Người “giấu mặt” không thành

Thứ tư - 20/11/2013 11:05 10.271 0
Đọc các tập thơ, văn và tiểu luận phê bình mà Chế Lan Viên đã từng công bố từ thuở “Điêu tàn” cho đến ngày ông cởi hết mũ mão cân đai trong “Di cảo thơ”, tôi chợt nhận ra rằng cuộc đời ông là một hành trình “giấu mặt”. Nhưng thật trớ trêu, người ta chỉ có thể “giấu mặt” trước người khác vào những thời điểm cần thiết của cá nhân hay do yêu cầu của cách mạng, chứ không ai có thể “giấu mặt” với chính mình được. Vì thế, cuối cùng Chế Lan Viên vẫn là một người “giấu mặt” nhưng lại không thành.
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/10/1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lại lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Bình Định đến khi tốt nghiệp Thành chung, rồi thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Ông mất ngày 19/6/1989 tại Bệnh viện Thống nhất, TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 69 tuổi.

Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là miền đất có nhiều duyên nợ với ông trong việc hình thành phong cách thơ tuổi thiếu thời. Ông làm thơ rất sớm và năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, đã xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Điêu tàn”, với lời tựa đồng thời là tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm “Trường thơ Loạn”, mà ông là linh hồn của nhóm ấy. Cũng từ đấy, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của đất võ Bình Định. Ông có nhiều thơ được giảng dạy trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học và được trao Giải thuởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.


Nhà thơ Chế Lan Viên (ảnh: Internet)

Chế Lan Viên là người viết nhiều cả về số trang và thể loại. Về thơ, ông có đến gần 20 tập, tiêu biểu như: “Điêu tàn”, “Ánh sáng và phù sa”, “Hoa ngày thường - Chim báo bão”, “Đối thoại mới”... Văn cũng có: “Vàng sao”, “Những ngày nổi giận”, “Bác về quê ta”... rồi tiểu luận phê bình: “Nói chuyện thơ văn”, “Phê bình văn học”, “Suy nghĩ và bình luận”, “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân”...

Trong ba thể loại văn chương ấy, công chúng thường nhớ đến một Chế Lan Viên thơ và tiểu luận, phê bình hơn là một Chế Lan Viên văn xuôi. Theo một số nhà nghiên cứu thì thơ Chế Lan Viên giàu “chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa”. Rồi nữa: “Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương (Việt- Đ.N.Y) và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống(1)

Nói thế cũng không hẳn là sai, nhưng xem ra có vẻ đấy là những lời lẽ đại ngôn, mà ai đó đã đọc và học được từ chính cách nói của Chế Lan Viên, hơn là một nhận định nghiêm túc, khoa học. Chính bản thân ông Chế thường ưa dùng kiểu đại ngôn như thế để diễn thuyết trước đám đông. Nếu quả thực theo nhận định trên, từ trong bản chất con người nghệ sĩ của Chế Lan Viên, thì chí ít ông cũng không đến mức phải đoạn tuyệt với quá khứ của mình, dẫu rằng quá khứ ấy là hay hay dở, tốt hay xấu, thanh cao hay nhơ nhuốc, bần hàn hay giàu sang... cũng là của mình, do chính mình làm ra, không ai có thể làm hộ. Và nếu vậy, ông càng không đến mức phải im lặng để “nhận đường” một thời gian khá dài trên thi đàn từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đến suốt thời hòa bình lập lại ở miền Bắc, qua cải cách ruộng đất và phong trào Nhân văn Giai phẩm, cho tận mãi đến năm 1960, ông mới xuất hiện trở lại trên thi đàn với tập “Ánh sáng và phù sa”. Để rồi, sau đấy không lâu, ông trở thành một trong số những con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng, ít nhất là thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đi bên cạnh những nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Bùi Đức Ái...

Đã có người quan tâm đến sự “đứt gãy” này của Chế Lan Viên, ngõ hầu tìm ra nguyên nhân sâu xa, giải mã nguồn cơn về sự “xuất chúng” của ông, và có người còn cho rằng đấy là phẩm chất của một thiên tài bẩm sinh (!?). Có lẽ ai đã từng sống, làm việc hoặc cộng tác với Chế Lan Viên trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước sẽ không thể không thừa nhận Chế Lan Viên là một người có tài diễn thuyết và nói chuyện rất hay, mới nghe qua cảm thấy rất dễ “say”. Ông chỉ học hết bậc Thành chung (tương đương với THCS hiện nay) nhưng biết vận dụng kiến thức của mình trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi đứng trước bàn dân thiên hạ. Ông là một người vừa khôn khéo vừa hồn nhiên. “Thuyết pháp” là niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời và ông luôn tự hào về khiếu nói của mình hay hơn mọi người.Có người còn ví ông nói như một ông trạng, một thứ trạng từ xa xưa đã có trong tiềm thức dân gian như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, đến thời chống Mỹ lại được đầu thai và nhập vào thân xác thi sĩ họ Chế.

Từ sau phong trào Thơ Mới và đến cả sau này nữa, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, cam chịu điều tiếng là những nhà “thơ điên, thơ loạn” bị người đời ghẻ lạnh và xua đuổi ra khỏi văn đàn, cho đến thời kỳ đổi mới (1986). Còn Xuân Diệu, Huy Cận lại luôn cảm thấy tự hào về quá khứ huy hoàng của mình:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Vẫn còn hơn le lói suốt trăm năm”

(Xuân Diệu)

Nhưng Chế Lan Viên lại đã chọn cách quay lưng lại với quá khứ của mình, muốn đào sâu, chôn chặt cái thuở “Điêu tàn” bằng một thái độ im lặng. Vốn là người nhạy cảm, láu lỉnh, có tài hùng biện, Chế Lan Viên hiểu rằng nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc về quần chúng công- nông- binh, nên xu hướng bình dân hóa, nôm na hóa ngày càng lấn át những suy nghĩ ma mị, cũng như những triết lý vòng vo, rối rắm đến khó hiểu của ông ở thuở “Điêu tàn”, nên ông đã chọn cách im lặng, trong quãng thời gian gần 20 năm (từ 1942-1960).

Mãi cho tới khi làm tuyển thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê, vào năm 1986-1987, lúc này các thi sĩ nói trên của Phong trào thơ Mới, dần dần được người đời nhìn nhận lại, sau Nghị quyết 5 (khóa VI) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để Chế Lan Viên “vung bút” và lớn tiếng ca ngợi một cách hào sảng trường thơ gọi là điên loạn kia. Thậm chí ông còn cho rằng các nhà thơ đó “là những người gần gũi với cách mạng, chỉ chưa đầy một sợi chỉ nữa, họ có thể trở thành những cán bộ văn nghệ cách mạng tầm cỡ cốt cán hàng đầu như chính mình”(!?).

Tưởng rằng đấy chỉ là tính "đỏng đảnh", "hồn nhiên" của Chế Lan Viên, một người có tính “nhớ nhớ quên quên”, nhưng lúc nào cũng nói đầy hào hứng và rất lưu loát. Nhưng, thực ra ông lại không nghĩ thế. Theo ông, cách mạng Việt Nam có thể dung nạp vào mình đủ mọi tầng lớp khác nhau, trong đó, có những người chẳng hề liên quan gì đến cách mạng như hai trường hợp vừa nói trên. Chỉ có những người nói và làm chẳng giống ai, nhưng lại rất thức thời như Chế Lan Viên mới có cách nghĩ của một cán bộ mặt trận tầm cỡ như vậy, dù chỉ trong phạm vi văn nghệ nói chung và thơ ca nói riêng mà thôi. Đấy âu cũng là một cách “giấu mặt” đầy khôn khéo của Chế Lan Viên.

Có lẽ, đỉnh cao của sự nghiệp thơ ca kháng chiến chống Pháp và thời kỳ hòa bình ngay sau đó, gần 20 năm là bài “Bữa cơm thường trong bản nhỏ”. Một bài thơ có thể xem là “lạ hoắc”, một giọng nói “lạc” của Chế Lan Viên. Đây là bài thơ duy nhất của ông được viết theo thể song thất lục bát về đề tài miền núi, về anh bộ đội Cụ Hồ và Bác Hồ kính yêu, một đề tài mà dường như ông chưa từng trải nghiệm, với những hình ảnh quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số như khe suối, bản làng, trái sim, chim ri, tu hú… hoàn toàn xa lạ với giọng điệu, cách nói, cách nghĩ vốn có về những vấn đề “đại sự”, “đại ngôn”, mà công chúng thường thấy ở Chế Lan Viên. Nhưng dù có muốn “giấu” đến đâu thì ông không quên ngợi ca “công đức Bác Hồ, bản nhớ ngàn năm”. Cũng có thể vì thế mà bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa môn văn giảng dạy trong nhà trường một thời gian khá dài. Nếu không có những câu thơ về Bác, về anh bộ đội cụ Hồ như: “Muối lên rừng tay bưng tay đặt/ Bộ đội Bác lên rừng công tác em thương” thì nhiều người sẽ không thể nào nhận ra đấy là bài thơ của Chế Lan Viên. Thế mới tài chứ!

Về việc học, Chế Lan Viên là một bậc thầy về tiếng Pháp và cả về thơ luật Đường, không chỉ đối với nhà văn Vũ Thị Thường (vợ ông) và nhà thơ thuộc lớp đàn em Xuân Quỳnh, mà còn đối với nhiều đồng nghiệp khác. Người đồng thời với Chế Lan Viên là nhà văn Nguyễn Minh Châu sau lần đi công tác với ông trở về Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng về sự quái lạ của “bố Chế” này. Nguyễn Minh Châu kể lại rằng, đi công tác trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt là vậy mà sáng nào “bốChế” cũng học thuộc một bài thơ Đường. Học chưa biết để làm gì, mà chỉ để đấy, nhưng cứ học, học đều và học miết. Làm được như vậy duy nhất chỉ có một mình “bố Chế”, chẳng ai có thể bắt chước làm theo được, nhưng ai cũng phải trầm trồ nể phục.

Chế Lan Viên còn “tuyệt chiêu” đến mức, theo như lời Xuân Quỳnh kể, ông làm thơ giống như người ta làm khuôn đúc gạch hay đúc bê tông. Làm khuôn sẵn để đấy, khi nhào được đất, trộn được vữa, tức là có chất liệu như chi tiết, hình ảnh, tứ thơ… thì nhồi vào những cái “khuôn” ấy, thế là hoàn thành một bài thơ. Làm được một số bài thơ nào đấy ước đủ thì ra một tập. Cứ thế, ông đã cho ra đời tới gần 20 tập thơ theo cách riêng của mình, xét ở mọi góc độ. Cả hai người đã khuất nẻo từ lâu, chẳng biết việc làm thơ của Chế Lan Viên như lời của Xuân Quỳnh kể, đúng sai đến đâu, nhưng dù sao cũng cho thấy ông là một nhà thơ chẳng giống ai. Chẳng thế mà, các thế hệ đàn em sau này như Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Trúc Thông, Trí Dũng, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật… khởi nghiệp thơ luôn trăn trở với việc chọn làm thơ theo cách của Xuân Diệu, người đại diện cho trường phái tự nhiên hay là chọn theo cách của Chế Lan Viên, người được coi là đại diện cho trường phái thơ trí tuệ và hiện đại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những ai chọn theo cách của Xuân Diệu đều đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp thơ ca của mình. Số còn lại chọn theo cách đi của Chế Lan Viên, cũng đều đã có nhiều thơ, nhưng xem ra cho đến nay công chúng, kể cả lớp trí thức trẻ, nhất là tầng lớp bình dân và những người cao tuổi không mấy mặn mà, thậm chí còn không chấp nhận lối thơ sản xuất theo kiểu công nghệ “đóng gạch”, lấy tư tưởng thay cho cảm xúc trực quan. Mặc dù khi phải nói, phần đông họ đều bảo thích Chế Lan Viên hơn vì đấy là loại thơ đã được nhiều người đóng cho nó cái mác “trí tuệ” và “hiện đại”. Và không ít người ngộ nhận thơ kiểu Chế Lan Viên là một đẳng cấp thơ, chứ không phải là một chủng loại hay một kiểu thơ khác với thơ tự nhiên theo truyền thống của người Á Đông. Chính Chế Lan Viên là người đi tiên phong trong việc cố tình tạo nên cho nhiều nhà thơ thuộc thế hệ sau hiểu nhầm về đẳng cấp và chất lượng thơ. Theo tôi, Già Khương (nhà thơ Khương Hữu Dụng) mới thực sự là người tinh tế khi Già nói đại ý rằng: Ông Xuân Diệu là một người được trời phú, còn ông Chế Lan Viên lấy công phu làm đầu.

Nếu một ai đó mà Chế Lan Viên cảm thấy là nguồn cơn cho những hiểm họa sẽ giáng lên đầu mình, chí ít là về uy tín văn chương, nhất là chê thơ ông, thì ông tìm mọi cách để “dìm hàng”. Khi chuyện vỡ lở ra đến tai, tức khắc ông bảo: Anh có “nổi” quá thì người ta mới “dìm” chứ !? Đấy cũng là một tuyệt chiêu trên con đường thăng tiến của Chế Lan Viên.

Bình sinh ông là người quyết liệt đến mức bạo liệt cả trong thơ ca, tiểu luận phê bình, khẩu chiến và bút chiến, khiến mỗi khi nhắc đến hay chạm vào ông, nhiều người cảm thấy e ngại, thậm chí nhiều người còn bảo nhau đừng “dây” vào Chế Lan Viên, tốt nhất là tránh xa ông ấy ra. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tỏ ra có lý khi ông gọi Chế Lan Viên là “người đi tìm mặt(2). Bởi lẽ trong “Di cảo thơ” người ta mới thật sự thấy ông có nhiều mặt, chứ không phải chỉ có một cái mặt trong “Điêu tàn” mà ông đã ruồng bỏ nó, cũng không phải chỉ có một cái mặt trong “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” hay là cái mặt của một cán bộ văn nghệ thuộc diện cốt cán của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã đưa ông đến đỉnh vinh quang.

Trong tuyên ngôn thơ của mình thuở thiếu thời, Chế Lan Viên đã không ngần ngại tuyên bố: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”. Không rõ từng ấy cái mặt đã đủ đối với Chế Lan Viên hay còn thiếu những cái mặt nào nữa (!?), dù ông tự nhận trong bài thơ “Tháp Bayon (3) bốn mặt” :

Anh là tháp Bayon bốn mặt

Giấu đi ba, còn lại đấy là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”.

Phạm Xuân Nguyên lại quả quyết: “Những nghệ sĩ lớn không bao giờ là một mặt cả. Nguyễn Tuân thích nhất câu nhận định về ông là người phức tạp, nghĩa là nhiều mặt. Mặt trong mặt ngoài, mặt trên mặt dưới, mặt phải mặt trái, mặt sấp mặt ngửa, mặt sáng mặt tối, mặt dữ mặt lành, mặt mình mặt ta... Đáng chán nhất là một mặt, nhất là văn học nghệ thuật(4).

Theo tôi, sự “phức tạp” của Nguyễn Tuân không giống với tính “nhiều mặt” của Chế Lan Viên. Sự phức tạp về phong cách sống cá nhân của Nguyễn Tuân, ai cũng biết. Nó không đem đến cho ai sự ngộ nhận, nhầm lẫn nào và cũng không phương hại đến ai. Đặc biệt sự phức tạp của Nguyễn Tuân chỉ đơn thuần là sinh hoạt đời thường của cá nhân, nghiêng về cá tính hơn là phép đối nhân xử thế. Vì thế cái gọi là “phức tạp” của Nguyễn Tuân thật sự vô tư, không vụ lợi và cũng không nhằm mục đích thăng tiến trên con đường quan lộ hay văn chương.

Được biết những ngày cuối đời, cuộc sống của Chế Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất kham khổ trong một căn nhà hẹp ở ngoại ô. Ông ở đấy vừa để viết “Di cảo thơ” vừa để bàn những chuyện đại sự quốc gia như thuở còn tại vị, đại loại như phải đổi mới văn chương nước nhà, chứ “không phải là đổ máu”. Ông còn lớn tiếng tuyên bố: “Thà phải đạo còn hơn phản đạo”. Ông ngồi viết thư gửi nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác giả của Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Nhưng đến lúc không thể “giấu” được nữa, thì cũng là lúc ông đã dũng cảm lộn trái mặt mình ra cho người đời chiêm nghiệm và phán xét xem trong tất cả các mặt ấy, mặt nào là của ông hay là tất cả.

Nhưng, công bằng mà nói, Chế Lan Viên không chỉ có tài thơ ca, tài tham chính mà còn cả tài “giấu mặt” nữa. Cả ba lĩnh vực ấy, ông đều có những thành công nhất định và góp một tiếng nói khác lạ trên văn đàn Việt đương thời và xem ra trong làng văn nước Nam ta từ cổ chí kim, những người được như ông chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay./.

Đỗ Ngọc Yên
Theo Văn học quê nhà

-----------------------------------

(1), Xem: vi.wikipedia.org/wiki/Chế_Lan_Viên‎

(2),(4) Xem Blog Nguyendaubac

(3), Đền Bayon nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom, Campuchia. Đây là ngôi đền ấn tượng nhất của kiến trúc đền núi Campuchia do sự hùng vĩ về qui mô cũng như về cảm xúc mà nó đem lại cho người xem. Ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ, trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara, hay còn gọi là thần Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng của Campuchia. Xem vi.wikipedia.org (Tiếng Việt)

 Từ khóa: chế lan viên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây