Áo đỏ bắt đèn

Chủ nhật - 27/01/2013 23:49 5.328 0
Nhìn cảnh biết ngay là chiêm bao. 

Cha trải quần tây màu cứt ngựa ra giường, xén bớt hai cái lai. Kéo lụt, đường cắt răng cưa tưa tướp. Mẹ cắn chỉ đến chục lần mà đầu chỉ trầy trật không chịu chui qua lổ kim. Cha nhếch cười, nói cô bới lông tìm vết giỏi lắm mà.  
Áo đỏ bắt đèn

Họ vừa cãi nhau xong, chung quanh việc cắt lai quần đến đâu thì vừa. Thằng Phước đâu có cao dữ vậy, mẹ nói. Cha vặt vẹo, tôi gặp nó bảy tháng trước, còn cô? Rồi cả cha cũng ngập ngừng, cứ nhích cây kéo lên xuống để áng chừng chỗ cắt. Dài quá thì trong lúc nhảy thằng nhỏ sẽ vướng quần té ngửa, ngắn quá lại quê mùa khó coi. Cắt nhát kéo đầu, cha hơi chờn chợn, như thể vừa phạm phải một sai lầm không thể chỉnh sửa.  

- Cỡ này là vừa, đừng có cãi tôi.  

Giọng như căn dặn chính mình. Mẹ không có vẻ muốn hơn thua nữa, khi ánh nhìn vướng lại trên móc áo. Bà sực nhớ nút trên đó cũng đứt. Vạt áo bên phải dính hai đốm cà phê, chúng khiến họ băn khoăn suốt buổi sáng, rồi cũng nghĩ ra bỏ áo vô quần thì ổn, ai mà thấy. Cha nghĩ áo đỏ sẽ bắt đèn hơn, nhưng không tìm thấy áo nào khác, ngoài cái bị rách toạc lưng. Mẹ nói có thể lấy mảnh vải của cái áo học trò cũ, xong đắp lên chỗ rách, cũng lạ. Lên ti vi cũng không ai biết đó là áo vá.

Họ đứng ngó cái áo, cố hình dung nếu cắt một ngôi sao trắng nằm chình ình trên áo đỏ thì có khó coi lắm không.  

Cảnh này thì đúng là chiêm bao rồi. Hoang đường một cách day dứt. Cái lần thấy vía ngồi trên cầu vồng ăn những đám mây cũng không day dứt như vầy. 

Lâu rồi cha mẹ không nhìn nhau, ngay cả cùng nhìn vào một điểm cũng hiếm. Cái ảnh chụp chung duy nhất của hai người, cha ngó cụp xuống còn mẹ đảo tròng trắng sang phải. Mặt mũi cặp đôi hớt hãi. Lúc đó mình vừa lẫm chẫm biết đi, thích tọng vào miệng những thứ mềm mượt, bất kể là đuôi chó, góc cái gối gòn hay tóc mẹ. Thời khắc máy ảnh lóe đèn, mẹ phát hiện ra mình đang mút chổi lông gà. Nhưng không còn thời gian chụp lại cái ảnh khác, cha quáng quàng chạy vào ca đêm.   

Mẹ thì làm ca ngày. Họ chỉ có thể ôm nhau lúc trời vừa rạng sáng. Trong khoảng thời gian chóng mặt đó, nếu cha thích mẹ từ phía sau thì cũng có thể nhìn về một hướng, nhưng mẹ phải ngó cái đồng hồ treo trên vách, miệng kêu ối ứ ư sao lâu vậy. Gương mặt của gã quản đốc xưởng xốn trong đầu mẹ, trong lúc cha héo rũ trên người. Mẹ không thể thích đến quên trời đất, vì bị ám ảnh bởi thằng cha chấm công re rắt từng giây, vì mình hay thức dậy bất ngờ, dụi mắt buông ra một câu khó đỡ “lêu lêu, cha mẹ ở truồng”. Vụ đó là dì Hòa lỡ thời ở trọ chung vách kể mỗi khi mình qua xin cơm cháy, dì nói hồi đó tao nghe, khổ sở vì thèm.  

Mình thì không nhớ được những việc xảy ra hồi vài ba tuổi. Chuyện quãng sáu, bảy tuổi thì không muốn nhớ. Nhưng có khi mang máng chuyện mẹ bứng cây khế từ dưới quê lên trồng trên khoảng sân trước nhà trọ. Thằng nhỏ Phước vô lớp một là khế có trái, mẹ mơ màng. Lấy cây dao cùn phát quang một chòm cỏ, mẹ đào lỗ trồng cây. Cha nằm khẩy trên giường càu cạu nói vói ra, “chưa ăn được thì đã dọn đi chỗ khác, rảnh vậy ?”. Nhưng chiều đó giông lớn, cha đi tìm một thanh gỗ cũ, xóc chéo vô thân cây khế héo để gió khỏi quật ngã. Sự sống còn của cây khế là nỗi lo chung cuối cùng của hai người họ trước khi cha dọn tới ở cùng một cô cùng làm ca ngày, để tỉ tê nuốt hơi thở của nhau kệ cha cái kim đồng hồ nhúc nhích. Và mẹ thì lấy gã quản đốc mắt hí rị người Đài Loan, thoát khỏi nỗi ám ảnh mười lăm phần trăm giây xén bớt miếng ăn. 

Mười sáu năm bảy tháng mười ba ngày sau cái hôm thổn thức ứ hự ừ hư cùng nhau tạo ra hòn máu con con, cha mẹ mới lại cùng chuẩn bị bộ trang phục cho mình đến buổi biểu diễn tối nay.  

Chiêm bao sao mà hoang đường hơn cả giấc mơ đứng dưới cái cây thân bằng sữa bò, mỗi lá là một miếng thịt nướng, hồi nhỏ.  

Thằng Phước mà lấy được nửa tỉ tiền thưởng, tụi mình sẽ ra ngoại thành mua miếng đất cất nhà. Khoảnh sân trồng cây ăn trái cho cháu nội mình ăn. Ổi, xoài, nhưng đừng trồng mít, dễ bị sâu đụt thân. “Thôi không trồng cây”, cha gạt ngang, “trồng rau ăn, khỏi phải mua”. Họ cãi cọ một cách hững hờ trong lúc mẹ may lại cái lai quần, đơm nút áo. Màu chỉ không hợp lắm, trắng trên nền vải đỏ. Cha nói  không sao đâu, lúc đó đèn chớp đủ màu, người ta mắc coi từng điệu nhảy thần sầu của thằng nhỏ con mình, ai thèm để ý chuyện chỉ trắng chỉ đen. 

Nhưng khi đứng trên sân khấu, mình sợ đến tê dại đi, thật thà kể tham gia cuộc thi “Khỏa bụi tìm sao” lần này là mặc cái quần của cha, phải cắt đi một gang tay vì người mình thấp. Mình bán kẹo kéo với thằng bạn tên Giàu, hai thằng có niềm vui chung là lấy tên chính mình ra xỉa xói. Mấy bữa trời mưa bán ế nên mới được coi lỏm bỏm chương trình này trên ti vi của quán cà phê. Giàu xúi mình đi thi bằng cái giọng đầy thù hận : “phải để cho họ nhìn thấy tụi mình”. Giàu hát nhạc Trúc Phương buồn chảy nước. Hồi hai thằng mới gặp, nó nói tao hát để được lên truyền hình quốc gia. Một năm sau nó nói tao cất giọng lên để âm thanh chạm cốc một hai ba dzô bốn năm sáu dzô bảy tám chín dzô trong những cái quán nhậu sẽ lặng đi. Năm sau nữa, nó tao hát cho một người nghe tri âm nào đó, nếu có. Giờ thì nó hát chỉ để bán một vài cây kẹo kéo.  

- Điệu nhảy này em tả lại hình ảnh cây khế mới trồng trong một bữa mưa giông. 

Một cây khế non oặt đi, rạp mình trong cái thứ gió liên tục đảo chiều. Rễ chưa đủ bám sâu vào đất. Cành chưa đủ cứng cáp. Thằng Giàu hát nhạc nền cho mình, bài “Thói đời”, nó còn đọc rap, “thằn lằn cụt đuôi, dè, ai nuôi mày lớn, dè dè/ dạ thưa thầy dè, em lớn mình ên dè dè”. Mắt chị ca sỹ kiêm giám khảo nữ duy nhất của cuộc thi tràm trụa nước. Họ đã nhìn thấy mình. Thằng Giàu đứng trong cánh gà quệt má bằng cùi tay, chúng ta đã từng khóc, kêu gào và hát, nhưng không ai nghe hết, giờ thì họ biết chúng ta đang ở đây. Hả hê quá, trong đám đông ngồi tại khán phòng này, chắc nhiều người đã từng đi qua xe kẹo kéo của bọn mình nhưng họ không hề thấy nhận ra mấy thân phận bọt bèo lêu bêu bên đường.  

Anh giám khảo bảo mình bước đến gần xem mình có xương không. Anh phát hiện ra cả thịt mình cũng chẳng có. Mình cười, nói dân nhậu ở quận Mười Hai ai cũng biết mà. “Tôi cho em qua”, ba vị giám khảo đồng loạt nói, và mở cánh cửa thứ hai cho mình bước vào.

Cha mẹ ôm xiết nhau nhảy cà tưng trong tiếng vỗ tay rào rào. Miếng vá trên áo làm lưng mình nhồn nhột.   

Cái áo này mình đã mặc nhảy múa bán kẹo suốt một mùa mưa ế ẩm. Thằng Giàu nói ăn mặc bắt mắt thì người ta mới liếc qua tụi mình. Nó làm mọi cách để được thiên hạ dòm ngó như đã từng làm mọi cách để thiên hạ nghe thấy. Một lần nhảy điệu dạo bước trên trăng trên đường Hiệu Oanh, thì bỗng nghe giọng Giàu vỡ ra. Khoảnh khắc thanh chắn trước một chiếc xe hơi nào đó hất mình té sấp xuống đường, mình còn kịp nghĩ Giàu không ca bài của Trúc Phương, ông đó không bao giờ viết nốt nhạc nào cao chới với vậy. Sau đó thì xương sống mình vỡ bục ra, tách lưng làm hai phần, gãy gọn như một lời thề. Như cây khế mẹ chặt ngang thân lúc rời khỏi khu nhà trọ. Mình ngủ rất nhanh và nằm mơ thấy mình sóng soãi trên đường trong lúc mọi người vẫn đang nhốn nháo, sao thằng nhỏ mặc cái áo đỏ chói mà ông lái xe không nhìn thấy. 

Câu hỏi đó làm mình tư lự lâu lắm. Ngẩng lên thấy cha lục lọi cái hòm gỗ, hỏi cô thấy cái quần tây màu cứt ngựa của tôi đâu không ? Biết đâu thằng Phước mặc vừa. Không thấy mẹ, chỉ nghe vẳng tiếng lại, “người còn không giữ được, giữ chi cái quần ông…”.  

Biết là đang chiêm bao. Biết là khi thức dậy sẽ thấy trần nhà dày mạng nhện, vài con thằn lằn nhơ nhởn, chúng hay bậy nhằm chân mình. Chỉ cần chờ phân chúng khô, mình sẽ vói lấy chổi lông gà quét lên đôi chân đã từ lâu ngủ im lìm, bất động như quét mặt chiếu, và chẳng thấy buồn phiền đám bạn có đuôi. Sáng qua con thằn lằn còn rơi phịch xuống bụng mình, chắc do nhỏ bồ nó thì thầm “nằm ngửa ra đi cưng”, nghĩ vậy nên nằm cười tủm tỉm hoài. Để mà vui hết một ngày thăm thẳm…

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây