Giang Nam từng là học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn (Bình Định), nơi có rất nhiều người thầy nổi tiếng thời bấy giờ giảng dạy, trong đó có thầy giáo Ngô Xuân Thọ - thân sinh nhà thơ Ngô Xuân Diệu.
Giang Nam học giỏi nhất là môn văn (cả Pháp lẫn Việt), được nhận học bổng 4 năm liền và được thầy Thọ rất yêu mến. Đầu năm 1945, Giang Nam đến Câu lạc bộ Văn hoá Nghệ thuật TP Quy Nhơn nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện.
“Tôi quen Xuân Diệu qua thơ trước đó rất lâu nhưng hôm đó mới thấy mặt anh, tuy chỉ là kính nhi viễn chi vì chỉ ngồi ở xa nghe anh nói chuyện”- Nhà thơ Giang Nam kể và cho biết thời ấy ông thích cái chất hiện đại trong thơ Xuân Diệu, đặc biệt là cảm xúc say mê đến tận cùng mà nhà thơ không cưỡng lại nổi như trong bài Nguyệt Cầm: “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi!/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.
Xuân Diệu thường về thăm cha, và lần nói chuyện kể trên là trong một dịp như vậy. “Tuy có người con sớm nổi tiếng, nhưng thầy Ngô Xuân Thọ lại hay chê thơ Xuân Diệu. Tôi thấy thời ấy giữa hai thế hệ đã có những cái khác nhau rồi”- Giang Nam nói.
Sau giải phóng miền Nam, Giang Nam cùng đoàn các nhà văn thuộc Văn nghệ Giải phóng ra Hà Nội để đi nước ngoài nên đã gặp Xuân Diệu: “Gặp anh em làm văn nghệ miền Bắc, tôi có nhiều bỡ ngỡ, nhiều lúc chẳng biết nói gì. Xuân Diệu là cầu nối. Sự chan hòa, không kênh kiệu của một nhà thơ lớn đã góp phần nối rộng thêm vòng tay giữa các anh em làm văn nghệ hai miền Nam-Bắc”.
Năm 1978, Giang Nam được điều ra Bắc để làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Tình bạn giữa Xuân Diệu và Giang Nam trở nên khăng khít.
Bức thư Xuân
Bức thư Xuân Diệu gửi Giang Nam . |
Trong chiến tranh, Giang Nam vốn thường xuyên phải xa vợ con, nên lần này ông cố động viên vợ ra Hà Nội sống cùng mình.
Đến nơi, thấy cảnh sống của chồng quá tạm bợ, bà đã bật khóc vì thương, nhưng vẫn nỗ lực vượt khó cùng ông. Tuy nhiên, do không quen khí hậu miền Bắc nên bà đau ốm liên miên nên cuối cùng Giang Nam đành để vợ trở lại Nha Trang.
Chuyện riêng trên của Giang Nam được Xuân Diệu chia sẻ nhiều nhất. Mỗi lần Giang Nam về nhà thăm vợ, Xuân Diệu đều gửi quà.
Còn mỗi khi vào công tác Nha Trang, Xuân Diệu thường bố trí thời gian đến thăm gia đình Giang Nam. Về Hà Nội, Xuân Diệu nhắn Giang Nam đến nhà chơi: “Cậu tu mấy kiếp mới được một người vợ như vậy. Thương chồng, thương con, quý trọng bạn bè của chồng khiến mình rất cảm động. Cậu hãy biết ơn cô ấy, chăm sóc nhiều hơn nữa”.
Một điều đặc biệt khác là Giang Nam trùng ngày sinh với Xuân Diệu (2-2). Cuối tháng 1-1984, như thường lệ ông lại rời Hà Nội về Nha Trang ăn tết. Ngẫu nhiên ngày mùng một Tết Giáp Tý năm đó lại đúng ngày sinh nhật của hai nhà thơ.
Khi đó bạn bè tại Nha Trang đã đề nghị Giang Nam ở lại với quê nhà lâu hơn nên nhà thơ đã xin phép được trở lại chậm một thời gian.
Sau đó, Giang Nam bất ngờ nhận được lá thư đầu xuân của Xuân Diệu viết ngày 18-2-1984 gửi qua đường Hội Văn nghệ Khánh Hòa. Giang Nam hết sức xúc động vì bức thư xuân này vừa có chuyện chung, vừa có chuyện riêng giữa hai người mà vẫn đằm thắm tình bạn.
Lá thư này đã được Giang Nam gửi tặng Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam để trưng bày. Trong thư Xuân Diệu viết (nguyên văn):
“Hà Nội 18-2-1984
Giang Nam ơi,
Những ngày đầu Xuân Giáp Tý, XD thăm sức khỏe bạn và gia đình. Mình rất nhớ Nha Trang và vẫn còn cảm tạ chị Giang Nam đãi mình bữa cơm gia đình ấm cúng.
Hai chúng ta có chỗ tâm đắc với nhau về chữ “tâm”, cuộc đời còn nhiều trồi sụt, đổi thay, ta nguyện với nhau trung thành với tình bạn.
Giang Nam ơi, Hội đồng thơ mời cậu tham gia Hội đồng, gồm có: XD, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Giang Nam, Hữu Thỉnh.
Gọn nhẹ như thế, để trong thực tế, dễ làm việc.
Trong khi Giang Nam còn ở Nha Trang, khi có những cuộc họp cần thiết của Hội đồng thơ, thì sẽ mời Giang Nam ra dự.
Bạn Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu (Ban thư ký) hoan nghênh sự có mặt của Giang Nam trong Hội đồng thơ.
Mình ra Tuyển tập thơ XD rồi, cất để dành một quyển, chờ tặng Giang Nam.
Nhớ miền Nam Trung bộ của chúng ta lắm.
Ôm bạn thật chặt
Bạn
Xuân Diệu”
Hội đồng thơ như Xuân Diệu nói trong thư, chỉ có nhà thơ Giang Nam và Hữu Thỉnh là mới. Xuân Diệu luôn muốn tạo điều kiện để lớp kế cận làm việc và phát triển, nên viết thư cho Giang Nam.
Đó là bức thư cuối cùng Giang Nam nhận được từ người bạn tâm giao cho đến ngày nhà thơ Xuân Diệu qua đời (18-12-1985).
Tác giả: Kiến Nghĩa
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc