Nuôi thằng cháu ngoại bị sốt xuất huyết có mấy bữa trong bệnh viện mà thần sắc héo xàu trông thật tệ. Chị nhủ thầm “Mình già thật rồi! Quá đát rồi! Tết nầy sắp bước qua hàng sáu, có còn trẻ trung gì nữa mà tính chuyện tình duyên. Họa chăng có điên mới nghĩ tới chuyện đó”.
Mà sao, ngoài miệng nói vậy chớ trong bụng chị nhiều lúc vẫn thường tơ tưởng đến hình bóng một người đàn ông, người đàn ông đó phải tinh tế dịu dàng, phải mạnh dạn xốc vác, sức khỏe tương đối tốt để tựa nương lúc tuổi xế chiều. Nhiều lúc chị tự cười thầm mình mơ mộng viển vông. Đàn ông ở tuổi nầy nếu gặp được người vừa ý thì họ đã đùm đề vợ con, hoặc bệnh đau nầy nọ, ở tuổi sáu, bảy mươi có ai còn rảnh rang, mạnh khỏe để cho chị chắp vá nữa. Hạnh phúc qua rồi, tình yêu đã qua rồi, tuổi trẻ còn quơ quào không được, tuổi già làm sao tìm cho ra.
Mỗi sáng, sau khi lo điểm tâm xong xuôi, con cái tới sở làm, chị đưa thằng cháu ngoại đi học, tranh thủ ghé vào lớp vi tính dành cho người lớn tuổi. Thời buổi của công nghệ thông tin mà chị là cô giáo dạy văn chớ đâu phải dốt nát gì mà ngồi bó tay, không chịu làm quen với phương tiện thông tin hiện đại. Có điên mới ngồi yên nhìn thời gian trôi vùn vụt qua cửa sổ để tiếc nuối cho quỹ thời gian ngày một cạn dần của mình.
Học vi tính rất vui. Mười mấy người vừa nam vừa nữ tuổi chạng chạng nhau, hoàn cảnh cũng na ná nhau. Người thì chồng chết, người thôi chồng, có người đã năm, sáu chục tuổi đầu mà chưa có “mảnh tình vắt vai”. Mấy “chàng trai” học cùng lớp thì hom hem, tóc bạc muối tiêu, mặt mày khô khan tẻ nhạt nhìn không “bắt mắt” chút nào. Nhưng giúp nhau trong học tập thì thật vui vẻ, nhiệt tình.
Học được bốn tháng, chị đã sử dụng rành rẽ việc đánh văn bản, gửi mail, nhận mail, đọc báo online, “chat” với bạn bè. Nhiều đêm, ngồi loay hoay bên máy tới khuya, không tính gì chuyện ngủ nghê, thằng con trai lấy làm lạ, nó nhìn mẹ cười cười, hỏi “Bộ mẹ “chat” với ông nào sao thức khuya dữ vậy?”. Mắt vẫn chăm chú vào màn hình, chị mắng “Tao “chat” được với ông nào thì tụi bây mừng, có người chia sẻ tuổi già với tao, tụi bây khỏi lo”. Đứa con gái nghe mẹ nói, căn dặn “Coi chừng gặp củ chuối thúi nghe mẹ”. “Khỏi lo! Từng tuổi nầy, tính ra tao tuổi Thìn, Tết nầy gần sáu mươi rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa, hổng lẽ tao điên sao? Mẹ chỉ “chat” cho vui vậy thôi chớ còn bồ bịch gì nữa, quá đát rồi”. Thằng cháu ngoại mới học lớp lá cũng chen vô “Con thương bà ngoại, bà đừng cưới chồng nha”. Hai đứa con khúc khích cười, tụi nó rì rầm bàn tán gì đó nhưng chị không quan tâm, chị đang làm mấy câu thơ để gởi cho Câu lạc bộ thơ “Hương Xuân”, Câu lạc bộ thơ online của nhóm cựu học sinh trường Trung học Cái Bè ngày xưa.
Bài thơ làm theo thể thơ Đường “Xuân tàn rồi lại đông qua/ Thấm thoát mà nay tuổi ướm già/ Ngắm kiếng giật mình, tóc điểm bạc/ Soi gương thảng thốt, mặt nhăn da/ Đường trần gánh vác nhiều gian khổ/ Biển thế nổi chìm lắm xót xa/ Vẫn ngẩng cao đầu cùng số phận/ Mỉm cười với cuộc sống quanh ta” .
Bài thơ không lấy gì làm hay lắm nhưng cũng chia sẻ được với bạn thơ chút tâm sự của mình. Gởi bài thơ đi, hồi hộp đợi chờ bạn đọc họa lại, đó là niềm vui nho nhỏ từ khi chị gia nhập Câu lạc bộ “Hương Xuân”.
Mấy ngày sau, có ba bài thơ đáp từ với những lời lẽ têu tếu vui vui, trong đó chị chú ý bài thơ sắc sảo hơn cả của một bạn thơ giấu tên, đang sống ở nước ngoài và bảo là bạn học cùng trường Cái Bè với chị ngày xưa. Bài thơ họa như sau“Xuân đi xuân đến, lại xuân qua/ Tuổi lớn cũng chưa hẳn đã già/ Ngắm kiếng, kiếm tìm chi tóc bạc/ Soi gương nhăn nhó, phải nhăn da/ Hồng nhan bạc phận nên đau khổ/ Phận gái thuyền quyên lắm xót xa/ Giông bão qua rồi, trời lại sáng/ Cuộc sống vẫn còn bạn với ta”. Chị đọc đi đọc lại bài thơ, âm vận và luật đôi chỗ chưa được chỉn chu nhưng nội dung thì ấm áp lắm. Chị trả lời mail mà lòng thấy vui lạ, một niềm vui vô duyên cớ xâm chiếm tâm hồn, niềm vui mà từ lâu đã cạn khô trong lòng chị.
Đêm nằm, chị cố nhớ lại những gương mặt bạn bè cùng lớp và khác lớp của trường quận ngày ấy. Hơn bốn mươi năm rồi, làm sao mà nhớ nổi, nhất là những tay học trò nam ngày đó còn quá ngờ nghệch, không có ấn tượng gì trong con mắt nhìn của chị. Chỉ trừ Nam, anh lớp trưởng lớp đệ tứ 1, khá nổi tiếng với tài học và tài đàn hát, lúc đó chị mới học lớp đệ lục, có lần trường tổ chức đá bóng giữa đội nhà và đội bạn (trường Phan Bội Châu), chị đã ủng hộ đội nhà thật nhiệt tình (Nam làm đội phó) bằng cách lo phần hậu cần về ăn uống và lén lấy mấy cái nắp nồi nấu cơm của bà mẹ để chị và các bạn cùng đập lên hết cỡ cổ vũ đội nhà, lần ấy đội nhà thắng đội bạn thật ngon lành với tỉ số 4-1. Sau đó có mấy lần tập dợt văn nghệ cuối năm chung với Nam, ánh mắt anh nhìn chị rất lạ và những câu nói bóng gió xa xôi, nhưng ngày ấy chị còn quá hồn nhiên, có hiểu được gì. Sau đó, được tin Nam đi du học nước ngoài và đã vợ con đề huề. Không lẽ là anh chàng Nam đó, một tay cự phách lẫy lừng, giờ nầy đã xênh xang ở nước ngoài, làm gì còn nhớ tới chuyện xưa, quê cũ. Mà thôi! Nghĩ ngợi làm gì cho mệt, đã xác định là “thơ thẩn” cho vui chớ “người thơ” thì chị không muốn dính vào, dính với “người thơ” như dính với “người cõi trên”, tối ngày mơ mơ màng màng, tâm hồn như “treo ngược cành cây”, có biết trời đất gì đâu mà nương với tựa.
Thơ qua thơ lại nhiều lần thì “người thơ” bật mí tiểu sử của mình, anh ta chính là anh chàng Nam ngày trước. Anh và vợ đã “say good bye” từ lâu vì tính nết không hợp nhau và vì cuộc sống bên đó áp lực về vật chất rất nặng, cuộc sống của người phụ nữ không bị ràng buộc đạo lý như ở Việt Nam, vị trí người đàn ông đứng hàng thứ ba thứ tư trong xã hội nên người phụ nữ trở nên kiêu hãnh, xem thường chồng, vợ của “ người thơ” nằm trong hạng mục những người phụ nữ đó. Qua nhiều năm cô đơn, “người thơ” muốn quay về quê hương xây lại mái gia đình.
Không biết thực hư thế nào nhưng gặp được người bạn xưa, có chút tư chất nghệ sĩ giống mình, chị vui lắm. Nhưng chị giấu kín niềm vui đó, không thổ lộ trong thư với người ấy và cũng không để cho các con biết. Chúng nó mà biết được, thế nào cũng xầm xì bàn tán, rồi biết đâu nó lại chống đối, không còn tôn trọng mẹ như trước, mà điều đó là điều tối kỵ. Bao nhiêu năm một mình nuôi con, cực khổ gian lao mấy cũng vượt qua được, khó khăn mấy cũng chịu đựng được chỉ sợ ngôi nhà thiếu vắng nụ cười, thiếu vắng tình thương yêu của các con.
Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng chỉ là chuyện quan hệ bạn bè qua mail chớ có ở gần ở gũi gì nhau mà sợ. Nghĩ vậy nên chị vẫn thư từ qua lại với niềm an ủi là từ nay khi buồn vui đã có người sẻ chia, khi làm được bài thơ hay viết đoạn văn nào đó đã có người hiểu biết và đối đáp lại. Niềm vui mới giúp chị vượt qua những khó khăn, phiền não trong cuộc sống hàng ngày. Chị bắt đầu chăm chút tới nhan sắc, chịu khó ăn uống chất bổ dưỡng, tập thể dục, dùng kem dưỡng da mỗi ngày, đôi lúc đi tới các spa để massage mặt. Nhiều lúc, chị tự hỏi, hay là mình đã hồi xuân, mà thời kỳ hồi xuân thường con người hay gây ra nhiều sự cố, biết chị có làm điều gì lố bịch quá chăng. Chị tự dặn mình, phải kiểm soát hành vi, nếu không đám con sẽ xem thường.
26 tháng Chạp, chị nhận được thiệp chúc tết, vỏn vẹn mấy hàng chữ “Chúc mấy mẹ con em vui, khỏe”, và mấy món quà gồm son phấn, nước hoa, và mấy bộ quần áo. Chỉ vậy thôi mà sao lòng bồi hồi quá thể. Đã lâu rồi, không ai nhắc nhở chăm chút chuyện sắc đẹp của chị, không ai biết chị thích nước hoa mùi gì, vậy mà anh ta gởi đúng mùi hoa hồng, cái mùi thoang thoảng thật dễ chịu. Chị nâng niu mấy món quà, thầm cám ơn người tặng đã rất tinh tế khi chọn mua.
Niềm vui khiến chị không thể kềm nén trong lòng. Trăn trở mãi, chị quyết định đem chuyện kể với các con. Hai đứa con nghe xong, đứa con gái nghiêm mặt nói: “Chuyện nầy hệ trọng, phải suy nghĩ kỹ nghe mẹ, chuyện liên quan đến sự yên lành của gia đình chớ chẳng phải chơi đâu”. Thằng con trai cười hề hề, bảo: “Làm gì trầm trọng dữ vậy bà. Mẹ có nơi có chốn, chị em mình đỡ lo, bà chồng con đề huề rồi, ít ra cũng để cho mẹ sống vui, sống khỏe vài năm chớ”, “Sống vui sống khỏe hay “người đó” làm cho mẹ mệt mỏi thêm, năm ăn năm thua lắm mẹ ơi, mẹ suy nghĩ kỹ đi, con không dám cản, chỉ sợ mẹ khổ thêm thôi. Mà sức mẹ bây giờ yếu rồi, làm sao chống chọi lại “phong ba bão táp” nữa”. Thằng con cãi ngang “Chị nên nhớ câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, mình có cuộc đời của mình, còn mẹ bấy lâu đã lo lắng cho gia đình quá nhiều, để mẹ thử thời vận lần cuối xem sao”. Đứa con gái nhìn chị với vẻ suy tư rồi nó kết luận: “Con chỉ lo vậy thôi, mọi việc tùy ý mẹ”.
Nghe các con bàn cãi, thấy đứa nào cũng có lý, chị càng hoang mang hơn, nói nước đôi: “Chuyện cũng chưa có gì để phải ầm ĩ, chưa gặp mặt người ta, chưa biết tình ý người ta như thế nào, họ có tỏ tình với mẹ câu nào đâu, chỉ bàn bạc trước với tụi con để đề phòng tình huống xảy ra… vậy thôi”. “Ha…ha…Trời đất! Vậy mà tưởng mọi việc xong xuôi rồi, sao mẹ lo xa chi dữ vậy, nếu tình yêu đến thì... a lê hấp… nhào vô, có gì đâu mà phải bàn bạc với tụi con. Con thì O.K hai tay rồi đó, còn cái bà già háp kia cũng phải ủng hộ mẹ thôi, chỉ sợ mẹ đi sai đường như lần trước thì…thì...”. Nó ngưng ngang rồi chớp mắt nhìn chị ra vẻ đau khổ. Chị bật cười, cốc trên đầu nó một cái đau điếng.
Chiều 30 Tết, thằng con bận trực cơ quan, đứa con gái đã về nhà riêng ở ngoại ô thành phố. Một mình lui cui dọn thức ăn lên cúng ông bà. Chị đứng trước bàn thờ lâm râm khấn vái. Khói hương nghi ngút, thức ăn ê hề, thằng con trực cơ quan tới sáng mai mới về, con gái thì lo chuyện nhà của nó cũng không tới. Năm nào cũng vậy, thằng con thường nhận phiên trực cơ quan chiều 30 Tết để bạn đồng sở của nó có quê xa được về quê ăn tết. Chiều 30 năm nào cũng thui thủi nấu nướng rồi ngồi ăn một mình hoặc mời hàng xóm đến ăn, cho nên chị rất sợ những ngày lễ lộc hoặc Tết nhứt, những ngày người ta sum hợp vui vẻ thì nhà chị thật quạnh hiu, vắng vẻ.
Chị dọn thức ăn trên bàn thờ xuống hâm lại rồi dọn ra bàn, vừa ăn vừa xem ti vi cho đỡ buồn. Có tiếng gõ cửa cộp cộp phía trước, chị buông đũa, bước ra hiên. Đứng trước cửa nhà chị là một người đàn ông cao to trong bộ âu phục trang nhã. Anh ta nhìn chị chằm chằm, ngập ngừng hỏi: “Xin lỗi! Phải đây là nhà của … Á à! Xin lỗi…phải…”. Chị ngờ ngợ vài giây rồi mừng rỡ: “Anh Nam phải không?”. Người đàn ông tươi cười bước vào nhà, anh ngồi xuống ghế, mỉm cười nhìn chị, khen: “Vẫn như ngày nào, có hơi “cứng cạy” một chút nhưng vẫn còn mặn mà lắm”. Chị lúng túng không biết nói tiếp câu gì, tất tả đi ra phía sau lấy nước cho khách, cố trấn an cho tim bớt đập, tằng hắng mấy cái, lấy giọng tự nhiên, hỏi thăm: “Anh khỏe không? Về lúc nào mà không báo trước?”. “Bất ngờ như vậy mới vui chớ, em với mấy cháu vui vẻ hả? Chiều nay mời cả nhà đi ăn được không?”. “Ba ngày nầy thức ăn thiếu gì mà đi ăn ngoài, anh về với gia đình hay đi một mình?”. “Anh về một mình, vợ chồng tan rã như anh đã nói rồi, có ai đâu mà đi cặp đi đôi. Lâu về Việt Nam, thấy không khí gia đình đầm ấm của mọi người mà phát thèm, sống xứ người dù cho vật chất đầy đủ cũng lạnh lẽo quá, chắc anh phải về thôi, không có lý do gì để nấn ná bên đó nữa, ý em thấy sao?”, Nam nhìn chị thật lâu, ánh mắt đầm ấm, dịu dàng, vẫn là ánh mắt của ngày xưa... Chị bối rối nhìn ra cửa, nói nhát gừng: “Tùy anh…em đâu biết được, chuyện của anh mà …”. “Sao lại chuyện của anh, bấy lâu mình thư từ qua lại, em đã hiểu anh nhiều, chúng mình già hết rồi, chuyện gì cũng nên thẳng thắn, thật lòng là tốt nhất. Nếu em có người yêu hay có chồng khác rồi thì cho anh biết, còn nếu…”. Chị im lặng, sực nhớ lời con gái dặn dò: Mẹ phải suy nghĩ kỹ; chuyện liên quan đến sự an lành của gia đình; năm ăn năm thua lắm…
Hồi lâu, chị nói: “Chuyện quan trọng, để từ từ rồi tính, em còn con cái, còn gia đình, để bàn bạc lại đã. Với lại mình đã hiểu nhau nhiều đâu.. Anh về là vui rồi".
Nam trầm ngâm ngắm chị. Anh hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn của chị, cuối cùng anh nói: “Không ngờ em quá giỏi, phụ nữ giỏi như vậy không cần đàn ông cũng phải thôi, nhưng dù sao anh vẫn hy vọng, anh tha thiết muốn quay về quê hương, muốn có một mái ấm yên bình”. Chị cười, đánh trống lãng: “Thôi! Không mấy thuở anh tới, ăn bữa cơm cuối năm với em rồi mình đi xem đường hoa Nguyễn Huệ, nghe nói năm nay họ làm đẹp lắm, mà mấy bữa rày bận công việc, em chưa ra tới đó nữa. Anh có rảnh đi với em không?” “Ok!”. Nam nhìn chị nồng nàn: “Về đây rồi, mọi việc anh… trông cậy vào em”. Hai người vừa ăn cơm vừa chuyện trò, chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện trên trời dưới đất, chuyện quê hương gia đình, chuyện thơ văn xướng họa được đem ra nói hoài không hết. Chị nhìn gương mặt xương xương với đôi kính cận, chiếc miệng rộng hay cười có hai khóe miệng đã hằn sâu dấu thời gian, mái tóc bạc gần hết, của Nam, bâng khuâng tự hỏi, người đàn ông xuất hiện trong ngôi nhà quạnh quẽ của chị chiều cuối năm nầy, là thực hay là mơ? Liệu người ấy có là bến bờ yên bình cuối đời của chị hay cũng chỉ là những bất chợt thoáng qua, để rồi sau đó cũng chỉ là những bẽ bàng tiếc nuối, như những mối tình thoáng qua trong đời, sau ngày chị chia tay với chồng.
Chị không ăn được nhiều. Có cái gì đó chạo rạo trong lòng khiến chị no ngang. Lúc lui cui cùng chị dọn dẹp sau bếp, anh ghé tai chị: “Vài hôm nữa em đi cùng anh về quê thăm bạn bè, cô bác hai bên nghen. Anh muốn giới thiệu em…". Mặt chị nóng bừng lên. Chị quay đi, đánh trống lãng: “Để từ từ rồi tính. Thôi, anh lên nhà trên uống nước!”
Chị đứng lặng yên trong gian bếp, đưa tay chặn ngực nơi trái tim đang đập thình thịch, cố trấn tĩnh. Sao cứ như hồi 18, 20 lần đầu nghe tỏ tình vậy. Chị cười nhạo mình, định thần, vuốt lại mái tóc, bước lên nhà trên, nơi có người đàn ông đang chờ, để cùng chị bước ra đường hoa mùa xuân.
Ngoài đường, xe cộ rộn rịp, tiếng cười đùa ồn ã, tiếng hát vang lên trên chiếc xe lưu động của Ban Thông tin văn hóa phường: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về….Mùa bình thường..Mùa vui nay đã về…mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Ôi! Giờ phút yêu quê hương làm sao… trong xuân vui đầu tiên…Ôi! Giờ phút trong tay anh đầu tiên…một cuộc đời êm ấm… Từ đây, người biết quê người…Từ đây người biết thương người...”.
Tác giả: Kim Quyên
Ý kiến bạn đọc