Nhà văn Lê Anh Hoài - Tay chơi thứ thiệt!

Chủ nhật - 20/02/2011 08:43 3.478 0

Nhà văn Lê Anh Hoài - Tay chơi thứ thiệt!

Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, người quản lý, nghệ sĩ thị giác, chuyên gia gỡ rối tơ lòng... là tất cả những nghề mà Lê Anh Hoài đang làm. Với gã, nghỉ ngơi không có nghĩa trốn vào một khoảng trời vắng vẻ mà ngẫm nghĩ sự đời, chẳng phải đào thoát khỏi phố phường chật chội để lơ đãng với núi cao biển xanh... mà chính là chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác.

Trước khi làm báo vào năm 1990, ít ai biết trước đó Lê Anh Hoài từng là nhạc công, chơi guitar trong một ban nhạc sinh viên (có cả Huy MC là thành viên) chuyên phục vụ đám cưới, hội diễn, lễ lạt... Đời nhạc công kéo dài đến 5 năm, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như có lần, ban nhạc chơi hai đến ba ngày cho một đám cưới trên Phú Thọ. Vừa làm việc, vừa nhậu, vừa quậy... Sáng hôm sau, khi tiệc cưới tàn, các chàng tỉnh dậy, ngơ ngác thấy cả lũ đang trên giường... tân hôn của cô dâu chú rể trong khi hai nhân vật chính phải kiếm chỗ ngủ ở nơi khác.

Tốt nghiệp Đại học An ninh nhưng Lê Anh Hoài lại theo nghiệp báo. Nơi khởi sự ban đầu của gã là tờ Văn hóa & Ngh thut (báo Văn hóa ngày nay) với các bài phóng sự nhưTàu ngược ph Lu, kể về những điều chứng kiến trong hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai hoặc sự xuống cấp thảm hại của Văn Miếu - Quốc Tử Giám lúc bấy giờ... Khi nhàn tản, song song với viết báo, hứng chí lên, gã làm thơ, viết tản văn (đời trai trẻ đang dư dả cảm xúc) dù biết thừa viết xong cũng để quẳng xó, chả để làm gì!

Năm 1999, gã quyết định để các sáng tác “hạ sơn” bằng cách cho ra đời một tập thơ. Những giấc mơ bên đường (mà có tờ báo thay bằng cái tên hết sức... cách mạng: những giấc mơ lên đường) gồm một loạt các bài theo thể thơ tự do, mà tôi đồ rằng bảo đọc lại, ắt hẳn Lê Anh Hoài không nhớ được trọn vẹn bài nào. Có lẽ gã không đủ tự tin đến thế nếu như nhà thơ/ nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan thuyết phục:

- Sao làm ra nhiều thơ thế mà không in?

- Thơ in ra thì ai đọc?

- Sao ông lại nghĩ thế?

Cứ lằng nhằng như vậy mất đứt một năm, Lê Anh Hoài thấy cũng bùi tai và gửi “con cái” cho Nguyễn Chí Hoan chọn lựa, biên tập.

Chuyện tình mùa tạp kỹ, cuốn tiểu thuyết đầu tay sáng tác mất hơn một năm, viết trộm trong giờ làm việc của cơ quan, được in năm 2007 sau hai năm đi từ NXB này đến NXB khác để rồi dừng chân ở NXB Đà Nẵng (mới đây Chuyện tình mùa tạp kỹ được tái bản, cũng sau hai năm lận đận tưởng không xong nổi, “bị” chính tác giả đổi sang cái tên khá thị trường: @ tình). Tập truyện ngắn Tẩy sạch vết yêu đồng ra đời luôn vào năm 2010, đóng thêm một cái dấu cho chặng đường 10 năm viết văn của gã.


Lê Anh Hoài bên một tác phẩm sắp đặt với xe máy trong Ngày thơ Việt Nam

Gắn “mác” nhà văn (gã là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), thế mà bạn bè chủ yếu lại là dân họa sĩ, cặp kè với nhau khá lâu năm, ngoài chia sẻ công việc, chủ yếu là nhậu nhẹt, tán gẫu. Lê Anh Hoài ham vui, dễ rủ đi chơi tụ bạ, có thể ngồi hàng quà vặt với hội đàn bà con gái vài tiếng đồng hồ, chạm chân đến đâu, gọi gã đến đấy, ngồi chưa ấm chỗ gã có mặt ngay. Ấy thế nhưng, gã chỉ nhiệt tình vậy với bạn quý. Hẳn thế, nên một tay thơ thẩn vừa quen trong festival Huế vừa rồi từ trong Nam “phượt” ra ngoài Bắc tìm đến gã, gã quẳng ngay cho chiếc xe Wave “Thơ chim” - phương tiện lê la thiết thân, sản phẩm từ sân chơi sắp đặt thơ Trẻ, rằm tháng Giêng - mặc tay này lượn cả mấy tuần không thấy mặt, để tành tạch đi con Minsk mù khói.

Cũng từ chơi với bạn họa sĩ, đến năm 2007, gã quyết định “dấn thân” vào làm nghệ thuật đương đại. Tôi là cột điện (performance art) vào tháng 7/2007 là tác phẩm đầu tiên. Chuyện gã mặc quần áo bảo hộ lao động, đầu giờ chiều đứng nghiêm như trời trồng ở góc đường Lê Văn Lương, cho bạn bè lẫn người lạ đi qua dán giấy lộn, áp phích quảng cáo vào người, để trẻ con đái vào chân cũng được bàn tán trên báo, mạng. Gã có vẻ tâm đắc với “màn” ấy lắm, nên trong tay gấp tập truyện ngắn mới ra “lò”, thay vì hình chân dung một anh nhà văn điển trai (gương mặt hiếm hoi sáng láng giữa dân nam văn nhân hiện nay): tóc rủ, đeo khuyên, các nét mặt mũi mồm lẫn da dẻ được photoshop kỹ càng như người ta thường thấy, gã thay bằng cái ảnh chụp thiếu sáng, mặt mày lem nhem, quần áo bẩn thỉu lấy từ chùm ảnh tư liệu bạn bè chụp lại, Tôi là cột điện. Lòng tràn cảm hứng, trong ba năm tiếp theo, gã cho ra liên tiếp: Tiến lên (sắp đặt); Đồng Cu (thực hiện với hai nghệ sĩ khác - một tác phẩm tổng hợp giữa trình diễn, sắp đặt, vẽ trên cơ thể, trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường, nhạc bán cổ điển...); Nhu cầu (sắp đặt); Thời đại công nghệ (trình diễn, body painting). Mới đây nhất, gây dư luận, bên cạnh màn trình diễn Bay lên của nghệ sĩ Lại Diệu Hà là hình ảnh anh chàng nhà văn của chúng ta “truổng cời”, đọc sách trong toilet giả, lồ lộ giữa khán phòng không vách che trong tác phẩm Wc.doc (sắp đặt, trình diễn)...

Tạm chưa đánh giá gì ở chất lượng từng tác phẩm Lê Anh Hoài mang đến, nhưng số lượng tác phẩm gã làm chẳng kém cạnh những tay xuất thân từ hội họa được trang bị kiến thức nền về nghệ thuật thị giác, đồng thời khẳng định thêm việc, các anh họa sĩ có thể viết thơ, làm văn, sáng tác nhạc thì tôi - người thuần túy sống và kiếm tiền bằng viết lách - cũng có thể làm nghệ thuật thị giác như ai. Trong làng văn, ngoài cây bút Nhã Thuyên chỉ dám mon men đến “Thánh địa” (hay nghĩa địa?) đó, Lê Anh Hoài là tay chơi thứ thiệt, dám lao thẳng vào với tốc độ lốc xoáy, mọi sản phẩm đều làm tay bo, không buồn xin tài trợ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và danh tiếng gã thu được từ “sự ngơi nghỉ - hoán đổi việc” này lấn át hẳn bản nghề văn chương.

Ôm đồm nhiều nghề nhiều thứ, thế nhưng với Lê Anh Hoài, việc nào ra việc đấy và không dồn cho chúng quá nhiều thời gian. Cũng như trách nhiệm với gia đình, mỗi sáng không quên nhiệm vụ chở con gái đi học, rồi trưa ăn nhoáng nhoàng ở cơ quan, chúi mũi vào công việc viết báo, tổ chức bài vở, liên lạc cộng tác viên, biến thành Mr. Búp Bê giải quyết các rắc rối tâm lý của độc giả trẻ tuổi. Tối mờ mịt, gã mò về nhà với bữa tối trễ tràng. Còn văn chương hay các việc sáng tác khác, là của ban đêm, của buổi sáng sớm.

Sinh năm 1966, làm báo viết văn từ năm 1990, Lê Anh Hoài đi qua trọn vẹn 10 năm vừa làm vừa chơi, vừa để lại dấu ấn riêng cho mình, kể cả khi những thứ gã đã làm lắm khi đầy phù du, phù phiếm. Mà đã là đàn ông, nhất là đàn ông theo con đường nghệ thuật, ai mà chả như vậy...

Tác giả: Việt Quỳnh

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây