"Giã từ vũ khí" của Hemingway có 47 kết thúc

Thứ năm - 02/08/2012 22:26 3.977 0
Ernest Hemingway đã viết tới 47 cái kết khác nhau cho tiểu thuyết A farewell to arms (Giã từ vũ khí). Tất cả những câu kết này được tập hợp trong ấn bản mới của tác phẩm, dự kiến ra mắt bạn đọc vào tuần tới.
Ernest Hemingway đã viết tới gần 50 cái kết cho Giã từ vũ khí - Ảnh Getty Images
Ernest Hemingway đã viết tới gần 50 cái kết cho Giã từ vũ khí - Ảnh Getty Images

Được xem như một cuốn bán tự truyện của Ernest Hemingway, Giã từ vũ khí ra đời năm 1929, kể về chuyện tình trong Thế chiến thứ nhất giữa Frederic Henry - một người Mỹ tình nguyện lái xe cứu thương cho quân đội Ý, và cô y tá Catherine Barkley.

Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng Henry và Catherine cũng được ở bên nhau và cùng chờ đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên Hemingway lại chọn một cái kết khá buồn khi để Catherine và cả đứa bé chết trong quá trình sinh nở.

Lúc sinh thời, Ernest Hemingway - người đoạt giải Nobel văn học - từng chia sẻ với tờ Paris Review rằng cái kết tiểu thuyết Giã từ vũ khí được ông viết đi viết lại tới 39 lần trước khi thật sự cảm thấy “hài lòng”.

Không chỉ đưa ra nhiều sự lựa chọn về nội dung tác phẩm, nhà văn này còn soạn danh sách một loạt tên tiểu thuyết khả dụng như: Love in War, World Enough and Time, Every Night and All, Of Wounds and Other Causes, The Enchantment... Cuối cùng, A Farewell To Arms được Hemingway lựa chọn theo tên một bài thơ của nhà soạn kịch người Anh ở thế kỷ 16 George Peele.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ tờ New York Times, Seán Hemingway - cháu nội của Ernest -  trong quá trình nghiên cứu tuyển tập các tác phẩm của nhà văn tại Bảo tàng và thư viện tổng thống John F. Kennedy ở Boston đã tìm thấy thêm 8 cái kết khác, nâng tổng số câu kết của tiểu thuyết Giã từ vũ khí lên con số 47.

Trong 47 cái kết này có cả một cái kết do tiểu thuyết gia người Mỹ nổi tiếng F. Scott Fitzgerald (cha đẻ tác phẩm Gatsby vĩ đại) tư vấn cho Hemingway.

Ngoài ra còn một số câu kết đáng chú ý khác như câu kết được đặt tên là “Kết về sự sống của đứa trẻ” với nội dung “Không có điểm cuối ngoài cái chết và một đứa trẻ sinh ra là sự khởi đầu duy nhất”.

Hay đoạn kết được gọi là “cái kết Nada”: “Tất cả câu chuyện là đây. Catherine đã chết, bạn sẽ chết và tôi cũng phải chết và đó là tất cả những gì tôi có thể hứa với bạn”.

Một cách ngẫu nhiên, kết thúc của Giã từ vũ khí cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi khi tiểu thuyết được dựng thành phim năm 1932. Khi phát hành tại châu Âu, phim giữ nguyên cái kết giống trong cốt truyện gốc của Hemingway, tức là để Catherine chết và Henry lầm lũi trở về nhà trọ trong cơn mưa tầm tã.

Tuy nhiên khi ra mắt công chúng ở Mỹ, Hãng sản xuất Paramount lại quyết định thay đổi câu chuyện khi để cho Catherine sống.

Tác giả: Nguyên Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây