Vụn vặt giữa đời, một chặng đường văn học của Trịnh Bửu Hoài

Thứ năm - 24/03/2022 03:48 892 0
Trong một ngày cuối năm 2018 tôi có dịp về Châu Đốc cùng anh em văn nghệ của tập san Quán Văn khi ra mắt số Quán Văn chủ đề chân dung văn học Trịnh Bửu Hoài. Trước khi chia tay anh tặng chúng tôi mỗi người một tập tạp bút Vụn vặt giữa đời. Tập sách dày hơn 800 trang do nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép. Khi nhận sách tặng tôi thầm nghĩ không biết bao giờ mình mới đọc xong tập tạp bút nầy vì đối với tôi nó quá đồ sộ.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Trong mùa Côvid năm nay, tôi có gởi tặng anh bộ sách thơ phổ nhạc 5 quyển và 2 tác phẩm mới in, anh gởi lại tặng tôi một số tập thơ của anh đã in trong những năm gần đây, điều nầy làm tôi rất vui bởi lẽ khi trở lại văn chương sau nhiều năm ngừng viết có lẽ tôi là người tiếp cận và đọc tác phẩm của anh rất trễ. Đặt mấy tập thơ mới nhận lên kệ sách nơi dành riêng cho các tác phẩm Trịnh Bửu Hoài mà tôi có được từ trước, tôi bắt gặp tập tạp bút Vụn vặt giữa đời ở đó, trong đầu tôi chợt có một suy nghĩ: Sao mình không dùng thời gian để đọc tác phẩm nầy một lần trọn vẹn nhỉ?

Tôi có một thói quen mỗi khi nhận một sách của bạn văn gởi tặng cho mình là đọc lướt qua bằng cách đọc nhảy cóc những bài thơ hay bài văn mà mình cảm thấy ấn tượng sau đó để vào kệ sách và nếu có thời gian sẽ đọc kỹ hơn. Tập Vụn vặt giữa đời của anh tôi cũng đã đọc như thế. Té ra khi bắt đầu đọc kỹ và nghiêm túc, tập tạp bút của anh viết không khô khan như ta tưởng mà nó lại hấp dẫn và lôi cuốn ngay từ đầu bởi những câu văn được viết bằng tình cảm, tấm lòng và sự chân thật không thể nào hơn được.

Như chúng ta biết nhà thơ Trịnh Bửu Hoài yêu văn chương từ nhỏ, cho đến nay anh đã xuất bản trên 50 tác phẩm gồm cả thơ lẫn truyện, tiểu thuyết, du ký, biên khảo… còn thơ văn in chung trong các sách khác thì nhiều lắm khó có thể kể hết được, nói như thế để thấy được việc sáng tác và cống hiến cho văn chương nước nhà của anh đáng nể biết bao nhiêu.

Đọc Vụn vặt giữa đời của Trịnh Bửu Hoài điều đầu tiên tôi rút ra được anh là một trong những người cẩn thận đối với văn chương, đã tập hợp những bài viết về thơ, truyện, tản văn mà anh cho là khá tiêu biểu vào một tập sách. Ngoài ra trong tập sách còn có những bài viết về một nhận định, chuyên đề mà anh tham gia hoặc để ý tới, những bài phỏng vấn của báo chí, nhà phê bình về thơ văn anh. Anh còn góp nhặt những bài viết nhận định về thơ truyện của anh từ các nhà nghiên cứu phê bình có tiếng tăm đến các bạn văn đồng nghiệp, đặc biệt anh rất trân quý những bài viết của lớp trẻ viết về mình, chính điều đó cho ta thấy anh luôn để ý lắng nghe các ý kiến khác nhau về tác phẩm để viết sao cho có tình có nghĩa với con người quê hương đất nước mà mình đang sinh sống tồn tại.

Tập tạp bút Vụn vặt giữa đời có hai nội dung chính: Phần đầu đề cập đường đến văn chương của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: Những ký ức về thời đi học, mối quan hệ trong gia đình, về trường học, về những người thầy ảnh hưởng đến niềm say mê văn chương của anh và trên hết là năng khiếu của anh sớm bộc lộ từ nhỏ được nhà thơ thủ thỉ tâm tình một cách cởi mở. Trong phần nầy Trịnh Bửu Hoài muốn dẫn dắt người đọc đến việc hình thành niềm say mê văn chương của anh từ đâu mà có; cũng ở phần “Trước khi vào sách” anh tâm sự một cách thật lòng: “Khi bước vào cuộc văn chương, tôi làm thơ, vì mê thơ… Thuở ấu thơ, nghe những lời ru của mẹ; thời tiểu học, học những bài ám đọc; tâm hồn tôi lâng lâng vì những vần điệu ru hồn ấy.”

Trong bài “Thời tôi đi học” ta bắt gặp một Trịnh Bửu Hoài với một tâm hồn ngây thơ trong trẻo khi để ký ức ngày tháng cũ ùa về khi nói đến những năm tháng thơ dại ấy: nói về cha, ông nội, cô út, ngôi trường sơ cấp Miếu Điền và những người thầy đầu tiên của mình với một lòng thương yêu và chính những mái trường mà anh đã trải qua từ trường tiểu học Mỹ Đức A, trường trung học tư thục Hòa Bình, trường công lập Thủ Khoa Nghĩa. Chính từ ngôi trường công lập nầy tình yêu văn chương của anh phát tiết và bắt đầu được thầy cô, bạn bè biết đến nên dù sau đó vì tình trạng quân dịch anh phải chuyển về Long Xuyên học các trường tư thục như Bồ Đề, Phụng Sự nhưng vẫn không quên tham gia viết báo, làm văn nghệ với các bạn bên trường Thoại Ngọc Hầu như anh kể trong bài “Thành phố Long Xuyên và tôi”.

Hình ảnh những người thầy giúp rèn nên nhân cách tình yêu văn chương cho anh sau nầy như thầy Phan Văn Nhựt, thầy Nguyễn Văn Hầu cũng được anh nhắc đến với lòng tưởng nhớ và kính trọng biết bao.

Trinh Buu Hoai sach
Vụn vặt giữa đời – tập tạp bút của Trịnh Bửu Hoài, NXB Hội Nhà văn

Tiếp theo tập tạp bút anh chọn lọc những bài tạp văn, du ký, biên khảo ngắn khác để đưa vào tập tạp bút, có lẽ những bài nầy ít nhiều anh chưa đưa vào các tác phẩm mình đã in, hơn nữa nó ghi đậm dấu ấn về một vùng đất đã cưu mang anh từ nhỏ và hình thành một nhà thơ Trịnh Bửu Hoài được nhiều người biết đến như ngày nay. Những kỷ niệm về mối quan hệ khắng khít trong gia đình được anh nói đến trong “Ký ức ngày xuân”. Anh tham gia nhiều cuộc hội thảo, bắt đôi chân mình phải đi không ngừng và ghi chép tỉ mỉ những nơi mình đã đi qua để có những bài du ký, những bài biên khảo có giá trị để giới thiệu đến mọi người về một vùng đất biên viễn miền Tây của đất nước đang từng ngày thay đổi: Một vùng công nghiệp không khóiNgười góp phần khai mở nền văn xuôi miền NamMột góc nhìn về tiểu thuyết đồng bằng sông Cửu LongNét đẹp người ChămĐua bò ở Bảy NúiChâu Đốc tân cươngTao đàn Chiêu Anh CácMiếu tiên sưThành phố ngã ba sôngThiên Cấm Sơn, huyền bí và thơ mộngVùng đất biên cương có nhiều sản phẩm du lịch trời choMiếu Bà Chúa Xứ núi Sam, một di tích tín ngưỡng dân gian độc đáo của vùng biên thùy Tây Nam bộ…

Anh còn có các bài viết thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết với bạn bè văn nghệ: Những người được anh nhắc đến có thể lớn hơn anh nhiều tuổi như nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Mai văn Tạo, Kim Đan, Kiên Giang, Mang Viên Long, Ngô Nguyên Nghiễm hay những người đồng trang lứa như Phạm Hữu Quang, Lâm Tẻn Cuôi, Nguyễn Thành Xuân, Tường Vân, Trung Nguyên, Tô Bửu Lưỡng, Dương Anh Chiến, Thùy Linh Thụy Vũ, Võ Chân Cửu… khi nói về họ anh luôn giữ được niềm tôn kính, thân mật gần gũi một cách chân tình. Chẳng hạn khi nói về Phạm Hữu Quang trong bài: “Giang hồ trong cõi thơ cõi người”  bằng mấy câu chí tình:

“Nhiều người thuộc và thích hai câu thơ trong bài Giang hồ của Quang:

 …Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

 Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

 Quang viết khiêm tốn vậy thôi, chứ Quang đi giang hồ là giang hồ thiệt. Mê bạn, khoái rượu, thích ăn ngon… quên cả đường về. Quang chịu đi là cạn túi mới quay về.

Tôi vẫn chơi thân với Quang, dù tính cách hai người khác nhau, chỉ có một điều chúng tôi gặp nhau: mê thơ, và biết trọng nhau dù trong hoàn cảnh nào. Quang và tôi vẫn đối xử với nhau một mực như thuở ban đầu.”

Tôi vẫn nhớ như in bài thơ “Bạn tôi” trong bài “Người bạn thơ bạc mệnh” khi anh viết về Lộc Vũ:

Bạn dừng chân phiêu bạt

Về bên bến quê buồn

Quanh năm nghề hạ bạc

Neo đời một khúc sông.

“Từ úa vàng tâm sự đến trái tim không già” nói về nhà thơ Kim Đan với bao kỷ niệm khi làm tờ tập san Khuynh Hướng số 1, Giật mình tóc trắng như sươngMãi mãi những bóng hìnhHương từ góc khuất bay xaKhông thể nào quênVĩnh viễn là người phương xa cũng thể hiện những hoài niệm về tình bạn chân thật đậm nét tâm tình biết bao.

*

Phần hai anh gọi là phần phụ lục gồm hai ý: phỏng vấn và tình văn.

Nói là phần phụ lục nhưng theo tôi nó không kém phần quan trọng khi muốn tìm hiểu về con đường văn chương của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Để nắm bắt được hai ý nầy tôi nghĩ các bạn nên đọc lại cảm nhận của anh được in trên tai trước và tai sau của bìa sách:

– Tôi viết để trút tâm sự của mình lên trang giấy, để chia sẻ cảm xúc với những người đồng cảm, để đem cái đẹp mình cảm nhận được đến với mọi người.

– Tôi làm thơ là để giãi bày nỗi lòng của mình. Một phút trải lòng trên trang giấy tôi thấy mình được sống thêm một chút trong đời sống tinh thần; thả được nỗi buồn xuống trang giấy thấy lòng mình nhẹ đi… Tôi làm thơ bằng cảm xúc, nên trước hết thơ là của riêng tôi, sau đó thơ sẽ là của những ai có sự “gặp gỡ” với nỗi niềm của tôi. Mỗi người làm thơ đều có độc giả của riêng mình. Không thể làm thơ bằng “trái tim tập thể” để cầu mong có số lượng độc giả là “mọi người”.

– Thời đẹp nhất của mỗi người rồi cũng qua đi, ta hãy sống hết mình bằng trái tim cháy bỏng để sau nầy không phải quá nhiều luyến tiếc…

– Với nghề: “Với tôi, nghề văn cũng như mọi nghề khác trong xã hội, chỉ khác nhau ở chức năng mà thôi. Nghề nào cũng có nhân cách và tài năng. Ai giỏi nghề thì đắt khách. Ai có lương tâm thì tồn tại.” Trong văn chương lòng đố kỵ luôn làm cho con người trở nên thấp kém và cũng tự hủy hoại sự nghiệp mà mình đeo đuổi. Bản thân tôi cũng bị những kẻ như thế làm hại mình nhưng mình vẫn đứng lên được trên đôi chân của mình.

Và trong bài viết ngắn “Trước khi vào sách” anh có viết: “Tôi là người cẩn trọng giữ gìn bản thảo không những của mình mà của cả bạn bè… Và tôi cũng rất cảm động khi đọc lại những bài bạn bè, đồng nghiệp viết về mình dù những nhận định, cảm xúc chủ quan hay khách quan, dù chính xác hay không, tôi đều trân trọng tấm lòng bè bạn, đồng nghiệp đã dành cho mình, xem đó là những động lực quí báu, những việc làm đầy ý nghia góp sức cho tôi đi tới con đường dài không bến đỗ. Tôi cũng xin đưa vào tập sách nầy trong phần phụ lục như một kỉ niệm trong đời cầm bút, dù nó rất riêng nhưng cũng không có gì quá đáng khi được mọi người chia sẻ”.

Ở điều nầy thì tôi rất đồng tình với ý kiến của anh, nên khi đề cập tôi chỉ xin được trích dẫn một số lời phỏng vấn hay cảm nhận về tình văn của đồng nghiệp, bạn bè dành cho anh mà không thêm thắt hay chen vào ý kiến riêng của mình để nó khách quan hơn.

Phần phụ lục phỏng vấn ta bắt gặp một số tên tuổi thân quen trên văn đàn như: Đynh Trầm Ca, Đoàn Thạch Biền, Phạm Chu Sa… Cho thấy độc giả dành thiện cảm cho anh rất nhiều, lứa tuổi tìm đọc sách của anh được lớp trẻ đọc nhiều hơn người lớn, tôi cho đó là một thành công của anh và anh lí giải về điều nầy: “Tôi viết về đề tài tình yêu… Tôi đã sống trong thế giới tình yêu từ thời học sinh, và đó là thời đẹp nhất của đời tôi, nên đã có ít nhiều ảnh hưởng đến trang viết của mình. Trong tiểu thuyết của tôi thường có những chương thuần túy tình yêu, mơ mộng, mô tả những cảnh đùa vui, vô tư của tuổi trẻ. Độc giả lớn tuổi cho rằng những đoạn nầy không cần thiết, nhưng các bạn trẻ thì rất thích. Tôi nghĩ, văn học không chạy theo thị hiếu, nhưng không thể không cần độc giả.”

Cũng qua các bài phỏng vấn ta bắt gặp một Trịnh Bửu Hoài suy tư về sự phát triển của văn chương, về vùng đất mà anh khi đó với cương vị chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang trả lời nhà văn Đoàn Thạch Biền đăng trên tập san Áo Trắng số 61, tháng 3-2002: “Để có lực lượng kế thừa, chúng tôi luôn quan tâm phát hiện và bồi dưỡng các cây viết từ cơ sở, trong đó nguồn lớn nhất là trong trường học. Chúng tôi đã tổ chức giải thưởng văn chương Thủ Khoa Nghĩa hằng năm trong các trường trung học, hiện nay đang phát động giải lần thứ 9. Qua giải nầy chúng tôi đã có một số cây viết trẻ triển vọng và đang trưởng thành như: Trí Tính, Ngọc Diệp, Trương Thị Thanh Hiền, Đặng Ngọc Kiều Oanh, Nhâm Quí Phương… Câu lạc bộ Văn thơ của trường đại học An Giang đã có nhiều buổi giao lưu với văn nghệ sĩ của hội. Chúng tôi dự định sẽ liên kết với trường để in tuyển tập thơ văn của sinh viên.”

Và anh đã có lời nhắn gởi đến các bạn đọc Áo Trắng khi phóng viên Hồ Quốc Nhạc đề cập đến mà tôi nghĩ cũng là lời nhắn gởi chung đến lứa tuổi học sinh đang tràn đầy sức sống có những ước mơ đang ấp ủ thực hiện: “Tôi xin nói riêng với các bạn đang mặc áo trắng, đang sống trong tuổi hoa niên: Thời đẹp nhất của mỗi người rồi sẽ qua đi, các bạn hãy sống hết mình bằng trái tim cháy bỏng để sau nầy không quá nhiều luyến tiếc…”.

Trong phần phụ lục 2 Tình Văn: Đây là phần nhà thơ Trịnh Bửu Hoài góp nhặt lại những bài viết về thơ, tiểu thuyết, bút ký, biên khảo của anh… được các nhà nghiên cứu phê bình, các bậc đàn anh, bạn đồng nghiệp, ngay cả các bạn viết trẻ đang tập tành vào văn chương anh cũng trân trọng đưa vào, bạn đọc có thể thấy ở bìa sau của tập tạp bút nầy nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã lược trích những nhận định về thơ văn của anh của các nhà thơ, nhà văn có mối quan hệ gắn bó với anh nhiều năm nay, nên ở phần nầy tôi cũng chỉ làm công việc của người trích dẫn lại những lời nhận định khác còn lại nhằm làm nổi bật thêm tình cảm và những nhận định khác về văn chương của Trịnh Bửu Hoài mà thôi:

– Theo Lục Tùng: Thơ Trịnh Bửu Hoài thường nhẹ nhàng như tiếng sương buông, như hồn thu phả vào hồ tĩnh lặng… nhưng gợi cho ta những bất ngờ thi vị:

Một vầng trăng

Rụng xuống đồi

Cỏ năm giếng nước

Cùng phơi bóng vàng

Một mình em

Giữa nhân gian

Có nghìn giếng mắt

Cùng mang nỗi buồn.

(Ngũ Hồ Sơn)

– Hồ Ngọc Mân cũng có nhận xét khá hay về thơ thiếu nhi của Trịnh Bửu Hoài qua bài viết “Thơ cho tuổi thơ của Trịnh Bửu Hoài”:

“Thơ thiếu nhi của Trịnh Bửu Hoài mang được chất tươi trẻ, hồn nhiên, trong sáng, nhí nhảnh của tuổi thơ. Bằng hình ảnh chân thực thiết tha của một thanh niên đối với các em thiếu nhi, Trịnh Bửu Hoài đã sáng tác được nhiều bài thơ hay.”

– Nguyễn Thanh Nhã có nhận định về truyện, du ký của anh:

 “Ngoài thơ, tôi cũng đã đọc một số truyện dài, truyện ngắn, du ký của Trịnh Bửu Hoài như Tình yêu trong veoMùa hội víaNon nước Hà TiênVề lĩnh vực nầy anh cũng có biệt tài với lời văn ngắn gọn, bố cục chặt chẽ dễ cuốn hút người xem và nhất là ý tưởng trong sáng trong cốt truyện, gần gũi đời thường không xa rời thực tế.”

(Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, người con của vùng đất trù phú An Giang)

– Trong bài “Vài cảm nghĩ khi đọc Thơ thời áo trắng của Trịnh Bửu Hoài” của Lê Minh tôi bắt gặp cảm nghĩ đồng điệu: “Thơ thời áo trắng của Trịnh Bửu Hoài có sức truyền cảm lạ lùng: vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng. Tập thơ chẳng những hấp dẫn  người đọc bằng hình thức trình bày trang nhã, tươi tắn mà suốt 45 bài thơ đã tỏa ra một cảm tình dạt dào, long lanh, trong sáng. Nói cách khác, toàn tập thơ được ướp toàn một chất men tình đằm thắm, dễ làm say đắm lòng người.”

– Trong bài “Trịnh Bửu Hoài, nguồn thơ như dòng chảy êm đềm, bất tận của những nhánh sông rạch đồng bằng, hiền hòa và long lanh vẻ đẹp”,  Nguyễn Lang Quân cũng có nhận định về thơ tình của anh: “Thơ tình của Trịnh Bửu Hoài là một nhịp thở nhẹ nhàng, đầm ấm, ngát hương tình ái. Với tình yêu, anh không có thái độ thống thiết kêu gào, hay bi lụy, thở than, mà lúc nào anh cũng nhìn người tình qua ánh mắt long lanh của một kẻ tình si đầy ngưỡng vọng”.

Nhà thơ trẻ Vĩnh Thông khi cảm nhận về tập thơ Ký ức của anh cũng có lý lẽ riêng của mình: “… Có lẽ tập thơ Ký ức là một tác phẩm khá ấn tượng trong số “gia tài” văn chương của Trịnh Bửu Hoài tính đến nay. Ấn tượng bởi một lẽ, tập thơ đầy tâm sự, hoài niệm với quê hương, với bạn bè, với những vùng đất mà tác giả đã đi qua trong hơn nửa đời người, đúng như tên của nó: Ký ức.”

Nói thật lòng nếu nhà thơ Trịnh Bửu Hoài không xuất bản quyển tạp bút Vụn vặt giữa đời thì những người yêu văn thơ của anh có thể không nghĩ đến những tác phẩm của anh xuất bản được nhiều đến thế, anh có thể phóng bút viết nhiều thể loại từ thơ, truyện ngắn, bút ký, du ký, biên khảo mảng nào anh cũng để lại những dấu ấn đậm nét khó phai, nhưng anh vẫn luôn trung thành với một thể loại gắn bó với anh từ thời đi học: đó là thơ. Đối với tôi, thơ Trịnh Bửu Hoài, dù sáng tác qua rất nhiều thời gian khác nhau, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, tuổi tác vẫn luôn luôn trong trẻo, hồn nhiên, dòng thơ của anh như một dòng chảy chuyên chở phù sa màu mỡ tưới mát cho cánh đồng văn chương chữ nghĩa mang đậm tình yêu quê hương, tình người, tình bạn mang đậm nét hiền hòa hồn hậu người dân miền Thất Sơn một thời là vùng biên viễn xa xôi của đất nước.

Và người quan tâm có thể khái quát sự nghiệp văn chương của anh qua các bài phóng vấn, những bài cảm nhận, phê bình nghiên cứu các tác phẩm văn học của anh qua ngòi bút của các bạn văn gần xa từ Bắc vào Nam, như vậy Vụn Vặt Giữa Đời chẳng phải là một tác phẩm cần thiết đối với những ai yêu văn thơ của Trịnh Bửu Hoài hay sao?

Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 11.2020

Tác giả: Nguyễn An Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây