Ngài iPod

Thứ sáu - 25/01/2013 03:59 5.046 0
Hẳn nhiên Đăng là một tín đồ iPod. Có bao giờ món đồ chơi công nghệ cao ấy không theo Đăng mọi lúc mọi nơi. Dù ở chốn đông người hay còn lại một mình, hai tai Đăng chẳng hề rời đôi headphone.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và như thế từ khi nào chẳng rõ, biệt danh “Ngài iPod” đã gắn chặt với Đăng cũng hệt như cái máy nghe nhạc bỏ túi kia.

Ngài iPod hẳn mê âm nhạc lắm. Nếu không mê thì kè kè cái “của nợ” ấy mãi làm gì không dứt được?

“Nghe nhạc vào là quên béng hết buồn, chán, xì-trét… thôi!” – chính Ngài iPod đã phát biểu với tôi thế.

“Nghe cái này chỉ tổ mau điếc tai, không xem ti-vi vẫn hay kêu ca à?”

Tôi và Đăng chơi khá thân, nhưng vẫn thua nó với cái iPod thân nhau. Nhà Đăng vốn khá giả. Ngày biết tin nó thi trượt đại học, ông bà già lập tức ghi danh cho nó vào một trường quốc tế hạng sang, nơi hầu như chỉ dành cho đám quý tử con nhà giàu. Cũng đúng thôi, bởi Đăng đích thị là quý tử - con trai một, cháu đích tôn trong nhà.

Tuy vậy, Đăng không tỏ cái vẻ hợm hĩnh kiểu con nhà giàu – điều mà từ lâu dường như đã là “bệnh” của các thiếu gia có “nhà mặt phố, bố làm to”.

“Thiếu gia gì mày ơi. Nhà tao chỉ là khá giả một chút, có của ăn của để. Vậy thôi!”

Nói là nói vậy, ai cũng biết ông bà già nó đều là “đại gia” trong giới kinh doanh bất động sản và chứng khoán, mẹ bảo tôi thế. Tôi không quan tâm. Vì suy cho cùng, tình bạn mà phải dựa trên những điều kiện gia đình, hoàn cảnh, vật chất… thì liệu còn gọi là tình bạn được không? Hiểu và quý nhau, chia sẻ được, thế là đủ.

Đăng vốn dĩ không nhiều bạn bè. Cả tôi cũng vậy. Hai thằng không nhiều bạn thì chơi được với nhau? Tôi không rõ. Chỉ biết tự nhiên một lần ngồi cà-phê, Đăng thốt với tôi một câu rất lạ:

“Bạn bè đâu cần nhiều. Một tri kỷ là đủ, mày nhỉ?”

Chẳng biết Đăng nghe được ở đâu, hay vì lẽ cứ một mình ngồi im thin thít nút headphone tận hưởng âm nhạc mà hồi lâu ngẫm nghĩ ra được. Tôi chỉ gật gù.

Chúng tôi thật ra lại có quan hệ họ hàng với nhau. Nói một cách cố gắng ngắn gọn không rườm rà: em gái ruột của ông nội Đăng là bà ngoại tôi. Nghĩa là tôi phải gọi Đăng bằng anh. Nhưng vì hai đứa bằng tuổi, chơi với nhau từ tấm bé, nên hết gọi tên lại mày tao chi tớ, thành quen. Đăng cũng chẳng thích tôi gọi “anh”, nghe bề trên, xa lạ thế nào. Nhưng rồi chính tôi cũng lại là người gọi nó bằng cái biệt danh đầy “trưởng giả”: “Ngài iPod”.

“Hết bọn trong trường gọi tao, giờ lại đến chú mày!”

“Hợp quá rồi còn gì, Ngài iPod!”

Ngài iPod thích sưu tầm đồ chơi công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm của hãng Apple, hệt như cái biệt danh của Ngài. Dù là chiếc điện thoại iPhone 4 vừa ra mắt có giá trên trời, cho đến thế hệ iPod Touch mới nhất hiện nay, Ngài đều sắm đủ. Kể cả những chiếc iPod cũ kỹ qua từng thời kỳ cũng được Ngài nâng niu đặt lên kệ trang trọng như thứ đồ cổ quý giá.

Theo ý Ngài thường bảo: để tưởng nhớ quá khứ và trân trọng tương lai.

Chỉ tôi biết, Ngài iPod không hẳn vì tình yêu âm nhạc mới tìm đến iPod. Có lẽ, bởi chúng tôi đã luôn sẵn những mối đồng cảm riêng. Những đứa con một thường có nhiều điểm chung? Đúng. Nhất là con một sống trong gia đình khá giả, ánh mắt thường hằn sâu điều gì đó… tôi không thể diễn tả hết được bằng lời.

Một lần, khi chúng tôi ngồi trên bộ sofa đắt tiền nơi phòng khách nhà Đăng, với remote ti-vi màn hình phẳng xoành xoạch chuyển hết kênh này sang kênh khác, tôi đã buột miệng hỏi:

“Dạo này có bài “hit” nào mới không, Ngài iPod?”

Ngài iPod vội vàng giở chiếc iPod Touch ra, trượt trượt miết miết ngón tay cái lên màn hình cảm ứng, lục lọi gì đó một hồi lâu. Sau cùng buông một câu thở dài:

“Tao chẳng biết…”

Vậy là sao? Bỏ lửng câu nói, Ngài iPod ngồi đó trầm ngâm. Đôi mắt hướng lên ti-vi mà như nhìn về nơi đâu xa xăm lắm, tai lại bắt đầu nút headphone.

Và tôi đã nghe Ngài lẩm nhẩm theo lời bài hát, tiếng Anh, dù nhỏ nhưng khá rõ ràng:

Ah, look at all the lonely people
Ah, look at all the lonely people

Eleanor Rigby picks up the rice in the church whe-re a wedding has been
Lives in a dream
Waits at the window, wearing the face that she keeps in a jar by the door
Who is it for?

Cho mãi đến sau này, qua một chương trình “Giai điệu bất hủ” trên ti-vi tôi mới biết đó là bài Eleanor Rigby của ban nhạc huyền thoại The Beatles.

Ngài iPod đi du học. Không ngạc nhiên nhưng tôi thoáng buồn. Chơi với nhau ngần ấy năm cơ mà. Đăng hẹn tôi qua nhà, chỉ lên bộ sưu tập iPod của mình:

“Mày thích không? Tao tặng.”

Tôi lắc đầu, vẻ chẳng hứng thú gì với mớ đồ chơi xa xỉ ấy. Đăng nhìn lại đống iPod bao nhiêu năm nhọc công sưu tập, cười. Rất khó diễn tả, nụ cười vừa ra chiều tiếc nuối, chua chát, vừa rầu rĩ, bất cần… lại hàm chứa, phải rồi, cái gì đó ngoài khả năng của ngôn từ có thể chạm đến.

Ôi, tôi sẽ nhớ mãi nụ cười ấy chẳng khác gì lời bài hát hẳn mãi là “hit” của mọi thời, ít ra là trong lòng tôi và Ngài iPod.

All the lonely people
Whe-re do they all come f-rom?
All the lonely people
Whe-re do they all belong?

Father McKenzie writing the words of a sermon that no one will hear
No one comes near.
Look at him working, darning his socks in the night when there's nobody there
What does he care?

Ngày Đăng ra phi trường chẳng có ai đưa tiễn, ngoài tôi. Nghe kỳ lạ, nhưng đúng thế. Cả bố và mẹ Ngài còn đang bận trăm công nghìn việc. Mình tôi tiễn bạn.

Chúng tôi đi chung một đoạn cho đến khi Ngài iPod phải vào bên trong. Ngài nhìn tôi từ phía sau tấm kính trong suốt, lại ánh mắt ấy. Tôi đứng ngoài, vẫy tay chào tạm biệt. Và chính tại nơi đó, không phải từ iPod mà trong đầu mình vang lên phần lời sau cùng của Eleanor Rigby. Chẳng thể biết tôi đã thuộc làu làu từ khi nào.

Ah, look at all the lonely people
Ah, look at all the lonely people

Eleanor Rigby died in the church and was buried along with her name
Nobody came
Father McKenzie wiping the dirt f-rom his hands as he walks f-rom the grave
No one was saved

All the lonely people
Whe-re do they all come f-rom?
All the lonely people
Whe-re do they all belong?

Bọn họ đến từ đâu? Tất cả những con người đó. Họ đến từ đâu vậy? Nơi nào họ thuộc về?

Ngài iPod vẫn kịp dí cho tôi một chiếc máy nghe nhạc iPod Shuffle thế hệ 2 bé tý như thỏi kẹo hình chữ nhật.

Hôm ấy, tôi trở về. Như thường lệ, ngôi nhà bốn tầng kín cổng cao tường chẳng có một ai. Tôi vẫn thường ở đó, lâu lắm, hai mươi hai năm trời, nhốt mình trong phòng với cái ti-vi. Bất giác, tôi mở iPod lên, nút headphone vào tai, như cách Ngài iPod hay làm. Eleanor Rigby? Lạ lùng, đây là một cái iPod Shuffle – thuộc loại nhỏ bé nhất trong các dòng iPod và không có màn hình hiển thị. Điều đặc biệt của nó: tất cả các bài hát đều được phát một cách ngẫu nhiên. Làm cách nào bài hát ấy lại xuất hiện ngay khi tôi bật máy? Chẳng mất nhiều thời gian hơn để khám phá ra. Trong bộ nhớ 2GB ít ỏi của nó chỉ duy nhất có một bài.

Ngài iPod đã nhai đi nhai lại không biết bao nhiêu lần một và chỉ một giai điệu, hay còn ý nghĩa nào sâu xa hơn muốn gửi gắm cho tôi?

Tôi không còn cơ hội để biết nhiều hơn. Đó cũng là lần sau cùng tôi gặp Đăng. Bất ngờ không? Ba tháng sau tôi được tin Đăng bị tai nạn giao thông, qua đời bên xứ người. Vì mải nghe iPod, Ngài iPod đã không chú tâm khi qua đường.

Chẳng một ai đến dự đám tang.

Tất cả những con người cô đơn
Họ đến từ đâu vậy?
Tất cả những con người cô đơn
Nơi nào họ thuộc về?

Ah, hãy ngắm nhìn những con người cô đơn
Ah, hãy ngắm nhìn những con người cô đơn

Cho đến khi tôi đã là một lão già 95 tuổi và những thứ đồ chơi công nghệ số giờ đây đã phát triển đến một độ chẳng còn tưởng tượng hơn được, tôi vẫn không thôi bị ám ảnh bởi bài hát lạ lùng ấy. Phải, tôi đã già, đã sống quá đủ một đời. Dù vậy, những hồi tưởng về người bạn, người anh - Ngài iPod - vẫn không thể biến mất. Người mà với kiếp sống quá ngắn ngủi, sẽ bị quên lãng rất nhanh, như biết bao nhiêu cái tên khác từng tồn tại trên cõi đời, chỉ còn lại vài dòng khắc trên bia mộ.

Kể cả tôi và câu chuyện này, rồi cũng sẽ đi vào quên lãng, như chưa hề hiện diện.

Tôi đang ở trong một viện dưỡng lão, quanh năm suốt tháng không bao giờ thấy mặt con cháu thăm nom. Tuổi thọ trung bình của loài người hiện nay đã tăng lên con số 150. Vì vậy, tuy đã 95 tuổi, bộ não của tôi còn rất minh mẫn, cơ thể tràn trề khí huyết. Nhưng có một điều tôi luôn biết: các nhà khoa học sẽ chẳng bao giờ tìm được thuốc trường sinh bất lão.

Cả thứ thuốc dành cho họ nữa, những cái tên như Eleanor Rigby hay Cha xứ McKenzie, xa vời lắm…

Tôi có bi quan không, khi bản thân mình đã bất lực trước những câu hỏi ấy? Anh họ ơi, Đăng - Ngài iPod, anh có trả lời được không?

Tất cả những con người cô đơn
Họ đến từ đâu vậy?
Tất cả những con người cô đơn
Nơi nào họ thuộc về?

Tác giả: Lưu Quang Minh

 Từ khóa: lưu quang minh, ipod

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây