Gió bấc qua đồng

Thứ năm - 26/04/2012 03:00 3.614 0

Gió bấc qua đồng

1. Mãi mãi, trong suốt cuộc đời mình, tôi không thể quên những mùa gió bấc thổi về làng. Độ khoảng tháng mười, tháng mười một ta là gió bấc về. Gió lao xao trên đọt bần trước cửa. Gió tràn trề trên mặt sông bàng bạc phù sa. Gió ngập đồng mênh mông sóng lúa. Đầu mùa thì lạnh ít. Càng cuối mùa càng lạnh nhiều. Rồi sau tết chuyển mùa, đổi gió bằng không khí nóng bức. Những mùa gió bấc ấy, chị Hai Hường dẫn tôi đi bắt cá nhảy hầm.

Nhà tôi có bốn người: ba, má, chị Hai và tôi. Chị Hai lớn hơn tôi mười tuổi. Chị không biết chữ nhưng việc đồng án chị giỏi chẳng kém gì so với má. Năm mười lăm tuổi, chị đã ra dáng một thiếu nữ nhà nông: sức mạnh mẽ, đen đậm đà. Tôi nhỏ con nên đứng chưa tới lưng quần của chị. Cũng năm đó, má tôi mất. Cả nhà đều buồn, duy chỉ có tôi là chưa đủ trí khôn để cảm nhận sự mất mát to lớn này. Mà tôi nghĩ, chết thì có gì đâu, cũng như ba với má đi cắt lúa mướn ở các làng khác vài bữa rồi về, vậy thôi! Có lần đang ngủ tôi giật mình hỏi chị Hai: “Má đâu chị Hai?”. “Má đi rồi. Cưng ngủ đi”. “Hỏng chịu đâu. Em đợi má về em mới ngủ!”. Chị Hai ôm tôi vào lòng, nước mắt chị rớt xuống mặt tôi nóng hổi. “Má không về nữa đâu. Ngủ đi chị thương. Mai mốt cưng lớn lên chị Hai kể cho cưng nghe hén?!”. Tôi ậm ừ nằm xuống nhưng cứ khóc rưng rức. Đến khi mệt mỏi tôi thiếp đi. Hôm sau, tôi lại tiếp tục vô tư với những trò chơi trẻ con cùng tụi bạn chung xóm.

Từ ngày má mất, ba tôi buồn rười rượi.  Ông vốn ít nói lại càng ít nói hơn. Có nhiều đêm ông ngồi bất động bên ngọn đèn dầu lụng tim hút thuốc rê tới khi con gà trống sau hè gáy sáng, rồi ông lật đật vác cuốc ra đồng. Một lần ba xoa đầu tôi hỏi: “Vài bữa nữa ba đi làm ăn xa, con ở nhà nhớ nghe lời chị Hai nghen!”. Tôi bá cổ ông, lắc đầu nguầy nguậy: “Con không chịu, ba phải cho theo hà”. “Đâu có được! Ba đi xa lắm sao con đi nổi?”. “Nổi. Nổi mà!”. “Như vậy là không ngoan, ba không cưng đâu nghen. Ở nhà, không được cãi lời chị Hai. Chị Hai đi mần thì con qua nhà dì Sáu chơi. Không được xuống mé sông, cũng không được tắm sông một mình. Con biết chưa?”. Chị Hai đang ngủ bỗng tốc mùng chui ra chạy tới nắm tay ba, nước mắt lưng tròng: “Ba ơi! Ba đừng đi…”. Ba ôm chị tôi vào lòng, tôi nghe tiếng nấc nghẹn của ba: “Con gái lớn rồi, sao… nhõng nhẽo vậy, không sợ em nó cười à! Thôi nín đi con…”. Ba nói đến đó rồi im bặt. Dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu leo lét, tôi thấy nước mắt chảy dài trên đôi má sần sùi, sạm nắng của ba. Chị khóc thành tiếng. Tôi chẳng hiểu gì cũng khóc theo chị. Sau này, khi đã ít nhiều trí khôn, nhận biết được sự việc quanh mình, tôi mới hiểu điều gì xảy ra ngày hôm đó. Ba tôi đi thiệt! Không ngờ, ba tôi lại bỏ chị em tôi nhanh như vậy.

Tờ mờ sáng hôm sau, chị Hai từ đâu tất tả chạy về nhà kêu giật giọng: “Tèo à… Tèo ơi, thức dậy đi… Dậy, ba bị Tây bắn kìa!”. Chẳng nói chẳng rằng, tôi bật dậy rời khỏi giường lao theo chị Hai. Dường như có một sức mạnh vô hình nào đó đang dìu bước tôi, nâng đỡ tôi. Hai chị em chạy băng qua một cánh đồng rộng. Đang mùa gió bấc, sương mờ mịt trước mặt che khuất tầm nhìn, gió vi vu lướt qua hai bên tai. Mỗi bữa, giờ này tôi còn nằm co ro trong cái mềm bằng bao bố tời nhưng bây giờ lại không thấy lạnh. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Chiếc quần cụt ướt đẫm sương. Chị Hai chạy trước, thỉnh thoảng dừng lại nói: “Nhanh đi cưng!”. Sắp tới nhà dì Sáu thì chị Hai dừng lại khom lưng bảo tôi: “Leo lên chị cõng cho nhanh”. Đi đâu chơi tôi cũng hay đòi chị Hai cõng, lần này không hiểu sao tôi lắc đầu, cố chạy thật nhanh cho kịp chị, dù đôi chân tôi rất mỏi và đau.

Tôi thấy có một đám người rất đông chen chúc trước cửa nhà dì Sáu. Chị Hai nắm tay tôi kéo  vào nấp sau gốc dừa: “Cưng đừng có la nghen!”. Tôi gật đầu để chị yên tâm. Bỗng “Đoàng… đoàng… đoàng…”. Tiếng súng vang lên đanh gọn như vé vụn không gian, sau đó ngân dài ma quái. Chị Hai chạy về phía đám đông. Tôi cũng lao theo. Anh Tuấn chộp tay tôi: “Tèo! Đừng tới đó!”. “Hổng chịu đâu. Em đi!”. Tôi cố vùng vẫy nhưng không thoát khỏi bàn tay cứng như sắt của anh Tuấn. Tôi hét lên, nước mắt ròng ròng: “Ba ơi!.. Ba!…”. Tiếp đó là tiếng gọi ba của chị Hai, nghe thảm thiết, thê lương lắm. Tiếng kêu của chị Hai như tăng thêm sức mạnh trong tôi. Tôi gỡ mạnh tay anh Tuấn chạy về phía trước.

Trước mặt tôi, ba nằm bất động trên vũng máu đỏ tươi, mắt mở trừng trừng như có sao, có lửa. Chị Hai gục đầu trên ngực ba, nơi có nhiều lỗ tròn bằng ngón tay và máu đang trào ra, vai chị rung từng đợt theo tiếng nất nghẹn. Cạnh đó, xác một thằng Tây mập ú, trắng bong bóc như heo cạo, mặt lằng nhằng vết chém, máu bê bết. Bộ quần áo màu vỏ tràm của nó nhào nát, dính đầy sình đất. Tôi dợm bước định chạy về phía ba thì dì Sáu xốc tôi lên: “Thằng Tuấn đâu, dẫn thằng Tèo vô nhà coi. Con nít con nôi ra đây làm cái gì!”. Một lần nữa tôi bị anh Tuấn giữ chặt. Tôi giãy giụa, gào thét, kêu khóc cho đến khi lạc giọng, cạn lực, đuối sức gục xuống vai anh Tuấn và thiếp đi.

*

- Dì Sáu ơi!… Anh Tuấn ơi!… Em Tèo tỉnh rồi nè!

Tiếng kêu mừng rỡ của chị Hai làm tôi giật mình bật dậy. Cảm giác người nóng như lửa đốt. Chị Hai đưa tay ấn tôi nằm xuống, mắt chị lóng lánh nước. Tôi thấy chị đẹp như một vị thần tiên nào đó trong chuyện cổ tích mà má hay kể tôi nghe, còn đẹp ra sao thì tôi không tả được. Chị cười nói:

-   Cưng sốt li bì mấy ngày rồi làm ai cũng lo muốn chết!

Tôi nghe có tiếng bước chân thình thịch, gấp gáp. Kìa dì Sáu. Kia anh Tuấn. Mọi người vây quanh tôi. Dì Sáu sờ lên trán tôi, nhíu mày:

- Còn nóng quá! Tuấn, con kiếm nồi lá về xông cho em nó đi… Con Hai ra sau hè nhổ bụi gừng để dì nấu cho nó chén cháo.

Mọi người đi rồi, tôi nhìn quanh quất mới biết mình đang nằm ở nhà dì Sáu. Căn nhà được lớp lá dừa nước mát rười rượi, tuy đã cũ nhưng vẫn còn kín đáo hơn nhà tôi. Nhà chỉ có dì với anh Tuấn, nghe nói trước đây có dượng Sáu nữa nhưng dượng bỏ đi lâu lắm không ai biết. Lần cuối cùng tôi gặp dượng Sáu là ban đêm, dượng cùng với bốn năm người đàn ông mặc toàn đồ đen ngồi bàn tính gì đó có vẻ rất bí mật, khi trời sáng thì tất cả mọi người đều đi hết. Giữa nhà đặt cái bàn thờ, trên đó có cái lư hương làm bằng gáo dừa, tàn nhang bám xám xịt. Tôi không biết thờ cúng ai và cũng chưa có dịp hỏi. Mấy năm trước, ba dẫn tôi qua nhà dì Sáu rồi theo anh Tuấn ra ruộng bắt cua. Khi về thì thấy ba với dì lui cui kê cái bàn thờ?!

Anh Tuấn bưng nồi xông đang bốc hơi nghi ngút để lên giường, cạnh chỗ tôi nằm. Chị Hai đỡ tôi ngồi dậy. Chị kéo mền trùm tôi và chị cùng cái nồi xông. Ngột ngạt. Khó chịu. Tôi nghe mùi lá sả thơm ngan ngát quyện trong mùi lá ổi ngòn ngọt, lá chanh hăng hắt. Nóng quá, tôi định hất mền ra thì chị Hai nắm tay tôi, thì thào:

- Đừng vậy cưng! Không hết bệnh chị không cho đi bắt cá nhảy hầm đâu. Ngoan, chị thương nhiều.

- Em nóng quá chị Hai ơi! – Tôi nói như đang khóc.

- Nóng mới mau hết bệnh chứ!

- Em hổng chịu. Ba về em méc ba.

- Ba đâu có về mà méc!

- Sao vậy chị?

- Ba bị Tây bắn chết rồi!

Dứt lời, chị Hai tung mền ra. Chị ôm tôi khóc nghẹn. Tôi ngã vào lòng chị khóc theo. Mồ hôi của hai chị em tuôn ra như tắm. Ướt mem. Rinh rít. Sao tự dưng tôi quên mất hình ảnh ba nằm trên vũng máu, mắt mở trừng trừng như có sao, có lửa? Quên như chưa từng thấy, như ba tôi vẫn đi làm ở đâu đó. Lời của chị Hai làm hình ảnh ba ùa về sôi sục, tôi khóc uất ức hơn. Má đã không về rồi. Ba cũng không về luôn. Tôi mơ hồ biết nỗi mất mát lớn lao này, từ đây chỉ còn lại hai chị em côi cút. Tôi nhớ có dịp tết, tụi bạn tôi nói  về ngoại hay về nội chơi, tôi chạy về nhà hỏi má thì má nói: "Ông bà ngoại con mất hồi má chưa đẻ chị hai con lận. Nhà ngoại chỉ còn mình má nên không còn ai hết". "Vậy má cho con về nội chơi hén!". "Nội con ở xa lắm, má về có một lần hà, lâu quá giờ cũng không nhớ!".  Thế rồi tôi không hỏi nữa. Bây giờ, chỉ có dì Sáu với anh Tuấn là hàng xóm thân nhất của gia đình tôi, như ruột thịt, máu mủ chung dòng, là chỗ dựa trong những khi hoạn nạn, khó khăn. Tôi khóc cho số phận hẩm hiu. Chưa bao giờ nước mắt tôi lại nhiều như vậy. Ba ơi!… Má ơi!…

Tôi giảm sốt rồi hết bệnh, đòi về nhà. Dì Sáu không cho, kêu hai chị em dọn đồ qua nhà dì ở chung. Hai chị em tôi không chịu, về. Tôi nhớ cây vú sữa cao lớn sau hè, cành lá sum xuê che gần kín mái nhà. Tới mùa, trái tròn vo oằn cây đu đưa trong gió. Cạnh đó là cây cầu ván bắc xuống một phần con gạch mà tôi thường hay tắm những buổi trưa nóng bức. Tôi nhớ bụi tre tầm vông trước cửa, thân thẳng đứng vút lên trời cao sừng sững. Mỗi khi gió lùa qua, nó xào xạc lá, thân cọ vào nhau kẽo  cà kẽo kẹt. Tôi nhớ cái giường tre tôi ngủ, cái ghế đôn bằng cây dừa tôi ngồi ăn cơm, nhớ cả cái xoong sức quai thường dùng để luộc cua, luộc ốc. Tôi nhớ nhiều, nhớ hết mọi vật dụng trong nhà và cả mấy đứa bạn cùng lứa chơi chung với tôi. Còn chị Hai nhớ gì, tôi không biết.

Tôi chạy ù vô nhà. Cảm giác lạnh lẽo từ nền đất thấm qua đôi chân trần chạy ngược lên đầu làm tôi rùng mình. Mọi vật trong nhà vẫn vậy mà sao thấy thiếu vắng mênh mang. Thoang thoảng, quẩn quanh là mùi ẩm mốc, mùi nhang mà chị Hai vừa đốt cắm trên bàn thờ ba má. Tôi chạy ra bến rạch, nước cạn queo gần sát đáy, cây vú sữa có lác đác vài trái đầu mùa ngã màu tím bóng lưỡng. Tôi đi vòng ra phía trước, bụi tre tầm vông vẫn ở chỗ cũ. Có điều những cây tre già cong xuống như cần câu, lá mỏng mảnh hiu hắt vàng. Vài cây con mới nhú lên khỏi mặt đất, non nhớt. Tôi  vịn vào một cây tre già ngó về phía nhà dì Sáu xa tít bên kia cánh đồng. Rất lâu. Chị Hai đã đứng cạnh tôi lúc nào không biết. Chị choàng tay qua vai tôi. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch trong ngực chị. Có cái gì đó rớt trên môi tôi nghe mằn mặn. Chị lại khóc nữa rồi. Trời ơi! Tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn, chị cũng cô đơn, ngôi nhà này, bụi tre này, cả cây vú sữa sau nhà cũng cô đơn, lẻ loi, hiu quạnh giữa bao la trên cánh đồng chiều hôm.

*

Mùa gió bấc nữa lại về.

Chị Hai một mình bươm chạy kiếm sống từ bắt cá, mò cua, hái rau đến may vá quần áo, cấy lúa mướn, mần cỏ, mót lúa… để đắp đổi qua ngày. Tôi đã nhận biết nỗi cơ cực của chị và giành phần những công việc đơn giản.

Mấy bữa trước chị Hai nói: "Trời lạnh vầy cá nhảy hầm dữ lắm. Chị xin dì Sáu làm mấy cái hầm rồi hai chị em mình đi bắt cá nghen!".

Tôi nằm trong nhà nghe tiếng gió thổi lao xao trên lá cây vú sữa và những thân tre tầm vông già chạm vào nhau kèn kẹt từng hồi. Nghĩ tới đi bắt cá nhảy hầm là tôi không ngủ được. Tôi chui ra khỏi mùng, với tay cầm cây đèn dầu đi xuống bếp. Tôi ngạc nhiên khi không thấy cái nóp đệm trên giá. Có lẽ chị Hai đã đem theo ngủ giữ hầm. Hầm làm ở đất ruộng dì Sáu, có xa xôi gì đâu mà phải coi chừng? Chị đã hứa dẫn tôi đi, giờ chị đi một mình, kỳ vậy ta? Tôi bước ra sân. Gió thổi từng đợt lạnh run. Đêm đầy sao. Mảnh trăng vẹt nửa soi thứ ánh sáng bàng bạc như phù sa trên con sông mùa lũ. Xung quanh không một bóng người, thấp thoáng xa xa có ánh đuốc vụt sáng vụt tắt, lập loè trong sương như con đom đóm gánh chiếc đèn khổng lồ. Tiếng ếch nhái kêu râm ran, lúc khắc khoải réo rắt, lúc hối hả dữ dội.

Tôi men theo bờ ruộng trước cửa nhà đi thẳng về hướng nhà dì Sáu. Bờ mẫu rộng chừng hai ba mét, đầy cỏ dại. Ban ngày, mỗi lần sang nhà dì Sáu, tôi cứ co giò chạy "tiếp hơi" bốn lần là tới rìa làng, chả cần quẹo qua quẹo lại. Vì vậy, tôi có thể nhắm mắt đi cũng không sợ lạc đường hay té. Gió càng về khuya càng thổi mạnh. Dường như cái lạnh càng ăn sâu vào xương thịt tôi rồi dồn lên hàm răng chuột làm nó cứ va đập lập cập. Có những mảnh lúa đang thời ngậm sữa, mùi thơm cứ ập vào mũi trào dâng sự thèm khát ngọt ngào! Lâu lắm rồi tôi chưa cùng chị Hai đi bắt cá khi gió bấc thổi tràn đồng. Nhớ một lần, chị dẫn tôi đi bắt cá nhảy hầm. Cũng vào mùa gió bấc lạnh cóng, rét run cầm cập như thế này. Do làm hầm xa nhà, hai chị em phải đem nóp theo ngủ ngoài ruộng canh chừng người ta bắt trộm cá. Khi đó, chị đã chỉ cho tôi cách làm hầm rất bài bản và điệu nghệ. Chị nói vào mùa này, ban ngày nắng gắt làm nước trên ruộng cạn dần, cá rô, cá lóc, cá sặc bướm dồn xuống các luống cày. Theo đó chúng chen nhau kéo về vùng trũng, thấp vì không chịu nổi cái lạnh giá về đêm. Chúng cứ bơi, cứ lội xuôi dòng nước khi chạm vào một vật cản nào đó là chúng nhảy vọt lên. Dựa vào kinh nghiệm này, người ta "đón đầu" bằng cách làm hầm để bắt chúng. Tuỳ theo địa hình, có thể làm hầm lớn hoặc nhỏ, thường thì cỡ cái thúng đong lúa là vừa. Người ta đào một cái hố sâu chừng năm bảy tấc, vét cạn nước, dùng tay xoa xoa xung quanh miệng hầm cho láng, trơn và xấp xỉ nước sao cho cá có thể trườn qua là rớt vào hầm. "Sao cá chỉ nhảy hầm mùa đông hả chị Hai?". Chị giảng giải: "Trời lạnh, cá đực cá cái tìm nhau, rồi con cái có trứng. Bây giờ chúng kéo xuống kênh rạch kiếm chỗ làm ổ, qua tết chúng đẻ con". Có nhiều đêm, chị Hai bắt được cả chục ký cá, đổi gạo được bao nhiêu hay bấy nhiêu, số còn lại chị tự tay làm mắm hoặc phơi khô để ăn được lâu ngày.

… Đang miên man trong dòng hồi tưởng thì tôi giật mình vì có tiếng thì thầm đâu đó. Tôi dừng lại định hướng rồi đi thẳng về phía trước. Độ hơn mười bước chân có một cái nóp đệm dựng ngang bờ mẫu, chặn lối đi. Nóp buộc hai đầu nên tôi không biết ai ở bên trong, chỉ nghe giọng nói thì thào:

- Đêm trước ba về kêu anh đi. Má nói nếu đi thì dẫn em đi luôn. Còn ba thì nói mình đấu tranh cho mình, trứơc sau mình cũng thắng hà!

- Thằng Tèo còn nhỏ quá, sao em bỏ nó được?

- Kêu nó qua ở với má anh. Chừng nào nó lớn mình dẫn nó theo luôn. Anh nghĩ, nó chưa biết má em vì bị Tây hiếp mà cắn lưỡi chết oan ức. Còn ba thì muốn trả thù cho má cũng chết dưới súng đạn của Tây. Nó cũng phải đi trả thù cho ba má chớ!

  - Anh tính vậy có… chắc không?

  - Sao lại không? Má nói nếu tình hình không êm thì má đi luôn. Sống mà sợ nơm nớp hoài sao được… À, mà em định nói với anh chuyện gì vậy?

  - Hình như… em có… thai!

  - Thiệt hả? Sao em biết?

  - Mấy bữa nay em thấy trong người khang khác. Tính hỏi dì Sáu nhưng em sợ…

  - Má đâu cấm tụi mình đâu mà sợ. Má thương em lắm. Má biết tụi mình sắp có con má mừng cho coi!

  - Nhưng… em với anh có cưới hỏi gì đâu?

  - À ừ. Phận mình nghèo chung. Anh có lỗi là không lo được cho em để em nở mày nở mặt. Con gái mà… Thôi, mình thương nhau thiệt lòng là đủ rồi, hén em!…

  Có nhiều chuyện bây giờ tôi mới biết, tất cả hoà lẫn, xáo trộn không biết vui hay buồn, căm ghét hay thông cảm làm tôi không tự chủ được. Tôi hất chiếc nóp đệm sang bên, hét lớn:

  - Chị Hai!… Anh Tuấn!…

  Mảnh trăng mỏng đầu tháng cong cong như lưỡi hái đã trôi về phía rìa làng, gần nóc nhà dì Sáu. Nhưng thứ ánh sáng không rực rỡ của nó vẫn đủ soi rõ hai người đang nằm đó, trắng ngần mơn mởn. Tôi bậc khóc. Tôi cũng không biết khóc cho ai, vì cái gì. Tôi cắm đầu chạy ngược về nhà bỏ lại sau lưng tiếng họ kêu tôi vang đồng lẫn trong gió lộng!

  2. Khoa viết xong những dòng cuối bài báo tết, đứng dậy vươn vai thở phào nhẹ nhõm. Anh cúi xuống sắp xếp lại mớ tài liệu ngổn ngang trên bàn. Bất chợt có tiếng hắng giọng ngoài cửa, Khoa nước lên. Trước mắt anh là một ông già khoảng bảy mươi tuổi mặc bộ quân phục màu cỏ úa không quân hàm quân hiệu, tóc bạc trắng, da ngăm đen, dáng vẻ ốm yếu. Một tay ông cầm gậy tre, tay kia cầm chiếc nón lưỡi trai bạc màu. Ông đứng im ngay cửa, e dè:

- Cậu…

- Dạ, bác kiếm ai ạ?

- Tôi muốn gặp ông Kiên?!

- Vậy mời bác vô đây!

Khoa tiến lại bàn, với tay lấy bình pha nước. Đợi ông già ngồi xuống, anh rót trà mời ông:

- Dạ, bác uống nước! Ở toà soạn này có hai người tên Kiên. Một là Tổng Biên tập, một là phóng viên. Bác cần gặp Kiên nào?

- Tôi gặp Kiên, tác giả bài “Gió bấc qua đồng” vừa đăng báo tuần trước.

- A, đó là Trung Kiên, Tổng Biên tập – Khoa reo lên – Bác quan hệ sao với anh Kiên?

Thấy ông già có vẻ ngần ngại, Khoa cười giả lả:

- Cháu quên! Cháu tên Khoa, phóng viên báo, lính của anh Kiên. Sáng nay anh Kiên đi giao ban bên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, trưa mới về. Có gì bác nhắn lại cháu sẽ chuyển dùm bác.

Hớp ngụm trà, ông già nói chậm rãi:

- Không giấu giếm gì cậu em, tôi thật sự không biết ông Kiên ra sao, cũng chưa có quan hệ gì hết. Vừa rồi đọc bài báo tôi thấy giống trường hợp của tôi quá, nên tôi muốn gặp tác giả vậy mà!

Khoa rót thêm nước vào ly cho ông già, nói:

- Trên đời này có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ lắm bác ạ. Tụi cháu là phóng viên, đi nhiều, gặp nhiều, có những chuyện đôi khi không giải thích được. Nhiều lần nghe anh Kiên kể về hoàn cảnh gia đình nên cháu có biết chút ít. Bài “Gió bấc qua đồng” anh Kiên viết lâu lắm, có lần định đăng nhưng không hiểu sao anh bỏ ra. Cháu hỏi, anh nói đó là chuyện riêng của anh, đăng làm chi. Tuần rồi đúng dịp đám giỗ ông bà già, anh mới cho đăng. Biết đâu…

- Vậy… có phải… ba Kiên tên Tuấn, mẹ tên Hường… không cậu?

Ông già cướp lời Khoa, nói lắp bắp như người bị hụt hơi. Mắt ông nhìn Khoa chằm chằm làm anh giật mình.

- Dạ, cháu không biết! Nghe đâu hồi đánh Mỹ, ba má anh Kiên hoạt động nội thành - Khoa chồm người sang nắm bàn tay ông già, nhíu mày - Bác! Bác không sao chứ?

- Không. - Ông già lắc đầu, thoáng buồn. Đoạn, ông rút khăn lau mồ hôi trán - Cậu còn biết gì về gia đình của Kiên nữa không?

- Nghe anh Kiên nói, hồi anh còn nhỏ, trong một lần ba má đi công tác thì bị địch phát hiện. Để bảo đảm bí mật, hai người đã huỷ tài liệu, cùng chiến đấu và hy sinh sau đó. Anh Kiên được đồng đội ba má cưu mang, thay nhau nuôi nấng đến lúc trưởng thành, rồi lo vợ con cho ảnh.

Khoa biết câu chuyện anh kể đã tác động rất lớn đến ông già. Ông chăm chú lắng nghe, người ông rung từng đợt. Mắt ông nhìn chết một chỗ mà xa thăm thẳm, buồn mênh mang. Khoa lơ mơ đoán rằng, cuộc đời ông và Kiên có gì đó giông giống nhau, có mối quan hệ gì đó với nhau. Hay…? Khoa quan sát ông lần nữa, thật kỹ. Ông vẫn ngồi yên tư thế cũ, hai tay cầm gậy tre dựng đứng trước mặt như thể nếu không có nó ông sẽ ngã về phía trước. Hình như ông đang nghĩ về cuộc đời ông, đặc biệt là tuổi thơ của ông thời đất nước loạn lạc. Gương mặt ông lúc giãn ra, lúc co lại. Thỉnh thoảng, ông kéo khăn lau nước mắt, những giọt nước mắt chiết ra từ trong sâu thẳm cõi lòng. Hồi lâu, ông hỏi:

- Cậu biết tôi là ai không?

Khoa cảm giác có gì đó chạy dọc sống lưng nhờn nhợn. Tự dưng trong đầu anh một suy nghĩ ập đến rồi hiện hình nguyên vẹn. Khoa lắc đầu. Ông già nhìn thẳng vào Khoa, nói từng tiếng một:

- Tôi chính là thằng Tèo trong bài “Gió bấc qua đồng” của Trung Kiên đây! Chỉ có điều câu chuyện xảy ra khi người viết còn chưa ra đời. Sao nó lại tưởng tượng giỏi vậy?

- Trời đất! Thiệt… thiệt vậy hả bác?

Khoa tròn mắt. Một nỗi vui mừng như ngọn lửa cháy bùng lên trong anh. Vậy là lời động viên chân thành của anh đối với Kiên đã có kết quả. Đúng, những gì Kiên viết hoàn toàn do anh tưởng tượng trên cơ sở những câu chuyện mẹ anh kể hồi nhỏ. Anh đã nhập cái tôi người viết vào với nhân vật Tèo - tức cậu anh - để câu chuyện dễ triển khai. Và biết đâu, khi đăng bài “Gió bấc qua đồng”, Kiên sẽ tìm lại được người cậu ruột chưa hề biết mặt. Và điều ngờ ngợ trong Khoa đã trở thành hiện thực. Tuy vậy, Khoa vẫn hỏi như để kiểm chứng lần cuối cho chính xác:

- Nếu bác là Tèo ngày xưa thì sau cái đêm gặp chị hai Hường với anh Tuấn trên cánh đồng, bác đi đâu, làm gì hả bác?

Ông già thở hắt một cái để kìm nén xúc động, bồi hồi kể:

- Đó là lần cuối cùng tôi được thấy chị Hai và anh Tuấn trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, để rồi đằng đẵng hơn năm mươi năm qua, tôi chưa một lần gặp lại họ. Sáng sớm hôm sau họ đi vì sợ tai mắt bọn Tây. Tôi qua ở với dì sáu. Chưa đầy tháng sau thì có một cuộc tản cư lớn chưa từng thấy cuốn cả làng chạy, dì Sáu gởi tôi về U Minh cho dượng Sáu. Tôi còn nhỏ, dượng kêu tôi làm giao liên, chừng nào lớn dượng cho cầm súng đánh giặc. Sau ngày Tây thua trận Điện Biên Phủ, tôi được cử ra miền Bắc học tập. Xong, về Nam tiếp tục đánh Mỹ. Hoà bình năm năm, tôi nghỉ hưu do sức khoẻ, về quê cất nhà trên nền đất cũ, lấy vợ đẻ một trai một gái, nuôi nấng khôn lớn, mần ăn tới giờ.

- Lúc ở căn cứ bác không gặp hai người sao?

- Không! Tôi có hỏi dượng Sáu nhưng dượng nói chị Hai với anh Tuấn được trên cử ra nội thành hoạt động bí mật. Một lần tôi nhận được thư của chị Hai kèm theo tấm ảnh chụp chung với một đứa nhỏ. Dượng đọc thư nói đó là con trai của chị. Tôi đã giữ tấm ảnh đó tới bây giờ nè… Trong suốt thời gian đánh Mỹ, tôi hỏi thăm khắp nơi nhưng không ai biết vì hoạt động nội thành phải đổi tên họ. Nhưng có người đoán Tuấn - Hường có thể là bí danh TH3 cài cắm ở chi khu Chương Thiện lúc bấy giờ.

- Còn dì dượng Sáu, hả bác? - Khoa hỏi mà nghe giọng mình lạc hẳn.

- Dượng Sáu hy sinh năm sáu tám trong trận đánh Bàu Môn. Còn dì sáu mất năm kia. Mồ mả ba má tôi, dì dượng Sáu tôi đưa về quê cho họ nằm chung, chỗ bụi tre già đó. Cây vú sữa hồi trước đã chết vì bom giặc, tôi mới trồng lại, có trái mấy mùa rồi, đợi anh chị với mấy cháu về ăn. Mà… - Ông xúc động, giọng nghẹn ngào, ngắt quãng - Mà… không biết đợi tới chừng nào hả cậu?… Chiến tranh loạn lạc, ly tán, nếu họ hy sinh hồi chiến tranh thì vẫn còn các cháu mà, cháu kêu tôi bằng cậu, phải không?… Mỗi mùa gió bấc thổi về làng, tôi lại ngóng chờ họ, giống như ngày xưa tôi chờ chị Hai đi bắt cá nhảy hầm về… Nhưng già rồi… Lại hay đau yếu! Biết mùa gió bấc này có… đợi được không?…

Ông già run run lấy tấm ảnh trong túi đưa cho Khoa. Anh đón lấy. Tấm ảnh đen trắng đã cũ, thời gian làm nó mờ nhạt, nhưng anh vẫn thấy rõ niềm hạnh phúc trên gương mặt của người đàn ông và phục nữ đang bồng đứa bé khá bụ bẫm. Khoa nhíu mày suy nghĩ rồi reo lên:

- Cháu đã nhiều lần thấy tấm ảnh này, ở nhà anh Kiên. Bác đúng là cậu ruột của anh Kiên rồi. Mấy mươi năm anh Kiên tìm kiếm, hỏi thăm nhưng không ai biết bác ở đâu. Hôm nay chắc ba má anh Kiên đã xui khiến cho cậu cháu gặp nhau, quả là phước đức. Bây giờ cháu sẽ đưa bác đến nhà anh Kiên, gần đây thôi ạ!

Khoa đứng dậy bước tới đỡ ông già đứng lên nhưng ông lại quỵ xuống. Anh hốt hoảng:

- Bác! Bác sao vậy? Anh Tiến ơi…

- Đừng! - Ông già xua tay, ngước nhìn Khoa với hai hàng nước mắt chảy tràn trên đôi má nhăn nheo, cười nói - Không sao đâu. Tôi bất ngờ quá mà. Trời đất ơi, cuối đời cậu cháu mới biết mặt nhau…

Ông còn lẩm bẩm nữa. Nhưng Khoa đã dìu ông ra cửa, lên xe và nổ máy chạy ra đường.

Tác giả: Hồ Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây