Bể chứa nước ở giữa làng dùng để uống, tắm giặt cho người, cả gia súc nữa, là nơi phát sinh bao mầm bệnh sốt rét, thương hàn và có trời mà biết còn những thứ bệnh tật gì khác nữa. Những túp lều mọc tràn lan, đường làng ngoằn ngoèo uốn lượn và đan chéo lẫn nhau. Người dân ở đây sử dụng con đường chính làm nơi đổ rác. Sau mọi nhà cống rãnh tù đọng thành những vũng nước xanh.
Rasipuram Krisnaswami Narayan sinh năm 1906 tại Madras (Ấn Độ). Ông là nhà văn Ấn sáng tác bằng tiếng Anh. Ông dạy học, viết báo và viết văn. Năm 1935, ông xuất bản tập tiểu thuyết đầu tiên Swami và những người bạn, sau đó nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn của ông liên tiếp được ấn hành. Những nhân vật trong tác phẩm của ông thường đương đầu với những mâu thuẫn trong việc bảo tồn truyền thống dân tộc và những gì họ thừa hưởng từ nền văn minh Anh trong suốt những năm Ấn Độ là thuộc địa của đế quốc Anh. |
Ở một nơi hoàn toàn tách biệt như Somal (nơi mà trạm xe buýt gần nhất cũng cách khoảng mười dặm) thì việc tính toán không phải là cách thông thường để đo lường thời gian. Nếu ai đó hỏi Nambi bao nhiêu tuổi, ông thường nhắc đến một nạn đói đã xảy ra lâu lắm rồi, một cuộc xâm chiếm hay việc xây dựng một chiếc cầu nào đó và chứng tỏ cho mọi người biết ông đã có mặt trên đời khi những sự việc ấy xảy ra.
Nambi mù chữ, chữ viết với ông là một điều hoàn toàn bí ẩn, nhưng ông có thể bịa ra mỗi tháng một chuyện và từng chuyện có thể kể mất mười ngày.
Nhà của Nambi là một ngôi đền nhỏ ở cuối làng. Không ai có thể giải thích bằng cách nào ông lão đã tự nhận mình là chủ của ngôi đền ấy. Ngôi đền là một kiểu kiến trúc nhỏ, với những bức tường có những vệt đỏ và hình tượng bằng đá của nữ thần Shakti đặt nơi chính điện. Phần trước của ngôi đền là nhà của Nambi. Thật ra bất cứ nơi đâu trong làng cũng có thể là nhà của ông. Ông không có của cải tài sản gì.
Tất cả những thứ ông có là một cây chổi dùng để quét đền, một cặp dohti (*) và áo khoác ngoài. Hầu hết thời gian trong ngày của ông là ngồi dưới bóng râm tỏa rộng của cây bàng phía trước ngôi đền. Khi cảm thấy đói ông đi đến bất kỳ ngôi nhà nào ông thích, cùng ăn với gia đình đó. Khi Nambi cần quần áo mặc, người làng mang đến cho ông. Hầu như không bao giờ ông phải ra ngoài để tìm kiếm bầu bạn, bởi vì bóng râm cây bàng đã là một câu lạc bộ, nơi tụ tập của cả dân làng.
Suốt ngày người ta tìm đến các bạn của Nambi và ngồi dưới bóng cây. Nếu Nambi cảm thấy hứng thú, ông sẽ lắng nghe câu chuyện của họ, làm dân làng vui thích bằng những lời nhận xét hay những câu chuyện kể của ông. Khi nào không thấy hứng thú, ông nhìn những người khách với vẻ cau có và hỏi: “Các người nghĩ ta là ai? Đừng có trách ta nếu như mùa trăng tới ta không có chuyện để kể cho các người nghe. Trừ phi ta nghĩ ra cách nào đó nữ thần có thể ban cho ta câu chuyện. Bộ các người nghĩ rằng chuyện luôn có sẵn, trôi dạt trên không trung à?”. Và ông đi một hơi ra bìa rừng, ngồi đấy trầm ngâm ngắm nhìn cây cối.
Vào những chiều thứ sáu, dân làng tụ tập tới đền để cúng kiếng và cầu nguyện. Nambi thắp hai mươi ngọn đèn trát bùn, sắp xếp chúng quanh ngưỡng cửa đền. Ông trang hoàng tượng nữ thần bằng những bông hoa dại mọc ở sân sau ngôi đền. Nambi đóng vai người tu sĩ dâng lên nữ thần trái cây và hoa do dân làng mang đến.
Vào những đêm Nambi có chuyện để kể, ông thắp một ngọn đèn và đặt trong cái hốc cây trên thân cây bàng. Buổi tối, người làng đang trên đường về nhà thấy ngọn đèn, bảo với vợ con: “Nào, nào, nhanh lên, chuẩn bị cơm tối nhanh đi, ông kể chuyện đang gọi chúng ta đấy”. Khi ánh trăng nhô lên sau đỉnh đồi, nam phụ lão ấu đã tụ tập đông đủ dưới gốc cây bàng. Người kể chuyện vẫn chưa xuất hiện. Nambi ngồi nơi bệ thờ, trước tượng nữ thần, mắt nhắm nghiền, chìm sâu trong nghĩ ngợi.
Ông cứ ngồi như vậy bao lâu tùy thích và khi bước ra ngoài trán ông sáng rực lên với bột tro và bụi sơn màu đỏ. Ông đến ngồi trên bệ đá trước đền, chỉ tay về một hướng xa xăm và thường bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Một ngàn năm trước, về hướng cách đây một tầm đá ném, các người nghĩ nơi đó là gì? Không phải chỉ có cỏ dại bao phủ những đống phân cho những con lừa lăn vào, cũng không chỉ là những hố tro như bây giờ.
Đó chính là thủ đô của một vì vua”. Nhà vua ấy có thể là Dasaratha, Vikramaditya, Asoka hoặc bất cứ ai mà ông lão nghĩ ra. Còn thủ đô thì được gọi là Kapila, Kridapura hay bất kỳ cái tên nào đó cũng do Nambi đặt. Sau khi đã mở đầu câu chuyện như vậy, ông lão nói liên miên suốt ba tiếng đồng hồ. Khi ấy cung điện của nhà vua được xây dựng dần dần từng viên gạch một. Căn phòng nơi diễn ra các buổi triều kiến của vua qua sự diễn tả của ông lão hiện lên, uy nghi, chói lọi với hàng trăm chư hầu, tể tướng, quần thần.
Ở một góc cung điện, tất cả các nhạc sĩ trên thế giới tụ tập và hát. Hầu hết các bài hát đều được người kể trình bày lại trước khán giả. Ông lão còn miêu tả chi li đến những hình ảnh, huy hiệu gắn trên bức tường cung điện. Câu chuyện được xây dựng theo phong cách sử thi. Ngày đầu tiên, bối cảnh của nó vẫn chưa được kể hết. Khán giả của Nambi vẫn chưa biết nhân vật nào sẽ được đưa vào câu chuyện. Khi ánh trăng lặn khuất sau rặng cây khu rừng Mempi, Nambi nói: “Nào các bạn, nữ thần nói hôm nay kể đến chừng này đã đủ rồi”. Ông lão đột ngột đứng dậy, đi vào trong nằm xuống, ngủ ngon lành trước khi tiếng ồn ào của đám đông tan dần.
Ngọn đèn trong hốc cây được thắp sáng hai ba ngày sau và nó cứ hiện lên suốt nửa mùa trăng. Vua chúa, anh hùng, những tên bất lương, những phụ nữ đẹp như tiên, những thiên thần mang hình hài con người, các vị thánh, những kẻ giết người, tất cả cùng chen chúc trong thế giới được tạo ra dưới gốc cây bàng.
Theo giọng kể lúc trầm lúc bổng của Nambi, ánh trăng và thời khắc nhuốm cho câu chuyện màu huyền bí. Dân làng cười với Nambi, khóc với ông ấy, thờ phượng những người anh hùng, chửi rủa những tên đểu cáng, than thở khi những kẻ mưu đồ tạo phản thành công bước đầu và họ cùng cầu nguyện thần linh, lời cầu nguyện chân thành sao cho câu chuyện kết thúc tốt đẹp.
Vào ngày câu chuyện chấm dứt, cả đám đông cùng tụ tập đi vào đền nằm dài trước tượng nữ thần cầu nguyện.
Đến khi vầng trăng non bắt đầu ló dạng trên đỉnh đồi, Nambi lại sẵn sàng bắt đầu một câu chuyện khác. Chưa bao giờ ông lặp lại những chuyện mà ông đã kể trước đó, cũng như chưa bao giờ có một nhân vật nào trùng lắp trong chuyện kể của ông. Dân làng xem Nambi như một hiện tượng kỳ diệu, họ dẫn lại những lời nói thông thái của ông, cùng sống trong sự tán dương, ngợi ca, mặc dù ở phương diện khác cuộc sống của họ đầy rẫy khó khăn buồn tẻ.
Như thế câu chuyện cứ kéo dài năm này qua năm khác. Một mùa trăng, Nambi thắp ngọn đèn trên cây. Khán giả đến. Ông lão ngồi xuống và bắt đầu câu chuyện: “Vào thời trị vì của vua K., tể tướng của ông là...”. Ông lão ngừng lời. Đột nhiên ông không thể kể tiếp được. Ông bắt đầu lại câu chuyện: “Có một vì vua...” rồi cứ ấp úng mãi điều gì không rõ. “Chuyện gì đã xảy ra với ta vậy?”. Ông lão hỏi một cách thương tâm. “Ôi, Mẹ, Mẹ vĩ đại, sao tôi lại ấp a ấp úng thế này. Tôi biết câu chuyện kia mà. Tôi đã có toàn bộ câu chuyện cách đây một phút. Nhưng đó là câu chuyện gì? Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra”. Ông lão cứ lắp bắp như vậy, trông thiểu não đến nỗi khán giả của ông phải kêu lên: “Cứ thong thả. Có lẽ ông mệt đấy thôi”.
Nhắm nghiền mắt lại, ông lão kêu lên: “Tôi có mệt không? Hãy đợi một chút. Tôi sẽ kể ngay thôi”. Nhưng sau câu nói ấy là một khoảng yên lặng kéo dài. Những khuôn mặt nôn nóng hướng về ông lão. Ông giận dữ kêu lên: “Đừng có nhìn tôi như vậy!”. Ai đó đưa cho ông một bình sữa. Khán giả kiên nhẫn chờ đợi. Điều này chỉ mới xảy ra lần đầu. Một số người bày tỏ sự thông cảm với ông. Số khác bắt đầu quay ra nói chuyện riêng.
Những người ngồi bên ngoài đám đông thì lặng lẽ lẻn ra về. Dần dà gần nửa đêm, những người khác cũng bỏ về nốt. Nambi ngồi nhìn trừng trừng xuống mặt đất, đầu cúi gằm nghĩ ngợi. Lần đầu tiên ông lão nhận ra mình đã già. Ông cảm thấy rằng sẽ không bao giờ ông còn kiểm soát được những suy nghĩ của mình và diễn đạt chúng một cách mạch lạc. Khi Nambi ngẩng lên, mọi người đã bỏ về hết trừ Mari, người thợ rèn, bạn của ông. “Mari, sao ông không đi như những người khác?”.
Mari nói như bào chữa cho mọi người: “Họ không muốn làm cho ông mệt, vì vậy họ mới bỏ đi”. Nambi đồng tình: “Ông nói đúng. Ngày mai tôi sẽ kể tiếp câu chuyện. Ôi tuổi tác... Tôi bao nhiêu tuổi rồi? Sao nó lại đến với tôi một cách đột ngột như vậy!”. Ông lão chỉ tay vào đầu và nói: “Cái đầu này nó đang bảo với tôi: “Tên già ngu ngốc, đừng tưởng ta sẽ làm đầy tớ cho ông suốt đời. Từ rày trở về sau ông sẽ là tôi tớ của ta”. Nó không còn vâng lời mà đã phản bội tôi”.
Ngày hôm sau Nambi lại thắp ngọn đèn đặt trong hốc cây. Đám đông cũng tụ tập dưới gốc cây bàng một cách trung thành. Nambi đã trải qua trọn cả ngày trầm ngâm nghĩ ngợi. Ông lão đã nhiệt thành cầu xin nữ thần đừng bỏ rơi ông. Ông bắt đầu câu chuyện và nói suốt một giờ không ngừng. Ông cảm thấy hết sức nhẹ nhõm, đến mức phải dừng câu chuyện lại để nhận xét: “Ồ, các bạn, Mẹ luôn tử tế.
Tôi đã bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ngu ngốc”, rồi mới kể tiếp. Nhưng chỉ sau vài phút ông lại cảm thấy mọi ý tưởng như đã bỏ ông mà đi. Ông cố gắng một cách vất vả. “Và rồi... và rồi... Chuyện gì đã xảy ra vậy?”. Ông lão cứ ấp a ấp úng. Yên lặng kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khán giả đứng dậy, không nói một lời lặng lẽ ra về. Ông lão vẫn ngồi trên bệ đá trầm ngâm cho đến khi gà gáy sáng. “Ta không thể trách cứ họ bất cứ điều gì - ông lão nói thầm với chính mình - Họ có thể ngồi ở đây và ủ rũ suốt cả đêm sao?”.
Hai ngày sau, ông lão lại kể tiếp đoạn kế câu chuyện. Nhưng đoạn kể này cũng chỉ kéo dài được vài phút. Đám đông bắt đầu tản dần, càng ngày càng ít người chú ý đến ngọn đèn trong hốc cây. Ngay cả những người đến đó thì cũng chỉ vì họ cảm thấy có bổn phận phải đến. Nambi nhận ra rằng chẳng ích lợi gì cho việc kéo dài sự cố gắng vật vã này. Ông kết thúc câu chuyện nhanh chóng dù nó vẫn chưa hoàn chỉnh.
Ông lão biết chuyện gì sẽ xảy ra và âu sầu khổ sở khi nghĩ đến sự thất bại của mình. “Nếu như ta chết cách đây vài năm chắc hẳn ta hạnh phúc hơn - ông lão nhủ thầm - Hỡi Mẹ, sao người lại làm cho tôi trở nên câm nín thế này?”. Ông lão cứ giam kín mình trong đền đài, hầu như không ăn uống và ngồi bất động, trầm ngâm suốt cả ngày.
Mùa trăng tiếp đến ló dạng trên đỉnh đồi. Nambi lại thắp ngọn đèn trong hốc cây. Dân làng khi trở về, lại trông thấy ánh đèn nhưng chỉ vài người đến đó. “Thế còn những người khác đâu? - ông lão hỏi - Chúng ta hãy đợi xem”. Nambi ngồi đợi. Trăng lên. Số khán giả ít ỏi cũng ngồi chờ một cách kiên nhẫn.
Sau đó ông lão nói: “Tôi sẽ không kể câu chuyện, hôm nay cũng như ngày mai tôi sẽ không kể nếu như cả làng không đến đông đủ. Tôi đã quyết định như vậy. Đây là một câu chuyện tuyệt vời. Mọi người cần phải nghe nó”. Hôm sau, ông lão đi tới lui trên con đường làng và la lên: “Hôm nay tôi có câu chuyện rất hay để kể. Tất cả mọi người hãy đến, đừng có bỏ qua...”. Lời kêu gọi trực tiếp có một tác dụng rất lớn. Buổi tối, toàn bộ dân làng lại tụ tập dưới gốc cây bàng. Họ rất vui vì người kể chuyện đã hồi phục lại năng lực.
Nambi ra khỏi đền khi mọi người đã yên vị và nói: “Chính là nữ thần, người đã ban cho ta năng khiếu này và chính người đã lấy nó lại. Nambi chỉ là một gã khờ. Ông ta chỉ nói khi nữ thần cần có điều gì phải nói và ông ta trở nên câm lặng khi nữ thần không còn gì để nói nữa. Nhưng hoa nhài còn có ích lợi gì khi đã mất đi mùi hương? Và ngọn đèn còn để làm gì một khi dầu đã cạn?
Hãy tạ ơn nữ thần. Đây là những lời cuối cùng của ta trên thế gian này và đây cũng chính là câu chuyện vĩ đại nhất của ta”. Ông lão đứng lên, chậm chạp đi vào đền. Khán giả hầu như không hiểu những gì ông vừa nói. Họ vẫn ngồi đấy cho đến khi cảm thấy mệt mỏi. Sau đó một vài người đứng lên, đi vào trong đền. Họ thấy người kể chuyện đang ngồi, hai mắt nhắm nghiền. “Bộ ông không kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sao?”. Ông lão mở mắt ra, nhìn họ và lắc đầu. Ông phác một cử chỉ ra dấu rằng ông đã nói những lời cuối cùng rồi.
Khi Nambi cảm thấy đói, ông đi đến bất cứ căn lều nào, lặng lẽ ngồi xuống và sau khi đã ăn xong, lặng lẽ bỏ đi ngay. Ngoại trừ điều đó, hầu như ông lão không có gì đòi hỏi ở những đồng loại của mình. Về cuối đời (ông lão còn sống thêm vài năm nữa) Nambi hoàn toàn im lặng.
THU TRANG
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Ý kiến bạn đọc