Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Hãy gọi tôi theo cách của chính bạn

Thứ tư - 27/10/2010 04:16 2.236 0

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Hãy gọi tôi theo cách của chính bạn

P.v: Chào anh Nguyễn Vĩnh Tiến. Gần đây nhắc đến anh, người ta thường nghĩ ngay tới một Nguyễn Vĩnh Tiến nhạc sĩ với hàng loạt các ca khúc mang phong cách dân gian hiện đại mà hầu như “quên” mất một Nguyễn Vĩnh Tiến nhà thơ. Tôi hỏi thật nhé, anh có buồn vì điều này không? Từ trong sâu thẳm, anh muốn được gọi là nhà thơ hơn hay nhạc sĩ hơn?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Thực ra, tôi lại là một Kiến trúc sư được đào tạo bài bản tại Việt nam và Cộng hoà Pháp. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục luận án tiến sỹ của mình về Quy Hoạch và Thiết Kế Đô Thị tại Đại Học Kiến Trúc Quốc Gia Toulouse. Việc viết văn, làm thơ và viết ca khúc luôn là một niềm đam mê song hành, nó dường như không thể tách rời trong việc nhìn nhận về tổng thể cá tính và sáng tạo trong con người tôi. Vậy thì hãy cứ gọi tôi theo cách của chính bạn.

P.v:Việc Nguyễn Vĩnh Tiến xuất hiện khá đường đột và gần như thành công ngay lập tức với vai trò nhạc sĩ đã  khiến nhiều bạn viết (trong đó có tôi) khá bất ngờ. Anh có thể nói kĩ hơn một chút về bước ngoặt này?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Năm 2005, lần đầu tiên tại Việt nam xuất hiện một chương trình trên VTV3 với tên gọi : “Bài Hát Việt”. Đây là một chương trình tìm kiếm và giới thiệu những ca khúc đương đại của các nhạc sỹ và người viết ca khúc ở Việt nam. Tôi đã tham gia chương trình này với 2 ca khúc : “Bà Tôi” và “Giọt Sương Bay Lên”. Cả hai ca khúc này đều được giải nhất tháng 7 và tháng 11, và sau đó, “Giọt Sương Bay Lên” trở thành ca khúc xuất sắc nhất trong phong cách Dân Gian Đương Đại năm 2005. Gia đình, bạn bè và chính cả tôi cũng bất ngờ. Thực ra, tôi đã sáng tác ca khúc từ năm 12 tuổi với cây đàn ghi-ta Văn Châu ở Thị Xã Phú Thọ. Nhưng với giải thưởng này, tôi tự tin hơn và quyết định cho ra đời 2 album ca khúc của mình vào 2 năm tiếp theo 2006 và 2008 với 15 bài hát tuyển chọn theo phong cách mà người ta gọi là : “Dân gian đương đại “ đó.

P.v: Trở lai với văn chương một chút. Trong những người cùng thế hệ, tôi rất ấn tượng với một Nguyễn Vĩnh Tiến rời trung du ra đi nhưng luôn đau đáu nỗi niềm dành cho nó. Anh, tôi và một số bạn viết khác nữa, đều có một vùng đất của riêng mình. Anh nghĩ sao khi có người nói, chúng ta đang tự bào mòn mình khi cứ loanh quanh mãi ở không gian ấy?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Từ một “cánh đồng bất tận” mới có Nguyễn Ngọc Tư, một dải núi xanh thẳm phía bắc, mới có Đỗ Bích Thuý. Còn với Trung Du, nơi tiếp nối giữa vùng cao với đồng bằng, nơi những ngọ đồi bát úp, cọ xoè ô chẻ nắng, có tuổi thơ tôi. Đó dường như là điểm xuất phát. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi loanh quanh trong những hoài niệm, rất có thể chúng ta sẽ đánh mất thế giới trước mặt. Trong thời đại mới này, chúng ta đã là công dân của một thế giới phẳng, vì vậy, việc tiếp nhận những kiến thức mới và những vấn đề nhân loại cũng trở thành một mục tiêu, để sau đó, chuyển hoá vào bút lực cho ta những tầm vóc văn chương vạm vỡ hơn.
 
P.v:
 Hỏi điều này e hơi khập khiễng, nhưng thực sự là tôi vẫn thường băn khoăn, âm nhạc và văn chương, thứ nào khiến sự ham muốn bộc lộ cảm xúc của người nghệ sĩ được đáp ứng dễ dàng hơn, trong khi dường như đối với người hưởng thụ thì con đường âm nhạc luôn ngắn hơn, nhanh hơn với văn chương?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Một bản nhạc hoặc một tác phẩm văn học dở thì có lẽ không có cách nào vang lên hoặc sống trong lòng công chúng được. Nhanh hay chậm nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì chúng ta xem xét hàm lượng nghệ thuật của tác phẩm, vấn đề là nó phải hay, phải thấm sâu vào cảm xúc và thuyết phục về mặt trí tuệ đối với độc giả. Tôi thường nghĩ, âm nhạc thường đến nhanh hơn, nhưng văn chương mới là thứ ở lại lâu hơn trong ta, thậm chí ngấm sâu vào ta để trở thành văn hoá và nhân cách của ta...

P.v:  Anh là người đã tuyên bố: “Sẽ đóng gói và làm “lễ đưa tiễn” những bài hát, bài thơ, bài viết mà tôi đã lao động trong 10 năm để sáng tạo ra chúng”. Tuyên bố này khiến nhiều người giật mình. Chắc hẳn đó không phải là một thông tin gây “sốc” chứ? Anh có thể lý giải dễ hiểu hơn về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Đó là một cách nói hình ảnh mà thôi. Tác phẩm khi chúng ta đã hoàn thành, chúng ta  đều mong muốn những đứa con tinh thần đó sẽ được ra “ở riêng”, để chúng ta không còn lưu luyến với chúng nưã. Để chúng ta tiếp tục sinh ra những tác phẩm mới. Sự ra “ở riêng” đó, cùng với sự tiếp nhận của công chúng sẽ quyết định sức sống của tác phẩm. Các yếu tố đó trở nên khách quan và thoát khỏi tầm kiểm soát của chính tác giả. “Lễ Đưa Tiễn”, có lẽ được định nghĩa là bữa tiệc chia tay cuối cùng giữa Cha Mẹ (Tác giả) và các con (tác phẩm).

P.v:  Anh có cách nhìn thế nào về văn chương 7X? Liệu 20, 30 năm nữa, các thế hệ đàn em có thể nhìn chúng ta như một điểm nhấn trong dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam như chúng ta hiện đang nhìn các cây bút trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ không?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Thế hệ 7x, những nhà văn đầu tiên được sinh ra trên Đất nước Việt nam thống nhất. Chúng ta có một tuổi thơ vẫn còn mùi bom đạn, mùi bao cấp và cả mùi Đổi mới. Trong những trang viết của 7x, tôi thường nhận thấy cả 3 thứ mùi vị ấy. Nó đậm đà và nhưng cũng đầy hoang mang và hoài nghi. Nó lãng mạn, nhưng cũng đầy buị trần của công trường đổi mới. Nó cô đơn như một dấu gạch nối. Và tất nhiên, việc nhìn nhận vai trò trong dòng chảy văn học sử Việt nam, do những thế hệ sau đánh giá, lại thuỳ thuộc vào sức sáng tạo của nhà văn 7x hôm nay. Tôi đã rất vui và tự hào với thành quả văn học của những người bạn như : Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thuý, Vi Thùy Linh, Đặng Thiều Quang, Lưu Sơn Minh ...

P.v:  Văn chương của ta nói chung, thơ nói riêng, xét về mặt số lượng tác phẩm ra đời mỗi năm thì chắc cũng ngang ngửa với các ca khúc mà thôi, vậy sao các ca khúc thì được “tiêu thụ” mạnh còn văn chương thì ì ạch vậy? Phải chăng người làm văn chương vẫn chưa có được một sách lược đúng đắn trong việc tiếp thị?

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến:  Sự bùng nổ ca khúc “dễ chịu” hơn so với sự bùng nổ văn học. Bởi văn học thường mang theo tư tưởng và lối sống. Một ca khúc hay, có lợi thế là được phát đi phát lại rất nhiều lần và trên nhiều phương tiện truyền thống khiến người ta dễ nhớ. Một tác phẩm văn học, thường chỉ được giới thiệu một vài lần, lại thường nằm im trong những cuốn sách văn học, nó lặng lẽ chờ đợi những tâm hồn văn chương tìm kiếm, cơ hội của nó ít hơn một ca khúc. Thế nhưng, sức mạnh ngôn ngữ của một tác phẩm văn học sẽ mạnh mẽ và sâu xa hơn rất nhiều. Trong khi âm nhạc chảy như một dòng sông thì Văn chương lại như những bến bờ neo giữ tâm hồn và ký ức chúng ta.

P.v:Một câu hỏi nữa nhé, tôi thấy rõ ràng là anh đang có một dự định gì đó, qua những lần trả lời phỏng vấn báo chí, qua một vài câu chuyện tưởng như bâng quơ. Anh có thể nói trước với bạn đọc về dự định cho văn chương đó không?  
 
 Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi vẫn ước mơ sẽ tiếp tục xuất bản một Tập Thơ dày dặn và đầy đủ những sáng tác từ 1990 – 2010. Hai mươi năm viết thơ đấy. Và thêm một tập truyện ngắn nữa. Về tiểu thuyết, tôi chưa bắt đầu, tôi nghĩ có lẽ khoảng hai mươi năm nữa mới đủ độ. Còn về Âm nhạc, sau Vol2 sẽ là Vol3- tiếp tục một Album Dân gian đương đại Việt nam pha trộn với nhạc Jazz và Blues để có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế.

P.V:Cảm ơn anh đã ghé thăm Quán văn. Chúng tôi sẽ cùng chờ tới khi những ước mơ của anh trở thành hiện thực để có thể nói lời chúc mừng.

Nguyễn Vĩnh Tiến

Sinh năm 1974 tại Phú Thọ.
Năm 1994: Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC; Giải nhất Nghiên cứu khoa học của Bộ giáo dục và Đào tạo; Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo.
Năm 1996 Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Năm 2003 Đạt học bổng của Bộ văn hoá Pháp về chuyên đề: Thiết kế đô thị, Di sản phát triển bền vững.
Năm 2005 Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam.
Năm 2006 Là một trong 4 người xuất hiện trong chương trình Gặp gỡ nhân vật Người đương thời tiêu biểu năm 2006 (kênh VTV1).
Đầu năm 2007: Phát hành album VOL1 : "Giọt sương bay lên" với tiếng hát Ngọc Khuê
Tháng 8/2008 : Phát hành album VOL2  : "Ngồi Trên Vách Nắng" với tiếng hát Tùng Dương – Anh Thơ - Trọng Tấn và Tuấn Anh
Năm 2010 Nguyễn Vĩnh Tiến được bầu chọn là 1 trong 20 thanh niên Việt Nam tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực Văn Hoá Nghệ Thuật trong 5 năm : 2005-2010
Hiện là Chủ tịch  HĐQT Công ty cổ phần Kiến trúc & Thương mại Việt - Pháp T&T (T-group)

Tác phẩm VH đã in:
1. Những Bình Minh Khác : Tập Thơ
2. Những Giấc mộng kín : Tập truyện ngắn (in chung)

ĐỖ BÍCH THÚY (thực hiện)
Nguồn: VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây