Chuyện trẻ con

Thứ ba - 11/12/2012 02:54 5.542 0
“Ù… ơ... Chiều nay có kẻ thất tình... Dựa mai mai ngã ờ... Ơ...ớ ơ… Dựa đình, đình xiêu…ơ ”.

"Hi…hi.. Xấc chình.. xấc chình...”. Thằng cháu đang nằm thiu thiu trên võng, nghe tôi hát ru nó bỗng cười khúc khích. Tôi bực mình, nạt “Nhắm mắt ngủ đi! Con nít gì nghe hát êm tai không chịu ngủ còn nhái theo nữa chớ”. Bị rầy, nó nằm im  re, tôi ru tiếp  “Ù ơ… ớ ơ... Chồng gần không lấy để lấy chồng xa… Mai sau cha yếu mẹ già…Ù ơ... Chén cơm đôi đũa… Bộ kỷ trà ai... dâng…”. “Cậu Ba  dâng...”. Trời đất! Cái thằng lì lợm hết chỗ nói. Nó lại trả lời câu hát của tôi. Tôi không bực mà tức cười, nhưng vẫn quát “Sao ngoại biểu con không chịu ngủ mà cứ nhái ngoại hoài vậy?”. Nó trả treo “Chạy ngoại... hát... dzui...”.

Cái thằng thiệt tình! Mới có bốn năm tuổi đầu, phát âm còn ngọng nghịu  mà sao nó cắc cớ quá vậy không biết. Tánh tình thằng nầy  lớn lên cho nó học nghề thầy cãi chắc được. Mới biết nói rành rành một chút mà cái miệng của nó dẻo đeo, chịu không nổi, lớn chút nữa biết nuôi dạy thế nào đây?

Minh họa: Lê Hồng Thái

Câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi từ lúc thằng cháu ngoại mới ra đời. Nghĩ tới nghĩ lui chuyện nuôi dạy con cháu trong nhà mà rầu tím ruột. Một đời vất vả nuôi dạy con, lúc nào cũng nơm nớp lo con không lớn không khôn, không sánh kịp với đời. Từ miếng ăn giấc ngủ, tấm áo manh quần, từ cuốn tập cây viết… Rồi những cuộc thi triền miên, sự đỗ đạt và công danh, tánh tình, cách đối nhân xử thế của con, nhất nhất chuyện lớn nhỏ, trong ngoài trên dưới, tôi đều nhúng tay. Bạn bè có người bảo, đừng uốn nắn kỹ quá, cứ để cho nó phát triển tự nhiên, con người cũng như cái bông cái hoa vậy thôi, nó màu mỡ thì đơm hoa kết trái, còn èo uột thì đành chịu chớ hơi sức đâu mà chăm bẳm hoài. Tôi làm nghề dạy học, quen cách dạy dỗ học trò, tôi quan niệm trẻ con giống như cái búp măng, không uốn luyện từ nhỏ, nó đã thành cây tre cứng ngắc cứng còng rồi, còn dạy gì được nữa. Những thập kỷ trước, xã hội ít biến động, lòng người còn hiền lành chân chất mà nuôi dạy con còn khó khăn như vậy, huống hồ gì bây giờ. Bây giờ, thời buổi đã khác trước nhiều, cuộc sống vật chất có đi lên nhưng con người quá thực dụng, đạo đức xuống cấp trầm trọng, biết làm sao nuôi dạy con cháu cho nên người đây?

Thằng cháu tính tình hiếu động hơn thằng con ngày xưa nhiều. Nó rắn mắc, lém lỉnh không chịu nổi, ba mẹ nó thì hiền khô như cục bột, mới nói được một câu nó đã nói hai ba câu, nó hỏi suốt ngày, trả lời không kịp thở, mà ba mẹ nó cũng không có hơi đâu để rầy dạy bởi suốt ngày chúng nó tất tả đi làm, tối về còn phải học thêm lớp nầy lớp nọ, về tới nhà đã bở hơi tai còn sức đâu mà đấu lý với nó. Tôi tuy cũng bận bịu nhiều chuyện nhưng không nỡ làm ngơ trước tình cảnh đó nên phải nhúng tay vào.

 Thương cháu có khi hơn con nhưng cách nuôi dạy phải khác xưa nhiều vì thằng cháu còn một quan hệ huyết thống khác ngoài tôi, đó là cha mẹ, ông bà nội của nó nữa. “Cháu ngoại thương dại thương dột”, “Thắng về nội, thối về ngoại”… Những câu tục ngữ nghe thật đau lòng nhưng thực tình là như vậy. Lo cho lắm thì công trạng cũng là của bên nội. Nhưng tôi không màng chuyện công trạng, phải dạy dỗ sao cho thằng cháu sau nầy trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

*

Thằng nhỏ ngủ khò. Gương mặt nó khi ngủ trông hiền khô với làn da trắng xanh, cái miệng mom móm giống thằng cậu của nó, chiếc mũi nhỏ và đôi mắt đen lay láy, ươn ướt giống mẹ (cũng có nghĩa giống tôi, những bộ phận trên gương mặt nó đa phần giống bên ngoại) vì vậy khi nhìn nó như nhìn thấy lại mẹ và cậu nó ngày còn nhỏ, sợi dây thâm tình có lẽ bắt nguồn từ đó khiến tôi thêm thương thằng cháu. Ngày mới sinh, gương mặt bầu bĩnh hồng hào của nó khiến tôi nhìn không biết chán, nhiều lúc nghĩ mình thương cháu hình như hơn cả mẹ nó, hèn gì có mấy người bạn vong niên bảo người già thường thương cháu chắt kỳ lạ lắm, không phải như có con lúc trẻ. Hình như càng già người ta càng tha thiết với máu mủ ruột rà hơn.

Sáng nay kêu cháu dậy đi học, không hiểu sao nó cứ khóc i ỉ, đưa sữa không uống, đưa cơm không ăn, con mèo ngồi kế bên nó cũng không buồn chọc ghẹo. Tôi bực mình, quát “Coi con mèo kìa! Nó ngoan thấy ghê chưa? Nó có khóc nhè như con không?”. Nó chùi nước mắt, giọng nhề nhệ “Nó có nước mắt đâu mà khóc...óc...”. Tôi bật cười “Hay quá ha? Chuyện gì ngoại nói con cũng trả lời được hết, mai mốt lớn con học ngành luật được rồi đó”. “Hôi! Con hong chịu âu. Con làm bác sĩ hà”. “Bác sĩ thì phải siêng học chớ học dốt như vậy làm sao trị bệnh cho người”. “Con ược cô khen mà sao ngoại chê con hoài vậy?”. Tôi đuối lý, ngắc ngứ “Thì ngoại… nhắc con vậy thôi. Bây giờ có chịu đi học chưa?”. Thằng bé chỉ vô trán, nhăn nhó “Con nhức... ầu quá”. Tôi sờ trán nó, nóng hầm hập, hoảng hốt “Chết cha! Sao nóng quá vầy con? Thôi lên đây nằm, ngoại lấy thủy coi mấy độ. Nhanh lên!”. Tôi đặt nhiệt kế vào nách nó rồi đi pha miếng nước ấm để chườm đầu. Vậy là phải dẫn thằng nhỏ đi bệnh viện rồi, hèn chi hồi sáng giờ nhìn nó là lạ mà không để ý. Rút ống cặp nhiệt thấy 39 độ, tôi quýnh quáng chườm đầu, lau tay chân cho nó rồi soạn quần áo, giấy tờ để đưa đi khám bệnh. Phải thử máu coi nó mắc bệnh gì, lúc này đang dịch “tay chân miệng” và sốt xuất huyết, không ỷ y được.

Hai bà cháu ngồi ở phòng chờ của bệnh viện Nhi Đồng mà sốt cả ruột. Tôi gọi cho mẹ nó “Con coi thu xếp vô Nhi Đồng 1 liền, thằng Quang bị nóng 39 độ, tay nó có mấy hột bóng nước, không biết phải bệnh kia không?”. Con tôi trấn an “Không sao đâu! Mẹ đừng lo lắng quá như vậy. Con đang dịch bài cho khách hàng gấp, nửa tiếng nữa con vô tới, có gì mẹ gọi nha!”. Tôi quát “Gấp gì  gấp cũng vô liền! Con mầy quan trọng hay công việc quan trọng?”. “Dạ… dạ để con vô”, giọng nó ỉu xìu như gà “mắc dây thun”. Thiệt tình! Con với cái. Chuyện gấp như cháy nhà mà nó cứ đủng đà đủng đỉnh, bực mình hết biết.

Ngồi giữa ba dãy ghế đông nghịch trẻ con đến khám bệnh, tôi muốn nghẹt thở. Nhìn thằng cháu nước da xanh bợt, đôi mắt lừ đừ vì sốt mà thắt ruột gan. Sáng giờ nó chưa ăn miếng gì vào miệng, chỉ dám cho uống chút ít nước chớ không cho ăn vì sợ chút nữa thử máu. 10 giờ, vẫn chưa thấy ai gọi tới tên. Tôi ngồi xuống đứng lên, đi qua đi lại chỗ cái lỗ nhỏ xíu, thỉnh thoảng cô y tá thò tay ra, chậm rãi kêu tên từng người. Hơi người hừng hực, tiếng người lớn nói chuyện như ong vỡ tổ, tiếng trẻ con khóc la ngằn ngặt khiến tôi choáng váng. Tôi xách giỏ xách đồ nặng trịch (chuẩn bị đồ nhập viện), một tay lôi thằng bé đi ra ngoài cho thoáng một chút. Thằng nhỏ lệch bệch bước đi, cái đầu gà gật trông thật tội nghiệp. Tôi hỏi “Con mệt không? Có muốn ăn gì không?” . Nó lắc đầu xua tay, bảo “Về ngoại ơi. Mẹ con âu rồi?”. “Chút xíu mẹ vô tới liền?”. Thằng bé nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu “Con muốn về nhà, ở ây sợ quá, con không chích huốc âu”. “Con bệnh thì phải để bác sĩ khám rồi mua thuốc uống chớ về nhà ai trị bệnh cho con”. Nó bắt đầu khóc ri rỉ, gương mặt sốt đỏ bừng.

Mỏi mòn vì chờ đợi, tôi muốn quay về nhà, chờ buổi tối đi khám ông bác sĩ tư ở gần nhà, nhưng thằng bé đang sốt cao mà nhớ tới cái cách khám trị bệnh của ông ta càng bực mình, chán nản. Ông ta khám bệnh rất ngộ là không trả lời, không nhìn ai và khám rất sơ sài. Bệnh nhi và phụ huynh  thì cứ đứng lố nhố trong phòng chờ  bẩn chật của ông ta, chờ tới số mình. Lọt được tới chỗ phòng khám của ông ta rồi thì chỉ nghe một câu hỏi nhỏ trong miệng “Bệnh gì?”, vừa nói, ông ta vừa đặt ống nghe ịn ịn vài cái lên ngực trẻ, phụ huynh chưa kịp nói hết bệnh của con thì ông đã biên xong toa thuốc, lại một câu nhỏ xíu trong miệng “Xong rồi”, phụ huynh vội ẵm con lui ra ngoài, chờ lấy mấy viên thuốc không còn nhãn hiệu của ông ta.

Đang lúc tuyệt vọng thì nghe từ cái lỗ nhỏ có tiếng kêu yểu điệu “Đỗ Minh Quang…”. Tôi hớt hải xách bịch đồ, tay dắt cháu đến bên cái lỗ, cô y tá đưa miếng giấy, dặn “Tới phòng khám số 3”. “Dạ”. Tôi lật bật bước đi, lòng mừng khấp khởi. Con gái tôi cũng vừa vào tới. Nó thở hào hển, phân trần “Bà khách khó tính, kêu chiều lại lấy, không chịu. Dịch bản hôn thú cho bả đi đăng ký kết hôn trong ngày nay”. Tôi bực tức “Già hay trẻ mà muốn chồng quá vậy?”. Con gái tôi làm thinh, nó cõng thằng nhỏ lên vai, bước nhanh tới phòng khám số 3. Tôi đứng ngoài cửa nhìn vô, miệng khấn lầm thầm, vái van cho nó không bị bệnh gì nguy hiểm. Tiếng thằng cháu khóc thét rồi tiếng mẹ nó dỗ dành “Chịu đau chút xíu đi con, không sao đâu”. “Con sợ lắm, sao lấy máu hoài vậy?”. “Tại con bệnh thì phải lấy chớ sao, cố gắng lên, mình đàn ông mà”. Đó là cái “chiêu” của  cả nhà, mỗi lần thằng bé làm khó dễ điều gì thì mọi người thường lấy câu “Mình là đàn ông đàn ang mà! Phải kiên cường dũng cảm lên chớ!” hoặc “Mình là đàn ông mà, phải hào phóng, rộng lượng chút xíu chớ!”, mấy chữ “Mình là đàn ông” thường được nhắc tới để xác định vị trí, trách nhiệm của nó trong nhà. Tôi không còn nghe tiếng khóc, một chút sau, hai mẹ con bước ra, tôi vội nói “Dẫn em lại căn-tin mua cháo cho ăn rồi đợi  kết quả. Sáng giờ chưa có miếng gì vô bụng chắc nó mệt lắm”.  “Con muốn về nhà, con nhức ầu lắm”. “Chút nữa đi con! Chờ bác sĩ khám bệnh, mua thuốc rồi về mới được”. Tôi khuyên thằng bé nhưng thực ra tôi cũng muốn về, trời đã đứng bóng rồi, đói khát lẫn mệt mỏi lo âu khiến tôi bải hoải cả người. Không hiểu sao, mỗi lần thằng nhỏ đau, tôi cứ liên tưởng đến những bệnh hiểm nghèo, những tai họa đang rình rập nó. Thời buổi nầy là thời buổi của hóa chất, của ô nhiễm môi trường, lường sao được những bí ẩn của bệnh tật đang đe dọa con người. Nhiều lúc thấy thằng cháu  viêm họng, viêm mũi triền miên, trụ sinh và thuốc chống viêm uống cấp tập khiến tôi quá xót xa nhưng không biết làm sao che chắn cho nó trước thảm họa hóa học đang bủa vây. Tôi già, tuổi này chết được rồi, chỉ thương cho đám trẻ sau này.

Hai mẹ con gặm bánh mì, thằng cháu trệu trạo nuốt mấy muỗng cháo thịt lạt nhách lạt nhẻo mua ở căn-tin, đôi mắt nó lừ đừ, hai má đỏ hồng, nó lắc đầu nguầy nguậy, chê “Ăn không ược, mẹ ăn i”. “Con phải dễ tính một chút! Mình đi ăn bụi ở ngoài thì phải chịu ăn dở rồi, về nhà ngoại nấu đàng hoàng cho ăn, mình là con trai phải dễ dãi chớ”. Nó nín thinh, không trả lời trả vốn tiếng nào, miệng nhai cháo mà mặt mày nhăn nhó như nhai thuốc đắng. Chờ tới 3 giờ chiều, nhìn kết quả xét nghiệm tôi mừng thầm, nó chỉ bị viêm họng chớ không bị vướng mấy bệnh kia. Vậy mà hồi hộp từ sáng tới giờ, lo cái bệnh “tay, chân, miệng” hành hạ nó. Ngày nào T.V, báo chí cũng thông báo số  trẻ em tử vong, pano, áp phích giăng đầy ngoài đường càng làm cho phụ huynh thêm  rối ruột. Thời buổi hiện đại, bệnh tật cũng lạ lùng “hiện đại” theo, bệnh “tay, chân, miệng”, bệnh “viêm não cấp tính”, bệnh “xương thủy tinh”, bệnh “máu trắng”, bệnh “loạn thị”…Biết bao nhiêu thứ bệnh lạ không kể ra xiết, có bệnh bác sĩ phải bó tay vì không biết bệnh gì?                    

Phải hai ngày sau, cơn sốt  mới lắng dần, đưa thằng cháu vào lớp, cô giáo không nhìn nó hỏi han câu nào mà cằn nhằn “Bé Quang nghỉ học hoài, lớp bị mất điểm thi đua rồi bà ơi!”. Tôi cười giả lả “Mong cô thông cảm, cháu bị viêm họng hoài, sốt cao nên mới nghỉ chớ tui cũng không muốn cho nó nghỉ đâu, cô thấy nó ốm yếu như vầy…”. Cô giáo chẹn ngang “Ốm  đâu mà ốm! Trường nầy là trường điểm của quận, ăn uống ngủ nghỉ đều được kiểm tra chặt chẽ, bà nói như vậy tới tai cô hiệu trưởng là có chuyện lớn đó bà”. Tôi cố gượng cười “Dà dà... tui hơi lỡ lời, mong cô thông cảm”. Tôi chào cô rồi cóm róm bước ra khỏi lớp, bươn bả về nhà, vừa đi vừa nghĩ tức cho mình. Vì cớ gì mà cái tính trung thực ngay thẳng bay biến đâu mất, tự nhiên trước mặt cô giáo mình tỏ ra hèn kém như vậy, đáng lẽ phải “lên lớp” cho cô ta một trận về sự quan tâm tới người khác và lòng yêu mến trẻ, không nên chạy theo chỉ tiêu quá đáng như vậy, đàng này tôi chỉ biết vâng dạ cho qua chuyện. Tôi cũng  bị bệnh rồi, chứng bệnh “Mac-ke-no” đang lan truyền mạnh mẽ hiện nay.

 Buổi tối, dạy thằng cháu đọc bài, nó ê a “Gió từ tay mẹ/  Ru bé ngủ say/ Thay cho gió trời/ Giữa trưa oi ả...”. Nó ngừng ngang, hỏi tôi “Bà ơi! Gió từ tay mẹ là sao?”. “Gió từ tay mẹ là … là... Mẹ quạt cho con đó”. “Có quạt máy rồi mẹ quạt làm chi nữa”.

“Ờ thì... thì… Mấy lúc cúp điện, mà ngày xưa không có quạt máy như bây giờ nên mẹ phải quạt sáng đêm cho con ngủ”. “Bà ơi! Sao con mới học lớp Lá mà bà dạy bài lớp Một khó quá vậy?”. Tôi cười “Tại vì con người ta cho học lớp Một trước hết rồi, mình không học sẽ thua họ”. Nó lại hỏi “Mình học trước, vô lớp cô dạy chi nữa ?”.

“Ứ… thì... dạy hai ba lần mới giỏi được chớ”. “Cô dạy bài cũ chán lắm, con hong học âu”. “Ý! Sao con nói vậy. Còn nhỏ là phải học, không học dốt nát không làm được gì cả. Thôi! Mai mốt ngoại cho con học ít lại, chừa chỗ cho cô dạy nữa, được không?”. “Dạ. Con trả bài cho ngoại thuộc thì cho con chơi game nha”. “Ờ”. Trả bài xong, tôi chần chừ không muốn mở máy vi tính cho thằng nhỏ vì cho nó chơi nhiều sợ nghiện. Nó nhắc “Con thuộc bài rồi, ngoại thưởng con i”.

Tôi đành phải mở máy, nó sà vào bàn, tay thoăn thoắt click chuột. Tôi bảo “Con chơi game bắn bong bóng chớ không mở game bạo lực nghe”. Nó dạ rõ to, hai con mắt dán chặt vào màn hình, tay nhấp liên tục lên chuột. Nghĩ buồn cười, chữ nghĩa không đầy “lá mít” mà nó chơi game rất thông thạo, có bữa, tôi mở dĩa nhạc karaoke trên máy vi tính, lay hoay không biết cách làm sao cho chữ lớn lên để nhìn hát cho đỡ mỏi mắt, nó nhanh nhẹn nhấp vào dấu ô vuông trên đầu máy, vừa hướng dẫn “Muốn lớn thì ngoại nhấp vô ây nè!”. Tôi cười thầm trong bụng, không dám khen, khen nó lừng lên  làm sao.

Mỗi người một cái chổi, tôi quét nhà trước, nó quét nhà sau. Mới quơ quơ mấy cái, nó lượm được trái banh trong sàn giường, hí hửng kêu “Đá banh ngoại ơi! Đá banh với con đi”, tôi gắt “Quét nhà chưa xong mà đá cái gì, con thì lúc nào cũng chơi, lớn rồi phải phụ cha mẹ làm việc nhà chớ, mình là đàn ông mờ..”. “Bà nội con nói, đàn ông không  làm việc nhà, đàn ông chỉ lo học thôi”. Tôi trừng mắt “Bây giờ nghe bà nội hay nghe ngoại?”. Nó tiu nghỉu cầm cái chổi, quét kiểu “long mốt, long hai”, mắt ngó trái banh rồi liếc tôi, nhìn bàn tay ốm yếu điều khiển cây chổi không rành tôi bỗng hạ hỏa, động viên “Con quét giỏi, một chút quét xong rồi, hai bà cháu mình đá banh”, nó nhoẻn miệng cười tươi “Ngoại hứa rồi nghe”. Bàn tay nó nhanh nhẹn hẳn lên, quét một lúc cũng gom được mấy miếng rác nhỏ.                    

Hỏi thăm những phụ huynh có con cháu cùng cảnh “còi xương” như thằng cháu của mình, người thì bảo cho nó đi bơi lội, đi học võ.  Hè, tôi cho nó đi học Taekwondo. Thằng bé lọt thỏm trong đám đồ đệ của môn võ lâm. Quần áo trắng, đai trắng, thân hình ốm yếu mảnh mai nhưng được cái tay chân nhanh nhẹn. Ông thầy khen “Thằng nhỏ học được đó cô, nó “hiền” và tiếp thu nhanh, chân cẳng đá có nghề lắm, cô ráng cho em học, một thời gian là nó khỏe lên ngay, con cam đoan với cô đó”. Không biết hiệu quả thế nào nhưng nghe thầy nói cũng đỡ lo. Chiều chiều hai bà cháu đến lớp võ, tôi lấy báo ra đọc còn thằng cháu thì hò hét y uông ngoài sân tập. Lâu lâu, tôi buông tờ báo, liếc nhìn cháu “đi quyền”, hai cánh tay khẳng khiu của nó vung lên, bàn tay nắm chặt lại, chân đá vèo vèo, mồ hôi trán mồ hôi lưng vã ra như tắm, muốn lau mồ hôi cho nó nhưng chưa tới giờ giải lao. Tôi tiếp tục đọc báo, lòng thấy vui vui.

Thấm thoắt mà nó đã tới tuổi nhập học lớp Một. Tôi phải lo chạy giấy tờ từ hơn năm trước nó mới được vào ngôi trường lớn. Học hành không biết ra sao nhưng được vào trường danh tiếng là mừng rồi. Đủ thứ chi phí để chuẩn bị cho năm học. Tiền đóng nội trú (ăn uống trong ngày), tiền mua sách vở, bút mực, tiền đồng phục, tiền mua giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử, tiền trang trí lớp học, tiền Anh văn Disney, tiền mua sách Anh văn, tiền mua phần mềm học toán, tiền quỹ phụ huynh, tiền cơ sở vật chất, tiền văn phòng phẩm, tiền hỗ trợ bảo mẫu, hỗ trợ Đoàn đội… Trăm thứ bà rằn tiền, con gái tôi đóng phần chính, phần lễ nghĩa với thầy cô mấy ngày lễ, tết và những chuyện linh tinh thì tôi lo. Nhiều lúc nghe con gái càm ràm chuyện tiền trường, tôi khuyên lơn “Chuyện gì cũng phải đầu tư thì mới có thu hoạch. Trùm sò với chuyện con cái học hành thì kết quả sẽ chẳng ra gì. Thây kệ, miễn nó học được là mừng, ráng nai lưng ra làm kiếm tiền đầu tư cho con học, thằng nầy chắc học được chớ không đến nỗi nào đâu”. Con gái tôi thở dài “Mới lớp Một mà như vậy, còn chịu đựng dài dài mười mấy hai chục năm nữa chớ ít ỏi gì. Chắc đẻ một đứa thôi. Thời buổi này sinh đẻ nhiều chỉ có nước húp cháo chớ  cơm đâu mà ăn”.  Tôi không biết nói gì, chỉ im lặng mà lòng ngay ngáy lo, tôi lo chuyện khác, lo không biết sức khỏe của thằng cháu có vươn lên được không để đảm bảo tiết học của nó suốt bao năm dài.

Ngày tựu trường, trong bộ đồng phục áo trắng quần tây xanh, dây nịt thằng nhỏ trông có vẻ chững chạc hẳn lên. Nó nhăn nhó vì chiếc quần dài không giống ai, nó nói trường kêu mặc quần ngắn mà bắt nó mặc quần dài cô không cho vào lớp. Tôi nói chuyện cô giáo thì tôi có xin phép rồi, giải thích nó nghe là mặc quần dài ấm chân không bị viêm mũi, không bị muỗi cắn, nhất là che được cặp giò “ống sậy” xấu đau xấu đớn của nó. Nghe nói không bị viêm mũi nó mới không cãi lý nữa nhưng gương mặt vẫn chù ụ, không vui.

Năm khối lớp trong những bộ đồng phục lịch sự ngồi đen đặc trên sân trường, dưới tán cây cổ thụ. Tiếng thầy hiệu trưởng oang oang trên micro, sau một lúc yên lặng, đám trẻ ong ong lên như bầy ong vỡ tổ khi cô hiệu phó ra lệnh lớp ai nấy về. Thằng cháu tôi cầm tấm bảng lớp Một 2 đi đầu. Nó có vẻ hãnh diện vì được cầm bảng, đi thẳng một mạch lên lầu không buồn ngoái lại nhìn tôi.

Thôi, vậy cũng tốt. Nó không bịn rịn người nhà như những đứa trẻ khác. Nó đã lớn rồi.

Nó lớn rồi nhưng những khi được ngủ trưa ở nhà, tôi vẫn hát ru, tôi muốn truyền vào tâm hồn nó một chút tình yêu gia đình, tình xóm làng, quê hương dù tiếng ru của tôi lạc lõng trong buổi trưa oi nồng giữa chốn phồn hoa náo nhiệt: “Ù...ơ…Má ơi đừng đánh con đau… Để...con… bắt ốc...ờ...ơ hái rau má nhờ…”.

Ngày 8.3. 2012

Tác giả: Kim Quyên

 Từ khóa: trẻ con, kim quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây