Nỗi ám ảnh 17 năm ròng
* Lý do gì khiến chị cùng lúc xuất bản 3 tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau?
- Khi không còn trẻ và khi cảm nhận được thời gian như đang rượt đuổi sau lưng, tôi (chắc có lẽ không chỉ là riêng tôi) thường muốn lấy cái mốc thời gian cụ thể nào đó để đánh dấu cho sự nỗ lực của mình. Tôi chọn cái mốc là năm 2009 và hoàn tất bản thảo vào cuối năm để ra mắt bạn đọc trước Tết Canh Dần.
* Thế giới xô lệch là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, được biết phải mất hơn 17 năm mới hoàn thành?
- Nói chính xác hơn, Thế giới xô lệch ám ảnh tôi suốt 17 năm ròng, còn hoàn tất bản thảo là khoảng thời gian từ giữa năm đến cuối năm 2009. Viết tiểu thuyết, theo tôi là một cuộc hành trình hết sức nhọc nhằn, ngoài kỹ năng viết, cảm xúc và sự trải nghiệm, còn có sự ám ảnh. Không có sự ám ảnh dai dẳng, sẽ khó có thể viết được một quyển tiểu thuyết đúng nghĩa của nó.
* Nuôi giữ được sự ám ảnh đó, nhưng với một nhà văn viết khá khỏe ở thể loại truyện ngắn như chị, tại sao tiểu thuyết Thế giới xô lệch lại chậm hoàn thành như thế?
- Tiểu thuyết Thế giới xô lệch, 17 năm trước vốn là một truyện vừa (50 trang đánh máy) với cái tên Đò ơi... đó cũng là tác phẩm tốt nghiệp khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du của tôi.
Truyện vừa Đò ơi... lúc đó được Hội đồng giám khảo cho điểm 10. Trong buổi liên hoan chia tay với các thầy cô, thầy Phạm Vĩnh Cư ghi vào quyển sách lý luận phê bình của thầy với lời đề tặng: “Rất quý mến tặng Bích Ngân với nhiều mong đợi ở em!”.
Sau khi ra trường, tôi trở về với công việc của một người làm báo, làm xuất bản và làm mẹ, tất bật với những lo toan cho cuộc sống hàng ngày, thành ra việc tiếp tục viết một tác phẩm dài hơi đành gác lại, nhưng... chỉ gác lại trên trang viết.
Suốt chừng ấy năm tôi vẫn không ngừng quan sát, hít thở, cảm nhận và suy ngẫm về cuộc sống và... tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ khích lệ của thầy Phạm Vĩnh Cư, để tự nhủ mình phải tiếp tục hoàn tất cái tác phẩm còn dở dang. Rồi khi có thể tiếp tục viết, bằng sự trải nghiệm và bằng nỗi ám ảnh day dứt, tôi lại cơi nới kích cỡ nhân vật, cơi nới không gian cho cái thế giới nhân vật đã xây dựng trước kia, thêm những chiều kích mới.
* Các nhân vật “tôi” xuyên suốt trong Thế giới xô lệch là một thanh niên trí thức bị mất cả hai chân và trở về sống một cuộc sống thoạt nhìn cũng hết sức bình thường. Anh ta được chăm sóc, được sự thương yêu của gia đình rồi cũng cưới được vợ (cô vợ lại xinh xắn), được làm một người đàn ông...
- Anh ta đã cố gắng hết sức để trở thành một người đàn ông. Nhưng, làm sao anh ta có thể trở thành một người đàn ông thực thụ khi không thể đóng được một cây đinh vào tường cho vợ mắc mùng, không tự mình mua được món quà tặng vợ và không thể yêu vợ bằng cách yêu thông thường của bất kỳ người đàn ông nào lành lặn, khỏe mạnh.
Khi đã không có được một cuộc sống bình thường của một người đàn ông và không thể đi lại như một người bình thường, thì anh ta lại xê dịch cái thế giới tinh thần của mình, cái thế giới không thể bị đóng khung, không thể bị giam giữ. Như cái ra-đa, anh ta thu nhận được những tần số của cảm xúc, trước nhất là của những người gần gũi thương yêu và của chính mình. Đó là một thế giới vừa nhỏ bé vừa rộng lớn. Một thế giới không ngừng chuyển dịch và kiếm tìm. Một thế giới vừa ấm áp vừa giá lạnh. Một thế giới vừa lành lặn vừa khiếm khuyết. Một thế giới mà nỗi đau và sự tổn thương khiến con người không ngừng xê dịch và kiếm tìm thứ hạnh phúc đích thực. Cái thế giới cồn cào nghiệt ngã đó có lúc căng kéo, chao đảo, nghiêng ngả chừng như không thể giữ được thăng bằng nếu thiếu cái sức mạnh của tình người.
* Sau 17 năm, cái nhìn của chị đối với thế giới nhân vật trong Thế giới xô lệch có khác đi?
- Không khác. Nhưng dày dặn hơn, tinh tế hơn, khốc liệt hơn, biết tự vấn hơn và vị tha hơn.
Nhà văn nữ đầu tiên viết truyện hài
* Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định chị là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam viết thể loại trào phúng. Chị có thể nói đôi chút về cuốn truyện hài Trăng mật ở đảo?
- Lúc đầu tôi cũng bất ngờ khi nghe nhận định đó của nhà thơ Lê Minh Quốc, một người đọc nhiều biết nhiều. Nhưng rồi tôi cũng lờ mờ đoán ra nguyên nhân vì sao phụ nữ (nhất là phụ nữ Việt Nam) lại ít viết truyện hài. Đó là do góc nhìn khá hẹp đối với thể loại văn chương khá đặc biệt này.
Để có được tập truyện hài Trăng mật ở đảo ra mắt bạn đọc, trước hết tôi xin cảm ơn sự “kỹ tính” của các anh chị trong ban biên tập báo Tuổi trẻ cười. Và nhờ sự kỹ tính đó mà tôi thấy mình viết truyện hài... lên tay (cười).
* Sau 7 đầu sách và một vài kịch bản sân khấu đã trình làng, nhà văn Bích Ngân có thể “bật mí” trước những dự định sáng tác của chị?
- Tôi vẫn tiếp tục viết truyện ngắn, truyện hài, thỉnh thoảng viết kịch bản sân khấu và... đang manh nha cho một quyển tiểu thuyết mới.
* Xin cảm ơn chị.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Nguồn: TT&VH
Ý kiến bạn đọc