Lộng Chương - Người nghệ sỹ, chiến sỹ

Thứ tư - 20/11/2013 11:32 10.366 0
Lộng Chương (tên khai sinh là Phạm Văn Hiền) sinh ngày 5 tháng 2 năm 1918. Quê quán Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương. Trước năm 1945, là nhân viên phòng thí nghiệm, Sở Tổng thanh tra Nông Lâm, bắt đầu làm báo, viết văn. Từ kháng chiến chống Pháp, chuyển sang hoạt động sân khấu. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, nguyên ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật đợt II- 2000. Tác phẩm chính đã xuất bản: Hầu Thánh (Tiểu thuyết, 1942); Quẫn (Kịch, 1960); A Nàng (Kịch thơ, 1961); Cửa mở hé (Kịch, 1969); Quẫn (Kịch, 1984); Tình sử Loa thành (Kịch) và Kịch Lộng Chương (Tuyển tập, 1997)…

Ngày 26 tháng 6 năm 2003, Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương đi xa ở tuổi 86, đến nay vừa tròn 10 năm. Cả cuộc đời hoạt động của mình, Lộng Chương đã sử dụng “kịch nghệ” như một loại “vũ khí” hiệu quả nhất của người chiến sĩ, với tâm nguyện cống hiến hết mình cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước. Ngay tự thuở thiếu thời, tấm lòng và dòng máu sân khấu đã dẫn dắt Lộng Chương, khi ông còn là cậu học trò trung học, đặt bút viết vở kịch thơ đầu tay Gió ải Bắc, nói về Nguyễn Trãi tiễn biệt cha là Phi Khanh ở nơi biên ải. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, từ một tài tử “kịch nghệ”, Lộng Chương đã bị cuốn vào phong trào xóa nạn mù chữ - một chủ trương lớn của Cách mạng khi ấy- bằng cách cùng bạn bè trong Ban kịch Bình dân (Nha Bình dân học vụ) tổ chức diễn kịch tuyên truyền.

Giai đoạn kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Lộng Chương đã lăn xả làm mọi việc liên quan đến diễn kịch, nhằm tuyên truyền cổ động kháng chiến. Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, không thể dàn dựng những vở kịch lớn, dài hơi, Lộng Chương đã chọn loại hình kịch ngắn làm vũ khí chiến đấu và sử dụng nó hết sức hiệu quả. Với lối viết giản dị pha chút hài hước, mang nội dung giáo dục, tuyên truyền nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ, kịch của Lộng Chương đã nhanh chóng đến với đông đảo quần chúng. Từ năm 1948 đến 1954, trong điều kiện bộn bề của kháng chiến, ông đã cho ra đời 17 vở kịch ngắn với nhiều đề tài khác nhau; nhưng đều hướng vào một mục đích là đáp ứng kịp thời, sít sao những yêu cầu trước mắt của Cách mạng. Về đề tài chiến tranh du kích - vấn đề trung tâm của thời kỳ đó - Lộng Chương đã viết bốn vở: Lý Thới (1948); Du kích thôn Đồi (1952); Chiến đấu trong lòng địch (1954, Giải thưởng Văn học 1954-1955) và Đoàn quân tóc trắng (1954). Để phục vụ chính sách thuế công thương nghiệp, ông nhanh chóng sáng tác kịch ngắn Chỉnh lý. Thời kỳ đất nước tạm chia hai miền Nam, Bắc, ngay từ năm 1955, trước làn sóng đồng bào bị cưỡng ép di cư vào Nam, Lộng Chương lập tức cho ra đời một loạt tác phẩm Giữa đường, Mưu giặc, Nhỡ chuyến bay, Ma hiện, Đòi con… nhằm giác ngộ, nâng cao ý thức cảnh giác và kêu gọi đồng bào chống lại âm mưu của địch. Nói về thời kỳ hoạt động này của Lộng Chương, TS. Tôn Thảo Miên nhấn mạnh: “Toàn bộ những vở kịch của Lộng Chương…phản ánh tương đối đầy đủ thực tế xã hội lúc đó, cả về đấu tranh chính trị lẫn đấu tranh xã hội. Hầu như không có một biến động nào, lại không được phản ánh vào tác phẩm của Lộng Chương. Điều đó chứng tỏ ông là một tác giả hết sức gắn bó và lăn lộn với phong trào, đồng thời cũng là một nghệ sĩ có tinh thần trách nhiệm và thái độ dũng cảm khi đi vào những vấn đề mới. Chúng ta ghi nhận những đóng góp của Lộng Chương ở thời kỳ này bằng những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu cho nền kịch Việt Nam một giai đoạn… Cho đến nay, nhắc đến Lộng Chương, người ta vẫn không quên những vở như Lý Thới, Du kích thôn Đồi, Chiến đấu trong lòng địch, đã từng làm dư luận xôn xao một thời. Những vở đó thật sự có giá trị về mặt lịch sử. Đó là những cơ đồ vững chắc để khẳng định vị trí và vai trò của Lộng Chương trong hoạt động sân khấu từ đó về sau”...

Giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, tài năng của Lộng Chương mới thực sự nở rộ. Ngòi bút nghệ sĩ - chiến sĩ của ông xông pha trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội với những chất liệu tươi rói. Đặc biệt, tố chất hài trong ông đã dần rõ nét với những vở kịch vui phục vụ phong trào sản xuất, đả kích những hủ tục, thói hư tật xấu đời thường như Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Mối lo của cụ Cửu… chất hài thâm thúy, uyên bác, đầy sức chiến đấu của “Cây hài sân khấu số Một” Việt Nam đã được khẳng định bằng hai vở kịch Quẫn (1960) và Quẫn (1984) của Lộng Chương - như đánh giá của Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý “…đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và trở thành một vở hài kịch tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất của sân khấu cách mạng nước ta từ năm 1945 đến nay”. Một hài kịch khác cũng khá thành công của Lộng Chương là Cửa mở hé, mà ở đó, ông đã dùng tiếng cười để chích vào cái ung nhọt Ngụy quyền miền Nam và xu thế đi lên của lịch sử, của chân lý. Chất hài trong kịch của Lộng Chương dù biểu hiện dưới hình thức nào, nội dung nào, thì hai đặc điểm thời sự và trào lộng đều rất rõ nét và hoà quyện thành một thể thống nhất, tạo nên một phong cách riêng biệt; là điểm mạnh đầy sức chiến đấu trong sáng tác của Lộng Chương. Chiến đấu với giai cấp tư sản trong cái vòng tính toán luẩn quẩn trước công cuộc xây dựng xã hội mới, ông viết Quẫn, Đổi đầu heo... Chiến đấu với những thói hư tật xấu trong cuộc sống đời thường, ông có Hỏi vợ, Hoa giấy, Yểm bùa trừ sâu, úng… Chiến đấu với bọn xâm lược, tay sai, ông cho ra đời Bầu bán, Cửa mở hé, Ma túy... Sự kịp thời, nhanh nhạy khi Lộng Chương sáng tác những tác phẩm mang đầy tính thời sự chính là “…những chứng tích cho thái độ sống, thái độ chính trị và ý thức gắn bó với những vấn đề lớn của đất nước…” (PGS.TS Phan Trọng Thưởng).

Có một sự kiện lịch sử đã được báo chí kịp thời ghi lại, đó là khi nghe tin vụ thảm sát Phú Lợi, tác giả Lộng Chương (lúc bấy giờ đang mệt), đã thức trắng một đêm để hoàn thành kịch bản Chặn tay chúng lại! Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang kể: “…5 giờ sáng kịch bản hoàn thành. Ngay ngày hôm đó, dưới sự chỉ đạo của anh, chúng tôi đã tập vở kịch ấy bằng tất cả lòng say mê và sự căm thù, đau xót của mình... 5 giờ chiều vở kịch tập xong. 7 giờ 30 tối, xuống đường công diễn giữa phố Tràng Tiền - Hà Nội, trong không khí sôi sục của cả miền Bắc trước đau thương của đồng bào, đồng chí miền Nam... Đó là vở kịch đầu tiên, tiếng nói phẫn nộ đầu tiên của giới sân khấu trong những ngày đấu tranh đó… Lộng Chương đã có mặt như một người lính đi đầu với vũ khí chắc trong tay, sẵn sàng nổ những phát súng kịp thời và cần thiết”. Mặt khác, cùng với sở trường hài, thể hiện đỉnh cao là Quẫn, Lộng Chương còn là một trong số hiếm hoi các tác giả sáng tác được nhiều thể loại là Chèo, Tuồng, Cải lương, Rối... như A Nàng, Đôi ngọc lưu ly, Tình sử Loa thành, Cánh chim luân lạc, Đinh Bộ Lĩnh…

Về hoạt động sân khấu đa dạng và phong phú của Lộng Chương, Doãn Hoàng Giang viết: “Anh làm tất cả - tất cả những công việc gì có liên quan đến sân khấu. Anh làm với hết lòng mình, với hết sức mình, với tất cả những gì anh có. Anh bán đồ đạc gia đình để góp vào xây dựng một đoàn nghệ thuật. Ngôi nhà anh ở đã từng là nơi đi lại, ăn ngủ của mấy chục diễn viên nơi xa nơi gần. Với một chiếc xe đạp ở cái tuổi ngót nghét sáu mươi, anh vẫn đạp đi về dưới bom đạn của máy bay Mỹ, để đặt “những viên gạch đầu tiên” cho Đoàn Kịch Thanh Hoá. Anh vẫn đạp đi về con đường Hà Tây, Hà Bắc trong những ngày Mỹ bắn phá ác liệt để làm một “Tổng trấn lưỡng Hà” cho hai đoàn kịch nơi đó. Anh làm việc đến phát ốm không chịu ngơi”. Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu ước tính, số lượng tác phẩm của Lộng Chương phát trên chương trình Sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam “phải tới cả trăm”, càng chứng tỏ ý thức công dân và tinh thần trách nhiệm cao của một người cầm bút, như Chặn tay chúng lại, Ngô gia náo kịch, Mai sau, Bầu bán, Đêm trắng, Đêm hầm ngầm, Đường đạn thẳng...

Với mảng hoạt động báo chí, Lộng Chương cũng là tác giả của nhiều ký sự, phóng sự, hàng trăm bài văn vần, ca dao, nhằm động viên tinh thần chiến đấu và sản xuất của bộ đội, dân công, nông dân, công nhân… Ông viết văn vần, ca dao ở mọi nơi, mọi lúc; viết bằng nhiệt tình của anh trí thức giác ngộ cách mạng, bằng lương tâm và trách nhiệm công dân, bằng trí thông minh và sự nhạy bén của mình. Ông còn viết rất nhiều tiểu luận, lý luận phê bình sân khấu, đăng trên báo chí đương thời. Nói về Lộng Chương, có thể khẳng định rằng, cả cuộc đời ông đã sống hết mình vì một nền nghệ thuật chân chính, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhà hoạt động văn học, sân khấu, báo chí Lộng Chương - chính là sự hoà quyện bền chặt giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ - như nhận xét của GS Hà Văn Cầu: “…Con người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song anh vẫn còn mãi. Cái còn của anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội”.

Tác giả: Giang Trung Học

Nguồn tin: Văn nghệ

 Từ khóa: lộng chương

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây