(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
Về thăm vương quốc của xoài, còn đâu nữa, về thăm quê hương Cao Lãnh. Mảnh đất mầu mỡ phù sa sông Tiền. Mảnh đất mênh mông đồng lúa. Mảnh đất trù phú những vườn cây ăn trái tươi xanh. Nơi đây với 3.685 ha trồng xoài đã chiếm 40,1% diện tích, với trên 32.000 tấn hàng năm đã chiếm 42,7% tổng sản lượng xoài toàn tỉnh Đồng Tháp. Và huyện Cao Lãnh hiện đang giữ ngôi quán quân toàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung cả về diện tích và sản lượng trồng xoài.
Xoài không chỉ được trồng tập trung thành vườn mà còn rải rác theo lộ. Không chỉ được trồng theo các bờ sông mà còn vươn ra tận đất cồn, đất bãi bồi cho năng suất rất cao. Xoài cát từ lâu thực sự đã là sản phẩm chủ lực của nhà vườn ở xứ sở này.
Xoài đi vào câu ca dao: “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh; Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Gái Nha Mân đẹp từ truyền thuyết chúa Nguyễn Ánh bỏ lại đàn phi tần, cung nữ để thoát nạn Tây Sơn truy đuổi. Xoài Cao Lãnh đẹp từ thực tế bởi vị ngọt, hương thơm độc đáo. Trong nhiều loại xoài được trồng ở đây như: Xoài ù, xoài tượng, xoài thanh, xoài hòn … ngon nhất vẫn là giống xoài Cát Hòa Lộc.
Xoài Cát Chu! Phải chăng vì hình dạng cái cuống thường chu ra như miệng người đang thổi lửa nhóm lò mà người ta gọi là xoài Cát Chu? Hay phải chăng từ màu chu sa ửng đỏ của thịt và vỏ khi trái chín mà người ta gọi là xoài Cát Chu? Không ai dám chắc nhưng chỉ chắc vị ngọt dịu, mùi thơm lừng khi cắn miếng xoài mềm mại nhưng lại ít xơ và hơi dai của nó thì khó quên vô cùng. Cũng không ai dám chắc về chuyện chúa Nguyễn Ánh khi lánh nạn cùng đàn phi tần, cung nữ của mình tại đất Nha Mân thường dùng loại xoài ngự, xoài tiến vua này. Nhưng chỉ dám chắc rằng xoài này giàu lượng acid amin và các vitamin rất cần thiết cho cơ thể. Quả xoài Cát Chu nhẹ nhàng, trọng lượng trung bình 350 - 450g /quả. Nó có hình thuôn dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, chưng trên bàn thờ trông rất đẹp. Cây xoài Cát Chu có năng suất rất cao, dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất phù sa ven sông Cửu Long mà đặc biệt là ở xứ Cao Lãnh này.
Như một cánh chim tìm đúng đất lành để đậu, giống xoài Cát xuất phát từ làng Hòa Lộc tỉnh Tiền Giang đã du nhập vào vương quốc xoài Cao Lãnh từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Do thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với xoài Cao Lãnh, chẳng những ngon vượt trội so với những anh em của mình sinh ra ở những vùng đất khác mà còn vượt mặt cả người con chủ nhà xoài Cát Chu vì nặng hơn, to hơn và dài hơn. Xoài Cao Lãnh có thể ra trái sau hai mươi bốn tháng, trọng lượng trung bình 450 - 600g/trái. Trái xoài Cao Lãnh thuôn dài nhưng đỉnh nhọn, gần cuống bầu tròn; tròn mình nhưng eo vốn rõ. Vỏ xoài Cao Lãnh khi chín vàng tươi mà mỏng lại phủ lớp phấn trắng mịn, có đốm nhỏ dạng tròn, màu nâu đen. Thịt xoài Cao Lãnh khi chín cũng vàng tươi nhưng dày, chắc thịt mà lại mịn, dẻo, ít xơ; rất ngọt mà lại thơm dịu.
Thần dân của vương quốc Cao Lãnh là những người nông dân trồng xoài đã sớm làm chủ được những kỹ thuật độc đáo, cần thiết cho việc nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng của loại đặc sản này. Họ biết cách ghép để cho xoài ra trái sớm và không phải đốn bỏ gốc xoài tạp. Họ biết cách xử lý để xoài ra hoa sớm và cho trái nghịch mùa mang lại giá trị kinh tế cao. Họ còn thành thạo trong việc thu mua, đưa đi tiêu thụ khắp các vùng trong nước, cũng từ đó mà phát triển theo và tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân từ việc chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, chọn lọc, phân loại và bao bọc, đóng gói xoài.
Trong thời buổi hội nhập này, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng nếu chỉ dựa vào thuận lợi đến từ thiên nhiên. Cơ hội cũng sẽ không có được nếu chỉ dựa vào sự kế thừa truyền thống. Thương trường cần sự khác biệt! Thương trường cũng cần sự khẳng định! Không đáp ứng được những đòi hỏi khắc nghiệt đó của thương trường thì lại lao đao với điệp khúc trúng mùa mất giá, khổ sở với hiện tượng giá cả đầu ra không ổn định. Muốn đáp ứng thì chất lượng đặc thù của giống xoài nổi tiếng của một vùng miền phải luôn ổn định. Muốn đáp ứng được thì những người sản xuất và kinh doanh xoài phải luôn giữ uy tín. Muốn đáp ứng được thì sản phẩm phải luôn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Muốn đáp ứng được thì phải xây dựng một thương hiệu thật sự vững mạnh. Đáp ứng được thì sẽ góp phần tăng cao xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, giá trị tăng thêm của sản phẩm hàng hóa, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng xoài, đồng thời làm cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và nhu cầu thị trường.
Chính quyền huyện Cao Lãnh biết điều đó! Ông Nguyễn Hồng Sự Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cùng các đồng chí lãnh đạo khác quan tâm đến điều đó! Khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2012 không ngắn cũng không dài cho việc tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký và được Cục sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”. Đây là một nỗ lực mang tính phối hợp giữa UBND huyện Cao Lãnh và Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp và tất nhiên dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Có được tên tuổi chính thức trong thương trường trong nước và quốc tế là niềm vinh dự và tự hào cho nhà vườn và trái xoài Cao Lãnh. Đồng thời còn là động lực thúc đẩy nhà vườn mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất theo hướng GlobalGAP, VietGAP, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thực hiện liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và đặc biệt là tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” và “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”.
Hỗ trợ quá trình này, chính quyền địa phương còn phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam triển khai xây dựng quy trình sản xuất xoài Cát Chu đạt chuẩn GlobalGAP tại Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương và đã được Công ty CAF CONTROL Việt Nam là đơn vị có chức năng cấp chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP toàn cầu cấp chứng nhận xoài đạt chuẩn GlobalGAP, với diện tích 21,59ha/25 hộ cho Hợp tác xã Xoài Mỹ Nương, đồng thời Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand cho HTX Xoài Mỹ Nương, với diện tích 33,2ha/40 hộ.
Ngày 12/12/2012 là một ngày đáng nhớ không chỉ vì sự sắp xếp tuyệt đẹp của những con số mà còn vì đây chính là một ngày quan trọng đánh dấu một chặng đường trong việc xây dựng cho trái xoài Cao Lãnh một diện mạo thương mại chuyên nghiệp. Ngày mà trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư - Ngày hội Tam Nông tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra buổi lễ ra mắt thương hiệu Xoài Cao Lãnh do UBND huyện Cao Lãnh tổ chức. Trong buổi lễ, nghi thức dán tem tượng trưng lên biểu tượng của Xoài Cao Lãnh và Xoài Cát Chu Cao Lãnh đã được Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cùng với ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Trong buổi lễ, bộ nhận diện thương hiệu gồm: logo, slogan, các mẫu bao bì, danh thiếp … đã được Ông Lương Văn Hà, Giám đốc Công ty Sự kiện và Truyền thông Saycheese, đơn vị đã được tin tưởng chọn làm người bạn đồng hành trên bước đường chắp cánh cho Xoài Cao Lãnh, giới thiệu. Và như vậy, một chặng đường xây dựng và hình thành thương hiệu Xoài Cao Lãnh vừa được đánh dấu một cách long trọng, chính thức để lại trong lòng lãnh đạo, doanh nghiệp, nhà vườn và bà con nông dân một niềm tin tưởng và hy vọng vào tương lai đầy hứa hẹn của loại nông sản độc đáo đất Đồng Tháp này.
Đã về vương quốc thì phải thăm vua. Vua Xoài. Vì sao ông Huỳnh Thanh Bá được mệnh danh là Vua Xoài Việt Nam chứ không phải chỉ là Vua Xoài miền Tây, Vua Xoài Đồng Tháp, Vua Xoài Cao Lãnh? Chính ông là người đạt nhiều giải thưởng về xoài như: Giải nhì (không có giải nhất) Xoài Cát Hòa Lộc, Giải nhì Xoài Cát Chu trong Hội thi Trái cây ngon và an toàn thực phẩm lần 7 - Vĩnh Long 2009; Cúp vàng thương hiệu Festival trái cây Việt Nam - Tiền Giang 2010. Chính ông là người đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và vận động mọi người cùng tham gia. Những thần dân của ông là 63 vườn xoài ở Cao Lãnh phải dưới sự giám sát của ông thì mới được chấp nhận sử dụng thương hiệu của tiêu chuẩn sản xuất sạch toàn cầu GlobalGAP. Cũng chính ông là người đã chịu khó đi học hỏi cách trồng xoài sạch ở Thái Lan để về truyền đạt lại cho người dân về cách thực hiện, đồng thời truyền lại cho họ cả niềm tin trái Xoài Cao Lãnh sẽ vươn ra thị trường thế giới.
Về Cao Lãnh mới thấy rõ Xoài Cao Lãnh - GlobalGAP có gì khác biệt. Thành công về chất lượng xoài đến từ 50% giống thuần khiết, 50% còn lại là từ bí quyết bao gói quả xoài từ khi còn nhỏ trên cây. Vì rằng xoài hay bị hỏng sớm do một loại ruồi đục lổ li ti và đẻ trứng, vì rằng người trồng xoài phải thường xuyên phun thuốc bao phủ vườn xoài, vì rằng không thể tránh khỏi thuốc phủ trực tiếp trên bề mặt trái xoài, nên việc bọc trái cây từ khi còn nhỏ giúp trái xoài đạt được độ sạch tiêu chuẩn. Sau khi thu hoạch, từng trái xoài cũng được phân loại và bọc lót kỹ lưỡng.
Vương quốc thì phải có vương triều. Vâng! Đó chính là Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, là đơn vị được thành lập năm 2011 và chính thức đi vào hoạt động giữa năm 2012, với 42 xã viên góp vốn ban đầu là 420 triệu đồng, và là đơn vị được giao quản lý nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” và “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” làm đầu mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Vũ, Giám đốc sản xuất Công ty YASAKA là một công ty chuyên doanh trong lĩnh vực rau, củ, quả đến từ Nhật bản, đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ xoài tạo cơ hội cho trái xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp vươn xa ra thị trường quốc tế. Ông Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Tú, đã ký kết mở đường cho một sản vật nổi tiếng của miền Nam thuận lợi hơn khi đến với bà con tại thủ đô Hà Nội và miền Bắc nước ta. Thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh, vốn dĩ đã rất quen thuộc, nay lại càng vững chắc hơn với kiệc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hợp tác xã Xoài Mỹ Nương với ông Từ Trọng Khôn, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Hương Quê.
Vương quốc Cao Lãnh còn có cả cung điện của mình: Chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp. Nằm cạnh Quốc lộ 30, tọa lạc tại ấp 2, xã Mỹ Hiệp và đặt dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Cao Lãnh, Chợ đầu mối trái cây được đưa vào hoạt động từ tháng 04 năm 2006 với diện tích 5,2 ha gồm kho lạnh, trung tâm xử lý bảo quản trái cây tươi, khu nhà lồng, cơ sở chế biến, hệ thống rửa, sấy trái cây tự động, khu vực nhà nghỉ, ăn uống, giải trí … và được đánh giá là 1 trong 10 chợ đầu mối hoạt động có hiệu quả của cả nước. Hiện với 57 nhà vựa hoạt động bên cạnh, 01 nhà lồng chợ, 81 căn nhà phố, Chợ thực sự là nơi để hàng hóa nông sản, chủ yếu là trái cây trên địa bàn tỉnh giao thương với thị trường một cách tập trung và hiệu quả. Với sản lượng trái cây thông qua chợ hàng năm trên 50 nghìn tấn, đạt hơn 200 tấn mỗi ngày chủ yếu là xoài, nhãn, chanh, ổi v.v… cùng với việc thông qua công khai giá cả các loại trái cây, Chợ thực sự đã giúp nông dân tránh được tình trạng bị thương lái ép giá. Với việc mỗi tháng hai lần Ban quản lý chợ tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong trái cây, Chợ thực sự đã giúp người nông dân định hướng tốt hơn quá trình sản xuất và tiêu thụ của mình và giúp bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với việc thực hiện tốt vai trò phản ánh nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, mùa vụ, địa chỉ giao dịch giữa người bán và người thu mua, Chợ thực sự đã giúp nhà vườn, nhà vựa nắm bắt nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ giới thiệu hàng mẫu, hỗ trợ khuyến nông, tiếp thị, quảng cáo, Chợ thật sự đã giúp tạo mối liên kết giữa nông dân sản xuất trái cây an toàn, đảm bảo nguồn cung cấp trái cây tươi, ngon cho thị trường.
Vua Xoài tâm sự với tôi về giấc mơ của anh. Trong giấc mơ đó có việc ký kết hợp đồng tiêu thụ chính thức với Công ty YASAKA, Nhật bản thay cho hợp đồng ghi nhớ đã ký. Trong giấc mơ đó có việc tăng sản lượng xoài đạt tiêu chuẩn an toàn để cung ứng nhiều hơn cho các thị trường hiện nay như: New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc v.v… Trong giấc mơ đó có việc đường đường chính chính ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng 16 tấn xoài một tuần với Công ty Nông sản Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh mà vừa qua tạm gát lại do không đủ số lượng xoài để thực hiện. Nhưng khi Vua đề cập tới những việc làm như: tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa được chứng nhận có năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước; Xây dựng quầy bán hàng mang nhãn hiệu tập thể xoài Cao Lãnh và chứng nhận xoài đạt chuẩn GobalGAP ven Quốc lộ 30 thuộc xã Mỹ Xương và tại chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp; Tiếp tục phát huy tốt việc liên kết sản xuất, mở rộng diện tích gắn với việc trồng rải vụ tạo ra sản lượng xoài lớn và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” sản xuất theo đúng quy trình để ký kết với các Công ty tiêu thụ ổn định và bền vững … Thì tôi biết đó không chỉ đơn thuần là một giấc mơ.
Rời vương quốc lòng tôi thật sự mong rằng Xoài Cao Lãnh sẽ trở thành một thương hiệu mạnh trong tương lai. Tôi mong rằng bên cạnh một hệ thống nhận diện đặc trưng, chuyên nghiệp đã có cùng với những tính năng, lợi ích vốn dĩ đã được định hình từ lâu, Xoài Cao Lãnh còn xây dựng được những giá trị cảm xúc vô hình trong quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng. Tuy điều này khó tạo ra nhưng khi đã xây dựng được thì sẽ trở thành bền vững. Làm sao khi nghe đến, nhìn thấy những chỉ dấu liên quan đến thương hiệu Xoài Cao Lãnh là người ta nhớ ngay đến câu ca “Xoài nào ngon bằng Xoài Cao Lãnh”, cùng với cảm giác ngon lành, ngọt dịu, thơm lừng và bên cạnh đó là những tình cảm yêu mến, mơ ước mong muốn được thưởng thức và giới thiệu cho nghiều người cùng thưởng thức.
Ý kiến bạn đọc