Trôi giữa mùa sương...

Chủ nhật - 20/02/2011 09:36 3.882 0

Minh họa: Văn Nguyễn

Minh họa: Văn Nguyễn
1. Thằng bé lơ láo đi giữa phiên chợ sáng mù sương. Một chiếc quần jeans thêu chữ màu đỏ, chiếc áo khoác sột soạt mỏng manh không làm nó ấm hơn chút nào dưới cái lạnh cắt da cắt thịt vùng cao nguyên vào mùa đông. Mái tóc vàng mềm mỏng như tơ lơ thơ trên khuôn mặt nẻ đi vì lạnh và hằn in những vệt máu đã khô lại vì những trận ẩu đả nào đó với đám trẻ con quanh đây.

Đám người trong phiên chợ xôn xao cười nói, ngã giá mua bán. Nó trôi giữa hỗn hợp âm thanh đậm đặc gợi nhớ xót xa về gia đình, ánh mắt ngó nghiêng hoạt bát, linh lợi. Từng bước chân nhỏ ngắn và khỏe, ẩn chứa sự quyết đoán ngấm ngầm. Thi thoảng, trí tò mò con trẻ đẩy nó đến với mấy thằng choai choai người dân tộc bản địa, đang cầm chiếc điện thoại di động, căng thẳng dò bấm từng phím, và đám con gái diện váy áo lấp lánh, gò má ửng hồng vì lạnh đang bỏ cả gùi rau xuống đất, đứng chăm chú nhìn từng ngón tay thằng choai choai dò trên phím điện thoại. Nó đứng lẫn vào đó, nhìn ngắm từng động tác, rồi cơn đói khiến nó sực tỉnh. Nó rời khỏi đám choai choai và đi về phía giữa chợ - nơi người ta bày bán thức ăn, nơi đám đàn ông đang khề khà rượu, lũ trẻ con quấn mẹ chờ ăn. Mùi thức ăn tươm quanh mũi, xuyên sâu xuống dạ dày, ngoáy lên từng đợt khiến dạ dày nó quặn đau. Nó đứng nhìn người ta gắp đũa dồi lòng bỏ vào miệng, nó nhìn người ta xì xụp với bát cháo nóng nghi ngút.

Nó nuốt nước bọt.

Cổ họng khô rốc.

Nó đói.

Nhưng nó kiên quyết không hé miệng van nài sự bố thí nào. Cho đôi bàn tay bé nhỏ đầy ghét bẩn vào túi quần, nó đá chai nhựa đang nằm lăn lóc từ gian hàng thức ăn ra tới đầu chợ và dừng lại khi nghe tiếng ai đó gọi.

- Tam Mao! Tam Mao! Ê Tam Mao!

Nó biết, đó là cái tên gã đàn ông Mặt Sẹo dành cho nó. Giọng nói gã không lẫn vào đâu được. Chiếc áo khoác màu đỏ gã mặc nổi bật đến rợn người giữa ngày đông u ám. Chiếc mũ nồi sùm sụp che lấy khuôn mặt ngổn ngang sẹo của gã, song không thể che được vết sẹo sâu hoắm bên thái dương. Không hỏi tên nó là gì, gã đã ngay lập tức dán cái tên Tam Mao vào ngay nó mà không đợi nó có đồng ý hay không. Khuôn mặt nó, dáng hình nó, cách nó lang thang nơi xó chợ, chờ buổi chợ tan nhặt nhạnh những thứ gì ăn được cho vào miệng làm gã chợt nghĩ tới hình ảnh thằng bé Tam Mao lang thang đói khát trong bộ phim gã từng xem trên ti vi từ hồi nào đó.

Gã Mặt Sẹo thấy thằng bé lần đầu khi nó lang thang trong mấy gian hàng hội chợ vùng cao. Nó tha thẩn từ gian hàng này tới gian hàng khác, đứng nhìn người ta chọn lựa quần áo, đứng nhìn người ta đặt tiền vào những trò cá cược đỏ đen, miệng cười mim mỉm khi thấy mấy gã đàn ông trong cơn say bạc hăng máu chửi thề, vung tiền rơi lả tả xuống từng ô bạc. Chán chê, nó tha thẩn đi lại dọc ngang, tìm kiếm. Ánh mắt nó là sự hiển hiện rõ ràng của cái đói. Bằng ánh mắt của gã đàn ông nhiều năm lăn lộn với thứ nghề nghiệp không tên: bám trụ vào mấy gánh xiếc, mấy đoàn hội chợ đi từ nơi này tới nơi khác, thực hiện đủ trò lừa lọc, có khi bị người ta truy đuổi, đánh đập tới thừa sống thiếu chết, đã từng chịu cảnh ngủ bên mái hiên chợ mùa mưa, ba ngày không có gì ăn, ba gã đàn ông lang bạt chung nhau gói mì tôm hôi mốc, đã từng phải dùng bàn chải đánh răng làm đũa, gã Mặt Sẹo nhanh chóng nhận ra tình trạng đói khát của thằng bé lang thang. Bàn tay to bè của gã giăng ra vẫy vẫy. Khi nó đứng trước mặt gã, gã xoa đầu nó. Cái xoa đầu kẻ cả hàm ơn khi đặt vào tay nó miếng bánh quy, giọng nói ồm ồm phát ra từ cái miệng nồng mùi thuốc lá và rượu. Không đợi nó ăn hết miếng bánh, gã đã giữ chặt cánh tay nó trong bàn tay to bè thô ráp của mình.

- Cha mày đâu!

- Chết rồi!

Thằng bé nhai bánh ngồm ngoàm, không nhìn gã.

- Sao chết?

Miếng bánh trôi từ cổ họng xuống bụng nó.

- Nghiện!

- Mẹ mày?

- Lấy chồng bên Trung Quốc!

Nó cố nhét miếng bánh cuối cùng vào miệng, nuốt nhanh, dường như sợ gã đàn ông này có thể đột ngột chộp lấy cổ nó và móc ra miếng ăn nó chưa kịp nuốt.

- Không ai nuôi mày à?

- Chú nói, nếu mỗi tháng đưa cho năm mươi nghìn thì sẽ được ngủ ở nhà! Chỉ ngủ, không được ăn.

- Nhà mày ở đâu?

- Xa lắm!

Thằng bé mút những ngón tay còn dính vụn bánh, rồi quay lưng hòa vào đám người trong gian hàng hội chợ. Nơi đó, có gã đàn ông tắm trong hơi rượu đang nằm lăn lộn, áo bết bẩn, miệng méo xệch khóc than đòi lại hơn ba chục triệu đồng vừa thua vào cuộc cá cược chiếc nón diệu kỳ và tiếng cười khanh khách của gã Mặt Sẹo.

 Cô ả xuất hiện trong gian hàng hội chợ lúc cuộc vui đã tàn. Mấy gã đàn ông đang ngồi xì xụp bên nồi lẩu gà, chia nhau số tiền kiếm được trong ngày. Cô sà xuống chỗ mấy gã đàn ông, lấy cho mình cái chén, tự nhiên như thể đã quá quen với họ.

Mà quen thật!

Này là gã Mặt Sẹo đã từng ngủ với ả ba lần, gã Răng Rụng bốn lần: một lần xin ả cho nợ tiền, năm sau sẽ quay lại trả, rồi gã Chân Hôi... Có thể, tất cả đều mang những cái tên giàu hình ảnh nào đó, nhưng ả chẳng thể nhớ được. Ả chỉ nhớ về đàn ông khi họ ở trên giường cùng với ả. Ở trên giường, họ trần truồng, và họ không thể nào giấu mình được. Bao nhiêu tốt xấu, họ phơi bày ra hết. Ả đọc họ bằng cách đó. Nhắm mắt lại, chạm vào vết sẹo, sự khuyết lấp của nụ hôn, cảm giác kìm nén cơn nôn thốc nôn tháo khi gã đàn ông tháo giày khỏi đôi chân. Xấu hay đẹp, tốt hay xấu, kinh tởm gớm ghiếc, ả đều chấp nhận hết. Ả không bao giờ bộc lộ suy nghĩ của mình, cũng không vòi thêm tiền. Thói quen lạ kỳ của ả là lặng im sau những cuộc trao đổi xác thịt, ngồi dậy chải tóc trước khi nằm xuống chìm vào giấc ngủ hoặc rời khỏi căn phòng nhà nghỉ thuê theo giờ nào đó trong thị trấn. Khuôn mặt không chút phấn son, dáng hình mỏng manh. Mái tóc dài đen nhánh có lần nào lưu lại trong đầu những gã đàn ông đã đến và đi? Ả cũng chẳng bận tâm, chẳng thiết tha mong chờ câu chuyện cổ tích tươi đẹp nào có nội dung ca ngợi tình yêu giữa ả điếm thân phận nổi nênh và gã - đàn - ông - nào - sẽ - yêu - ả. Các khuôn mặt đến rồi đi. Quên và nhớ. Nhớ và quên. Ả trôi trong ngày tháng cuộc đời, giữa từng đám mặt người, tựa đám mây trôi bồng bềnh bồng bềnh trên đỉnh cao nguyên này, bám víu vào đâu cũng bị gió thổi đi.

Đêm nay, khi đám đàn ông nhìn thấy ả thì à ồ ngạc nhiên vì tưởng ả không còn ở vùng này nữa. Từ ngày đợt hội chợ vùng cao mở ra đến nay đã là ngày thứ tư rồi, có những đêm, cơn dục vọng tìm đến, một trong bọn gã muốn tìm chút giải khuây và nhớ tới ả, nhưng không gã nào tìm được ả. Hai cô ả khác xuất hiện, tóc vàng tóc đỏ, mắt môi nóng bỏng, thịt da phơi ngồn ngộn dưới cái lạnh, bảo với bọn gã rằng ả đã bỏ vùng này đi biệt xứ mấy tháng nay, chẳng biết đi đâu, có khi dính “ết” chết ở xó xỉnh nào rồi...

- Cô em đi đâu mà bọn anh chờ mãi?

Một gã ỡm ờ buông lời, tay đặt lên mông ả. Ả để mặc, cứ lặng im mà ăn. Hết bát thức ăn, ả đứng dậy. Gã Mặt Sẹo đứng dậy bước theo. Bọn đàn ông còn lại cười sằng sặc, ném thêm câu bông đùa tục tĩu rồi tiếp tục cuộc chia tiền. Bên tai ả văng vẳng tiếng nhẩm đếm tiền, tiếng hai đứa gái cùng nghề đang õng ẹo xin tiền, nửa đùa nửa thật bảo rằng các anh mà cho em ít, mai em sẽ báo cho dân ở đây biết tất cả các anh cùng một giuộc, thay nhau đóng kịch đểu, lừa tiền. 

Lúc thằng bé quay trở lại, gian hàng hội chợ đã đóng cửa. Chỉ còn vài gã đang ngồi đánh bạc hoặc uống rượu tì tì với nhau. Bên trong những gian hàng, nghe vọng tiếng ngáy ngủ. Đêm lạnh buốt, ánh sáng đèn nê-on trắng bệch soi nhờ nhờ xuống vùng đất ngập ni-lông, rác. Thằng bé sục chân vào đống rác ngợp ngụa dưới chân mình, hy vọng kiếm tìm được thứ gì đó ăn được. Chẳng có gì ngoài giấy báo, vỏ chai và bao ni-lông. Nó ngồi nép mình bên gian hàng, tránh gió và ngủ. Đang thiu thiu ngủ, nó nghe tiếng gọi của gã Mặt Sẹo. Mở mắt ra đã thấy gã lù lù đứng trước mặt nó. Chiếc áo ấm đỏ không lẫn đi đâu được, dù ánh sáng đèn chỉ lờ mờ hắt đến gã. Bên cạnh gã, khuôn mặt người đàn bà lạ nhìn nó chăm chăm.

- Mày không có chỗ ngủ à?

- Không!

- Vào ngủ với tao! Ngủ ở đây, lạnh teo chim đấy, lớn lên chẳng làm thằng đàn ông được! Hề hề!

Gã cười, mặc cho thằng bé có hiểu câu đùa của gã hay không. Gã đi trước, mở cửa gian hàng, bước vào trong cái ổ của gã. Thằng bé theo sau. Người đàn bà đi theo sau cùng. Gã Mặt Sẹo nhìn người đàn bà.

- Tao có còn thiếu gì nữa đâu?

Gã Mặt Sẹo nhớ rõ cuộc trao đổi đã xong từ lúc hai người rời khỏi nhà nghỉ, tại sao cô ả lại đi theo mình? Hay biết gã vừa thắng đậm nên muốn vòi thêm tiền như bọn gái vẫn quẩn quanh bên bọn gã. Gã chặc lưỡi, móc ra tờ tiền, chưa kịp giúi vào tay ả, ả đã gạt ra.

- Không!

- Tôi muốn ngủ ở đây, được không?

Gã Mặt Sẹo chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bọn làm ăn như gã có nguyên tắc không ngủ cùng đàn bà trong gian hàng của mình. Điều đó sẽ mang đến sự xui xẻo. Nhưng nhìn khuôn mặt, ánh mắt của ả thì gã biết mình không thể từ chối được. Gã im lặng đốt thuốc, nằm xuống chiếc ổ của mình, giục thằng bé nằm xuống. Rồi tới lượt ả. Ba người nằm bên nhau. Mùi hôi, mùi mốc xộc vào mũi. Trong bóng tối, ả hỏi về thằng bé, về sự xuất hiện của nó. Gã trả lời từng câu về ngày gặp nó, về câu chuyện rời rạc về “con mụ mẹ tàn nhẫn” (là nguyên văn gã dùng) của nó, về viễn ảnh về gã chú độc ác của nó theo trí tưởng tượng của gã, rồi cả câu chuyện phim Tam Mao gã đã từng xem vào năm gã chưa là thằng lang thang, lừa lọc. Câu chuyện rời rạc, vớ vẩn, không đâu, vậy mà gã tưởng mình nghe được tiếng giọt nước mắt tròn trịa rơi trong đêm, tiếng ả vuốt mái tóc và xoa đầu thằng bé, tiếng hít hà mùi tóc thằng bé.

4Chuyến xe rời khỏi thị trấn vùng cao xuống thị xã lúc mờ sáng. Ngổn ngang những gã thanh niên thắng bạc sau cuộc hội chợ, những người đàn bà buôn hàng chuyến, cô giáo vùng cao xuống thị xã mua sắm đồ tết, từng bó hoa hồng,… Xe cứ trôi, cứ trôi. Gã Mặt Sẹo xoa hai tay vào nhau, miên man nghĩ về hình ảnh buổi sớm mai thức dậy, nhìn thấy ả gái điếm ôm thằng bé thật chặt trong lòng. Hình ảnh đó bất chợt đến làm gã thấy run run, nằm im thêm lát nữa, sợ rằng sẽ đánh thức cả hai. Đến lúc gã thức dậy lần hai, cả ả và thằng bé đã đi mất. 

Xe chạy đến cuối thị trấn, có hai bóng người mờ ảo trong sương vẫy vẫy cánh tay. Mái tóc dài đen nhánh, khuôn mặt không phấn son mờ ảo dưới ánh đèn xe giữa buổi sáng sương trắng. Cánh cửa mở, gã Mặt Sẹo giật mình thảng thốt.

- Tuyết!

Đó là lần đầu tiên gã gọi tên ả. Bàn tay ả nắm chặt lấy bàn tay thằng bé. Ả bước qua gã Mặt Sẹo, yên vị nơi hàng ghế cuối. Thằng bé ngồi lọt thỏm trong lòng ả. Ả kéo chiếc mũ sùm sụp xuống che ấm vành tai đỏ ửng vì lạnh của nó, gài chiếc cúc áo ấm cho nó, mắt nhướn nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Thằng bé lặng im, mím chặt môi. 

Xe chòng chành chòng chành trôi giữa mùa sương.

 5 Tôi đã gặp thằng bé trong phiên chợ sớm mai, trong hội chợ vùng cao, và trên chuyến xe chợ cũ kỹ tồi tàn gợi nhớ đến những chuyến xe thế kỷ trước chạy từ vùng cao về thị xã. Thời gian trôi qua rất chậm, đủ để tôi nhớ khuôn mặt nó, ánh mắt ám ảnh, cũng đủ để tôi nhớ màu tóc, khuôn mặt, dáng hình người đàn bà tên Tuyết đang ngồi cạnh nó, đủ để tôi lắng nghe câu chuyện gã đàn ông có hàm răng rụng kể về thằng bé Tam Mao mất cha, bị mẹ bỏ rơi, chú hắt hủi và về sự gặp gỡ giữa nó với người đàn bà tên Tuyết kia. Những gã đàn ông trên chuyến xe ha hả cười rằng có thể ả điếm Tuyết sẽ nuôi thằng bé, biến nó thành một tay ma cô để bảo vệ ả khi ả đã già, và không còn làm nghề được nữa.

- Đừng tin vào lòng tốt của một con điếm!

Gã Răng Rụng lên tiếng khi Mặt Sẹo, Tam Mao và Tuyết đã rời khỏi chuyến xe.

Cô giáo vùng cao mơ mộng phản đối yếu ớt rằng biết đâu, cô Tuyết ấy là mẹ nó. Mẹ nó đấy, biết đâu nó không nhận ra?

Tôi không biết giả thiết nào sẽ xảy ra. Tôi không biết người đàn bà tên Tuyết, thằng bé, và gã Mặt Sẹo kia sẽ đi đâu? Nhưng cái lạnh và màn sương kia là thật, thấm rất lâu trong tôi. Và tôi cứ mãi chòng chành trong chuyến xe cũ kỹ chạy ngoằn ngoèo trên đường đèo ấy.  

Tác giả: Yến Linh

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây