thoảng có xuồng ghe đi ngang, bọn lính gác lại bắt ghé vô.
Khoảng gần năm giờ sáng, mấy tên lính xách súng xuống xuồng khám xét. Chúng bắt bà con đứng che xung quanh để tránh du kích bắn tỉa. Bọn lính khám xét từng ghe. Ghe nào có thức ăn, chúng tịch thu nào gà vịt, thịt heo, gạo. Xét đến xuồng của Chiến, một tên nói:
- Tụi mày ngoan cố, đi đêm không đốt đèn, tiếp tế cho Việt Cộng phải không?
Khám xuồng, thấy bao ốc len, tên lính hỏi:
- Chở đi đâu, làm gì?
Chị Lượm nói:
- Đi chợ Càng Long bán kiếm tiền.
Có lẽ thấy một cô gái mới lớn khờ khịu và một thiếu niên ốm nhách, trên xuồng chỉ có bao ốc, không gì khả nghi, chúng bỏ qua.
Tịch thu một số đồ ăn, chúng kéo lên bót. Đến khoảng năm giờ sáng thì cho các ghe xuồng đi.
Đến chợ Càng Long, chị Lượm tất tả bán bao ốc được năm trăm đồng, mua hủ tiếu, thịt heo, bánh trái…Sau đó hai người mua giấy polya, giấy tập để in truyền đơn, pin con ó loại nhất để chạy máy PR 25 cho huyện ủy và nhiều vật dụng khác. Pin được đựng đầy trong hai thùng sắt to.
Xong chuyện, Lượm và Chiến bơi xuồng theo sông Nhị Long trở về. Hai bên sông, cây cỏ um tùm, mé sông ken đầy ô rô, mái dầm. Có những đoạn dừa nước tua tủa vươn lên xanh thẩm dưới nắng. Không ai nói với ai tiếng nào, chỉ cặm cụi bơi, nhưng có chung tâm trạng là hồi họp. Bận về, nếu bị khám xét như chuyến đi thì có lẽ từ chết đến bị thương.
Bơi được khoảng hơn một tiếng đồng hồ, bỗng nhiên trong bụi lá dừa nước um tùm, một người mặc đồ lính, đầu đội nón sắt, cầm khẩu AR 15 chỉa thẳng xuống xuồng kêu ghé lại. Hai dì cháu giật nảy người. Chiến quay ra sau nói với Lượm: “ Kỳ này chắt chết quá dì ơi”. Lượm không trả lời được tiếng nào, run run nại dầm cho xuồng cặp bờ. Người lính đứng bên trong bụi lá, chờ xuồng cặp bờ, hỏi:
- Mua gì tiếp tế cho đồn?
Chiến hơi ngạc nhiên, sao tên lính lại hỏi câu đó, nhưng cũng bình tĩnh trả lời:
- Tụi tui mua đồ về ăn cơm.
Nhìn sâu vào bờ, thấy còn vài ba người nữa, có người cầm khẩu CKC, có người đội nón tai bèo, cổ quấn khăn dù, đứng bên công sự nhìn ra, Chiến chợt hiểu đây là vùng hoạt động của du kích. Thấy yên tâm, Chiến mạnh dạn nói:
- Tụi con ở cánh Bảy Báu.
Người lính cảnh giác, cầm súng bước xuống khám xét. Thấy nào giấy, nào pin…, ông nói:
- Đúng rồi, thôi đi đi.
Hai dì cháu thở phào nhẹ nhỏm. Nếu gặp biệt kích địch là chết rồi.
Từ đây về tới cứ, nguy nhất vẫn là bót Gò Cà. Chiến bàn với dì Lượm:
- Mình bơi gần bót thì nó thấy, bơi phía bên kia bờ thì nó nghi. Vậy thì mình đi giữa sông cho chắc ăn.
Lượm cũng chưa biết phải làm sao, kinh nghiệm thì chưa có. Thôi, cứ nhắm mắt làm liều. Hai dì cháu chọn phương án bơi xuồng giữa sông. Bót Gò Cà lừng lững hiện ra dưới ánh nắng chói chang. Đi ngang bót, hai bóng người cứ cúi đầu, mắt nhìn thẳng, cắm cúi bơi như kẻ vô tư không biết đất trời. Bơi mệt, nhưng không dám thở mạnh. Qua được năm mươi mét, bảy mươi mét, rồi hàng trăm mét, được mét nào mừng mét nấy…; ráng chút nữa là qua được cửa ải đầy tai ương. Đột nhiên, một loạt súng giòn chát như tiếng bắp rang bị nổ, đạn rớt phía sau xuồng lủm chủm, nước văng tung tóe ướt lưng áo của Lượm. Hai dì cháu giật nảy mình. Lượm hớt hãi nói:
- Nó kêu mình kìa.
Chiến hối:
- Nó bắn chớ đâu có kêu, bơi lẹ lên, sắp qua khỏi rồi.
Hai dì cháu gò lưng bơi xiết tới. Thêm một loạt đạn bay veo véo, lần này rớt bên hông xuồng, nước văng lạch chạch ướt áo của Chiến. Lượm nói lớn:
- Quay xuồng lại đi, chạy không khỏi nó đâu.
Quay lại cũng chết, ráng bơi mạnh lên thì còn hy vọng sống. Chiến không chịu quay lại. Hai dì cháu giằng co. Lượm thì bơi ngược lại, Chiến thì cố sức bơi tới, chiếc xuồng vì vậy cứ loay hoay, chồng chành không đi được hướng nào. Từ xa, thấy tên lính gác đội nón sắt, ló đầu ra trên chòi gác cao. Tên lính la to:
- Quay lại.
Thấy không ổn, cuối cùng Chiến đành bơi theo dì Lượm, hướng về bót. Vừa bơi vừa nghĩ cách đối phó trong đống rối tơ vò.
Đến gần bót, tên lính nói:
- Đ. m, sao tao kêu không chịu quay lại?
Chiến ngồi phía trước nói:
- Chú đâu có kêu, chú bắn ai biết chuyện gì.
- Tao bắn là tao kêu. Biết chưa. Tại sao tụi bây không đi cặp mé đồn mà đi giữa sông.
- Tụi con mới đi lần đầu nên chưa biết.
- Chưa biết thì tao phạt cho biết. Buộc xuồng vô gốc bần, phơi nắng tới mười hai giờ mới được đi. Lần sau nhớ đi sát đồn nghe chưa.
Chiến lụi cụi buộc dây vào gốc bần trụi lá, rồi ngồi trên xuồng chịu trận. Tên lính đồn hết hăm he, lại trêu chọc Lượm khi thấy Lượm là con gái. Chiến hậm hực ngồi lặng thinh, đội nón lá cúi gầm đầu xuống.
Ngồi trên xuồng chịu trận gần hai tiếng đồng hồ dưới ánh nắng gay gắt thì tên lính cho đi. Hai người thoát nạn, bơi ào ào không dám quay đầu lại. Chiến nói sở dĩ bọn lính không ra khỏi đồn để khám xét vì sợ du kích bắn tỉa. Nếu tình huống này xảy ra cách đây năm, sáu tháng trước thì khó thoát.
Bây giờ thì có thể yên tâm, trên đường về không còn đồn bót nào. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng súng vu vơ mù mờ không biết nơi đâu. Hai chiếc trực thăng xành xạch bay ngang về hướng Càng Long, quần đảo bắn phá rồ rồ, nhưng xa tầm nên không có gì đáng lo.
Đột nhiên, hai bên bờ rộ lên tiếng súng chát chúa, đạn bay veo véo, rít gió bên tai. Chưa kịp hiểu chuyện gì, có tiếng hét lớn trên bờ như nhắc nhở:
- Mau nhảy xuống sông!
Như cái máy bật dậy, hai dì cháu nhào xuống nước, chiếc xuồng tròng trành xuất lật. Hai người loi ngoi, vừa bơi vừa dùng tay đẩy xuồng đi tới cho qua vùng nguy hiểm.
Tiếng súng rộ lên vài loạt rồi im bặt đầy bí ẩn, có lẽ hai bên đang ghìm nhau. Qua khỏi trận địa một đoạn, hai dì cháu mới dám trèo lên xuồng. Người nào cũng ướt mem, ngồi thở hổn hển. Hồi nảy thì phơi nắng nóng, bây giờ lại ngâm dưới nước lạnh. Lượm thở ra:
- Chuyến này về, chắc dì bệnh quá Chiến ơi.
- Về tới cơ quan, con làm nước chanh cho dì uống. Hổng sao đâu.
Lát sau, Lượm nói:
- Xong chuyến này, chắc dì xin nghỉ quá.
Chuyến đi quá vất vả và căng thẳng, quá sức chịu đựng của một cô gái mới lớn nên Lượm mới nói vậy. Chiến lặng thinh, chỉ cắm cúi bơi, mong cho về đến cơ quan.
Bảy Báu và anh em ở đơn vị, thấy quá trưa mà xuồng chưa về tới, người nào cũng bồn chồn, lo lắng đứng ngồi không yên. Khi thấy chiếc xuồng tam bản thân quen cập bến, mọi người ồ lên túa ra mừng rỡ như mừng người thân đi xa lâu ngày trở về.
Thấy cậu Bảy Báu, Chiến khóc hù hụ, nước mắt nhiểu ròng ròng, nói: “ Tôi đi đánh chớ không đi hợp pháp nữa”. Chiến nghĩ, cầm súng chiến đấu tuy gian khổ, nhưng oai phong lẫm liệt hơn; còn đàng này cứ ngồi yên chịu trận; địch bắn thì chịu, tha thì nhờ. Phải cầm súng quay lại bót đánh trả thù.
Còn Lượm thì một mực xin nghỉ, không đi nữa. Chú Bảy động viên mấy ngày trời và hứa phân công tác khác, chị mới ngui lòng.
Sau chuyến đi đứng tim đó, Chiến còn phải nhiều lần chuyển hàng phục vụ cho những trang in ra đời, góp phần nhỏ bé của mình đánh địch trong giai đoạn ác liệt.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu:
Mái chèo một chiếc xuồng con
Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương
Chiếc xuồng tam bản mong manh kia tuy chưa làm nên thành tích “Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương” như của người người chiến sĩ giải phóng quân trong bài thơ, nhưng bản thân nó đã góp phần không nhỏ làm nên kỳ tích nước dậy, sóng cồn.
Chiếc xuồng tuy không bề thế và không phải trải qua những tháng ngày gian nan, hiểm trở như những chiếc tàu không số lênh đênh trên biển, nhưng tôi vẫn nghĩ nó là “chiếc xuồng không số” trên kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long. Và nếu nói như vậy, trong kháng chiến, có biết bao chiếc xuồng không số xuôi ngược trên kênh rạch, chuyển tải tài liệu, vũ khí, chuyên chở bộ đội, du kích… phục vụ kháng chiến.
Có xuồng đến được nơi đến, nhưng cũng có chiếc phải mãi mãi nằm lại dưới dòng sông sâu.
Ý kiến bạn đọc