Nhớ tiếng hụ phà Mỹ Thuận

Thứ sáu - 18/02/2011 03:03 8.123 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
1. Chiều chạng vạng, Mặt trời rực rỡ như hòn lửa, đang lững thững chìm dần xuống mặt nước, nhuộm vàng dòng sông Tiền, tựa như mái tóc hiện đại của cô gái thành thị. Nổi bật trên mái tóc óng ả là chiếc lược cài - cầu Mỹ Thuận lừng lững, nối đôi bờ xanh ngắt một màu vô tận. Trời nhá nhem, những chùm đèn bắt đầu bật sáng. Từ xa, chiếc lược ấy lấp lánh như được đính muôn vàn châu báu.

2. Đứng trên cầu, gió theo con nước lớn đang lên thổi vào mặt mát rượi, phóng tầm mắt về phía mỏm đất nhô ra bờ sông đằng xa xa, những kỷ niệm ngày nào chợt cứ ùa về....

Ngày tôi còn bé, mỏm đất ấy người dân địa phương gọi là Bắc Mỹ Thuận (cách cầu Mỹ Thuận khoảng nửa cây số, thuộc xã Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang), nơi có những chiếc phà qua lại hai bờ sông Tiền, chở người, xe, hàng hóa... ầm ì từ 3 giờ đến 24 giờ mỗi ngày. Ngày ấy, nơi đầu Bắc mé Tiền Giang của cầu Mỹ Thuận ngày nay (thuộc ấp Hòa, nơi có giống xoài cát Hòa Lộc ngọt thanh nổi tiếng cả nước) vẫn còn là một vùng lầy mọc um tùm sậy, cỏ tranh.

 

 Nhà tôi cách Bắc Mỹ Thuận non cây số. Những buổi chiều chưa kịp tắt nắng, tôi hay một mình xuống bến phà ngồi hóng mát. Tôi thích nhìn những người bán hàng rong lăng xăng, tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi lúc khách xuống xe, thả bộ xuống phà, chào mời những bịch xá xị, trà đá, mía ghim, bánh phồng, nem... Ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh “ông mập” ngồi trên chiếc Dream “tem lửa” chất đầy những xâu nem trên xe chạy vòng vòng bến phà chào mời khách. “Ông mập” tên thật là Nguyễn Thân, gốc người Quảng Ngãi. Dải đất miền Trung mùa nắng khô cằn, mùa mưa lũ lụt đã xô đẩy ông lưu lạc vào Nam. Mỏm đất trù phú cuối cùng của tỉnh Tiền Giang này đã níu bước chân lưu lạc của ông. Khởi nghiệp từ một thùng trà đá bán dạo sau thời tích góp, chẳng bao lâu có đủ vốn, qua miệt Lai Vung (Đồng Tháp) mua nem, hòa vào đội quân bán dạo, kiếm lời. Khác với tính “ăn hôm nay, mai... tính tiếp” của người dân miền Tây, ông tằn tiện, làm nhiều hơn xài, phất lên nhanh chóng, thay căn nhà lá xập xệ bằng một ngôi biệt thự sang trọng, mua được cả xe hơi. Nem Ông Mập đã trở thành một thương hiệu, gắn liền với thể trọng của ông, cũng như chất lượng sản phẩm. Gương làm giàu của ông Mập là một minh chứng cho thấy ở vùng đất trù phú này, nếu biết cần cù, chịu thương, chịu khó, vẫn có thể trở thành tỉ phú như chơi.

Có những buổi tối, tôi rủ Khuyên, người bạn thân, leo lên nóc phà, nơi có buồng lái của anh tài công hay phì phà điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái để chống cơn buồn ngủ. Những người soát vé ở đây, mỗi ngày kiểm soát hàng chục ngàn người qua lại nhưng vẫn nhớ mặt người địa phương và chẳng bao giờ “hỏi” vé. Ngồi trên nóc chiếc phà, mới thấy được sự mênh mông của con sông Tiền. Gió mát, trăng thanh, tiếng phà ì ầm, tiếng róc rách sóng nước, thật là thích và sảng khoái. Nhiều lúc còn được nghe anh tài công kể cho nghe những chuyện vui, buồn của cái nghề “đưa đò”, làm bạn với hà bá này. Ra đến giữa dòng, nhìn vào hai bến, đèn sáng rực rỡ.

Thời điểm đặc biệt nhất ở Bắc Mỹ Thuận chính là những ngày cuối năm. Những chuyến phà, những bước chân người như hối hả, vội vàng hơn. Những ánh mắt, gương mặt nôn nao của những người quanh năm tha hương cầu thực nơi xứ người, chờ đợi một hồi còi xuất phát, để chiếc phà đưa họ sang sông, tìm về sum họp đầm ấm cùng gia đình.

Đã hơn 20 cái Tết trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in lần “bao” xe lam, đưa cậu Chín đi cấp cứu vì bị bệnh tai biến mạch máu não, mới thấm thía hết ý nghĩa của câu “Sang sông phải luỵ đò”. Bà ngoại, dì Mười, má tôi bên người cậu đang mệt mỏi, gương mặt tái mét. Ngoại cứ nhìn qua cửa sổ, bồn chồn đếm từng mét chiều dài dòng nước mà con phà đang nuốt. Thời gian sao nặng nề quá. Nếu tính chi li, từ bờ Tiền Giang sang bờ Vĩnh Long rộng chừng một cây số rưỡi, nếu thuận con nước phải mất gần 30 phút, rồi còn phải chạy thêm chừng 12 cây số nữa mới tới bệnh viện tỉnh, nhanh lắm cũng thêm 20 phút nữa. Điều đó cho thấy là sự sống của cậu Chín phụ thuộc nhiều vào chuyến phà này. Nhưng sức khỏe của cậu Chín không chống nổi với thời gian nữa. Cậu đã tắt thở giữa dòng sông Tiền đang cuồn cuộn chảy, trong tiếng khóc thét của ngoại, dì Mười, má, trong tiếng ầm ì của chiếc phà vô tâm và tiếng sóng vỗ rì rào, bình thản. Trong cơn tuyệt vọng, ngoại tôi như gào lên: “Con ơi... phải chi...”. Ngày xưa bà cố tôi đã dìu ngoại xuống bến phà này, qua bệnh viện Vĩnh Long để sinh cậu Chín, cũng suýt “đẻ rơi” cậu trên phà. Bây giờ thì...

3. - Chụp một pô hình kỷ niệm với cầu Mỹ Thuận nhe cô, chú?

 Cô gái trẻ đứng nép vào chàng trai cao lớn, dưới ánh đèn lung linh, hắt lên những sợi dây giăng đang xòe ra như cánh quạt, vươn lên bầu trời đầy sao. Cả hai cùng cười thật tươi, hạnh phúc cho “chú thợ” lấy một kiểu ảnh. Mênh mông gió, mênh mông nước, rộn rã tiếng cười... Đó là một khung cảnh thanh bình hay diễn ra tại cầu Mỹ Thuận bây giờ.

Từ bờ bên đây, sang bờ bên kia, thời gian chưa đầy 5 phút. Buổi tối, dọc hai bờ sông bừng sáng ánh đèn điện, những ánh đèn dầu đã đi vào quá khứ.

Đứng trên chiếc cầu hiện đại, đẹp như trong cổ tích, tôi thầm hỏi: những thanh âm ầm ì, tiếng còi hụ xuất, cặp bến, những chiếc phà to như cái nhà lừng lững, nay về đâu?

Tác giả: Lê Ngọc Dương Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây