Nhà thơ Thanh Thảo: Người lập kỷ lục guinness cho thơ Việt

Thứ ba - 15/02/2011 01:04 4.409 0

Nhà thơ Thanh Thảo: Người lập kỷ lục guinness cho thơ Việt

“Với những tìm tòi bền bỉ nhằm cách tân thơ Việt, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ lớn của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại và đáng chú ý.”
Trên con đường tìm kiếm cái mới, nhà thơ Thanh Thảo không bao giờ là người ngoài cuộc. Trong khi anh đang trăn trở thể nghiệm thì không ít người chỉ muốn anh quay trở lại với những giá trị đã làm nên tên tuổi của anh thời chiến tranh. Nhưng Thanh Thảo không chịu ngủ quên trên thành tựu của những giá trị cũ. Bằng tài năng thơ và một nỗ lực không chịu bất lực của mình, mấy chục năm qua, Thanh Thảo vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng của một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc và mảng đời sống thơ đích thực trước đây anh chưa có thời gian khai phá đến. Tôi cho rằng trong con- người- thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo lớn luôn thôi thúc anh, luôn cày xới anh, luôn vắt kiệt anh ở những bến bờ mới: “Với hai cây bút/hai chiếc đũa/tôi đi tìm nguồn nước/chậm và lặng/kìa ngọn bút hơi run/thở từng nét mực/tôi biết mình đang khô hạn/chậm và lặng/Ngày trẻ/ tôi tiêu những ngày của mình như mưa xuống cát/bây giờ tôi dè sẻn từng chiếc lá trên cành/cái hộp diêm nhốt dế than tôi nhốt chút hơi ấm mùa đông/chút gió mát mùa hè/cái hộp diêm sờn mờ nhãn hiệu/qua mặt tôi một đứa bé chống nạng tập đi lúc năm giờ sáng/một chiếc xe tải xả khói đen vào thiên niên kỷ mới/một người đàn bà mất trí nhớ chạy về ánh đèn đường/phía sau lưng rạng đông/những con thiêu thân tạm dừng cuộc kiếm tìm/Bây giờ tôi biết/những thế giới khác cũng thế thôi/như con chim tập yêu chiếc lồng của mình/nhưng không cần tập hót”.

Trong cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, có khi người làm thơ cảm thấy mình đang bay vào cái vùng bóng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối-sáng ấy, chúng ta sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, về thời gian, về sự tồn tại của con người. Và ở trong vùng tối thẳm sâu vô thức ấy, những câu thơ chợt đến như một giấc mơ và một mình nó làm một cuộc viễn du vượt ra khỏi mọi thể chế về ngôn ngữ để độc hành trong sáng tạo. Hành trình ấy đã được Thanh Thảo ghi lại trong bài thơ “Viễn du” sau đây:“Giữa ban ngày giấc mơ đưa ta vào bóng tối riêng của ánh sáng/một bóng tối khu biệt với thực tại nhưng là một thực tại//như con bò gặm ánh chiều một mảng lưng vàng nắng một mảng lưng sẫm /hoàng hôn/những đường biên mập mờ/hoà trộn chia tách hoà trộn/ta sống bất chợt từ vùng này sang vùng khác những cuộc viễn du dễ dàng không tốn kém/những cuộc viễn du một mình mơ màng bất động khoái trá không thua gì /những tour du lịch/những cảnh sắc lập lờ/những hành lang hun hút/đưa anh gặp những người thân đã khuất/xin đừng /khoan những mũi khoan làm đứt  gãy cuộc viễn du”.

Theo tôi, Thanh Thảo là một tài năng không chịu đựng nổi những con đường mòn cũ, quen thuộc trong thi ca. Và bởi tính năng động trong sáng tạo của con người thơ anh luôn bật lên những ý tưởng, những khát khao khám phá. Trong bài thơ “Và ông đã đánh thức tôi, Ginsberg…”, Thanh Thảo đã viết thế này: “ Không ai tái chế nước mắt nỗi đau, dù để làm nên những trang sách. Ông đã đánh thức tôi, thô bạo như gã cảnh sát đánh thức người ăn mày nằm mơ trên ghế đá công viên, tôi dụi mắt ngơ ngác tưởng mình đang mơ tiếp giấc mơ khác. Con đường tôi đi ngắn dài vô nghĩa, nhưng tôi chờ, trong khi chờ tôi chìm vào những giấc mơ, những trang báo rẻ tiền, vung chữ chữ nghèo cực đổi dăm hào, tung những chiếc lá không- xanh- mãi. Mùa hè này quá gay gắt, tôi thật mệt mỏi. Ông đã đánh thức tôi, Ginsberg, tôi đứng lên như buổi sáng, đứng lên tiếng gào, đứng lên màu xanh chiếc lá không xanh mãi. Chúng ta sống không vô tận nhưng biết làm gì hơn trong khoảng thời gian câu thúc này. Những tiếng gào trong máu, những tế bào nổi loạn, những tế bào chưa kịp thành u, nhưng có sao đâu. Tôi biết những kẻ phân phát thuốc trường sinh, những kẻ lén đặt vào ngực người khác dăm trái mìn hy vọng, họ làm thế giới này rùng mình trước khi nó chìm lại vào giấc ngủ. Những kẻ mà sứ mệnh chỉ như con ruồi trong bát canh. Tôi đang ốm, nhờ nắng xanh cứu rỗi. Ông đã đánh thức tôi đúng lúc, giờ mặt trời khẳng định, những cánh tay nắng vươn tới tôi. Giờ tôi bất động như một đoá hướng dương bằng nhựa đầy bụi bặm”.

Sau khi đọc bài thơ viết năm 1998 nói trên của Thanh Thảo, tôi cảm thấy hình như Ginsberg không phải chỉ đánh thức Thanh Thảo mà chính Thanh Thảo đã đánh thức chúng ta bằng một cái nhìn thành thật đến cay đắng. Bởi một lẽ trên thế gian này, trong cuộc hành trình dâu bể này: “Khôngai tái chế nước mắt nỗi đau, dù để làm nên những trang sách”. Không hiểu vì sao câu thơ này thi thoảng lại rung động trong tôi một thứ gì đấy mằn mặn, nhói đau như nước mắt. Dù tìm tòi, cách tân kiểu nào đi nữa  thì thơ Thanh Thảo vẫn là một dòng nội tâm đậm đặc những suy tư trằn trọc với đời sống này, quê hương này, lớp người này, tâm thế này… Ông không thể “đứng ngoài cuộc” dù chỉ với một “Chiếc lá”: “Một ngày nào đó/Cây xanh chìa cho anh chiếc lá/Viết mấy chữ lờ mờ/Như thể anh cùng họ với cây/Buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày/Chiếc lá có gì muốn nóiMột ngày nào đó”. Trong một đêm sâu nào đó, dưới một bầu trời sao nào đó hoặc trong một ngày nắng chói chang nào đó, bên một bát khoai khô nấu mật, bên một người mẹ gầy như ban mai… vẫn còn thao thức một Thanh Thảo luôn canh cánh trước những bần hàn, nghèo khó của quê hương.

Tập thơ Metro của Thanh Thảo là tập trường ca thứ 9 (trong số 15 tập thơ) đã xuất bản của ông. Có thể nói, Thanh Thảo đã lập một kỷ lục ghi-net về trường ca trong thơ Việt Nam đương đại. Trong đó, phải kể đến tập trường ca “Đêm trên cát” trước đây của ông đã từng được giới phê bình và công chúng thơ coi như một đỉnh cao của nghệ thuật thơ trường ca trong suốt mấy chục năm qua.

Lần này, với trường ca Metro, nhà thơ Thanh Thảo đã làm một cuộc hành trình trở lại với quãng thời gian trai trẻ của ông trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở Trường Sơn với một cái nhìn có độ lùi sâu hơn và chiêm nghiệm hơn về số phận con người và đất nước: “Tôi đi qua con đường ấy chỉ một lần/có thể yêu nhiều nhưng chỉ một lần/có một lần phiền người khác phải khiêng mình trèo đèo tụt dốc/sốt rét nhiều lần nhưng có một lần đầu/ sinh nhật 63 lần nhớ một lần/và con đường ấy chỉ một/ tôi được gì không?chẳng được gì/hàng triệu người đi qua con đường này cũng thế/có những cái mất là được/có nhiều cái được mất nhiều hơn/có sự yên lặng tuyệt đối  nào bằng những ngôi mộ giữa Trường Sơn/năm mươi năm một trăm năm và hơn thế/ những người lính mười tám tuổi/ nằm giữa những khu rừng triệu năm/những khu rừng biệt tăm/không cuộc tìm kiếm nào tới được”.

Thanh Thảo đã mở đầu tập trường ca của mình bằng những câu thơ lặng lẽ thấm thía và xót đau như vậy. Ngay ở chặng ga đầu tiên của Metro, hình ảnh những người lính trong “chuyến tàu trận mạc” đã vĩnh viễn nằm lại dưới một Trường Sơn đại ngàn lại nhắc nhở chúng ta về những năm tháng thương đau ấy. Những người lính trẻ đã đi vào chiến tranh, đi vào cái chết với một chân dung hồn nhiên và trong trẻo nhất của thế hệ mình: “không ai đủ sức trả lời/ dù còn cả cuộc đời trước mặt/ năm 26 tuổi tôi “thử hỏi về hạnh phúc”/với những hồn nhiên trong trẻo nhất/nhưng hạnh phúc là gì tôi không biết/là cái bóng của lặng im/là cái bóng của cái cái bóng cây bằng lăng cây bồ đề/nửa đêm chợt thức giữa rừng già/một tiếng gì khẽ rơi/hạnh phúc”. Câu hỏi về hạnh phúc trong những năm tháng ấy mãi mãi nằm lại với tuổi trẻ của những người đã lặng lẽ dâng hiến máu xương mình trong cuộc chiến tranh giải phóng: “nhưng hạnh phúc là gì?câu hỏi này của chị Dương thị Xuân Quý/người hỏi không thể tự trả lời/vì chuông đã rung/hết giờ”. Một câu hỏi chưa có lời đáp cứ cứa mãi vào tâm khảm những người còn sống hôm nay.

Cũng thao thiết và xa xót như thế, hình ảnh những người con gái ở Trường Sơn những năm tháng ấy cứ cồn cào, thao thức dưới những mạch ngầm trong hành trình của Metro qua từng sân ga: “những cô gái ngày ấy thường chân ngắn/có lẽ họ leo dốc nhiều quá/mang ba lô lâu quá/gùi cõng gạo nặng quá/nếu tôi nói những cô gái ngày ấy đẹp hơn những cô gái 8X 9X chân dài/nhiều người sẽ không tin tôi/có lắm sự thật/bao cách nhìn/ Trường Sơn chỉ một”. Và ở một chặng ga sau, những cô gái thanh niên xung phong đã gửi lại tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình ở chiến trường giờ lại trở về với nỗi đau đời thường không dễ gì chia sẻ: “Chúng ta đã qua ga nào nhỉ?em gái thanh niên xung phong bức thư viết vội: mai em lên đường chúc anh nhiều may mắn/có thể là anh may mắn hơn em/những cô gái sau này xuống tóc/những cô gái gõ mõ chuông lương vương khói hương trong trường ca Phạm Tiến Duật/họ đi từ cửa rừng tới cửa Phật/xin một chút an bình/ dứt căn duyên/quên đi tình yêu quên đi chồng con/cây bằng lăng hay cây bồ đề/ cây nào chẳng là cây hạnh phúc/hay là em may mắn hơn anh”.

Theo tôi, có thể nhận thấy, hành trình lặng lẽ của Thanh Thảo trong trường ca Metro chính là hành trình của nỗi đau qua từng ga, qua từng chặng đường khốc liệt của cuộc chiến tranh hơn ba mươi năm về trước. Những khuôn hình, những khoảnh khắc, những chân dung của năm tháng ấy chạy trong “lằn ray” hồi tưởng của nhà thơ như một chuyến tàu đầy ưu tư và mệt mỏi để tìm cách trả lời và lý giải như trong đoạn thơ sau: “chẳng ai muốn sống mãi trong rừng/nhưng bạn tôi đã từng bị bỏ quên/ở một góc rừng nào đó/ngày mọi người hối hả kéo nhau về Sài Gòn ăn nhậu/bạn tôi một mình hớp chút ánh trăng qua kẽ lá/anh giữ kho hàng khi tất cả lãng quên/sau 34 năm/tôi một mình mở kho hàng anh giữ/những thùng đạn đại liên đựng toàn nỗi nhớ/những thùng gỗ quân nhu lương khô/không phải chất những bánh 701,702/mà tuyền những hạt gì tròn tròn trong trong/trên những con đường giờ đây cao tốc/ngày ấy em tôi trĩu lưng gùi cõng/những thùng gỗ đựng toàn những hạt/tròn tròn trong trong của mẹ của vợ của người yêu, tất tật/nước mắt”.                         

Những năm sau chiến tranh, một Thanh Thảo với những tìm tòi mới trong thơ lại bắt đầu khuấy động thi đàn. Có người đánh gía cao những đóng góp của ông trong mảng thơ viết về chiến tranh, nhưng cũng có người cho rằng mảng thơ sau chiến tranh của ông với những nỗi đau đời sống thường ngày, với những trăn trở cách tân cho thấy một diện mạo sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về thơ Thanh Thảo. Tôi thì cho rằng ở giai đoạn nào cũng vậy, Thanh Thảo vẫn là một tài năng thơ đích thực với một trái tim luôn nồng nhiệt, chân thành, chia sẻ với mọi mất mát và bất bình trước mọi giả trá, bất công và bạo lực. Có ai đó nói, trong suốt ba chục năm qua, con người thơ của Thanh Thảo vẫn là con người sáng tạo của những trường ca lớn, tôi thấy điều ấy không sai, vì có thể hơi thở máu thịt chính của đời thơ ông là hơi thở của trường ca. Nhưng tôi lại thấy một điều gần đúng, cũng trong thời gian trên, với những tìm tòi bền bỉ nhằm cách tân thơ Việt, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ lớn của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại và đáng chú ý.

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây