Từ những trang viết đầu tiên
Trung úy Lê Đình Trung đặt những bước chân đầu tiên trên con đường viết văn vào độ đôi mươi - độ tuổi đẹp nhất đời người. Nhưng với Trung, đó là sự khởi đầu khá muộn. Khởi đầu ấy được định vị theo một cách rất tự nhiên - không áp lực, kỳ vọng hay gò bó. “Mục đích duy nhất là được lưu giữ, sẻ chia những suy nghĩ, ký ức, kỷ niệm” – Trung nói. Những bài viết ấy được Trung đăng tải trên trang cá nhân facebook như một cách để giải tỏa sau những giờ làm việc căng thẳng. Chính Trung cũng không nghĩ được rằng những bài viết của mình khi đó lại được bạn bè đón nhận, ủng hộ và khích lệ nhiều đến thế. Một vài người nói với Trung rằng có thể gửi những trang viết đó cho chuyên mục văn hóa - văn nghệ của một số tờ báo. Ý tưởng ấy khiến Trung thích thú nhưng cái cảm giác thiếu tự tin ban đầu của một người viết trẻ, vô danh khiến Trung dè dặt suy nghĩ: “Biết đâu bài viết của mình sẽ hợp gu và được đăng tải ở tờ báo nào đó”. Những tác phẩm đầu tiên của Trung được gửi đi theo cách đơn giản như thế. Trung thành thật chia sẻ: “Thực sự lúc gửi tôi cũng không hy vọng bài của mình sẽ được đăng. Thế nhưng, một số bài viết đã may mắn được tòa soạn lựa chọn đăng tải. Nhận được tin phản hồi về bài viết của mình, tôi đã vui sướng đến mức không tin vào mắt mình. Có lẽ cái niềm vui và sự khích lệ của bạn bè khi đó là tiền đề để tôi duy trì việc viết lách của mình đến tận ngày hôm nay”.
Khi mới “chập chững” bước đến với “địa hạt” văn chương, việc khai phá và lấp đầy những khoảng trắng trên trang viết vừa là thách thức vừa mang đến cho Trung trải nghiệm, kích thích mới lạ, đầy mê lực. Trung bộc bạch: “Nhiều khi đối diện với trang viết, tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Việc khó khăn nhất đối với tôi đó là không đủ vốn từ để truyền đạt được các ý nghĩ trong đầu thành con chữ. Có những lúc cảm xúc dâng trào, bản thân rất muốn viết một điều gì đó nhưng khi bắt đầu ngồi vào máy tính thì viết đi viết lại không được nổi một câu hoàn chỉnh”.
Nhận thức hạn chế của bản thân, mong muốn được tự do thể hiện cảm xúc, triển khai ý tưởng của mình trên “cánh đồng chữ nghĩa”, Trung nỗ lực cố gắng, hoàn thiện mình hơn mỗi ngày. Niềm đam mê là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho con đường đến với văn chương. Trung chịu khó học hỏi từ việc chăm chỉ đọc sách, báo để tăng vốn từ vựng, học hỏi kỹ năng viết để từ đó xây dựng cho mình một phong cách riêng. Trung cho biết: “Đọc sách của những nhà văn nổi tiếng không những giúp tăng vốn từ mà còn giúp tôi học hỏi được cách họ triển khai các câu, các ý giúp truyền tải những thông điệp, xây dựng lên những tình tiết trong tác phẩm của họ từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm để cải thiện những bài viết của mình. Ngoài ra tôi rất may mắn khi mới bắt đầu viết đã quen được nhiều nhà văn và được họ chỉ bảo rất nhiều trong quá trình viết giúp tôi khắc phục được những nhược điểm. Họ luôn động viên tôi phải đọc và viết thật nhiều thì mới có thể tiến bộ”.
Đến những giải thưởng
Cái cách chàng trung úy trẻ Lê Đình Trung “bén duyên” với các cuộc thi viết cũng rất tự nhiên, tình cờ như khi anh đến với văn chương vậy. Trung kể: “Khi bắt đầu viết văn, tôi có kết bạn và theo dõi những người có cùng sở thích giống như mình trên trang mạng xã hội. Vì chung niềm yêu thích, đam mê nên mọi người thỉnh thoảng cũng chia sẻ, trao đổi với nhau về câu chuyện xoay quanh việc viết văn. Qua những lần trao đổi thì tôi được biết đến những cuộc thi viết của các diễn đàn, các tờ báo uy tín đang tổ chức. Nhận thấy các cuộc thi là cơ hội để tôi có thể cọ xát và đánh giá năng lực của mình nên tôi rất hào hứng tham gia”.
Lê Đình Trung từng tham gia khá nhiều cuộc thi viết, có cuộc thi đạt giải và có nhiều cuộc thi không. Nhưng tất cả đã trở thành kỷ niệm đẹp, quý giá mà Trung mãi gìn giữ, trân trọng, nâng niu với lòng biết ơn.
“Hà Nội thành phố tôi yêu” do Báo Thanh Niên tổ chức là cuộc thi viết đầu tiên mà Lê Đình Trung tham gia. Trung vẫn nhớ: Mong muốn tìm được nguồn cảm hứng, ý tưởng, chất liệu mới cho những bài viết gửi tham dự cuộc thi, Trung đã nhờ bạn chở mình trên chiếc xe máy rong ruổi giữa đêm thu Hà Nội để ngắm nhìn thủ đô khi đêm về, để cảm nhận Hà Nội ở một góc nhìn khác so với bình thường mình hay quan sát. Quả thật thủ đô về đêm, khi những huyên náo khép lại có những phận người miệt mài mưu sinh, có những tấm lòng thầm lặng được trao đi cho những người vô gia cư sống tạm bên mái hiên những ngôi nhà trên phố cổ, những con người bình dị mà tấm lòng ấm áp yêu thương... Tất cả những điều ấy đã được Trung ghi nhận, đưa vào bài viết của mình. “Thật may mắn bài viết của tôi đã đạt giải cao nhất của cuộc thi. Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi “chinh phục” được ban giám khảo đó những cảm xúc chân thành của tôi khi viết. Giải nhất cuộc thi do Báo Thanh Niên tổ chức là áp lực cũng là động lực để tôi luôn cố gắng trên con đường văn chương mà mình đang theo đuổi” - Trung trải lòng.
Từ đây, Trung càng tự tin, vững bước, kiên định theo đuổi con đường văn chương của mình. Những “trái ngọt” đầu mùa là phần thưởng xứng đáng dành cho anh với liên tiếp nhiều giải thưởng: Giải tư cuộc thi viết “Viết thư mùa dịch COVID–19” với tác phẩm “Mẹ ơi con chưa có bầu”; giải ba cuộc thi viết “Nếu phải sống chung với dịch” với tác phẩm “Đưa mẹ về quê”; giải nhì cuộc thi viết “Mùa xuân, Tổ quốc và mẹ” với tác phẩm “Hết dịch con sẽ về ăn tết cùng mẹ” do Quán Chiêu Văn tổ chức. Lê Đình Trung tâm sự: “Quán Chiêu Văn vừa như người thầy lớn, vừa như người bạn tri kỷ đồng hành với tôi trong từng bước trưởng thành trên con đường văn chương. Tuy là một diễn đàn văn chương online nhưng Quán Chiêu Văn thu hút đông đảo những người yêu thích viết, đam mê văn chương trong và ngoài nước tham gia. Đội ngũ quản trị viên của Quán đều là những cây viết nổi tiếng và các cuộc thi đều qua các vòng tuyển chọn gắt gao với ban giám khảo là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học uy tín”.
Đối với Lê Đình Trung, viết là một quá trình quan sát, tìm tòi từ thực tế cuộc sống, qua lăng kính sáng tạo của tác giả mà hình thành nên tác phẩm văn chương. Từ trang viết của mình, Trung mong muốn được truyền tải đi thông điệp tích cực về cuộc sống. “Tôi luôn tin chỉ cần con người ta sống thiện lành và luôn nỗ lực cố gắng thì điều tốt đẹp sẽ đến, nên muốn thông qua tác phẩm của mình tiếp thêm niềm tin cho người đọc về những điều tươi sáng, tốt đẹp” - Trung úy Lê Đình Trung giãi bày. Là một người mới bắt đầu viết, Trung nghĩ lợi thế lớn nhất của mình đó chính là sức trẻ và khả năng quan sát học hỏi từ những chuyến đi, từ đó mang những nguồn năng lượng sống tích cực vào trong những tác phẩm của mình một cách chân thật, giản dị nhất.
Quả thực, những tác phẩm của Lê Đình Trung hấp dẫn bạn đọc bởi giọng văn mượt mà, thủ thỉ; cách dẫn, kể chuyện tự nhiên, gần gũi. Tuy là cây bút trẻ nhưng Lê Đình Trung có sự bám sát hơi thở đời sống xã hội, trăn trở với những phận người, phận đời. Nội dung câu chuyện thường đề cập đến những con người, sự việc nhỏ nhặt, bình dị trong cuộc sống nhưng thấm đẫm tình người, tình đời, đặt ra nhiều vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc, trăn trở với hiện thực cuộc sống. Những thông điệp được chuyển tải qua trang viết của Lê Đình Trung đều thắp sáng lên tình yêu thương, niềm hy vọng. Là một chiến sĩ khoác lên mình màu xanh áo lính, làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, Lê Đình Trung có những trải nghiệm, vốn tư liệu phong phú, đắt giá không phải ai cũng có được. Đối với Lê Đình Trung, viết là một đam mê. Đam mê ấy giúp Trung thả trôi cảm xúc của mình theo những số phận, cùng khóc, cùng cười với những nhân vật. Có thể nói, viết là cánh cửa mà khi bước vào đó Trung được tự do sáng tạo và đồng hành cùng những cuộc đời khác.
“Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng để đi đường dài cùng với văn chương. Với tôi, văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Văn chương làm cho cuộc sống bớt khô khan, trở nên thi vị hơn và tràn ngập những sắc màu. Văn chương còn là nguồn cung cấp tri thức và làm khơi dậy những cảm xúc nhân ái. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu vắng bóng hình văn học” – Lê Đình Trung tâm sự. Thời gian tới, Trung sẽ tiếp tục và tập trung hơn ở mảng truyện ngắn. Trung chia sẻ: “Tôi muốn rèn luyện và viết lên những câu chuyện mang thông điệp tích cực của cuộc sống tới mọi người”. Trung cũng “bật mí” về dự định sẽ xuất bản được những cuốn sách của riêng mình. Đó là những nỗ lực, quyết tâm và nghiêm túc của chàng trung úy trẻ trên con đường theo đuổi niềm đam mê.
Tác giả: Thảo Linh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
Ý kiến bạn đọc