Trần Đỗ Liêm - Doanh nhân, thi sĩ đa tài

Thứ bảy - 10/12/2016 01:38 5.482 0
Năm năm trước tôi đã đọc tập thơ Cho cau gặp trầu của Trần Đỗ Liêm rồi cảm hứng viết bài “Trần Đỗ Liêm - khắc khoải hồn quê”. Và lúc ấy tôi chỉ biết anh làm thơ, có những câu thơ về hồn quê rất hay, rất ấn tượng:  Chợ quê bánh khúc, cúc tần / Cá rô lách ngược - ngoài sân mưa rào; hay Lẻ loi buồn lắm trời ơi / Trầu cau được trộn với vôi mới nồng… Mới đây anh gửi tặng tôi một lúc ba tác phẩm mới của mình: Mơ gọi về… (thơ, 2013); Miệt vườn cựa quậy (ký, 2015) và Vùng đất hồn thơ (phê bình, tiểu luận, 2016), mới biết Trần Đỗ Liêm là một doanh nhân đa tài, đa tình, đa đoan lắm lắm!

Không có tài quản lý kinh doanh làm sao có thể biến một HTX Rạch Gầm ban đầu (4/1979), chỉ đơn sơ 29 ghe vỏ gỗ, 32 đò khách, 1 điện thoại, 1máy đánh chữ, 1 gian nhà vỏn vẹn 16m2, 1 bến đậu bên bờ sông Tiền, 37 năm sau thành một HTX Rạch Gầm nổi tiếng cả nước, kinh doanh 8 ngành nghề; cơ ngơi đồ sộ gồm 6 đội tàu với gần 200 chiếc sà lan cỡ lớn, tổng trọng tải 125.000 tấn; hơn 1120 lao động, có nhà máy đóng tàu lớn, đóng được tàu sông tự hành chở container lớn nhất nước với trọng tải 3.400 tấn, vốn kinh doanh 650 tỷ đồng. Là một trong ba HTX đứng đầu cả nước trong Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đơn vị Anh hùng thời đổi mới, đời sống xã viên ngày càng được nâng cao. Tài sản vật chất và tinh thần ấy là rất lớn. Nhưng về mặt kinh tế thì người viết bài này không thạo lắm, chỉ nêu sơ vài con số thế thôi, nên xin nói về những cái tài khác của nhà thơ Trần Đỗ Liêm vậy.

1. Về thơ, anh đã anh đã ấn hành bốn tập: Đi dọc Việt Nam; Quê hương tình yêu; Cho cau gặp trầu; Mơ gọi về… Trần Đỗ Liêm có biệt tài là đi đến đâu cũng có thơ. Ngao du Tam Đảo, Hà Nội, Tây Nguyên, Yên Tử, Phú Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Paris… anh đều làm thơ ghi lại cảm xúc của mình. Đi như thế như là đi thực tế sáng tác vậy. Có một tâm hồn nhạy cảm, một kiến thức thường trực và một tấm lòng bao dung mới có “thơ trực diện” ấy. Tôi đọc nhiều người, thấy “Thơ du lịch” “cưỡi ngựa xem hoa” thường ít đọng. Nhưng với Trần Đỗ Liêm hình như không phải vậy. Các bài “thơ du lịch” của anh có không ít câu thơ hay. Tập thơ Mơ gọi về… gồm ba phần: Mơ…;Hành trang và Gọi về… thì hai phần là thơ viết khi đến các vùng đất. Thăm nhà tù Phú Quốc anh có hình tượng thơ đẹp rợn người: Sóng bốn phía một vành tang trắng xóa (Nhà tù). Viết về nhà tù ở đảo như Phú Quốc như thế thật sâu sắc và chính xác. Hay trước đền thờ Đông Hồ ở Hà Tiên anh có bài tứ tuyệt, trong đó hai câu mở rất tình: Cùng em dạo phố Đông Hồ/ Thấy Chiêu Anh Các ngày xưa hiện về (Trước đền Đông Hồ). Đó là cảm thức lịch sử một vùng đất. Tôi đã đến Hà Tiên và biết được, vào năm 1736, lúc 30 tuổi, Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu) đã lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Đây là Tao đàn đầu tiên ở miền Nam nước Việt và là Tao đàn thứ hai của đất nước, sau tao đàn Hồng Đức. Thơ tao đàn Chiêu Anh Các là tình yêu thắng cảnh nước non, tình người thôn dã. Đó là một sự kiện văn hóa lớn thời bấy giờ. Đến Bỉ, ngắm tượng “thằng cu đái” anh viết:

                          “Chú bé tè” trưa nay thay áo
                          Quảng trường kinh doanh cổ kính khoe màu
                          Ai đứng lặng trên cao đỉnh tháp
                          Cố đô già kinh tế châu Âu

(Lãng du-V)

Đó là cảm nhận của một doanh nhân Việt ở trời Tây. Còn đây thu Nhật Bản: Tokyo thông xòe vườn ngự uyển / Cầu Hoàng Cung rêu phủ sương sa/ Rảo bước vô chùa Quan Âm linh địa / Thu hoe vàng trong lối ta qua CLãng du-1). Thi ảnh đẹp lãng mạn và thân thuộc không khác gì đất Việt.

Trong tập thơ mới nhất “Mơ gọi về…” của anh, tôi còn nhặt được nhiều câu thơ hay về các đề tài khác. Ở bài thơ Nhục không chịu được, tác giả đã nói được ý chí của người Việt Nam trước tình hình biển Đông hôm nay:

                      Không chỉ biết hổ thẹn với tiền nhân
                      Còn biết hổ thẹn với chính mình và hậu thế
                      Đất nước này không có chỗ cho kẻ hèn, sợ giặc ngoại xâm

Trần Đỗ Liêm viết về Trường Sa và giàn ĐK cũng có những câu thơ khảm vào hồn người: Sóng dựng cột tàu không cập bến / Gạo muối có còn đủ bữa ăn trưa; Thong thả chuông chùa du dương hồn Việt / Nắng tím hoa rau muống Sinh Tồn (Tình đảo, tình quê). Nắng tím hoa rau muống Sinh Tồn là câu thơ đẹp lấp lánh, rất gần gũi. Trong văn chương, chi tiết là vô cùng quan trong để làm nên cái khác biệt. Xin khoe thêm với bạn đọc thi ảnh nữa của Trần Đỗ Liêm để bạn đọc hiểu thêm thơ anh riêng biệt như thế nào, trước khi chuyển qua tài năng khác của anh:

                      Cho con cúng cặp Cá Hô sông Cửu Long
                      Vướng lưới dưới chân cầu dây văng Cần Thơ, Rạch Miều
                      Làm lễ trong ngày giỗ Tổ năm nay

(Cho con dâng Đức Tổ)
Rõ ràng Trần Đỗ Liêm đã chắt lọc được những hình ảnh đắt giá, đầy chất miệt vườn để dâng cúng trong ngày Giổ Tổ Hùng Vương. Cái mà nơi khác không thể có được. Tính riêng biệt tạo nên sức cuốn hút của thơ. Thơ Đỗ Liêm rất say nồng chất Miền Tây: Nắng trưa vàng tím đồng khoai mỡ/ Bướm lượn vòng, trắng nõn tràm hương… hay Nước nổi về cá lóc thơm rơm nướng/ Ly xoay vòng bầu bạn chia tư… (Giữa Tháp Mười).

Trần Đỗ Liêm ký tặng sách cho độc giả
 

2. Bất ngờ đối với tôi là doanh nhân Trần Đỗ Liêm “Người cầm lái” HTX Rạch Gầm kinh doanh tới 8 ngành gồm: vận tải hàng hóa, khách du lịch bằng đường thủy và đường bộ; khai thác, vận chuyển, cung ứng vật liệu xây dựng; đóng, sửa tàu thuyền; kinh doanh xăng dầu và xây dựng công trình giao thông..., quản lý hàng nghìn công chức, lao động. Anh lại là Ủy viên TW Liên minh HTX Việt Nam, ủy viên ủy ban MTTQVN tỉnh…, và gần 10 cái chức vụ Phó chủ tịch, Thường vụ các Hội cấp tỉnh và TW khác, vậy là hàng ngày họp hành liên miên và trăm công nghìn việc. Thế mà anh còn viết văn xuôi và lý luận phê bình. Thế mới lạ. Thế mới đa tài.

Đến nay anh đã đến với bạn đọc bốn tập văn xuôi: Con người và sông nước Cửu Long, Nỗi niềm sông nước; Sông nước quê mình; Miệt vườn cựa quậy và tập lý luận phê bình Vùng đất hồn thơ. Điều đó chứng tỏ bút lực văn chương của anh quá dồi dào. Tập ký Miệt vườn cựa quậy (NXB Hội nhà văn, 2015) của Trần Đỗ Liêm dày 210 trang gồm 9 bài ký với nhiều đề tài khác nhau là những ghi chép công phu về cuộc sống của bà con Châu thổ mấy chục năm qua. Đó là những bài ký sôi động: Miệt vườn cựa quậy chuyển mình; Kho trong công viên; Người lính xung kích thời bình; Anh hùng giữa nhân dân; Đi tìm cây cầu trong ca dao.v.v..

Nơi chiến tranh ở lại là chuyện ký xúc động về gia đình ông Nguyễn Hữu Đức, một gia đình có ba suất trợ cấp nạn nhân chất độc da cam dioxin. Cái chất độc quái ác do Mỹ trút xuống Việt Nam trong chiến tranh ấy đã làm cho ông, các con ông (và cả vợ ông đã ra đi) bị phơi nhiễm. Tác giả viết theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Đức: “…Ba chiếc máy bay cánh quạt ào ạt bay qua và theo sau nó là làn bụi trắng như sương, như khói bao cả bầu trời và từ từ phủ xuống rừng cây, vườn, ruộng và nơi ông đang đóng cơ quan. Ông và đồng đội vội lấy áo mưa trùm kín đầu, vào trong hầm. Đến khi máy bay đi khỏi, các ông ra ngoài thấy trên lá tràm, trên mặt đất, mặt nước bám đầy những chất vàng vàng, tím tím, lấp lánh dưới ánh mặt trời… Chẳng ai biết nó là thứ bột gì…”,… “Nhưng rồi mấy hôm sau, khi ngủ dậy thì mọi người mới nhận ra sự lạ lùng là hàng hà cây cối trong khu vực, cây thì lá nhũn, cây thì lá ngã màu vàng như chuẩn bị thay hàng loạt…”. Đó là ngày 10 tháng 8 năm 1961, cách đây đã 60 năm.

Chất độc da cam làm cho hàng triệu người Việt Nam nhiều thế hệ bị quái thái, di tật, dị dạng, mắc bệnh kinh niên. Riêng ông Nguyễn Hữu Đức, nhân vật trong câu chuyên, thì con ông khi sinh ra, được 9 tháng đứa thì không biết nói, đứa không biết ngồi, mặt dần biến dạng, khi lớn lên đi được nhưng chân tay co rút, phát triển bất bình thường, trí tuệ bị thiểu năng… Từ những hình ảnh đau thương ấy, Trần Đỗ Liên gào lên một câu hỏi: “Ôi, liệu có chất gì trong thiên nhiên và trong nhân tạo có thể độc hại hơn với con người đã được dùng từ khi có loài người đến giờ?”. Từ đó, tác giả còn đặt ra một vấn đề rất thực tế: Người lính bị thương trong chiến tranh thì được gọi là “thương binh”, “còn người lính bị nhiễm chất dioxin thì gọi là “ nạn nhân chất độc da cam”, thì được hưởng chế độ thấp hơn, như vậy liệu có công bằng? Và con cháu họ nữa, bị nhiễm chất độc da cam cũng như con bao người khác không tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến?”. Đó là những bất công cần sửa đổi trong chính sách hiện hành!

Trong bài ký “Miệt vườn cựa quậy, chuyển mình, lám gì để cất cánh”, tác giả, một người trong cuộc, từng 37 năm lăn lộn với sự phát triển của HTX Rạch Gầm, đã nhận ra những đổi mới, cất cánh của miền quê châu thổ. Anh tự hào viết: “Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ có 2 cây cầu dây văng cao to dài rộng là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ. Rồi cầu Rạch Miễu do Việt Nam tự thiết kế và thi công đầu thế kỷ 21. Và vài ba năm nữa 2 cây cầu lớn khác là cầu Vàm Cống, cầu Sa Đéc vừa phát lệnh khởi công… Không chỉ có cầu, đường bê tông nhựa quốc lộ 1, các quốc lộ 30, 80, 60… đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương… chẳng kém gì các highway ở Mỹ…”. Trong nghề vận tải sông của mình, Trần Đỗ Liêm dễ dàng nhận ra sự phát triển vượt trội ấy. Trước năm 1975, “ …cả đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có một đoàn sà lan sắt hơn chục chiếc…, còn hầu hết là ghe vỏ gỗ trọng tải vài ba chục tấn. Có chiếc “ghe chài” trọng tải 250 tấn là lớn nhất, chủ của nó được gọi là tư sản. Thế mà bây giờ trên sông nước Chín Rồng đã có 50.000 sà lan, tàu sắt các loại…”. Bài ký đã khẳng định sự chuyển mình của miệt vườn châu thổ làm nức lòng người. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra những yếu kém, như làm suy thoái môi trường, làm mất niềm tin người dân miệt vườn bao dung hào sảng… Đó chính là những câu hỏi tác giả đặt ra cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Rất tâm huyết. Rất tầm nhìn!

Không chỉ thơ, văn xuôi, Trần Đỗ Liêm còn “liều” viết lý luận phê bình. Từ thanh niên xung phong trong chiến tranh, sau giải phóng anh học mấy năm Trường Trung học Giao thông Đường thủy, rồi đại học nhưng là Đại học kinh tế Hàng hải, vốn liếng văn chương chữ nghĩa đâu để viết tiểu luận phê bình? Thế mà tôi đọc tác phẩm tiểu luận phê bình “Vùng đất, hồn thơ” của Trần Đỗ Liêm CNXB Hội Nhà văn, 2016), thấy anh viết rất chững chạc. Có lẽ cái vốn quý nhất của Trần Đỗ Liêm là tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu thơ, tình yêu quê hương thứ hai - đất Chín Rồng máu thịt đã thúc giục anh phải vượt lên chín mình, tự học, tự đọc để đóng góp tình cảm, trí tuệ vào phong trào văn học nghệ thuật của Tiền Giang cũng như miệt vườn yêu dấu. Anh nhận xét về thơ Tiền Giáng, thơ Đồng bằng Sông Cửu Long. Anh cảm nhận về tập truyện ngắn “Dòng đời mênh mang” của tác giả trẻ Nguyễn Trọng Tấn; nhận xét về tiểu luận của nhà thơ Võ Tấn Cường, viết về nghiệp thơ Linh Giang, viết cả về phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn nổi tiếng Phan Thanh Vân (phim Đời cát), viết về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.v.v… Những bài tiểu luận phê bình của Trần Đỗ Liêm là cái hích quý giá để tác giả, nhất là các các giả trẻ Tiền Giang và miệt vườn miền Tây thêm niềm tin sáng tạo.

3. Tìm hiểu về Trần Đỗ Liêm, tôi lại một lần nữa bất ngờ là anh hiện có “một bảo tàng” văn hóa nhỏ của riêng mình. Anh kể với nhà báo rằng: “Tôi có thói quen lưu giữ những kỷ vật gắn bó với mình: chiếc nón tai bèo, bình toong đựng nước, đôi dép cao su, sổ tay,... những đồ vật độc đáo của từng vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam và các nước. Những món đồ đó ngày một nhiều lên nên tôi nghĩ đến việc xây dựng một không gian văn hóa để lưu trữ và trưng bày chúng. Rồi khi đi công tác, du lịch, tôi đều sưu tầm tranh ảnh, những món đồ lưu niệm đặc trưng của từng nơi mình đến. Nhiều bạn bè biết tôi có sở thích này thỉnh thoảng cũng tặng tôi những món quà đồ cổ…”. “Cái không gian văn hóa nhỏ của tôi chỉ phục vụ những người thực sự có nhu cầu, như học sinh, sinh viên, nhà báo hay nghiên cứu sinh... cần tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học, công việc, chứ không mở cửa cho mọi người”. Nhưng tôi cũng được biết nó đã đón cả ngàn khách, mấy trăm đoàn từ nhà văn, nhà báo, đến chính trị gia, khách quốc tế và sinh viên nhiều trường đai học…

Tôi chưa từng được đến Tiền Giang để ngắm “bảo tàng văn hóa tư nhân” như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đến thăm ghi như thế trong luu bút khi lần 2 ghé thăm năm 2015 của anh, nhưng tôi thực sự yêu mến và kính trọng thói quen sưu tầm rất nhân văn và đáng kính đó. Cái “bảo tàng” nhỏ ấy (nghe đâu cũng có cả hơn nghìn hiện vật) là một nét đẹp nữa của chân dung thi sĩ đa tài, đa tình, đa cảm của Trần Đỗ Liêm trước cuộc sống lớn!

Trong lúc rất nhiều doanh nhân nhà nước, nhất là các Tổng công ty, rất tài tình trong tham nhũng, làm thất thoát vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, thì doanh nhân Trần Đỗ Liêm lại sử dụng trí tuệ, tài năng, tình cảm của mình để làm giàu cho HTX Rạch Gầm mà mình quản lý, làm văn chương bồi đắp cho cuộc sống đẹp hơn. Trong tôi, hình ảnh Trần Đỗ Liêm luôn hiện lên như là một mẫu doanh nhân của nước Việt Nam chân quê mà hiện đại.

Tác giả: Ngô Minh

 Từ khóa: trần đỗ liêm, ngô minh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây