Nhà văn Lê Bá Thự - Người "gọi hồn" làng

Thứ tư - 23/03/2022 04:24 807 0
Bảo rằng, nhà văn Lê Bá Thự, người “gọi hồn” làng, nghe cứ có gì rờn rợn kinh kinh. Nhưng tôi chẳng biết dùng cụm từ nào chuẩn xác hơn để định danh anh. Anh “gọi hồn” làng thật đấy!
Nhà văn Lê Bá Thự - Người "gọi hồn" làng
Bấy lâu nay, khi bàn đến Lê Bá Thự, chúng ta vẫn thường hình dung một dịch giả có tài. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Bách khoa Warszawa năm 1970, từng là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan từ năm 1996 đến năm 2000. Anh cũng là tác giả của trên 30 bộ sách dịch nổi tiếng, được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam về dịch thuật, như tiểu thuyết Hi vọng của nhà văn Katarzyna Michalak, tiểu thuyết Quà của Chúa của nhà văn Dorota Terakowska. Lê Bá Thự cũng từng hai lần được nhận Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012 và 2017 do những cống hiến xuất sắc của anh trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước.

Lần này, Lê Bá Thự đến với chúng ta không phải bằng những công trình dịch thuật, mà là một cuốn sách sáng tác. Cuốn hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi (Lê Bá Thự - Hồi ức tuổi thơ, NXB Thanh Hóa ấn hành, năm 2020. Giải thưởng Lê Thánh Tông  năm 2020 (giải nhì) - Giải thưởng Văn học nghệ thuật hàng năm của Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa).

toi va lang toi nxb thanh hoa 2020 1647938628

Tác phẩm "Tôi và làng tôi"

Cái “làng tôi” mà anh kể trong cuốn sách này là làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng xem ra cũng chẳng khác gì cái làng Điền Trì ao chuôm đồng bãi của tôi, hay nhiều làng quê khác nữa. Thì cũng vẫn là một rẻo đồng bằng. Đầm ấm, thanh bình nhưng nghèo khó và lam lũ.

Nhìn chung, làng quê Việt Nam là một xứ sở đặc biệt. Về cơ bản, chúng giống nhau lắm. Những năm chiến tranh, nhiều làng bị giặc chiếm đóng. Nước mất, nhà tan, nhưng làng vẫn không mất. Làng thành một pháo đài kiên cố, vững chắc để Đảng và cách mạng bám trụ. Từ đó chiến đấu, giằng co từng bước với giặc và rồi cuối cùng đã giành lại được cả một đất nước rộng lớn. Vậy mà chỉ mấy năm, vâng, chỉ mấy năm mở cửa đón “cơn gió” kinh tế thị trường, một “cơn gió” thật mới mẻ và mát lành thổi qua mà cả cái pháo đài vững như những trụ thép ấy bỗng rung rinh và bục vỡ. Một cuộc đổ vỡ tưng bừng trong sự tái tạo, vui có buồn có. Bề bộn và ngổn ngang. Người nhà quê nhao lên thành phố kiếm sống. Người thành phố lại đổ về quê để được sống. Anh phố thị nào mà chẳng thèm một mảnh đất quê để dựng căn nhà nghỉ, hít thở bầu không khí trong lành. Thế là tất cả nháo nhào. Người quê mang cái luộm thuộm của làng đi khai hóa thành phố. Người phố lại khuân sắt thép về bê tông hóa làng quê. Rốt cuộc đều hỏng cả.

Bởi thế, có một vị giáo sư, tiến sĩ từng ngơ ngác khi trở lại làng quê cũ của mình: “Những lũy tre làng không còn dấu vết - Ao nhỏ chuôm to giờ lấp hết rồi - Vách đất nhà tranh lùi vào cổ tích - Quê tôi bây giờ toàn những sắt thép thôi...”. Lấp ló sau tán sung, vườn chuối, là những nhà nghỉ hai ba tầng với tiếng nhạc xập xình, dậm dật. Làng xuất hiện những quán karaoke, những hiệu lolotica, với cái tên nghe rất Tây, rất hiện đại, đúng là “hòa nhập quốc tế”, nhưng thực ra, đấy là quán lòng lợn tiết canh, món khoái khẩu đã có từ ngàn đời ở làng quê muôn thuở. Rồi cơm bụi. Rồi gà tần. Rồi ao làng, một cái ao tù bỗng chốc thành hồ sinh thái đón các du khách đến ăn nhậu trong các quán lá rồi buông cần thả câu. Các cô thợ cấy, các bà chăn lợn hằng ngày đen nhẻm đen nhèm, giờ cũng phốp pháp phấn son, xúng xính trong những chiếc váy ngắn cũn cỡn như váy búp bê.

Ông bạn tôi, cũng là bạn của Lê Bá Thự, một nhà văn rất nổi tiếng cứ lắc đầu ngán ngẩm: “Có phải ai cũng mặc váy được đâu. Muốn mặc váy, chân phải thon mịn, trắng nõn, đằng này, chân cẳng các mụ đã đen nhẻm, lại khùng khoèo như gốc sắn, gốc tre. Nom ghê chết đi được. Tớ chẳng ham quyền lực, nhưng có lúc lại chỉ muốn được làm một ông gì đấy thật to. Mà chỉ mấy phút thôi. Để làm gì cậu biết không? Để ký một quyết định đanh thép: Cấm tất cả các mụ chăn lợn, các bà thợ cấy không ai được mặc váy!”. May mà ông bạn của chúng tôi không có số làm quan, dù chỉ là ông quan trong chốc lát. Nhờ thế, các em chăn lợn, các bà thợ cấy của làng vẫn tiếp tục nhóng nhánh và ngào ngạt tỏa hương!

Đó chính là vẻ đẹp của làng quê mới. Làng quê ngày hôm nay, thời đất nước mở cửa. Vẻ đẹp này, Lê Bá Thự không bàn đến. Anh chỉ nhớ về cái làng quê thời còn lam lũ, cực nhọc của anh. Ở đó anh có một tuổi thơ ấm áp, vất vả và trong lành. Tuổi thơ của Lê Bá Thự cũng như tuổi thơ của hầu hết những người dân miền Bắc Việt Nam vào những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”. Nhìn đâu cũng thấy hoa. Đến đâu cũng có tiếng hát. Dù đời sống thực lại vô cùng đói rét và bần hàn. Khổ nhưng mà vui. Một niềm vui có phần bồng bột và nhuốm màu ảo tưởng.

Đọc Lê Bá Thự, ta thấy thú vị cũng vì thế. Nhờ có những trang viết rất chân thực và sinh động của anh mà ta hiểu được một thời. Cái thời ấy hiện không còn nữa. Hình như Lê Bá Thự cũng ý thức được điều ấy. Vì thế, anh đã kỳ công khôi phục lại những vẻ đẹp đã mất. Anh nhẩn nha chiêm ngưỡng và ở không ít trang, anh tỉ mẩn ghi chép như một nhà khảo cứu dân tộc học.

Đó là những món ăn quê, những trò chơi dân gian của con trẻ, những công việc nhà nông, từ việc làm mạ cho đến lúc cấy hái trên cánh đồng làng, rồi chuyện xay thóc giã gạo, chuyện ủ phân chuồng, chuyện xem phim ở bãi chiếu bóng. Bộ phim Bạch Mao Nữ từng nổi tiếng một thời. Sự nổi giận hồn nhiên của mấy anh bần cố nông với địa chủ. Rồi Tết ở trong xóm ngoài làng. Toàn những chuyện lặt vặt, rất khó viết, và nếu có viết được cũng rất khó hay. Thế mà Lê Bá Thự vẫn kể được. Thật thà, hồn nhiên, cứ như nhớ gì kể nấy. Kể chuyện mình mà lại ra chuyện người. Chuyện của làng mình mà cũng là chuyện của nhiều làng quê khác. Đó là những vẻ đẹp đã “lùi vào cổ tích”. Nhưng nó là hồn vía của làng quê. Mà cái hồn vía ấy, hiện lại đang bị phiêu bạt.

Thì cũng như ở các làng quê ta xưa, thi thoảng, có những người ốm nặng, hay những anh trúng gió, đang trong cơn mê sảng, chấp chới giữa âm và dương, thế là làng cồn lên những tiếng gọi, những tiếng hú, gọi hồn về với xác. Những người đàn bà lớn tiếng dài hơi đều được xung vào đội quân gọi hồn: “Hú ba hồn chín vía chị đĩ Nhớn ở đâu thì về với chồng với con nhớ… ớ… ớ…….”. “Hú ba hồn bảy vía thằng buồi Khoăm ở đâu thì về…ề… ề…”. “Hú ba hồn chín vía….”. Thế là cứ ời ời, eo éo, tiếng hú vọng từ cánh đồng vào phía đầu làng. Rồi từ đầu làng vòng ra các lối xóm ngoài đồng xa. Trong đêm, nhất là những đêm tối giời, mưa phùn gió bấc, nghe mới ghê rợn. Ấy thế rồi, không ít người, đã chấp chới bước đến cổng thiên đàng, nghe tiếng hú gọi ấy mà tỉnh lại, mà trở về với cõi trần gian đấy.

Lê Bá Thự cũng là một người “gọi hồn” cả tiếng dài hơi như thế. Nhưng anh không gọi hồn người mà gọi hồn làng. Và rồi nhờ tiếng “gọi” da diết của anh, những vẻ đẹp của làng quê, những hồn vía của làng quê xưa đã thấp thoáng trở về rồi lồng lộng hiện lên nguyên vẹn, sắc nét trong cuốn sách này. Không phải chỉ có làng Nguyệt Lãng của anh, mà cả làng Điền Trì của tôi, và còn rất nhiều làng quê khác trong suốt dải đồng bằng Bắc Bộ cũng đã thấp thoáng về đây, sum vầy quần tụ trong những trang sách này.

Tôi đánh giá rất cao cuốn sách là vì như vậy. Nó bảo tồn, nó gìn giữ một di sản văn hóa mà bây giờ đang mất đi, đang cứ lặng lẽ tan biến đi, có cách nào giữ được nó không? Phải nhờ vào văn học thôi, và không phải cuốn sách văn học nào cũng làm được điều đó. Lê Bá Thự làm được điều đó một cách rất trọn vẹn. Nhiều người thích cuốn sách này là vì như vậy. Họ gặp lại làng quê của mình, đồng thời họ cũng gặp lại chính tuổi ấu thơ của mình, cái tuổi, có thể nói, một đi không bao giờ quay trở lại nữa. Cái quý là ở đó. Đây là một bảo tàng rất đặc biệt. Không phải là bảo tàng của những hiện vật đã đóng băng, mà là hiện vật sống, cùng với nó là việc thả hơi thở làm tái hiện lại cả một thời kỳ. Tôi cho đây là một cuốn sách có giá trị, một cuốn sách rất đáng quý. Tôi đánh giá cao cuốn sách là vì thế”.

Đọc “Tôi và làng tôi”, không hiểu sao, tôi cứ nhớ đến “Tuổi thơ im lặng” của Duy Khán, một kiệt tác của văn học Việt Nam hiện đại. Cũng như Lê Bá Thự, Duy Khán chỉ viết những chuyện lặt vặt ở làng quê, chuyện cây mít, cối đá, con vện, cổng chùa…Mỗi mẩu chỉ phong phanh mấy trăm chữ, hoặc vài trang, nhưng gộp lại, nó là cuốn tiểu thuyết tự truyện của tác giả. Có người, có cảnh, có cốt truyện, với bao nhiêu tình huống hấp dẫn. “Tôi và làng tôi” không phải tiểu thuyết. Nó là một dạng tản văn, tạp văn, kể về những nỗi nhớ, những kỷ niệm miên man, đứt nối. Vậy mà đọc vẫn thấy hấp dẫn. Ai cũng như được gặp lại làng quê mình, tuổi thơ mình. Đó là biệt tài của Lê Bá Thự chăng?

“Tôi và làng tôi” như một bảo tàng nho nhỏ, một bảo tàng riêng của Lê Bá Thự, lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt. Bầu khí quyển nông dân mà ta ngỡ chỉ có thể tìm thấy ở nước Thiên Đàng...

Tác giả: Trần Đăng Khoa

 Từ khóa: Lê Bá Thự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây