Nghệ sĩ hài Nguyên Hạnh đã ra đi

Thứ hai - 15/11/2010 22:56 2.650 0

Nghệ sĩ Nguyên Hạnh (phải) và Minh Béo trong một vở kịch hài - Ảnh: M.Châu

Nghệ sĩ Nguyên Hạnh (phải) và Minh Béo trong một vở kịch hài - Ảnh: M.Châu
Những năm 90 (thế kỷ 20), Nguyên Hạnh vẫn là một “lão tướng” trong làng hài với nét diễn duyên dáng, hiền hậu. Nhưng gần thập niên này, ông dường như “ở ẩn” vì những căn bệnh già. Và bây giờ thì ông nói lời chia tay vĩnh viễn cùng sân khấu...

Nguyên Hạnh hiền lắm. Tôi thường gọi ông là “bố Hạnh”, và ông cười tít mắt. Gương mặt tròn, quấn thêm chiếc khăn và để một chút râu là y chang ông Địa. Ông lại hay cười hề hề, nghe đám nghệ sĩ trẻ tíu tít chung quanh, cũng gọi là “bố Hạnh”. Ông diễn hài, khuôn mặt ngây thơ, ít có vai ác. Ông hay xuất hiện ở 5B Võ Văn Tần (TP.HCM), nhiều nhất là lên truyền hình làm mấy ông lão nông chân chất. Ông nói ông thích đóng vai nông dân, bởi dù ông sinh trưởng tại Sài Gòn nhưng quê cha lại ở An Giang, nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, sông nước đậm đà phù sa.

Cái duyên đưa ông đến sân khấu cũng thật lạ lùng. Ông bỏ học nửa chừng khi đang vào lớp 8, đi học nghề sửa xe máy. Khi lui tới một tiệm hớt tóc, ông phát hiện ra nơi ấy có nhiều tay đờn ca tài tử cải lương rất giỏi, thế là ông mon men theo họ học ca. Rành hết 3 Nam, 6 Bắc, ông được NSND Tám Vân thu vào Ban ca cổ cải lương ở Đài truyền hình Sài Gòn và hát trong các chương trình đại nhạc hội. Sau đó ông tự học diễn xuất và tham gia các đại bang như đoàn Kim Hoàng-Như Mai, kịch Kim Cương, kịch Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng… với đủ các loại vai hài, độc, lẳng. Ông còn được mời đóng phim và lồng tiếng trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng cùng với nhóm Tú Trinh, La Thoại Tân…

Sau giải phóng, ông tham gia Đoàn kịch Bông Hồng, Đoàn cải lương 284, Sài Gòn 1, Nhà hát Sân khấu nhỏ, Kịch Sài Gòn… Phải nói là ông đa năng, đóng bi cũng không kém hài. Nhưng khán giả vẫn ấn tượng vì nét gây cười duyên dáng của ông nên cứ gọi ông là nghệ sĩ hài. Có lần tôi hỏi ông có buồn không khi cải lương mất dần khán giả, và ông không còn có dịp hát ca. Ông trầm ngâm: “Biết làm sao! Bố cũng nhớ cải lương lắm, nhưng mình phải “trôi theo dòng đời”.

Ông ra đi lúc 17 giờ ngày 13.11 tại nhà riêng 6A/16D Nguyễn Cảnh Chân, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 16.11, hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Tác giả: Hoàng Kim

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây